Với vai trò là một ngân hàng bán buôn thì BIDV cần chủ động và năng động hơn nữa trong việc phối hợp giữa các bên hữu quan trong và ngoài ngành để vận động và xây dựng, triển khai và quản lý các dự án theo đúng cam kết với các nhà tài trợ và cũng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế đất nước và của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Ngân hàng đầu tư cũng cần củng cố và nâng cao cả về năng lực thể chế để đủ điều kiện đóng vai trò là ngân hàng đầu mối cho vay lại không chỉ đối với dự án tài chính nông thôn mà còn với các dự án khác trong thời gian tới đây. Đây là một điều kiện tiên quyết cho BIDV nếu muốn trở thành kênh dẫn vốn ODA quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước. Muốn vậy thì ngân hàng cần phải tăng nguồn vốn điều lệ của mình lên bằng vốn ngân sách cấp bằng tiền, bằng trái phiếu chính phủ đặc biệt hay lợi nhuận giữ lại..
Ngoài ra để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sở giao dịch III với vai trò là ban quản lý dự án cần chú trọng việc tăng cường năng lực cho cán bộ, đào tạo nghiệp vụ và cải tiến cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại/.
KẾT LUẬN
Để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì Việt Nam còn rất nhiều nguồn vốn đầu tư không chỉ có trong nước mà còn từ các nguồn nước ngoài. Qua việc phân tích thực trạng huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA trong thời gian gần đây đã cho thấy ODA có một vai trò rất lớn hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam. Trên thực tế, những chương trình, dự án sử dụng vốn ODA được thực hiện tập trung vào những lĩnh vực, ngành nghề mà Việt Nam đang cần được hỗ trợ: chương trình dự án công cộng, giao thông, phát triển nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường…Đó là những lĩnh vực đầu tư có tính xúc tác, vừa có tác dụng trước mắt đồng thời vừa là cơ sở lâu dài cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Một trong những dự án ODA mang lại hiệu quả đầu tư cao đó chính là dự án tài chính nông thôn I, II, III do WB tài trợ. Các dự án tài chính nông thôn thực sự mang lại nguồn vốn cần thiết cho sự phát triển bền vững của nông thôn Việt Nam. Cho đến nay, việc quản lý cho vay lại nguồn vốn này dưới mô hình ngân hàng bán buôn chứng tỏ là một mô hình quản lý hiệu quả. Các quỹ bán buôn được vận hành mang tính thương mại theo đúng cam kết với nhà tài trợ WB và sở giao dịch III - BIDV. Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy trong việc triển khai và thực hiện các dự án với quy mô lớn, tạo ra một kênh huy động vốn được đảm bảo và mang lại hiệu quả cao.
Tìm hiểu hoạt động quản lý cho vay lại nguồn vốn ODA tại sở giao dịch III dựa trên mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu có thể nói đây vẫn là hoạt động khá mới trong lĩnh vực quản lý vốn ODA cũng như đối với hoạt động ngân hàng. Do kiến thức bản thân còn nhiều hạn chế, vì vậy đề tài nghiên cứu không thể tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được ý kiến góp ý của thầy cô để công trình này được hoàn thiện hơn/.