- Hoàn thiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, trang thiết bị kỹ thuật. Hiện nay trụ sở làm việc của NHCSXH huyện Thanh Trì vẫn phải đi thuê nhà dân, các điều kiện về an toàn không đảm bảo, địa điểm dễ bị thay đổi, do đó ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng đối với ngân hàng về tính an toàn, thuận tiện, do đó cần có một bộ mặt, trang thiết bị tạo được lòng tin cho khách hàng. Áp dụng công nghệ mới, hiện đại trong lĩnh vực tin học phục vụ cho hoạt động ngân hàng.
- Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ ngân hàng tinh thông nghiệp vụ ngân hàng. Khoán mức tiền tiết kiệm huy động được từng thời kỳ đối với mỗi cán bộ ngân hàng, qua đó sẽ khích thích tính năng động, tự chủ của cán bộ. Đội ngũ nhân viên phải tiếp đón khách hàng với thái độ thân thiện, hoà đồng.
- Thủ tục giao dịch phải được cải tiến sao cho nhanh gọn, dễ hiểu, không gây rắc rối, phiền hà cho khách, việc giao dịch chỉ cần diễn ra trong thời gian ngắn.
3.2.2.1. Từng bước xoá bỏ chính sách cho vay theo lãi suất ưu đãi:
Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, nhìn chung thì có hai quan điểm chủ yếu:
Thứ nhất, cho vay theo lãi suất ưu đãi đặc biệt, thấp hơn lãi suất huy động trên thị trường. Quan điểm này cho rằng, hộ nghèo và các đối tượng chính sách nói chung là khó khăn về tài chính, đang ở những vùng, những lĩnh vực kinh tế cần được ưu tiên đầu tư nên phải sử dụng công cụ lãi suất để kích thích đầu tư, giảm bớt khó khăn về tài chính. Do đó cho vay với lãi suất càng thấp càng tốt.
Thứ hai, cho vay theo lãi suất thị trường để giúp người vay làm quen với nền kinh tế thị trường, kinh tế hàng hoá, mặt khác cũng giảm nhẹ gánh nặng cho NSNN và đảm bảo tính bền vững cho các tổ chức tín dụng cho vay, phù hợp với xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế.
Hai quan điểm trên đều có mặt tích cực và mặt đúng của nó, tuy nhiên mỗi quan điểm chỉ phù hợp với từng giai đoạn và từng điều kiện nhất định. Quan điểm thứ nhất là quan điểm truyền thống, lãi suất thấp được coi là phù hợp với các khoản cho vay đối với hộ nông dân nghèo để thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp và hỗ trợ người nghèo ở nông thôn. Việc áp dụng mức lãi suất thấp dễ làm nảy sinh những tiêu cực, đó là những người không thuộc diện hộ nghèo nhưng nhờ mối quan hệ thân quen với cán bộ làm công tác xét duyệt nên đã được liệt vào danh sách hộ nghèo và được vay vốn, như vậy vốn vay của ngân hàng đã cho vay sai đối tượng, làm cho vốn không đến được với các hộ nghèo thật sự, làm cho tình trạng nghèo đói không khắc phục được. Hơn nữa, lãi suất thấp thường đánh giá thấp khả năng tự chủ tài chính của người cho vay và ngăn cản việc huy động tiết kiệm tự nguyện, do lãi suất huy động thấp dẫn đến khả năng làm triệt tiêu nhiều nguồn tiết kiệm, từ đó dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt vốn cho vay người nghèo, không đủ nguồn lực cung cấp cho người nghèo. Do vậy chính sách cho vay ưu đãi luôn đi kèm với chính sách hạn chế tín dụng. Nếu các món vay ưu đãi không được phân bổ cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên và không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra lãng phí trong sử dụng các nguồn lực. Cho vay với lãi suất ưu đãi tạo nên lượng cầu quá tải và có thể dẫn đến hình thức
phân chia khẩu phần thông qua quan hệ cá nhân giữa khách hàng và cán bộ tín dụng. Lãi suất cho vay ưu đãi quá mức cần thiết và vượt quá khả năng của NSNN thì gánh nặng tài chính sẽ đè lên vai Nhà nước. Ngược lại nếu cho vay theo lãi suất thị trường thì trong thời kỳ đầu, hộ nghèo sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính vì trong nền kinh tế thị trường, họ là người yếu thế hơn cả, do vậy vấn đề kích thích đầu tư cho vùng nghèo, lĩnh vực cần ưu tiên sẽ không thực hiện được.
