*Thu hoạch lanh
Tháng 6 – 7 là mùa thu hoạch cây lanh, gặt xong, lanh được chuyển về nhà để tiện cho việc phơi và tránh trời mưa làm hỏng lanh. Khi phơi người ta nâng bó lanh lên cao rồi làm động tác xoay thật nhẹ lúc thả gốc lanh tạo dáng như tấm váy xòe. Họ chặt và róc hết lá, sau đó bó thành những bó nhỏ đem về nhà phơi. Phơi nắng to 3 – 4 ngày theo kiểu sáng phơi tối cất vào, khi vỏ cây lanh đã khô săn lại thì lại phơi sương hai đêm tiếp đó lại phơi một ngày nắng to nữa là được. Khi phơi đủ độ họ mang ra tước lấy vỏ, còn cây làm củi đun.
Vào các buổi tối khi công việc đã xong người Mông mang lanh ra tước. Vừa tước họ vừa kể cho nhau câu chuyện về cây lanh, chuyện kể rằng:
“Ngày xửa ngày xưa, tiên nữ con gái út của Ngọc Hoàng đã đến tuổi cập kê, nhưng nàng bị vua cha cấm cung không cho giao du với bất kỳ ai, trong khi các chị thì vui đùa ríu rít rồi bay đi khắp xứ rong chơi đến tối mịt mới về. Hàng ngày ngồi buồn, tiên nữ ra bậu cửa ngắm nhìn trần gian, bỗng thấy một chàng ngư sinh thân hình lực lưỡng, nhưng ăn mặc rách rưới cứ tha thẩn bên bờ biển. Thừa lúc vua cha vắng nhà, tiên nữ liền bay xuống trần gian. Hai người vừa trông thấy nhau đã quyến luyến không rời. Chàng ngư sinh chính là con trai của Long Vương. Về đến nhà, không thấy con gái út đâu, Ngọc Hoàng nổi giận sai quân đi tìm. Sợ quá 2 người liền chạy về phương trời Tây. Khi trời yên bể lặng, hai người tính kế sinh nhai. Trong khi tiên nữ trở về trời lấy các giống loài thì ngư sinh đã kịp lùa chân tạo ra những cánh đồng bằng phẳng phì nhiêu. Về trời, Tiên nữ mới với tay lấy bao hạt màng (hay còn gọi là hạt lanh của người Mông ngày nay) thì Ngọc Hoàng phát hiện, liền túm tay con gái kéo lại. Lúc giằng co, những hạt lanh trong bao bị đổ vãi xuống hạ giới. Thế là từ đó người Mông giữ được giống lanh cho đến ngày nay”(Giàng Thị Sung, 70 tuổi, xã Tả Pình – Sa Pa)
• Tước sợi lanh:
Để sợi lanh đều nhau thì khi tước lanh người Mông thường chia từ gốc đến ngọn ước chừng một phần tư rồi bẻ cây lanh, sau đó tước lấy sợi cho đều tùy cây lanh to hay nhỏ rồi luồn ngón tay tước về phía ngọn trước (khi tước luôn nhớ để cho sợi lanh trôi trên móng tay để khỏi bị cắt vào da thịt).
“Lanh đã tới độ thu hoạch thì phải chặt cả cây, đem về phơi vài ngày cho tái, sau đó tước lấy vỏ. Vỏ cây lanh được tước ra thành các sợi nhỏ. Việc tước lanh rất cần những bàn tay khéo léo, kinh nghiệm mới tước được sợi lanh dài từ gốc đến ngọn, bàn tay vụng về chỉ tước được đến nửa thân sợi lanh đã bị đứt”( Giàng Thị Mỉ, 40 tuổi, xã San Sả Hồ - Sa Pa).
Tước xong phần ngọn mới tước đến phần gốc. Từng sợi lanh được hợp lại thành từng đọn (bó). Những đọn lanh được cho vào cối giã vừa mềm, vừa săn. Sau khi giã xong sợi lanh sẽ được kết lại với nhau. Từ đây ta thấy đi đâu hay ngồi chỗ nào phụ nữ Mông thường mang bên mình một đọn lanh rồi rút từng sợi ra nối, phần đã nối được quấn trên mu bàn tay, rồi được xe lại bằng guồng. Sau khi xe xong người ta cho vào chảo đun sủi lăn tăn, sợi lanh được vớt ra và ngâm với nước vôi trắng, rồi mới thành sợi dệt vải.
Từ hạt giống lanh để trở thành tấm vải với hoa văn đặc sắc không bị hòa lẫn phải đổ biết bao là mồ hôi và sự cần cù, khéo léo của người phụ nữ Mông. Bộ quần áo bằng vải lanh không chỉ được mặc trong các dịp lễ tết mà còn là bộ quần áo khi lên nương xuống ruộng. Người Mông có câu:
“Gái đẹp mà không biết làm lanh cũng xấu
Gái xinh không biết cầm kim cũng hư”.
Tước sợi lanh phải đảm bảo các sợi lanh nhỏ và đều nhau, công việc này bước đầu chứng tỏ sự cần cù, tỉ mỉ, thận trọng và khéo léo của những người phụ nữ H’mông. Khi đã tước vỏ thành các sợi rồi cho vào cối giã khoảng 15 phút cho sợi mềm ra, các thớ lanh lúc này vỡ ra thành rất nhiều các sợi nhỏ, từ đó người phụ nữ H’mông dễ dàng tước thành các sợi lanh nhỏ hơn nữa.
Có thể nói suốt năm, suốt tháng những người phụ nữ H’mông không rời những sợi lanh. Ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì chúng ta đều thấy trên tay hay ở thắt lưng, ở trong các gùi đựng họ đều mang theo những sợi lanh để tranh thủ tước và nối những sợi lanh với nhau. Nối sợi nọ với sợi kia bằng cách tách đôi một đầu sợi rồi lấy đầu sợi kia đặt vào giữa hai khe tước, dùng tay xoắn lại, đầu nối hai sợi phải phẳng, không có mấu của việc nối và khi xoắn vào nhau sao đảm bảo hai đầu dây không bao giờ bị tuột. Công việc này người phụ nữ H’mông làm liên tục, từ ngày này sang ngày khác mà không nhất thiết phải là lúc nhàn rỗi hay đến mùa dệt vải.
Những búi lanh nhỏ này có thể được bảo quản bằng cách cho vào các bao tải hay treo gần bếp nhằm tránh gián và chuột và các tác động của môi trường. Khi sợi lanh được tước và nối với nhau thành các búi lanh nhỏ thì chúng được cuộn vào các thanh gỗ hình lục giác để chuẩn bị cho quay sợi. Công đoạn quay sợi cũng giống như các dân tộc khác, cũng có khung cửi, con thoi và các dụng cụ phụ khác.
* Luộc sợi lanh
Bước cuối cùng của công đoạn chế biến sợi là luộc sợi. Sợi lanh có màu
xanh nhạt, muốn cho sợi lanh có màu trắng ngà để dệt vải thì những người H’mông đã dùng đến các tro bếp. Tro bếp phải sàng lọc hết cái bẩn, những mẩu than củi chưa cháy hết. Chỉ lấy tro sạch, nhỏ, đã cháy hết. Lượng tro bếp cần thiết để làm công việc này theo đồng bào ước lượng khoảng 1 – 2 gáo múc nước (từ 0,8 – 1 kg) cho vào một nồi nước to khoảng 20 lít nước, đun sôi hỗn hợp đó lên, khuấy đều và thả sợi vào luộc, đun sôi tiếp đến một giờ đồng hồ, sau đó bắc ra để nguội, vớt ra cho ráo nước.
Người ta rắc một lớp tro xuống lấy một lớp vải lanh phủ lên trên, để các cuộn lanh vừa được luộc xong vào giữa, rồi lấy một miếng vải lanh khác phủ lên trên lại rắc tiếp một lượt tro nữa để đó ủ như vậy đủ ba ngày thì mang ra suối giặt. Tiếp đó lại pha một nồi nước với tro bếp rồi đun sôi, thả các cuộn lanh vào luộc lần thứ hai, rồi lại vớt và đem đi ủ, một ngày một đêm bỏ ra đi giặt. Cứ như vậy làm hai lần nữa là được sợi lanh trắng.
Công việc luộc sợi lanh được tiến hành đầu mùa dệt vải, số sợi luộc rồi thì phải dệt hết, đến mùa dệt sau thì lại làm tiếp chứa không để lưu lại. Sợi lanh đã được làm trắng sạch trước khi đưa lên khung cửi được quấn vào suốt chỉ. Lõi suốt làm bằng ống nứa nhỏ để đưa vào khe giữa của con thoi.
“Sợi lanh sau khi tước được buộc thành những chùm sợi đều nhau đem giã cho những sợi mềm và xơ, sau đó được tước ra thành từng sợi và nối lại với nhau rồi cuộn lại từng cuộn bằng con “xò” kẹp ở tay. Cuộn lanh sau khi nối được đem
ngâm với tro bếp, luộc chín cho bong hết vỏ xanh, giặt sạch, luộc lại lần nữa với nước hoà sáp ong khoảng bốn đến năm giờ, vớt ra để ráo nước, dùng đoạn gỗ tròn lăn lên sợi lanh tới lúc sợi thẳng, sạch và bóng là được. Sợi lanh lúc này được gọi là xé. Xé được xe tiếp thành các con chỉ rồi đưa lên khung dệt ”(Vàng
Thị Sày, 60 tuổi, San Sả Hồ - Sa Pa).
