- Thứ ba, vai trò của nông dân Bến Tre với tính cách là nguồn nhân lực cơ bản nhất đối với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn còn được thể hiện ở chỗ
2.2.2.1. Nhóm giải pháp về nhân tố chủ quan
- Đẩy mạnh và nâng cao nhận thức và trình độ hiểu biết cho đối tượng là nông dân nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn
Ngày nay, khoa học - công nghệ ngày càng trở thành động lực trực tiếp của quá trình CNH, HĐH, trong đó có CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Là chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình này nên điều đặc biệt cần thiết và quan trọng là năng lực nhận thức chính trị và trình độ dân trí trong nông dân phải được nâng lên rõ rệt cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới.
- Về năng lực nhận thức chính trị. Trước đây, trong những năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với hoàn cảnh người dân mất nước đã hình thành nên ở người nông dân Bến Tre ý thức đấu tranh giành độc lập, tự do được cụ thể hóa thành các cuộc đấu tranh cách mạng mà đỉnh cao là phong trào Đồng khởi năm 1960. Ngày nay, ý thức của người nông dân cũng phải thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới, đó là ý thức không
cam chịu đói nghèo, sát cánh cùng Đảng và chính quyền cách mạng phấn đấu vươn lên, hăng hái trong lao động sản xuất, phát triển KT-XH mà trước mắt là tham gia tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Thực tế cho thấy trong những năm qua chính nhờ có sự giác ngộ cách mạng, cũng như tình cảm, thái độ và niềm tin của quần chúng nhân dân mà nhất là ở nông dân đối với Đảng là động lực quan trọng giúp cho quá trình thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre có được những thuận lợi và đạt được nhiều thành tựu to lớn.
- Về trình độ dân trí. Trong quá trình thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, trình độ hiểu biết của nông dân cũng phải được nâng lên đáng kể, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Trình độ dân trí thể hiện ở sự hiểu biết, nắm bắt được các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; là khả năng tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Như vậy, một khi năng lực nhận thức chính trị và trình độ dân trí của nông dân được nâng cao sẽ là nền tảng vững chắc cho việc tiếp thu và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ mới nhất vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp được thuận lợi và dễ dàng hơn. Không những thế, một khi trình độ học vấn, kinh nghiệm sản xuất, các kỹ năng và sự hiểu biết về khoa học - kỹ thuật của người nông dân được nâng lên một bước đáng kể, lúc đó tính năng động, sáng tạo ở họ mới thật sự được phát huy trong quá trình kết hợp với các yếu tố khác của lực lượng sản xuất để tạo ra năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đối với Bến Tre, để nông dân có thể tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà, việc phát triển và nâng cao chất lượng GD - ĐT cho đối tượng là nông dân phải được thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn thể Đảng bộ và nhân dân Bến Tre. Ngày nay, đẩy mạnh và nâng cao năng lực nhận thức và trình độ dân trí cho nông dân cần phải đi vào chiều sâu và phổ biến trên tất cả các lĩnh vực từ những kiến thức, kỹ năng trong sản xuất nông nghiệp đến những hiểu biết về chính trị, văn hoá, khoa học,... Do vậy, việc xây dựng các chương trình nâng cao chất lượng GD - ĐT, dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân Bến Tre
cần có những bước đi trình tự, hợp lý, trong đó phải đáp ứng được yêu cầu cho nhiệm vụ trước mắt cũng như trong xây dựng chiến lược phát triển GD - ĐT cho nông dân trong tương lai. ở đây cần tập trung vào hai nhóm đối tượng chính:
Nhóm thứ nhất, là những nông dân có tuổi đời tương đối cao, mù chữ hoặc trình độ học vấn thấp. Lực lượng này hiện nay ở Bến Tre là khá đông. Tuổi đời cao gây khó khăn cho họ trong việc đến trường lớp để học chương trình phổ thông hoặc bổ túc văn hoá. Dân trí thấp là rào cản lớn cho việc nhận thức các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; cũng như cản trở cho việc tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào trong quá trình sản xuất và đời sống. Do vậy, việc thiết kế nội dung cũng như phương pháp về GD - ĐT cho phù hợp với đối tượng này là rất cần thiết với phương châm: thực chất, thiết thực và hiệu quả.
Về nội dung: cần trang bị cho nông dân những kiến thức cơ bản trong sản xuất nông nghiệp như: hướng dẫn những kỹ năng, kỹ thuật sản xuất, canh tác mới nhất, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả như VAC, RVAC,... Bồi dưỡng cho nông dân những kiến thức trong kinh doanh như kiến thức về tiếp cận thị trường và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của nó; kiến thức về maketing giới thiệu sản phẩm; những kiến thức về thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký cho thương hiệu nông sản hàng hoá,... Tuyên truyền và bồi dưỡng cho nông dân những hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; những kiến thức về luật pháp liên quan đến đời sống KT-XH, đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân.
Về phương pháp: do đặc thù của nhóm đối tượng nông dân này là trình độ học vấn thấp, hạn chế trong nhận thức. Nên phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn nhiều phương pháp khác nhau như: tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hỗ trợ, tư vấn,... Trong đó cần chú trọng phương pháp giáo dục bằng hình ảnh trực quan đơn giản nhưng sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ.
Về hình thức: phải linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng, phong phú chủ yếu dựa vào cộng đồng là chính: tiếp xúc cử tri, họp tổ nhân dân tự quản, tiến hành toạ đàm, hội thảo đầu bờ, tham quan thực tế các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi,...
Nhóm thứ hai, đối với đối tượng là thanh thiếu niên con em của nông dân, cần xây dựng chiến lược GD - ĐT mang tính căn cơ, đảm bảo về số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay và nhất là trong những năm tiếp theo. Đối với nhóm này cần tập trung vào hai vấn đề lớn:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông cho tất cả các bậc học, trong đó chú trọng đến công tác xoá mù chữ và tái mù, phổ cập giáo dục nhất là cho các vùng sâu, vùng xa của tỉnh tiến tới 60% số xã, phường đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở vào năm 2005 theo tinh thần Nghị quyết số 13 của Tỉnh uỷ Bến Tre trong chương trình hành động “Về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá thời kỳ 2001 - 2010”. Đây là nhiệm vụ khó khăn, không đơn giản. Bởi lẽ ở các vùng sâu, vùng xa, một bộ phận nông dân vẫn còn có nhận thức không đúng khi không coi trọng việc cho con em đến trường để học tập nhất là học lên cao lại càng không cần thiết. Nguyên nhân suy cho cùng là do các hộ nông dân này đời sống quá khó khăn. Nên việc con em của họ không đi học hoặc bỏ học cũng là để giảm gánh nặng cho gia đình đồng thời phụ giúp cha mẹ trông coi việc nhà hoặc đi làm thuê phụ giúp gia đình. Để khắc phục tình trạng này, một mặt cần có hệ thống các giải pháp nhằm xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nông dân. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục đến các hộ nông dân cho con em đến trường lớp học tập. Chỉ có con đường học tập sẽ là cứu cánh cho tương lai của các em. Thực tế những năm qua công tác xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đã đạt được những thành tựu quan trọng, Bến Tre đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học và xoá mù chữ từ năm 1997. Trong những năm tiếp theo, một khi trình độ dân trí trong nông dân được nâng lên đáng kể đây sẽ là cơ sở vững chắc tạo ra nhiều thuận lợi cho công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho nông dân.
Hai là, nhanh chóng xây dựng và triển khai chương trình đào tạo nghề cho lực lượng lao động trẻ ở nông thôn vừa đáp ứng yêu cầu hiện tại, vừa chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho những năm tiếp theo. Trước mắt cần đào tạo các nghề ngắn hạn cho lực lượng lao động này trên các lĩnh vực như nông - ngư nghiệp, các nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn: sửa chữa cơ khí, điện, điện tử,... Về lâu dài, cần có chiến lược đào tạo công
nhân kỹ thuật lành nghề phục vụ trong các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, thú y, may công nghiệp và gia dụng,... nhằm chủ động nguồn nhân lực khi khu công nghiệp Giao Long, cụm công nghiệp An Hiệp chính thức đi vào hoạt động.
Hiện nay với hệ thống các cơ sở đào tạo, dạy nghề ở Bến Tre hiện có là khá lớn. Đặc biệt từ khi thành lập trường Cao đẳng Bến Tre trên cơ sở hợp nhất ba trường: Cao đẳng Sư phạm, trung học chuyên nghiệp Kinh tế - Kỹ thuật và trung học chuyên nghiệp Kỹ thuật - Công nghệ đã mở rộng quy mô, đa dạng hoá ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Năm 2004 - 2005, riêng các trường trung học chuyên nghiệp đã mở được 17 ngành, nghề đào tạo với 2.215 học sinh trung học chuyên nghiệp chính quy, 1.509 học viên hệ tại chức, 453 học sinh học nghề. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 27 cơ sở, trung tâm dạy nghề, trong đó có 2 trung tâm dịch vụ việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnh, một trường kỹ nghệ và 7 trung tâm dạy nghề ở đều khắp các huyện trong tỉnh. Nhìn chung, số người được đào tạo nghề (kể cả dài hạn và ngắn hạn) liên tục tăng từ 5.859 người năm 2001 lên 8.772 người năm 2004. Ngoài ra, các doanh nghiệp, làng nghề, hội nghề ở các địa phương, các cơ sở dịch vụ có truyền nghề và dạy nghề tại chỗ tham gia truyền, dạy nghề từ 10.000 đến 12.000 lao động/năm, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2004 đạt 22,12% [47, tr.4].
Như vậy, với hiện trạng hệ thống GD-ĐT như hiện nay ở Bến Tre, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 25% cuối năm 2005 và 40% vào năm 2010 là có cơ sở khả thi. Vấn đề còn lại đáng quan tâm là cần phải nâng cao chất lượng đào tạo dạy nghề cho cả về phía người dạy và người học. Trong đó cần chú trọng đến đội ngũ giáo viên, bởi lẽ “Lương sư hưng quốc”. ở đây, người thầy phải thoả mãn hai yêu cầu: giỏi về chuyên môn và có đạo đức nghề nghiệp. Thực hiện được điều này sẽ là nền tảng vững chắc để đào tạo ra được các thế hệ học trò giỏi. Bên cạnh đó, vấn đề thực hiện các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp, cải tiến giáo trình, nội dung giảng dạy, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị,... là những vấn đề cũng cần được quan tâm thực hiện.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã và các tổ chức xã hội nghề nghiệp của nông dân; đồng thời củng cố và phát triển các làng nghề truyền thống ở nông thôn Bến Tre
Trong những năm qua, kinh tế hợp tác có bước phát triển khá mạnh. Tính đến cuối năm 2004 toàn tỉnh có 74 HTX hoạt động trên tất cả các lĩnh vực khác nhau. Riêng trong nông nghiệp đã thành lập 24 HTX với 899 xã viên, tạo việc làm cho 1.130 lao động. Tuy quy mô không lớn nhưng nhìn chung các HTX đều dược chuyển đổi và thành lập mới theo đúng luật và phần đông các HTX làm ăn có hiệu quả. Bên cạnh đó, hiện nay ở Bến Tre có gần 14.000 tổ hợp tác giản đơn nhưng hoạt động rất đa dạng với các tên gọi như: tổ nghề nghiệp, tổ tương trợ, tổ hợp tác trên các lĩnh vực làm ruộng, làm vườn, chăn nuôi, nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản, vần đổi công, máy nông cụ. Tôn chỉ, mục đích hoạt động chính của các tổ chức xã hội nghề nghiệp này là hợp tác, huy động vốn, mua sắm phương tiện sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đoàn kết giúp nhau vượt khó vươn lên. Ngoài ra, Bến Tre cũng có nhiều làng nghề truyền thống, trong nhiều năm qua, các làng nghề truyền thống gặp nhiều khó khăn có nguy cơ bị mai một. Đến nay, các làng nghề truyền thống ở Bến Tre từng bước được phục hồi và phát triển. Trong các làng nghề truyền thống của địa phương tiêu biểu có: nghề làm bánh tráng ở Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh - Giồng Trôm); nghề làm bánh phồng ở Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng - Giồng Trôm); sản xuất than gáo dừa, chỉ xơ dừa ở An Thạnh, Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày); sản xuất kẹo dừa ở phường 7 (Thị Xã Bến Tre); sản xuất thảm lưới sơ dừa, chiếu, hàng thủ công mỹ nghệ ở xã An Hiệp và Thành Triệu (Châu Thành)...
Nhìn chung, việc phải tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của nông dân, các làng nghề truyền thống là rất cần thiết, bởi theo tác giả, điều này có những cái lợi sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt các vấn đề này sẽ tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân lại với nhau theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, khắc phục dần tình trạng phân tán trong sản xuất như những năm trước đây.
Thứ hai, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Quá trình này sẽ giúp cho một bộ phận lao động nông
nghiệp chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp nhất là tạo điều kiện cho các hộ nông dân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất có cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống không nhất thiết phải lệ thuộc vào đất đai. "Chuyển một bộ phận lớn lao động nông nghiệp, nhất là bộ phận nông dân thiếu đất hoặc không có đất canh tác, sang khu vực công nghiệp tập trung và công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dịch vụ phục vụ đời sống hoặc sản xuất ở địa bàn nông thôn" [14, tr.42].
Thứ ba, một khi lao động ở nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định là điều kiện quan trọng để giữ gìn trật tự trị an, kéo giảm các tệ nạn xã hội và hạn chế lao động trẻ ở nông thôn tự phát rời bỏ làng quê tràn vào các đô thị gây những hậu quả xấu cho cả thành thị và nông thôn.
Thứ tư, với tính chất tự nguỵên, tự giác, dân chủ, bình đẳng và cùng có lợi khi tham gia nên việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, các tổ chức xã hội nghề nghiệp của nông dân là dịp để thắt chặt tinh thần đoàn kết, phát huy tình tương thân, tương ái luôn hỗ trợ giúp đỡ nhau không vụ lợi trong chính nội bộ nông dân.
Như vậy, những hiệu quả về KT-XH từ hoạt động của các HTX, của các tổ chức