Giọng kể chuyện tâm tình

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy (Trang 98 - 102)

41 134 3,26 từ/bài Nxb Tác phẩm mới,

3.3.1.Giọng kể chuyện tâm tình

Cảm hứng sáng tác khơi nguồn từ cuộc sống, từ những chi tiết đời thường. Là một nhà thơ ngay từ khi mới cầm bút đã khao khát muốn giãi bày những “cảm xúc và suy nghĩ trước những chuyện lớn chuyện nhỏ quanh mình” (Hoài Thanh) [129, tr.5], và luôn tâm niệm thơ mình phải như tiếng đàn bầu lẩy lên “những tâm tình ở đằng sau tâm tình” (Đàn bầu), nên việc hình thành trong thơ Nguyễn Duy giọng kể chuyện tâm tình như một lẽ dĩ nhiên. Góp phần tạo nên giọng điệu này phải kể trước hết ở

việc nhà thơ vận dụng thể thơ lục bát truyền thống. Những bài thơ viết về tình cảm với quê hương, gia đình làm theo thể thơ này luôn mang lại vẻđằm thắm, chân thành:

“Tre xanh xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh?” (Tre Việt Nam)

Nhịp đôi là nhịp phổ biến của lục bát tạo nên giai điệu cho thể loại chiếm ưu thế trong bài thơ (24/30 dòng thuần túy nhịp đôi ) khiến cho “trạng thái’ của nó hòa nhập cùng “trạng thái” của lục bát dân gian, nhuần nhị, êm đềm, với giai điệu đều đều của một khúc tâm tình trong giọng kể thiết tha sâu lắng. “Tre xanh” nhưng màu xanh

đó có “tự bao giờ?”. Không ai biết đích xác, chỉ biết rằng nó đã được truyền tụng là có tự “ngày xưa”. Dòng chảy của nhịp điệu này khiến người nghe bồi hồi. Những biểu hiện về tính “thuần khiết” trong âm luật đã khiến cho nhạc điệu bài thơ phảng phất khí vị của ca dao, đằm thắm, lắng đọng một niềm tâm tư sâu thẳm.

Hay những câu lục bát viết về tình cảm của nhà thơ với mẹ, với lời ru của mẹ đã khiến người đọc thật sự xúc động bởi những cảm xúc lắng sâu của chủ thể trữ tình:

“Cái cò…sung chát…đào chua… câu ca mẹ hát gió đưa về trời ta đi trọn kiếp con người

cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”

(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)

Từ ngàn xưa, những lời ru tiếng hát cất lên từ các xóm làng Việt Nam, nói chung vẫn là dựa trên cơ sở của thể thức lục bát. Bởi vậy, cái âm hưởng lục bát từ

bao đời dường như trở thành một âm hưởng ít nhiều mang tính chất tượng trưng cho xóm làng dân dã, cho tâm tình người nông dân Việt Nam. Và với những trang thơ đậm chất dân gian của Nguyễn Duy, việc sử dụng giọng điệu này âu cũng là một điều dễ hiểu.

Với cảm xúc thường nhìn về quá khứ, cội nguồn hay hướng về tương lai từ điểm nhìn hiện tại nên kết cấu bài thơ, mạch thơ là kết cấu theo trật từ thời gian. Những chuỗi sự việc diễn ra liên tiếp nhau, cảm xúc này gợi lên cảm xúc kia cứ thế

thành liền mạch hình thành giọng kể chuyện. Ở bài Tre Việt Nam là câu chuyện về đời tre trải dài từ “ngày xưa” đến “mai sau”; Bầu trời vuông kể về phút nghỉ ngơi dưới mái tăng của người lính sau trận đánh; Hơi ấm ổ rơm kể chuyện một đêm lỡ đường; cuộc đời của người bà, người bố là cốt truyện của Đò Lèn, Cầu Bố; Ám ảnh cát ghi lại quãng cuối đời của bà mẹ liệt sĩ…Thậm chí có những bài thơ của ông chỉ

gồm hai câu như: “Ngấp nga ngấp ngoáng kêu ma / hóa ra ta gặp bóng ta trên tường” (Gặp ma) nhưng ta vẫn có thể dựng thành truyện cười hoặc truyện ngụ ngôn thú vị. Khi kể lại những câu chuyện này, Nguyễn Duy rất ít khi “thác lời” mà thường