Quá trình tạo nguồn nguyên liệu để dệt vải là quá trình mất nhiều thời gian và công sức nhất, trong quá trình này sự phân công lao động hoàn toàn mang tính chất tự nhiên theo lứa tuổi và giới tính. Người đàn ông trong gia đình thường chỉ tham gia cày bừa chuẩn bị đất để gieo hạt lanh và thu hoạch lanh. Còn người phụ nữ đảm nhiệm toàn bộ công việc từ tuốt sợi, chế biến sợi và chuẩn bị cho công việc dệt vải. Chính vì tính chất công việc đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ và khéo léo nên người phụ nữ H’mông quanh năm suốt tháng không rời những sợi lanh và những cuộn lanh.
“Tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay; đến mùa đi nương bẻ bắp. Và dù đi hái củi, bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm, suốt đời thế.” [9,56]
* Kỹ thuật dệt vải
Người H’mông giống với nhiều các dân tộc anh em khác trong việc sáng tạo và tự làm ra quần áo và vải vóc khác. Có thể nói, người H’mông không chỉ nổi tiếng với các nghệ thuật về âm nhạc và ngôn ngữ, mà nổi trội hơn là các nghè thủ công truyền thống của họ. Với bàn tay khéo léo họ đã tự tay mình làm ra các sản phẩm mang tính mỹ thuật và chất lượng cao như nghề rèn, nghề đan lát, nghề dệt vải.
Thực ra, nếu xưa kia gọi là “nghề” có lẽ không chính xác, vì các sản phẩm họ làm ra chỉ đủ phục vụ cho chính họ, còn nếu thừa ra chỉ dùng làm các lễ vật, vật hiến tế trong cưới xin, tang ma, lễ hội…Nhưng, ngày nay, khi kinh tế thị trường đã “len lỏi” vào các làng bản của họ, nhất là ở Sapa với ngành du lịch
nghề thủ công thật sự. Trong đó, nghề dệt vải đang được chính đồng bào H’mông và khu du lịch Sapa chú trọng phát triển. Do vậy, những năm gần đây, trên Sapa đã đưa làng Cát Cát trở thành một làng nghề thủ công mỹ nghệ với nghề vải lanh truyền thống, thu hút được rất nhiều khách du lịch thăm quan.
Song cũng phải nhấn mạnh rằng, không phải cho đến lúc kinh tế phát triển họ mới phát huy những nghề thủ công đó. Từ xa xưa, người H;mông đã được biết đến là một tộc người rất khéo léo trong may vá và tạo màu sắc hoa văn trên trang phục. Từ cây lanh, cây chàm, sáp ong và các kỹ thuật giản đơn, họ đã sáng tạo lên một nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc. Nghề dệt vải được phát huy đến tầm cao của nghệ thuật hội hoạ và kỹ thuật may vá. Họ duy trì nghề dệt vải không phải vì kinh tế, mà đơn giản là các sản phẩm đó tạo ra từ lanh - một loài cây mang tín hiệu tộc người, nhắc nhở họ luôn luôn nhớ về cội nguồn. Vì thế, dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại vải khác nhau, bền hơn, đẹp hơn, nhưng họ vẫn thích dùng loại vải lanh đó, loại vải mà do chính bàn tay, công sức lao động của họ làm ra.
- Công cụ dệt vải
Công cụ dệt vải của người H’mông là khung dệt “ Ndêx ntus” khá đơn giản, gọn nhẹ, không đồ sộ, phức tạp như những dân tộc khác. Họ thường đặt khung dệt ở những nơi thoáng mát như ngoài hiên nhà hay gần cửa sổ. Khung là hai thanh gỗ có tiết diện 12 cm x 12 cm, cao từ 1 – 1,5 m dựng đứng cách nhau 50 – 60 cm, giữa hai thanh gỗ có ba hoặc bốn thanh gỗ nhỏ hơn liên kết với nhau bởi hệ thống mộng tạo thành khung dệt vải. Con thoi dệt khá to, dài khoảng 50 cm, rộng 12 cm, dày 5 cm. Khi dệt người phụ nữ H’mông phải buộc hai thanh gỗ dựng đứng dựa vào cột nhà và thêm chiếc ghế cao để ngồi.
