III) Các giải pháp chủ yếu để mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả của Tổng công ty rau quả nông sản Việt Nam
1. Nâng cao chất lượng của sản phẩm rau quả
- Phát triển vùng sản xuất rau quả
Để đảm bảo khối lượng, chất lượng rau quả xuất khẩu, thực hiện tốt các hợp đồng đã ký, Tổng công ty phải cùng các địa phương thực hiện quy hoạch các vùng chuyên canh rau quả theo hướng sản xuất hàng hoá, với kỹ thuật tiến bộ, được thu hoạch, xử lý bảo quản chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế. Tổng công ty đóng vai trò là người nắm bắt nhu cầu của thị trường thế giới, từ đó định hướng cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp, đạt hiệu quả cao trong sản xuất và xuất khẩu.
Đồng thời người sản xuất cần học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc lai tạo giống; áp dụng công nghệ sinh học vào việc lai tạo để có thêm nhiều giống mới trái sai, kích thước lớn, đồng đều mà vẫn đảm bảo được hương vị của trái cây thuần chủng; phát triển các mô hình sản xuất rau quả kỹ thuật cao như rau sạch, rau an toàn; không sử dụng thuốc trừ sâu quá liều lượng và các chất kích thích tăng trưởng độc hại trong quá trình sản xuất.
- Đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch (bảo quản và chế biến)
• Về chế biến: Tổng công ty phải đảm bảo công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được quốc tế công nhận như ISO, HACCP… đồng thời phải thường xuyên tìm hiểu, cập nhật các thông tin về các tiêu chuẩn, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường, đặc biệt là những thị trường lơn như Mỹ, EU, Nhật để có quy trình chế biến, bảo quản phù hợp. Tổng công ty cũng nên học hỏi các doanh nghiệp nước ngoài về các kỹ thuật bảo quản và nhập những dây chuyền máy móc tiên tiến hiện đại thay cho những thiết bị cũ, lạc hậu. Tổng công ty cũng nên mời các chuyên gia bạn sang chuyển giao công nghệ, hướng dẫn vận hàng dây chuyền chế biến, bảo quản rau quả.
• Về bảo quản, đóng gói: Tổng công ty cần ứng dụng các công nghệ bảo quản rau quả tiên tiến có thể bảo quản rau quả được lâu ngày như: phát triển nhà xử lý, bảo quản bằng kho lạnh, bảo quản bằng nước ozon…Các loại rau quả tuyệt đối không được sử dụng các hoá chất độc hại để bảo quản hoặc để giữ được mùi vị, màu sắc của sản phẩm.
Bao bì đóng gói cũng có giá trị không nhỏ trong việc thu hút người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong điều kiện sản phẩm tràn ngập thị trường, nhất là chất lượng, giá cả nhiều khi không chênh lệch, tất nhiên người mua sẽ lựa chọn những sản phẩm có hình thức đẹp hơn, đặc biệt đối với người tiêu dùng ở các thị trường cao cấp như EU, Mỹ thì vấn đề này càng không được xem nhẹ. Do vậy, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói là rất quan trọng, không những đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn phải tiên dụng, đẹp mắt
Tổng công ty cần đảm bảo chất lượng ổn định đồng đều của các lô hàng xuất khẩu, tuyệt đối không vì lợi nhuận trước mắt mà xuất cả những lô hàng kém chất lượng, vì những lô hàng kém chất lượng có nguy cơ bị trả lại là rất cao. Hơn nữa, việc xuất những lô hàng kém chất lượng sẽ làm cho các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng nước ngoài có ấn tượng xấu về sản phẩm của Tổng công ty. Sản phẩm sẽ rất khó khăn trong việc tăng khối lượng bán trên thị trường quốc tế, thậm chí sẽ phải chịu sự tẩy chay của người tiêu dùng. Do vậy để có vị trí vững chắc trên thị trường xuất khẩu và thiết lập quan hệ làm ăn lâu dài với nhà nhập khẩu thì cách tốt nhất là Tổng công ty phải không ngừng nâng cao chất lượng của các mặt hàng rau quả xuất khẩu.