Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, nhìn chung thì có hai quan điểm chủ yếu:
Thứ nhất, cho vay theo lãi suất ưu đãi đặc biệt, thấp hơn lãi suất huy động trên thị trường. Quan điểm này cho rằng, hộ nghèo và các đối tượng chính sách nói chung là khó khăn về tài chính, đang ở những vùng, những lĩnh vực kinh tế cần được ưu tiên đầu tư nên phải sử dụng công cụ lãi suất để kích thích đầu tư, giảm bớt khó khăn về tài chính. Do đó cho vay với lãi suất càng thấp càng tốt.
Thứ hai, cho vay theo lãi suất thị trường để giúp người vay làm quen với nền kinh tế thị trường, kinh tế hàng hoá, mặt khác cũng giảm nhẹ gánh nặng cho NSNN và đảm bảo tính bền vững cho các tổ chức tín dụng cho vay, phù hợp với xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế.
Hai quan điểm trên đều có mặt tích cực và mặt đúng của nó, tuy nhiên mỗi quan điểm chỉ phù hợp với từng giai đoạn và từng điều kiện nhất định. Quan điểm thứ nhất là quan điểm truyền thống, lãi suất thấp được coi là phù hợp với các khoản cho vay đối với hộ nông dân nghèo để thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp và hỗ trợ người nghèo ở nông thôn. Việc áp dụng mức lãi suất thấp dễ làm nảy sinh những tiêu cực, đó là những người không thuộc diện hộ nghèo nhưng nhờ mối quan hệ thân quen với cán bộ làm công tác xét duyệt nên đã được liệt vào danh sách hộ nghèo và được vay vốn, như vậy vốn vay của ngân hàng đã cho vay sai đối tượng, làm cho vốn không đến được với các hộ nghèo thật sự, làm cho tình trạng nghèo đói không khắc phục được. Hơn nữa, lãi suất thấp thường đánh giá thấp khả năng tự chủ tài chính của người cho vay và ngăn cản việc huy động tiết kiệm tự nguyện, do lãi suất huy động thấp dẫn đến khả năng làm triệt tiêu nhiều nguồn tiết kiệm, từ đó dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt vốn cho vay người nghèo, không đủ nguồn lực cung cấp cho người nghèo. Do vậy chính sách cho vay ưu đãi luôn đi kèm với chính sách hạn chế tín dụng. Nếu các món vay ưu đãi không được phân bổ cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên và không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra lãng phí trong sử dụng các nguồn lực. Cho vay với lãi suất ưu đãi tạo nên lượng cầu quá tải và có thể dẫn đến hình thức
phân chia khẩu phần thông qua quan hệ cá nhân giữa khách hàng và cán bộ tín dụng. Lãi suất cho vay ưu đãi quá mức cần thiết và vượt quá khả năng của NSNN thì gánh nặng tài chính sẽ đè lên vai Nhà nước. Ngược lại nếu cho vay theo lãi suất thị trường thì trong thời kỳ đầu, hộ nghèo sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính vì trong nền kinh tế thị trường, họ là người yếu thế hơn cả, do vậy vấn đề kích thích đầu tư cho vùng nghèo, lĩnh vực cần ưu tiên sẽ không thực hiện được.
Do vậy, đối với hộ nghèo trong thời kỳ đầu cần phải được vay vốn theo lãi suất ưu đãi nhưng ưu đãi ở mức độ nào thì cần phải tính toán cho hợp lý và trong tương lai cần tăng dần lãi suất đó lên, dần dần bằng lãi suất thị trường. Lãi suất cần được điều chỉnh như sau:
Lãi suất huy động vốn trên thị trường < Lãi suất cho vay ưu đãi < Lãi suất cho vay trên thị trường.
Giai đoạn đầu mới thành lập NHCSXH thì lãi suất cho vay hộ nghèo được xác định ở mức 0,5%, thấp hơn so với lãi suất huy động vốn trên thị trường. Lãi suất này hiện nay đã được điều chỉnh lại với mức 0,65%, đã cao hơn lãi suất huy động chút ít. Trong thời gian tới ngân hàng cần tiếp tục xem xét nâng cao mức lãi suất cho vay để có thể nâng cao mức lãi suất huy động tạo điều kiện cho việc cạnh tranh với các NHTM, lãi suất cho vay đó phải dần tiến đến lãi suất thị trường, để giảm bớt được gánh nặng về cấp bù lãi suất của Nhà nước. Từ đó có thể sử dụng những khoản trợ cấp, hỗ trợ từ Nhà nước và bên ngoài vào việc đào tạo, xây dựng tổ chức.
Hộ nghèo hoàn toàn có thể chấp nhận vay vốn ngân hàng với lãi suất cao hơn mức lãi suất cho vay hiện nay của ngân hàng vì hộ quan tâm nhiều hơn đến khả năng và lượng vốn được vay chứ không phải chỉ có lãi suất vay.
Việc xoá bỏ trợ cấp và nới lỏng các quy định về lãi suất là điều kiện tiên quyết để NHCSXH hoạt động bền vững. Tuy nhiên việc này không thể thực hiện ngay một lúc, cần có lộ trình thích hợp.