- Kỹ thuật dệt vải
Khi ngồi dệt cơ thể của người dệt trở thành một bộ phận của khung dệt. Phần sợi trải ra chưa dệt được quấn vào một thanh gỗ lớn hình dẹt đặt đối diện với người dệt. Những sợi đang dệt được quấn chặt vào thanh gỗ, cứ mỗi một lượt
lại có một thanh tre nhỏ để ngang, cách biệt giữa các lớp sợi. Thoi dệt các tác dụng luồn sợi qua và luồn sợi lại, đồng thời có tác dụng dập vào mảnh vải cho các sợi khít vào nhau. Đồng thời, người H’mông còn sử dụng các lược để nén sợi, có tác dụng làm sóng sợi vải và cùng với con thoi dập từng sợi vải vào nhau cho khít và chắc hơn. Ngoài ra, chân thuận của họ điều khiển một sợi dây nối với cái cần để tác động đến cái lược nén vải, mỗi khi luồn sợi lanh vào, họ lại dập cái lược nén sợi, sau đó thả lỏng chân cho lược trở về vị trí ban đầu, cứ như vậy với sự cần mẫn liên tục, tranh thủ những lúc nhàn rỗi, họ làm ra các mảnh vải lanh quý giá.
- Kỹ thuật nhuộm vải
Cây chàm (Chaoz gangx) là loại cây được nhiều dân tộc thiểu số của nước ta dùng làm nguyên nhuộm vải. Cây chàm là loại cây thân gỗ, mọc thành búi cao khoảng 0,5 – 2 m. Cây thường mọc tự nhiên (không được các dân tộc chủ động gieo trồng, vì cây chàm rất dễ sống và sinh sôi rất nhanh) ở ven suối hay các chân núi có nhiều nước, vì cây ưa ẩm.
Nhuộm chàm là công việc khá tỷ mỉ đòi hỏi phải kiên trì và dầy dạn kinh nghiệm. Chàm thường được trồng vào tháng 3- 4, thu hoạch vào tháng 6 - 7. Cây chàm được cắt thành từng bó đem về ngâm vào chum, vại, khi lá chàm nát ngấm thì vớt ra bỏ bã. Nước chàm được lọc kỹ qua một cái rá đựng chấu, sau đó cho vôi bột vào nước rồi khuấy thật đều, cho nhiều hay ít vôi tuỳ thuộc vào lượng nước chàm. Ngoài vôi còn có tro bếp, tro được đựng trong một cái rổ có lót lá chuối, đổ nước vào chảy xuống cái chum nhỏ, dung dịch này để từ 3-5 ngày rồi trộn với nước vôi ngâm chàm và để lắng, khi nào thấy nước trên mặt có mầu nâu nhạt thì gạn đi để lấy phần chàm và vôi lắng ở dưới chum, đó chính là cao chàm.Khi nhuộm vải, lấy cao chàm hòa với nước đun với lá ngải cứu để nguội pha thêm ít nước tro vào rượu rồi khuấy đều. Khi đã pha xong muốn thử phải lấy
Người H’mông thường nhuộm chàm vào tháng 7-8, vì thời gian này trời nắng nhiều, vải mau khô và bắt mầu tốt. Trước khi nhuộm phải ngâm giặt cho thật kỹ để vải hết hồ mới dễ bắt màu và khi sử dụng không bị loang lổ. Khi nhuộm cho vải chìm ngập trong nước chàm, dùng tay hoặc chân đạp thật kỹ cho vải thấm đều, công đoạn phải làm thật nhiều lần (ngày phơi nắng, đêm ngâm chàm) nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao có màu sắc xanh sẫm. Đây cũng là công đoạn cuối cùng trong kỹ thuật chế biến và nhuộm chàm của người H’mông.
* Kỹ thuật trang trí
- Kỹ thuật thêu
Trên trang phục của các ngành H’mông nói chung, chúng ta thấy họ có những hoa văn vô cùng bắt mắt, thể hiện sự khéo léo và óc sáng tạo của người phụ nữ H’mông. Họ sử dụng các sợi lanh được nhuộm màu và mua các loại sợi chỉ, tơ màu của người Kinh về làm nguyên liệu thêu. Loại kim thêu có hai loại chính là loại kim nhỏ để thêu các hoa văn nhỏ và kim loại lớn thêu các hoa văn chủ đạo có kích thước lớn trên xà cạp, mũ, thắt lưng. Cũng như nhiều phụ nữ dân tộc khác, phụ nữ H’mông được các bà, các mẹ truyền lại các kỹ thuật thêu cùng các hoa văn, hoạ tiết thông qua thực tế các trang phục. Do vậy, khi thêu hoa văn trên trang phục, các phụ nữ H’mông không cần có các bảng mẫu hoa văn trước mặt. Hoa văn của họ bao gồm nhiều loại như: hình quả trám, tam giác, hình xoáy trôn ốc, hình chữ S…Kỹ thuật thêu của người H’mông ở Sapa có các kiểu thêu là thêu luồn, thêu xuyên, thêu buộc.
Thêu luồn là kiểu thêu được thực hiện trên tấm vải lanh chưa nhuộm. Họ thêu