đóng vai người kể chuyện ở ngôi thứ nhất:

Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm… Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng…

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá… Tôi về xứ Huế mưa sa…

Làng ta ở tận làng ta…

Đằng ấy lúc lắc tớ lúc lắc…

Bằng cách dùng nhiều đại từ nhân xưng: “tôi, ta, anh, tớ”..., Nguyễn Duy đã tạo được sự chân tình gần gũi, rút ngắn khoảng cách giữa nhà thơ và người đọc, tạo không khí thích hợp để kể chuyện tâm tình. Bên cạnh đó, ông còn sử dụng nhiều từ

hô gọi có âm điệu thiết tha như: ai ơi , em ơi, người ơi … và rất nhiều những từ đệm với mục đích diễn giải, tạo không khí thân tình nhẹ nhàng, ấm áp: “Nhà tôi đó, không cổng và không cửa / ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào” (Cầu Bố), “Hậu hoa hậu còn gập ghềnh lắm / thua cũng thương mà thắng cũng thương” (Hoa hậu vườn nhà ta)…Ngay cả khi viết về những câu chuyện có tính chất bi thương, nếu như những từ

ngữ Nguyễn Bính dùng dường như ướt đẫm nước mắt trên từng trang thơ thì Nguyễn Duy chỉ sử dụng những từ ngữ có sắc thái điềm đạm ôn hòa. Trong bài Người đang yêu, ông đã dùng cụm “bạn tôi qua đời rồi” để nói đến sự ra đi của một người đồng

đội vì “Sốt cơn ác tính cháy da”. Để thể hiện nỗi đau của một người lính khi trở về vợ đã sinh con với người khác, ông viết: “Ôi, nếu không vì tám năm cách trở / làm gì nên nỗi nào” (Trở lại khúc hát ru). Và đây là những lời thơ ông viết về nỗi đau hôn nhân tan vỡ: “Sự dối lừa xúc phạm tình yêu/ đành chấp nhận bước lỡ làng định mệnh” (Tình ca cho người ly hôn). Dường như mọi cảm xúc của nhà thơ đều được dồn nén, ẩn đằng sau câu chữ để ông đem đến cho người đọc những lời tâm tình chân thành, điềm đạm, ấm áp, vực họ bước qua những nỗi đau tưởng chừng không thể nào qua được. Đây chính là sự đồng vọng của thái độ sống: “Đừng than phận khó ai ơi / Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” (Ca dao) của cha ông thuở nào.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, khi tác động của hoàn cảnh lịch sử

khiến thơ ca mở rộng biên độ phản ánh “đưa chất sống thực tế vào thơ” [144, tr.304] thì kể chuyện tâm tình cũng trở thành một trong những giọng điệu chung của thơ ca thời kì này. Nhưng sự kể của mỗi nhà thơ thì gắn liền với những sắc thái biểu cảm khác nhau. Phạm Tiến Duật kể về “Cái vết thương xoàng mà đưa viện”, về tiểu đội xe không kính, về cuộc gặp gỡ với cô thanh niên xung phong: “Cô ở Thạch Kim sao đùa anh nói là Thạch Nhọn”…thể hiện chất “hồn nhiên tinh nghịch của tuổi trẻ” (Mã Giang Lân) [69, tr.320]. Nguyễn Khoa Điềm kể về Đất ngoại ô quê mình, kể về

những ngày tuổi trẻ miền Nam xuống đường đấu tranh chống Mỹ… bộc lộ chất “giàu suy tưởng, cảm xúc” (Tôn Phương Lan) [144, tr.493]. Thanh Thảo kể về Bài ca ống cóng, Tổ ba người, Dấu chân qua trảng cỏ… bằng “giọng thơ trầm, giàu nghĩ ngợi với những liên tưởng độc đáo, bất ngờ mang ý nghĩa khái quát sâu xa” (Bích Thu) [144, tr.427]. Hữu Thỉnh kể về Chuyến đò đêm giáp ranh, Giấc ngủ trên đường ra trận, Sau trận đánh…, bộc lộ sự “đằm thắm hồn hậu nghiêng về phía rợp mát”, “lắng yêu thương lấn át cái ồn ào sôi sục” (Lưu Khánh Thơ) [144, tr.421]. Bùi Minh Quốc “diễn giải” về Kỷ niệm ở sông Trà, Đôi mắt Việt Nam để “thiên về ngợi ca, hướng về

