Những nội dung cơ bản của chính sách dân tộc trong thời kỳ đổi mới.
Đất nước ta đang tiếp tục công cuộc đổi mới, triển khai mạnh mẽ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Điều đó đòi hỏi chính sách dân tộc và việc thực hiện chính sách đó phải được tiếp tục bổ sung hoàn thiện và triển khai có hiệu quả.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của mỗi dân tộc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa khẳng định lại: "Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ".
Trước hết, chính sách dân tộc nhằm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa.
Bình đẳng về chính trị là sự bình đẳng về quyền làm chủ đất nước; bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, trước hết và cụ thể là quyền tham chính của các dân tộc.
Bình đẳng về kinh tế, là sự phát triển kinh tế đồng đều giữa các dân tộc, và giữa các vùng. Có thể lấy mục tiêu về bình quân thu nhập tính theo đầu người, làm chuẩn; hay nói cách khác, đó là mục tiêu để phấn đấu cho sự bình đẳng về kinh tế. Bình đẳng về kinh tế là rất quan trọng bởi vì nó có ý nghĩa quyết định cho sự bình đẳng về mọi mặt.
Bình đẳng về văn hóa, là các dân tộc có cơ hội và điều kiện như nhau để bảo lưu và phát triển văn hóa dân tộc mình, đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất và đa dạng. Tính thống nhất, không làm mất đi bản sắc độc đáo của văn hóa mỗi dân tộc, mà trái lại làm cho bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ
vững và ngày càng phát triển, các dân tộc có quyền sử dụng tiếng nói và chữ viết của mình bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ phổ thông làm công cụ giao lưu chính. Dân trí của tất cả các dân tộc đều được nâng cao.
Chính sách dân tộc góp phần củng cố sự đoàn kết đồng bào các dân tộc là những thành viên hợp thành của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đấu tranh chống mọi biểu hiện phân biệt, chia rẽ, khinh miệt dân tộc. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam là ở chỗ đoàn kết, như Bác Hồ nói: "Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công". Kết quả của sự nghiệp cách mạng ở nước ta đã chứng minh rất rõ về vấn đề này.
Chính sách dân tộc góp phần thúc đẩy sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc là điều kiện rất quan trọng để mỗi dân tộc phát triển, đồng thời để "dân giàu, nước mạnh". Bất cứ dân tộc nào cũng có nhu cầu được sự giúp đỡ của các dân tộc khác và dân tộc nào cũng có trách nhiệm giúp đỡ các dân tộc khác. Dân tộc đa số có trách nhiệm, nghĩa vụ giúp đỡ các dân tộc thiểu số, các dân tộc thiểu số giúp đỡ lẫn nhau và cùng có tinh thần trách nhiệm giúp đỡ dân tộc đa số. Sự giúp đỡ lẫn nhau đó tạo điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, cùng tiến bộ.
ở nước ta chính sách dân tộc là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước ta
Từ khi thành lập đến nay trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đề ra và thực hiện chính sách dân tộc đúng đắn.
Chính sách dân tộc bao gồm những chính sách tác động trực tiếp đến các dân tộc và quan hệ dân tộc nhằm mục đích phát triển các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng ở các vùng dân tộc thiểu số, xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà mục tiêu là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Chính sách dân tộc có đối tượng tác động, nội dung, nhiệm vụ rộng lớn và có quan hệ mật thiết với rất nhiều chính sách khác, lĩnh vực khác. Bởi vậy trong nhận thức cũng như
trong thực tiễn không thể tách rời biệt lập, cô lập tuyệt đối hóa thành một chính sách riêng lẻ. Trên thực tế, các nội dung nhiệm vụ của chính sách dân tộc được thể hiện vừa như một bộ phận riêng, vừa lồng ghép trong hệ thống chính sách chung, của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Vì vậy chính sách dân tộc gắn bó hữu cơ với các chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, chịu sự tác động của các chính sách đó, đồng thời nó luôn luôn tác động trở lại đối với các chính sách đó. Do đó, cần phân định "chính sách dân tộc" theo tên gọi là chính sách trực tiếp liên quan đến các dân tộc và quan hệ giữa các dân tộc chẳng hạn như: các chính sách đối với dân tộc và miền núi, chính sách định canh, định cư, chính sách phát triển kinh tế miền núi, chính sách ngôn ngữ dân tộc... đều phản ánh nội dung của chính sách dân tộc.
Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến việc hoạch định hệ thống chính sách đồng bộ, trong đó có chính sách dân tộc. Các văn bản có tầm quan trọng và ý nghĩa chỉ đạo lớn, chẳng hạn như là: Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị (27/11/1989) về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX và các Nghị quyết của Đảng trong thời gian gần đây.
Từ những quan điểm chỉ đạo được nêu trong các nghị quyết của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa thành một hệ thống chính sách. Hàng loạt các văn bản, chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể đã được cơ quan Nhà nước ban hành, thực hiện. Đó là Quyết định 72 (18/3/1990) của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) cụ thể hóa Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Quyết định 327 (1992) của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về một số chủ trương chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bờ biển và mặt nước. Nghị định 62/CP (1993) ban hành quy chế về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng và ổn định lâu dài vào mục tiêu sản xuất nông nghiệp. Quyết định 02/CP của Chính phủ (1994) ban hành quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp... Ngoài ra còn rất nhiều thông tư chỉ thị, quy chế của các cơ quan, ban ngành chức năng cũng đã được ban hành nhằm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cũng từng bước được thể chế hóa thành pháp luật. Thống kê bước đầu cho thấy Hiến pháp năm 1992 và các bộ luật đã có đề cập nhiều điều khoản về dân tộc và quan hệ dân tộc.
Thông qua các hệ thống văn bản, từ Văn kiện của Đảng, Chính phủ, Nhà nước cũng như các Văn bản dưới luật, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, ngày càng được quan tâm từ phương diện hoạch định chính sách đến thực hiện trong đời sống. Vì vậy, chính sách dân tộc càng ngày được đặt đúng với tầm chiến lược trong quá trình cách mạng Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ:
Vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn, thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giữa các dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng luật dân tộc... Thực hiện 3 mục tiêu chủ yếu: xóa được đói, giảm được nghèo, ổn định và cải thiện được đời sống, sức khỏe của đồng bào các dân tộc, đồng bào vùng cao, vùng biên giới, xóa được mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, xây dựng được cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng các cấp trong sạch và vững mạnh [26, tr.125-126].
Hiện nay, chính sách dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc phải phù hợp với tình hình mới, bao gồm các nội dung rộng lớn trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng.
+ Về kinh tế, chính sách dân tộc phải góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội miền núi và các vùng dân tộc thiểu số, như tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy tiềm năng và các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hàng hóa, từng bước khắc phục sự chênh lệch còn khá lớn về trình độ phát triển kinh tế giữa các vùng, miền, giữa dân tộc thiểu số với dân tộc đa số và giữa các dân tộc thiểu số với nhau.
Trong lĩnh vực kinh tế, chính sách dân tộc cần hướng các cấp các ngành, từ Trung ương đến các địa phương cơ sở và tập trung đầu tư xây dựng cơ cấu kinh tế ở miền núi và
các vùng dân tộc trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; đổi mới cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý đối với các cơ sở đơn vị sản xuất kinh doanh ở miền núi, vùng dân tộc ít người, thúc đẩy sự giao lưu liên kết giữa miền núi và miền xuôi, phát triển kinh tế đối ngoại ở các vùng dân tộc thiểu số v.v...
Việc phát triển kinh tế miền núi đòi hỏi giải quyết tốt vấn đề điều chỉnh quan hệ sản xuất, đổi mới quản lý, giải phóng nguồn năng lực sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc giao đất, giao rừng, cho hộ nông dân, tổ chức tốt định canh, định cư, tạo việc làm, phát triển kinh tế hợp tác và kinh tế tư nhân... phù hợp với các địa phương, những đặc điểm canh tác sản xuất của các dân tộc ở địa phương, cơ sở.
