Việc chấm dứt quyền sở hữu công nghiệp đối với NHHH là vấn đề liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của chủ NH và các bên liên quan. Do đó pháp luật tất cả cỏc nước đều quy định rất cụ thể, chặt chẽ về các trường hợp cũng như trình tự, thủ tục tiến hành chấm dứt quyền sở hữu công nghiệp đối với NHHH.
Trước đây, pháp luật Việt Nam quy định hai hình thức chấm dứt quyền sở hữu công nghiệp đối với NHHH là huỷ bỏ văn bằng bảo hộ và đình chỉ hiệu lực của văn bằng bảo hộ NHHH.
Luật SHTT 2005 cũng thừa nhận hai hình thức đó nhưng có sự thay đổi cho phù hợp hơn, đó là "huỷ bỏ văn bằng bảo hộ", được đổi thành "huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ" còn "đình chỉ hiệu lực của văn bản bảo hộ NHHH" được thay bằng "chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ".
* Huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ NHHH
Theo quy định tại Điều 96 Luật SHTT 2005, văn bằng bảo hộ bị huỷ bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau:
+ Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với NH;
+ NH không đáp ứng được các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.
Người có quyền yêu cầu huỷ bỏ văn bằng bảo hộ NH là bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn.
* Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ
- Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định.
- Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền được hưởng theo văn bằng bảo hộ. - Chủ văn bằng bảo hộ không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp.
- NH không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn 5 năm liên tục từ ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu lại từ ít nhất 3 tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.
- Chủ Giấy chứng nhận đăng ký NH đối với NH tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng NH tập thể.
- Chủ Giấy chứng nhận đăng ký NH đối với NH chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng NH chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng NH chứng nhận.
Qua các quy định về những trường hợp huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ và chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ, chúng ta có thể thấy một số vấn đề cần lưu ý sau:
Thứ nhất, pháp luật Việt Nam không quy định khả năng văn bằng bảo hộ NH bị chấm dứt hiệu lực khi NH qua quá trình sử dụng mất đi tính phân biệt. Trong khi đó, như đã trình bày ở chương 1, tính phân biệt của NHHH không phải là bất biến. NH có thể có được hay mất đi tính phân biệt vốn có qua quá trình sử dụng.
Thứ hai, với trường hợp văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực do chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực cần được quy định cụ thể về thời gian ân hạn cũng như biện pháp khắc phục để đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể và bảo đảm sự phù hợp với các điều ước quốc tế. Chẳng hạn, về vấn đề này cách giải quyết theo Công ước Pari 1883 là quy định ân hạn cho việc nộp tiền duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ. Người nộp phí gia hạn muộn phải nộp thêm một khoản phí phụ trội nhất định. Thời gian ân hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực.