- Thứ ba, vai trò của nông dân Bến Tre với tính cách là nguồn nhân lực cơ bản nhất đối với quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn còn được thể hiện ở chỗ
2.1.1.1. Tình hình nông dân Bến Tre
Cuối năm 1999, Tỉnh uỷ Bến Tre đã ra Nghị quyết số 08 - NQ/TU mở ra một cuộc cách mạng trong thời kỳ tiến công vào mặt trận phát triển KT-XH được gọi là phong trào “Đồng khởi mới” nhằm tiếp tục kế thừa truyền thống cách mạng của nhân dân Bến Tre, qua đó khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, mọi nguồn lực tiến hành CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Trong những năm qua, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre thực chất là một phong trào cách mạng rộng lớn. Tuy không đau thương, mất mát và khốc liệt như trong những năm chiến tranh, nhưng không vì thế mà kém phần khó khăn, gian khổ. Những thành tựu đạt được trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng CNH, HĐH là tâm huyết và công sức của toàn Đảng, toàn dân Bến Tre; trong đó vai trò của nông dân Bến Tre với tính cách là chủ thể tham gia trực tiếp vào trong quá trình này được thể hiện sâu sắc và rõ nét nhất. Chính đội ngũ nông dân với những phẩm chất, năng lực, trình độ mới đã và đang tiếp tục khẳng định được vai trò của mình là lực lượng nòng cốt, cơ bản, là “chủ lực quân” trong quá trình phát triển KT-XH nói chung và CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nói riêng.
Hiện nay, việc phát huy vai trò của nông dân Bến Tre trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đang có được những thuận lợi và không tránh khỏi khó khăn nhất định. Giữa các yếu tố này luôn có sự đan xen vào nhau. Tình hình của nông dân Bến Tre như thế nào sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thành công chung của cả quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của tỉnh nhà.
Trước hết, Bến Tre là một tỉnh phát triển đi lên từ nông nghiệp nên nông dân chiếm tỷ lệ rất cao trong cơ cấu lao động - xã hội của tỉnh. Tính đến cuối năm 2004, dân số của Bến Tre là 1.345.637 người thì có đến 1.215.110 người tập trung sinh sống ở địa bàn nông thôn trên cả ba dải cù lao, chiếm tỷ lệ 90,30% dân số của cả tỉnh [5, tr.16]. Trong đó, số người trực tiếp tham gia lao động là rất cao với 893.670 người chủ yếu trong lĩnh vực đánh bắt, nuôi thuỷ sản (kinh tế thuỷ sản), kinh tế vườn và hoạt động sản xuất trong các làng nghề thủ công truyền thống của địa phương. Đến nay, hoạt động sản xuất chủ yếu của nông dân vẫn ở phạm vi hộ gia đình với quy mô sản xuất nhỏ, cao hơn là các trang trại, hoặc là thành viên của các tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp. Với một lực lượng lao động hùng hậu, nông dân Bến Tre đang tạo ra một khối lượng của cải vật chất to lớn. Qua đó đã tự nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho chính mình và đóng góp đến 60,82% GDP của toàn tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững cho tỉnh nhà.
Mặt khác, nông dân Bến Tre vốn có truyền thống cách mạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày nay, truyền thống cách mạng ấy vẫn đang được tiếp tục khơi dậy và phát huy cao độ trong hoàn cảnh mới. Trong những năm qua với phong trào “Đồng khởi mới”, nông dân Bến Tre lại một lần nữa tiếp tục khẳng định được vai trò xung kích của mình, đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đức tính cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, làm giàu cho bản thân và góp phần to lớn vào xây dựng quê hương. ở đây, sở dĩ Nghị quyết, chủ trương của Đảng bộ thông qua phong trào “Đồng khởi mới” lại được đông đảo nông dân tiếp thu là bởi chính Nghị quyết, chủ trương này không có mục đích nào khác hơn là nhằm đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho bản thân cuộc sống của người nông dân. Vì vậy, phong trào “Đồng khởi mới” nói chung, sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nói riêng như luồng gió mới đã được nông dân phấn khởi đón nhận một cách hồ hởi, nồng nhiệt. Từ trong phong trào “Đồng khởi mới”, nông dân Bến Tre đã vận dụng sáng tạo biến thành các phong trào hành động cụ thể của mình. Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân Bến Tre đã có nhiều sáng tạo với các mô hình sản xuất mới đem lại năng suất, chất lượng và trên hết là hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp; mô hình trồng cây ca cao, cây măng cụt trong vườn
dừa; mô hình sản xuất cây giống sạch bệnh,... Bên cạnh đó, một bộ phận nông dân kết hợp sản xuất nông nghiệp với kinh doanh tổng hợp, một bộ phận chuyển sang làm dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Từ hiệu quả của các mô hình sản xuất đã được nông dân Bến Tre nhân điển hình thành các phong trào rộng khắp toàn tỉnh như phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào nông dân đoàn kết xoá đói giảm nghèo để vươn lên làm giàu chính đáng.