Do vậy, đối với hộ nghèo trong thời kỳ đầu cần phải được vay vốn theo lãi suất ưu đãi nhưng ưu đãi ở mức độ nào thì cần phải tính toán cho hợp lý và trong tương lai cần tăng dần lãi suất đó lên, dần dần bằng lãi suất thị trường. Lãi suất cần được điều chỉnh như sau:
Lãi suất huy động vốn trên thị trường < Lãi suất cho vay ưu đãi < Lãi suất cho vay trên thị trường.
Giai đoạn đầu mới thành lập NHCSXH thì lãi suất cho vay hộ nghèo được xác định ở mức 0,5%, thấp hơn so với lãi suất huy động vốn trên thị trường. Lãi suất này hiện nay đã được điều chỉnh lại với mức 0,65%, đã cao hơn lãi suất huy động chút ít. Trong thời gian tới ngân hàng cần tiếp tục xem xét nâng cao mức lãi suất cho vay để có thể nâng cao mức lãi suất huy động tạo điều kiện cho việc cạnh tranh với các NHTM, lãi suất cho vay đó phải dần tiến đến lãi suất thị trường, để giảm bớt được gánh nặng về cấp bù lãi suất của Nhà nước. Từ đó có thể sử dụng những khoản trợ cấp, hỗ trợ từ Nhà nước và bên ngoài vào việc đào tạo, xây dựng tổ chức.
Hộ nghèo hoàn toàn có thể chấp nhận vay vốn ngân hàng với lãi suất cao hơn mức lãi suất cho vay hiện nay của ngân hàng vì hộ quan tâm nhiều hơn đến khả năng và lượng vốn được vay chứ không phải chỉ có lãi suất vay.
Việc xoá bỏ trợ cấp và nới lỏng các quy định về lãi suất là điều kiện tiên quyết để NHCSXH hoạt động bền vững. Tuy nhiên việc này không thể thực hiện ngay một lúc, cần có lộ trình thích hợp.
3.2.2.2. Một số biện pháp đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, đảm bảo cho việc hoàn trả vốn vay đầy đủ và đúng hạn: trả vốn vay đầy đủ và đúng hạn:
Mục tiêu của ngân hàng là đưa vốn đến được với càng nhiều hộ nghèo càng tốt. Cho dù ngân hàng có sử dụng bao nhiêu biện pháp để huy động vốn đi chăng nữa thì cũng không đủ nếu vốn cho vay của ngân hàng không được bảo toàn và phát triển. Hộ nghèo được hưởng rất nhiều ưu đãi so với các đối tượng khác khi vay vốn ở NHCSXH nên việc đảm bảo nguyên tắc hoàn trả đúng thời hạn là điều tất nhiên hộ nghèo phải tuân thủ. Đồng thời, xây dựng cho hộ nghèo ý thức hoàn trả vốn vay đúng thời hạn và đầy đủ sẽ có tác dụng nâng cao tinh thần trách nhiệm của hộ khi sử dụng vốn, lựa chọn được cách sử dụng vốn có hiệu quả để có tiền trả nợ ngân hàng. Để bảo toàn được vốn vay NHCSXH có thể sử dụng một số biện pháp như sau:
Như đã biết hộ nghèo muốn được vay vốn cần ra nhập vào tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa phương. Về nguyên tắc, cho vay thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn là sử dụng sức ép của các thành viên trong tổ thay thế cho tài sản thế chấp vì các thành viên không muốn bỏ rơi các thành viên khác hoặc không muốn phải chịu bất kỳ hình phạt nào vì sự trả chậm. Trong trường hợp nếu có một thành viên gặp khó khăn và không có khả năng hoàn trả vốn vay thì các thành viên khác phải chịu trách nhiệm hoàn trả vốn vay, nếu không thì khoản vay của cả tổ sẽ bị coi là quá hạn. Tuy nhiên, tại NHCSXH Thanh Trì cũng như nhiều phòng giao dịch khác hiện nay, vai trò bảo lãnh của tổ tiết kiệm và vay vốn vẫn chưa được phát huy trong việc nâng cao khả năng hoàn trả của các thành viên trong tổ. Dù một phần lãi suất cho vay hộ nghèo được NHCSXH chia cho tổ để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ của tổ đối với ngân hàng, song khi xảy ra tình trạng không trả được nợ đến hạn thì ngân hàng vẫn là bên chịu rủi ro. NHCSXH nên đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc về tư cách pháp nhân của các tổ, nhóm. Điều này sẽ cho phép ngân hàng cho vay hộ nghèo qua tổ nhóm với tư cách pháp lý đầy đủ, xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức này. Đồng thời các tổ tiết kiệm và vay vốn cần phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trong việc xét duyệt cho vay, các tổ cần xét duyệt theo đúng quy định, tránh tình trạng nể nang tình làng nghĩa xóm mà cho vay tuỳ tiện, không đúng đối tượng, xét luợng tiền cho vay phải tương ứng với mục đích sử dụng vốn vay của các hộ, không nhiều quá, cũng không ít quá. Các tổ cũng cần thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các hộ, đôn
đốc các hộ trả nợ đúng hạn, tổ chức các buổi họp học hỏi kinh nghiệm, rút ra bài học trong tổ, các thành viên trong tổ phải giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh để từng thành viên sử dụng vốn có hiệu quả, có thể hoàn trả nợ cho ngân hàng.
Hiện nay NHCSXH đang áp dụng phương thức thu hồi gốc một lần vào cuối thời hạn tín dụng. Hình thức này phù hợp với những hoạt động theo mùa của hộ vay, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên sẽ gây ra rủi ro mất vốn đối với ngân hàng nếu người dân bị mất mùa. Trên thực tế các chương trình tín dụng có khả năng thu hồi vốn cao cho thấy hoàn trả định kỳ là phương thức tích hợp hơn so với hoàn trả một lần. Số tiền mà hộ nghèo phải trả mỗi kỳ bao gồm cả gốc và lãi và là một khoản tiền cố định. Ngân hàng phải tính toán cẩn thận thời điểm hình thành thu nhập để khách hàng có nguồn trả nợ, tránh tình trạng nợ chồng chất. Nhờ đó, hộ có kế hoạch trả nợ cụ thể và dễ dàng trả nợ ngân hàng hơn là trả một khoản tiền lớn một lúc. Đồng thời đến thời hạn cuối cùng, số tiền hộ tiết kiệm sẽ lớn hơn vì nợ đã được trả gần hết trong kỳ. Về phía ngân hàng có thể thu hồi vốn nhanh hơn, đồng thời sẽ tận dụng và nâng cao trách nhiệm của các tổ tiết kiệm và vay vốn trong thu hồi nợ cho ngân hàng. NHCSXH nên có những hình thức khuyến khích đối với những hộ hoàn trả đúng thời hạn.
Ngoài các biện pháp về nghiệp vụ, để thu hồi vốn vay và nâng cao trách nhiệm của hộ vay vốn, NHCSXH có thể áp dụng một vài biện pháp tác động vào uy tín của hộ trong cộng đồng. Nhìn chung, khách hàng sẽ hoàn trả món vay nếu họ cảm thấy uy tín của mình bị suy giảm trước những người thân quen. Ngân hàng có thể lợi dụng điều này thông qua việc nêu tên trên báo chí, đài phát thanh địa phương hay tại các cuộc họp của địa phương những hộ chưa trả tiền vay.
NHCSXH cần xem xét xoá bỏ việc khoanh nợ và xoá nợ cho các hộ không đủ điều kiện trả đối với các món vay của ngân hàng. Có thể thay thế bằng hình thức đảo nợ hoặc giãn nợ cho các đối tượng này. Đảm bảo triệt để nguyên tắc “ có vay có trả”, tránh tình trạng các hộ nghèo cố tình hoặc hiểu nhầm là vốn vay của ngân hàng không cần hoàn trả. Đối với các hộ đến hạn nhưng không trả được nợ thì cán bộ ngân hàng phối hợp với tổ tiết kiệm và vay vốn tìm hiểu rõ nguyên nhân hộ không trả được
nợ và có biện pháp cụ thể đối với những hộ này. Có thể cho hộ vay thêm để khắc phục khó khăn nhưng nợ cũ vẫn phải trả, kết hợp với tư vấn cho hộ cách làm ăn có hiệu quả hơn.