Việc xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc, ổn định và nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta có các chính sách, nhiều chương trình dự án cụ thể được triển khai ở nhiều vùng dân tộc thiểu số.
+ Về chính trị: Tiếp tục mở rộng dân chủ hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ cấp bách. Đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào dân tộc đa số có quyền làm chủ, đầy đủ các quyền lợi và nghĩa vụ công dân, trách nhiệm xây dựng thể chế chính trị, phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở các vùng dân tộc thiểu số. Dân chủ hóa đời sống chính trị, cần được tiếp tục thực hiện ở các vùng nông thôn vùng sâu, vùng xa.
Cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo bồi dưỡng sử dụng đội ngũ cán bộ ở các vùng dân tộc thiểu số; giáo dục tuyên truyền xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống trong sạch cho cán bộ đảng viên và đoàn viên thanh niên, các tầng lớp nhân dân ở vùng nông thôn, miền núi vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
+ Về văn hóa: văn hóa cũng được phản ánh rất phong phú, đa dạng trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bao hàm các nội dung bảo tồn, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa
của các dân tộc thiểu số, tạo nên sự thống nhất trong sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn các chương trình hoạt động lĩnh vực văn hóa, chính sách ngôn ngữ - dân tộc, phát triển văn hóa, giáo dục vùng dân tộc thiểu số, xây dựng đời sống mới ở cơ sở vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, xây dựng nếp sống mới, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, chống các tệ nạn xã hội. Xây dựng các thiết chế văn hóa, đẩy mạmh công tác thông tin tuyên truyền cổ động, thể dục thể thao, khai thác phát huy vốn văn hóa truyền thống của các tộc người, nâng mức hưởng thụ văn hóa nghệ thuật cho đồng bào dân tộc...
Ngày nay, ở nước ta để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương lần thứ 5 khóa VIII của Đảng, vấn đề văn hóa các dân tộc - tộc người trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đang được quan tâm trên nhiều lĩnh vực, mà nhiệm vụ bức thiết là: Giữ gìn bảo tồn văn hóa tộc người, nâng cao trình độ dân trí, trình độ văn hóa cho cán bộ và nhân dân các dân tộc thiểu số, xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp... đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động trên lĩnh vực văn hóa là người dân tộc thiểu số. Mặt khác, cần đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, chống "diễn biến hòa bình" dưới nhiều hình thức trong đó có hình thức lợi dụng "giao lưu" văn hóa để thực hiện sự đồng hóa văn hóa.
+ Về xã hội: chính sách dân tộc được triển khai, lồng ghép với nhiều chính sách khác nhau như: chính sách xã hội, chính sách xóa đói giảm nghèo đối với các vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, xa, chính sách tạo việc làm, chính sách đền ơn đáp nghĩa, chính sách bảo trợ xã hội, chính sách về kế hoạch hóa dân số. Phòng chống dịch bệnh, chống tệ nạn xã hội... tất cả các chính sách trên, đều phản ánh phương diện xã hội trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, kể cả việc quản lý xã hội - tộc người.
+ Về an ninh - quốc phòng: ở nước ta, với 3/4 diện tích là rừng núi, địa bàn cư trú của cư dân các dân tộc thiểu số rải rác, xen kẽ trên chiều dài biên giới, hải đảo. Do vậy, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng chính là thực hiện, đáp ứng những yêu cầu về ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia dân tộc.
Chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện nội dung chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, thông qua hệ thống văn kiện, nghị quyết của Đảng, các văn bản của Chính phủ, các chính sách của Nhà nước, các chỉ thị của các cấp các ngành. Để thực hiện chính sách dân tộc trong sự nghiệp đổi mới đất nước, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.