Cùng với phát triển sản xuất, nông dân đã tự giác đóng góp nhiều công sức, tiền của cùng Nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là phong trào xây dựng giao thông nông thôn với các phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" và với phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ", làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, ấp - xã văn hoá và khu dân cư tiên tiến ngày càng phát triển mạnh mẽ, dân chủ ở nông thôn ngày càng được tăng cường. Đời sống tinh thần, trình độ học vấn, năng lực tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật của đông đảo nông dân không ngừng được tăng lên.
Có thể khẳng định không lúc nào như hiện nay nông dân Bến Tre lại thể hiện được ý chí quyết tâm cao độ, bản chất anh hùng cách mạng trong xây dựng, phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre phát triển đi vào chiều sâu, tăng tốc bức phá và đạt nhiều thành tựu to lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì tình hình nông dân Bến Tre hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.
Thứ nhất, vẫn còn một bộ phận nông dân ý thức làm chủ chưa cao, ít tham gia vào các cuộc sinh hoạt chính trị chung của cộng đồng, các phong trào quần chúng, thờ ơ với thời cuộc. Từ đó làm cho mức độ tiếp thu, hiểu biết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước rất hạn chế. Hơn nữa, vẫn còn một bộ phận nông dân lười biếng trong lao động, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách phúc lợi xã hội. Đây là rào cản, ảnh hưởng đến quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nhất là gây khó khăn cho tiến độ thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo của tỉnh. Một số nông dân
mang nặng tính tư hữu vì quyền lợi cục bộ đặt lợi ích của cá nhân và gia đình lên trên lợi ích của cộng đồng đã dẫn tới việc cản trở, gây khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng nông thôn.
Thứ hai, trong sản xuất nông nghiệp, tuy đa số nông dân đã chuyển sang sản xuất hàng hoá nhưng chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, quy mô nhỏ và phân tán. Trong khi đó giá thành đầu vào (vật tư, giống...) lại cao, sức cạnh tranh thấp, thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hoá không ổn định tạo ra tâm trạng bất an cho nông dân. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất đối với các loại cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang được đẩy mạnh nhưng mới ở giai đoạn đầu. Nhiều vùng nông thôn vẫn còn trong trạng thái thuần nông, ngành nghề kém phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Khá đông hộ nông dân thiếu vốn và đất để sản xuất. Một bộ phận nông dân còn trong tình trạng mù chữ hoặc trình độ học vấn thấp, thiếu kiến thức làm ăn nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển các ngành nghề và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ.
Nhìn chung, đến nay toàn tỉnh còn 4,76% hộ nghèo (theo tiêu chí cũ giai đoạn 2001- 2005) chủ yếu ở các vùng nông thôn sâu, xa của tỉnh, 25% lao động thiếu việc làm lúc nông nhàn và khoảng 10.500 hộ không có đất sản xuất. Dù kết cấu hạ tầng KT-XH trong những năm qua được chú trọng đầu tư xây dựng nhưng đến nay vẫn còn 19% hộ chưa có điện sinh hoạt, 67% hộ dân ở nông thôn chưa được sử dụng nước sạch [46, tr.6], giao thông ở các xã, ấp vùng sâu còn nhiều khó khăn, hiện nay toàn tỉnh còn 5 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm xã.
Những bất cập, vướng mắc còn tồn tại trong chính cuộc sống của nông dân nếu chậm khắc phục, tháo gỡ sẽ là khó khăn lớn cản trở việc phát huy vai trò của nông dân. Điều đó cũng đồng nghĩa với những khó khăn ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.