Cùng với các tổ tiết kiệm và vay vốn, các hội đoàn thể tích cực kiểm tra, kiểm soát quá trình sử dụng vốn vay để vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả cho người sử dụng vốn. Ngân hàng cần thẩm định, xem xét kỹ càng danh sách hộ nghèo đề nghị vay vốn do các tổ gửi lên, để đảm bảo cho vay đúng đối tượng, chỉ cho vay đúng đối tượng là hộ nghèo và có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất kinh doanh thật sự. Ngân hàng cần phối hợp các cơ quan chuyên môn, các cán bộ địa phương tổ chức các buổi hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất từng ngành, giới thiệu các tiến bộ công nghệ mới cho các hộ nghèo, để các hộ biết cách làm ăn, áp dụng được công nghệ tiến bộ, từ đó đồng vốn được sử dụng có hiệu quả, đời sống của các hộ được nâng cao, và các hộ có khả năng hoàn trả nợ cho ngân hàng.
NHCSXH cũng có thể đưa ra biện pháp khuyến khích người vay trả nợ đúng thời hạn như cam kết sẽ cho hộ nghèo vay với số vốn lớn hơn trong lần vay tiếp theo nếu như hộ vay trả nợ đúng thời, như vậy sẽ khuyến khích các hộ trả nợ đúng thời hạn.
3.2.2.3. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho các hộ vay vốn: sản xuất cho các hộ vay vốn:
Việc hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh cho các hộ nghèo vay vốn là rất cần thiết. Điều này cho phép các hộ biết được kỹ thuật sản xuất sao cho có hiệu quả cao, không bị thua lỗ, hoàn lại được vốn đầu tư, từ đó giúp cho nguồn vốn của ngân hàng ít gặp rủi ro hơn, nguồn vốn không bị thất thoát. Việc hướng dẫn kỹ thuật, giúp hộ sản xuất kinh doanh thuận lợi vươn lên thoát nghèo cũng có nghĩa là vốn của ngân hàng đã phát huy được hiệu quả xã hội. Tuy nhiên hoạt động hướng dẫn này của NHCSXH huyện Thanh Trì hiện nay gần như không có, việc hướng dẫn này hoàn toàn do các cơ quan chuyên môn, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, UBND các huyện thực hiện, hoặc do các hộ tự học hỏi từ các nguồn khác nhau, hoặc chỉ học hỏi thông qua các buổi trao đổi kinh nghiệm trong tổ. Điều này làm cho ngân hàng không biết được hoạt động hướng dẫn đang diễn ra như
thế nào, không thể bàn luận được với các cơ quan chuyên môn về việc nên hướng dẫn những kỹ thuật gì cho phù hợp với mục đích sản xuất kinh doanh của các hộ vay vốn từ ngân hàng, điều đó có thể dẫn đến có những kỹ thuật phục vụ cho các hộ vay vốn tại ngân hàng không được hướng dẫn cụ thể. Những hộ nghèo cũng thường là những hộ thiếu kinh nghiệm làm ăn nên việc hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nghèo vay vốn là quan trọng hơn cả. Hiện nay Ngân hàng chưa có điều kiện để có những cán bộ hướng kỹ thuật, vì vậy Ngân hàng cần tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, với Sở nông nghiệp huyện, với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ vay vốn theo đúng nhu cầu và mục đích sử dụng vốn của các hộ. Bên cạnh việc hướng dẫn kỹ thuật sản xuất kinh doanh cũng cần giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để người dân được biết và có thể áp dụng vào sản xuất kinh doanh. Cần duy trì thường xuyên các buổi họp trao đổi kinh nghiệm trong các tổ tiết kiệm và vay vốn để các thành viên học hỏi lẫn nhau, rút ra những bài học kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh.
3.2.2.4. Điều chỉnh lại cơ cấu các loại vốn:
Hiện nay NHCSXH chủ yếu cho vay ngắn hạn, khối lượng vốn trung hạn là ít hơn. Điều này là có lợi cho ngân hàng bởi vì ngân hàng sẽ quay vòng được vốn nhanh hơn. Tuy nhiên trong thời gian tới NHCSXH huyện Thanh trì cần tăng khối lượng