vẻ đẹp lãng mạn” (Vũ Tuấn Anh) [144, tr.471]. Còn Nguyễn Duy thường kể về

những chuyện đời thường nhỏ nhặt với nỗi niềm tâm tình nhẹ nhàng, chân chất, điềm

đạm, đằm thắm, đậm đà chất ca dao. Chính vì vậy, trên cái nền “tiết tấu quân hành thời chiến” (Vân Long) cũng như một số những nhà thơ trẻ khác, Nguyễn Duy đã tìm

được giai điệu riêng cho mình. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Khi đất nước bước vào thời bình, thế giới tâm hồn và cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ đối với cuộc sống cũng đã thay đổi. Thơ không còn khuôn vào một số giọng

điệu chung như trước 1975. Tư thế trữ tình của cái tôi hôm nay là tư thế một người bình thường tự nói với mình và tâm sự với mọi người về cảm xúc cá nhân, về những vấn đề nhân sinh, thế sự. Mặt khác cuộc sống được cảm nhận nhiều chiều với những quan niệm thẩm mỹ khác nhau. Vì thế, các nhà thơ, nhất là những cây bút trẻ đã có những tìm tòi, cách tân mạnh mẽ về cách thức tổ chức giọng điệu. Giữa những giọng thơ đa dạng đó, Nguyễn Duy vẫn kiên trì giữ vững giọng kể chuyện tâm tình đôn hậu,

ấm áp, điềm đạm, tỉnh táo. Những bài thơ của ông khi viết về người nông dân, về bà, mẹ, cha, về làng quê vẫn tràn ngập sự da diết yêu thương:

“Bom Mỹ dội nhà bà tôi bay mất

đền Sòng bay bay tuốt cả chùa chiền Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn”

(Đò Lèn)

“Cha tôi đó dân làng tôi vậy đó xả hết mình khi nước gặp tai ương

rồi thanh thản trở về với ruộng

sống lặng yên như cây cỏ trong vườn”

(Cầu Bố)

“Điệp khúc sông uốn lượn trong lòng

đò dọc đò ngang lênh đênh cõi nhớ

mùa vải đỏ tu hú về Châu Tử

lách cách mõ thuyền chài xua cá

cô gái chèo thuyền bằng hai chân như múa

đỉnh núi Chum Vàng trăng lu trăng tỏ

dô khoan dô huầy nghiêng ngả cả sông đêm nhịp đập chân dậm dật sạp thuyền…

bà tôi lặn lội bên sông

lả lá chè xanh xuống đò lên chợ

mẹ tôi gồng gánh thay chồng

da bánh mật mài mòn tre bánh tẻ…”

(Giòng sông mẹ)

Không một từ cám ơn, không một lời ca ngợi, tự giọng điệu bài thơ đã diễn tả

sâu lắng tình cảm đằm thắm, thiết tha ân tình của nhà thơ một cách chân thành, cảm

động.

Sử dụng sắc thái giọng điệu này, Nguyễn Duy đã tạo nên những bài thơ dạt dào cảm xúc. Những trang thơ đem đến sự rung động chân thành cho người đọc từ chính lòng nhân ái, tình yêu thương con người, yêu thương cuộc đời của tác giả. Những trang thơ đi vào dòng đời, lòng người hôm nay để người đọc cảm nhận rõ sự hồn hậu trong trẻo của nó mặc dù ở đó còn biết bao điều bất cập, bất ổn. Tuy nhiên có một thực tế rằng giọng kể chuyện tâm tình của Nguyễn Duy trong giai đoạn sáng tác này không hoàn toàn thuần nhất như trước nữa mà có sự xuất hiện song song hoặc đan xen của một giọng điệu khác cũng là giọng điệu chính trong thơ ông: Giọng tếu táo, hài hước

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Duy (Trang 98 - 102)