Hoạt động cho vay lại nguồn vốn ODA dưới mô hình ngân hàng bán buôn tín dụng đã được thực hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây và đã đem lại hiệu quả to lớn không chỉ cho Ngân hàng đầu tư và phát triển, các định chế tài chính mà còn cho sự phát triển kinh tế nông thôn. Vì thế mà Đảng và Chính phủ ta rất quan tâm và chú trọng đến việc thu hút nguồn vốn nước ngoài. Tại nghị quyết đại hội Đảng lần thứ IX đã nêu rõ: “Tranh thủ mọi khả năng và dùng nhiều hình thức thu hút vốn nước ngoài, tranh thủ viện trợ và vay với lãi suất thấp. Các doanh nghiệp trong nước có thể vay vốn nước ngoài để đầu tư với điều kiện đảm bảo chắc chắn việc trả nợ, tranh thủ công nghệ tiên tiến.”. Như vậy, có thể thấy rõ việc phát triển mô hình ngân hàng bán buôn là phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và phù hợp với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể:
Thứ nhất: Vốn ODA cho vay lại phải đúng mục đích và đối tượng nhằm sử dụng tốt nhất nguồn vốn huy động và thúc đẩy kinh tế phát triển. Thông qua hoạt động bán buôn tín dụng góp phần huy động tối đa nguồn vốn ODA cho đất nước. Hướng nguồn vốn này tới hoạt động kinh tế có quy mô vừa và nhỏ - thị trường chiếm 70% dân số của đất nước và là khu vực tư nhân với số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phát triển rất nhanh - sẽ là nhân tố quan trọng của quá trình tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Hoạt động ngân hàng bán buôn cũng cần đi trước trong dự báo nhu cầu đầu tư, đưa ra các giải pháp về nguồn lực để phát triển thị trường đầu ra và sau đó tổ chức việc huy động và cung ứng tối đa nguồn vốn mà xã hội cần.
Thứ hai, Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay để đảm bảo khả năng trả nợ nước ngoài về lâu dài. Trên thế giới có rất nhiều quốc gia khi tham gia vay nợ ưu đãi từ nước ngoài đã không sử dụng tốt mà đã tạo ra gánh nặng nợ rất lớn cho các quốc gia mình như các quốc gia ở Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh và một số nước ở Châu Á. Như vậy có thể thấy việc sử dụng vốn không tốt không những mang lại hậu quả xấu mà còn ảnh hưởng đến gánh nặng nợ trong tương lai. Hoạt động ngân hàng bán buôn cũng vậy, cần huy động vốn tối đa song cũng phải cân nhắc những rủi ro đi kèm.
Thứ ba, Phải kết hợp khai thác nguồn vốn ưu đãi với việc tận dụng hỗ trợ phát triển về trình độ và kỹ năng quản lý để tăng cường năng lực của hệ thống ngân hàng và các bên hưởng lợi. Trên thế giới các nước sử dụng các nguồn vốn ưu đãi cho tăng cường năng lực thể chế rất kém, để khắc phục hạn chế đó thì ngân hàng đầu mối cần có sự quan tâm đặc biệt đối với việc khai thác và sử dụng trong cấu phần tăng cường năng lực thể chế.
Thứ tư, hoạt động bán buôn phải hỗ trợ quá trình phát triển một hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh và có hiệu quả. Một hệ thống ngân hàng hoạt động có hiệu quả không thể tách rời một môi trường chính sách vĩ mô thuận lợi, môi trường pháp lý minh bạch và môi trường kinh doanh bình đẳng. Quán triệt quan điểm này là rất quan trọng vì khi triển khai các dự án ODA ngân hàng bán buôn còn là nơi triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước cả về kinh tế và xã hội.
3.1.2. Định hướng phát triển của sở giao dịch III trong thời gian tới
Khi chuyển giao dự án TCNT I từ ngân hàng nhà nước sang ngân hàng đầu tư và phát triển và thành lập sở giao dịch III, ban lãnh đạo ngân hàng nhà nước cũng như BIDV đã mong muốn sở trở thành một ngân hàng thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA nói chung và của các tổ chức tài chính nói riêng. Trong đó nhấn mạnh quản lý các nguồn vốn để góp phần tối đa huy động vốn,
sử dụng có hiệu quả để đảm bảo khả năng trả nợ cũng như mang hiệu quả cho đất nước cả về kinh tế và xã hội.
Chiến lược kinh doanh dài hạn của sở giao dịch III - Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam là coi trọng mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác với các tổ chức tài chính tiền tệ, các ngân hàng nước ngoài. Đó là tiền đề cho tiến trình hội nhập ngân hàng với khu vực và quốc tế. Quản lý tốt các nguồn vốn được tài trợ là cơ hội để sở giao dịch III nâng cao uy tín và mở rộng quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế.
Như vậy định hướng của ngành về quản lý nguồn vốn là rất rõ ràng: tăng cường các nguồn vốn được tài trợ bởi các tổ chức tài chính quốc tế để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội đất nước. Sở cũng tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại triệt để và toàn diện hơn để trở thành tập đoàn tài chính lành mạnh, hiện đại, phát triển bền vững và luôn giữ vị trí chi nhánh hàng đầu. Ngoài ra, SGD III còn cố gắng đầu tư thêm nhân lực, cơ sở kỹ thuật và xây dựng những chiến lược kinh doanh cho hoạt động thương mại dịch vụ của mình.
Mặt khác, SGD III cũng phải xác định thị trường mục tiêu cơ bản lâu dài cho hoạt động bán buôn vốn ODA. Qua khảo sát dự án tín dụng phát triển nguồn vốn ODA tại Việt Nam thì thấy rằng các dự án này chỉ tài trợ cho các tiểu dự án hay hoạt động kinh tế vi mô vừa và nhỏ. Cụ thể gồm khối doanh nghiệp tư nhân, phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Quy mô món vay từ vài trăm ngàn đồng tới 20 tỷ đồng (khoảng hơn 1 triệu USD). Do đất nước ta còn nghèo, bình quân đầu người vẫn còn thấp. Và nếu GDP bình quân đầu người vượt quá ngưỡng nhận hỗ trợ ODA là 850 USD thì vẫn có thể nhận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ với lãi suất khoảng 3 - 4%/năm để tài trợ cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Như vậy, có thể nói thì trường đầu vào của hoạt động ngân hàng bán buôn chính là nguồn vốn ưu đãi ODA từ các nhà tài trợ quốc tế. Thị trường đầu ra là các hoạt động kinh tế quy mô vừa và nhỏ. Khách hàng trực tiếp của ngân hàng bán buôn là các định chế tài chính trong nước. Cần xác định rõ như vậy để có hướng phát triển tốt nhất cho SGD III trong thời gian tới đây.
3.2. Một số giải pháp quản lý hiệu quả nguồn vốn ODA cho vay lại tại sở giao dịch III.
Thông qua việc triển khai thực hiện ba dự án tài chính nông thôn I, II, III đã nói lên sự phù hợp khi sử dụng mô hình ngân hàng bán buôn trong quản lý cho vay lại nguồn vốn ODA từ WB tại sở giao dịch III - ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam. Đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm cũng như giải pháp được đưa ra để quản lý hiệu quả nhất nguồn vốn này, sau đây là một số giải pháp quan trọng xuyên suốt quá trình triển khai và thực hiện: