- Thứ ba, vai trò của nông dân Bến Tre với tính cách là nguồn nhân lực cơ bản nhất đối với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn còn được thể hiện ở chỗ
2.1.2.1. Thực trạng việc phát huy vai trò của nông dân Bến Tre trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn hiện nay
công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn hiện nay
Cùng với xu thế chung của cả nước, trong những năm qua, quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre đã đạt được nhiều thành tựu rất căn bản. Đặc biệt từ khi có Nghị quyết Trung ương năm khoá IX, Tỉnh uỷ Bến Tre đã quán triệt và cụ thể hoá thành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15 - NQ/TW (Hội nghị TW 5 khoá IX) về đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010 vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trên địa bàn tỉnh Bến Tre; qua đó tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đi vào chiều sâu, phát triển một cách toàn diện và bền vững.
Trong suốt quá trình thực hiện sự nghiệp cách mạng này, nông dân Bến Tre với tính cách là chủ thể tham gia trực tiếp vào trong sản xuất và xây dựng phát triển nông thôn luôn đóng một vai trò rất quan trọng. Nhưng để phát huy được sức mạnh to lớn của nông dân, làm thế nào để nông dân tự giác khẳng định vai trò của mình là một vấn đề không đơn giản. Muốn thực hiện được điều này đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của Đảng đối với nông dân, bởi lẽ như C.Mác và Ph.ăngghen đã khẳng định, một mình nông dân không có khả năng làm cách mạng [33, tr.472]. Hơn nữa, nông dân bao giờ cũng cảm nhận chính trị từ những lợi ích trực tiếp của họ. Vì vậy, Đảng muốn lãnh đạo nông dân, qua đó phát huy vai trò to lớn của nông dân đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, đối với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nói riêng thì trước hết Đảng phải có đường lối, chủ trương đúng đắn. Chủ trương, chính sách khi được ban hành phải bám sát vào thực tiễn, phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người nông dân.
Trong những năm qua vai trò của nông dân Bến Tre đã được phát huy mạnh mẽ góp phần tạo nên những thành tựu to lớn cũng là vì Đảng bộ Bến Tre đã đưa ra được những quyết sách đúng đắn vừa hợp quy luật, vừa thuận lòng dân, đã tạo được sự đồng thuận sâu rộng trong tất cả các tầng lớp nhân dân nhất là đối với nông dân. Từ đây đã khơi dậy được lòng nhiệt tình của nông dân tham gia tích cực vào trong sự nghiệp cách
mạng này. Đường lối, chủ trương đúng đắn là cơ sở vững chắc mở đường cho việc phát huy tối đa vai trò của nông dân. Điều này được thể hiện ở chỗ trong những năm qua Bến Tre đã xác định lấy kinh tế thuỷ sản và kinh tế vườn là lợi thế cạnh tranh so sánh, là khâu đột phá của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện được điều này Bến Tre phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xây dựng một nền nông nghiệp hàng hoá có chất lượng, hiệu quả cao và bền vững. Trong đó vừa đầu tư cho chuyên canh, vừa kết hợp trồng xen, nuôi xen các giống cây trồng, vật nuôi khác nhau nhằm khai thác tối đa tiềm năng của đất, đặc điểm của từng vùng sinh thái, của sức lao động nhằm đưa năng suất, sản lượng, chất lượng tăng nhanh. Bên cạnh đó với những chủ trương, chính sách, cơ chế thông thoáng và cởi mở như chủ trương khuyến khích các hộ nông dân chủ động trong sản xuất kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, khôi phục phát triển đa dạng các làng nghề truyền thống, mở rộng các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và phục vụ đời sống nhất là chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá,... thực hiện phân công lại lao động xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân. Có thể nói, sự tác động tích cực của các cơ chế, chính sách đã như luồng gió mới mở ra triển vọng cho nông dân hướng tới một tương lai tươi đẹp và dĩ nhiên đã được nông dân tích cực hưởng ứng, đón nhận.
Nếu như việc hoạch định chủ trương, chính sách đã là một nhiệm vụ khó khăn thì việc đưa chủ trương, chính sách đó đi vào cuộc sống, được nông dân đồng tình hưởng ứng và thực hiện lại càng khó khăn hơn nhiều. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có sự hợp tác, cộng đồng trách nhiệm của các cấp ngành chức năng của địa phương cùng phối hợp thực hiện vì mục tiêu chung là đưa nền nông nghiệp của tỉnh nhà có sự bứt phá tăng tốc, nông thôn ngày càng văn minh tiến bộ và trên hết là đời sống về vật chất và tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện đáng kể mà so với những năm trước đây vốn dĩ đã chịu quá nhiều khó khăn và thiệt thòi.
Trước hết, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân theo hướng CNH, HĐH thì điều kiện tiên quyết là phải có nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Thế nhưng một trong những khó khăn lớn nhất của số đông nông dân Bến Tre hiện nay là
không có vốn hoặc thiếu vốn sản xuất. Đây là nỗi bức xúc của người nông dân nhưng đồng thời cũng là trăn trở của lãnh đạo tỉnh. Chính vì thế trong những năm qua, UBND tỉnh Bến Tre rất quan tâm trong việc tìm kiếm, huy động các nguồn vốn khác nhau cho nông dân vay thông qua sự phối hợp giữa Hội Nông dân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nông dân lập dự án thủ tục vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phục vụ người nghèo, Quỹ Hỗ trợ nông dân. Riêng chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với chức năng và nhiệm vụ của mình luôn đi đầu trong việc tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế nông nghiệp. Năm 1998 - 2000 số tiền cho vay là 1.101 tỷ đồng với 154.000 lượt hộ được vay; năm 2001 - 2002 số tiền cho vay là 1.240,8 tỷ đồng với 324.124 lượt hộ được vay và năm 2003 - 2004 số tiền cho vay là 4.018,2 tỷ đồng với 238.356 lượt hộ được vay [25, tr.29]. Như vậy trong 7 năm (1998 - 2004) đã đầu tư cho vay trên 716.500 lượt khách hàng, chủ yếu là nông dân, giải ngân tổng số tiền cho vay lên đến 6.360 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi nông dân Bến Tre vô cùng phấn khởi, qua đó có điều kiện để mạnh dạn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nhất là đầu tư phát triển vào các mô hình kinh tế trang trại tập trung, nuôi thuỷ sản, đánh bắt xa bờ,... với quy mô lớn. Từ đây giúp cho nông dân tự tạo thêm nhiều việc làm, xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và từng bước cải thiện cuộc sống.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư, Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân các huyện thị và các trường, viện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, các buổi hội thảo đầu bờ trao đổi kinh nghiệm, tham quan học tập các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi,... cho nông dân. Thông qua các chương trình cụ thể này đã đưa những kiến thức về giống cây, giống con, các biện pháp kỹ thuật canh tác mới từng bước được tiếp cận đến nông dân. Hiệu quả của công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân là rất lớn. Điều này được chứng minh ở việc số lượt người nông dân tích cực đến dự các cuộc chuyển giao khoa học - kỹ thuật không ngừng tăng lên. Năm 1998 đã tổ chức 394 cuộc chuyển giao khoa học - kỹ thuật với 11.231 lượt người dự; năm 2000 tổ chức 624 cuộc với 22.475 lượt người dự; năm 2002 tổ chức 1.218 cuộc với 42.573 lượt người dự
[25, tr.27]. Bằng những kết quả đạt được trên thực tế đã có sức tác động, lay chuyển mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của nông dân; từng bước thay đổi thói quen, nếp nghĩ cũ và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách hợp lý. Đồng thời thông qua các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập cao sẽ là chất men kích thích, là động lực khơi dậy ở các hộ nông dân khác tính năng động, tích cực, sáng tạo, ý chí vươn lên vượt khó thoát nghèo, làm giàu chính đáng, từng bước tạo dựng cho mình có một cuộc sống ngày càng sung túc hơn.
Gần đây, để hỗ trợ cho nông dân có điều kiện thuận lợi trong việc cơ giới hoá các khâu trong quá trình sản xuất, các cơ quan chức năng của tỉnh đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp như xí nghiệp phân bón Bình Điền II, nhà máy Vinappro, Vikyno,... bán phân bón, vật tư, máy nông cụ các loại cho nông dân với 2.607 máy nông ngư cơ cho 831 hộ trị giá 13,5 tỷ đồng theo phương thức trả chậm không tính lãi. Ngoài ra, việc tìm kiếm thị trường giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hoá ổn định lâu dài luôn được tỉnh quan tâm. Mô hình liên kết giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp đang được triển khai và ngày càng khẳng định được tính hiệu quả của nó. Chẳng hạn như giữa nhà máy đường Bến Tre với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ mía, giữa nông dân trong đánh bắt, nuôi thuỷ sản với các nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu của tỉnh Bến Tre; hay như công ty lương thực, hội làm vườn và công ty Vạn Phú tiến hành ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa xuất khẩu và hạt ca cao,... Đến nay các mối liên kết này bước đầu đã đạt được những kết quả khá tốt. Bởi lẽ việc đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm của nông dân cũng là đảm bảo tính ổn định đầu vào cho doanh nghiệp, cả đôi bên đều có lợi. Chính thông qua các mối liên kết này đã tạo điều kiện cho nông dân hưởng lợi rất lớn. Vì thế họ rất phấn khởi và từng bước có sự cộng tác đắc lực.
Cùng với niềm hăng say, tích cực nổ lực trong lao động sản xuất quyết tâm vượt qua nghèo nàn, vươn lên làm giàu chính đáng, trong những năm qua nông dân Bến Tre luôn hăng hái, nhiệt tình tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, từng bước đưa quê hương thoát ra khỏi tình trạng trì trệ, lạc hậu, nhằm hướng đến một nông thôn ngày càng văn minh và dân chủ hơn. Chuyển biến của bộ mặt nông thôn thấy rõ nhất là việc nông dân tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là xây dựng giao thông nông thôn, xoá cầu khỉ, nhựa
hoá, bê tông hoá đường liên xã, liên ấp đến tận nhà dân với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" và gần đây là phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ" đã trở thành một phong trào rộng khắp và đầy khí thế, sôi động như ngày hội lớn. Tính từ năm 2000 đến cuối năm 2003, việc xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trong toàn tỉnh đã thực hiện được 1.047 km đường nhựa hoá, bê tông hoá, xây dựng mới 961 cây cầu với tổng vốn đầu tư hơn 331 tỷ đồng. Riêng trong năm 2004 toàn tỉnh đã nhựa hoá, bê tông hoá được 473 km đường, xây dựng mới 163 cây cầu với kinh phí là 222 tỷ đồng, trong đó vốn huy động trong nhân dân, chủ yếu là nông dân lên đến 43 tỷ đồng [46, tr.6]. Đặc biệt chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2005, toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa lên đến 340km đường, xây dựng mới 246 cây cầu với tổng vốn đầu tư của nhân dân và Nhà nước là 112 tỷ đồng. Tính chung trong 5 năm (2000 - 2005) toàn tỉnh đã nhựa hóa, bê tông hóa được 1.860 km đường nông thôn, xây dựng mới 1.370 cây cầu với tổng vốn đầu tư của nhân dân và Nhà nước là 665 tỷ đồng [20, tr.1]. Nhờ vậy đến nay toàn tỉnh đã có 155/160 xã, phường có đường ôtô đến trung tâm xã. Để có được kết quả to lớn này, riêng bà con nông dân đã hiến hàng chục nghìn m2 đất, đóng góp hơn 1,5 triệu ngày công và trên 150 tỷ đồng. Đây quả là những con số đầy ấn tượng và rất đáng tự hào. Chính vì có được những thành tích trên nên năm 2004 Chính phủ đã tặng cờ thi đua cho nhân dân và cán bộ tỉnh Bến Tre - một trong năm tỉnh có thành tích xuất sắc nhất trong việc đầu tư phát triển giao thông nông thôn trên phạm vi toàn quốc.
Bên cạnh đó, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo tinh thần Chỉ thị số 30 - CT/TW của Bộ Chính trị khoá VIII (18 - 2 - 1998) cũng có những tiến bộ đáng kể. Qua đó đã giúp cho quần chúng nhân dân, trong đó có nông dân ngày càng ý thức đầy đủ về trách nhiệm, về quyền làm chủ của mình trong việc góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí,tiêu cực trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, góp phần làm lành mạnh hoá các mối quan hệ xã hội, củng cố tình làng nghĩa xóm, xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Và một khi đời sống văn
hoá ngày càng tiến bộ, dân chủ ngày càng được tăng cường, đến lượt nó, lại trở thành động lực cho nông dân tiếp tục đưa các phong trào này phát triển lên một tầm cao mới.
Nhìn chung, với chủ trương, chính sách đúng đắn, luôn đi sâu sát với thực tiễn, kịp thời đưa ra những giải pháp hợp lý của Tỉnh ủy Bến Tre đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng hướng về nông thôn, lấy nông dân làm đối tượng ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà. Đây là bài học không hề cũ đối với việc phát huy sức mạnh của nông dân trong mọi giai đoạn lịch sử:
Hướng về nông thôn, nông nghiệp để nghiên cứu tìm cách nhân sức mạnh của một lực lượng nông dân to lớn là một vấn đề có tầm chiến lược bao quát và hết sức căn bản. Vì ở nông nghiệp, nông thôn từ trong lịch sử, từ chiều sâu của nó đã là cơ sở, nguồn mạch tạo sức mạnh to lớn để dựng nước và giữ nước [40, tr.67].
Chính vì thế trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bến Tre luôn tạo được niềm tin vững chắc đối với quần chúng nhân dân nói chung, lực lượng nông dân nói riêng trong lãnh đạo thực hiện sự nghiệp cách mạng - phong trào "Đồng khởi mới" trong phát triển KT-XH. Một khi ý Đảng hợp lòng dân đây sẽ là nền tảng vững chắc cho con tàu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre tăng tốc để về đích.
Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của nông dân trong suốt quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thời gian qua không phải không gặp những khó khăn nhất định. Nhìn chung các chủ trương, chính sách của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành là đúng đắn nhưng trong quá trình triển khai thực hiện lại gặp phải những bất cập. Trước hết, trong cơ chế phối hợp hoạt động giữa các cấp ngành của địa phương còn chưa đồng bộ. Trình độ, năng lực của cán bộ, đặc biệt là đối với cán bộ cấp cơ sở, chưa thật sự ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ mới đang đặt ra. Công tác chỉ đạo chưa kịp thời có những biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của nông dân, đôi lúc còn lúng túng, bị động trong xử lý tình huống.