của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra mâu thuẫn cơ bản trong xã hội của nó: mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản. Như vậy không thể giải phóng dân tộc trong khi xã hội còn áp bức bóc lột giai cấp.
Do đó, thực hiện cương lĩnh dân tộc của V.I.Lênin là một nguyên tắc nhất quán, lâu dài trong chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản. Làm trái những nguyên tắc đó, sẽ dẫn đến sai lầm trong việc thực hiện chính sách dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc và sẽ làm xuất hiện nguy cơ xung đột, ly khai, ly tâm làm tan rã quốc gia dân tộc và sẽ kéo lùi sự tiến hóa của lịch sử.
3.1.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc dân tộc
Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ của Đảng và của dân tộc, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trong di sản to lớn mà Hồ Chí Minh để lại, thì tư tưởng về vấn đề dân tộc là một bộ phận quan trọng.
+ Theo Hồ Chí Minh, vấn đề dân tộc chỉ có thể được giải quyết triệt để bằng con đường cách mạng vô sản.
Trên hành trình tìm đường cứu nước vào những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin lần đầu tiên qua sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Chính trong tác phẩm đó, V.I.Lênin đã khẳng định:
Chỉ có chế độ Xô viết là chế độ có thể thật sự đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc, bằng cách thực hiện trước hết sự đoàn kết tất cả những người vô sản, rồi đến toàn thể quần chúng lao động trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản; hay là tất cả các Đảng cộng sản phải trực tiếp ủng hộ các phong trào cách mạng của các dân tộc phụ thuộc hoặc không được hưởng đầy đủ quyền bình đẳng... và các thuộc địa [33, tr. 202].
Hồ Chí Minh từ một người yêu nước trở thành người cộng sản, từ lập trường cộng sản để nhìn nhận sự nghiệp cứu nước của nhân dân ta. Ngay từ năm 1923, Hồ Chí Minh rút ra kết luận: "Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc, cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản" [39, tr. 416]. Sau này, năm 1959, tổng kết một chặng đường vẻ vang mà đất nước đã trải qua, Người viết: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản" [41, tr. 314] với tư tưởng nhất quán này, Hồ Chí Minh đã: Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp ở nước ta. Người đã khắc phục được sự bế tắc mà các nhà yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, tư sản gặp phải về con đường giải phóng dân tộc để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc lên ngang tầm một cuộc cách mạng xã hội và khẳng định rằng cuộc cách mạng xã hội đó bao gồm hai tiến trình giải phóng gắn bó chặt chẽ với nhau - giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Sự nghiệp giải phóng đó của nhân dân ta diễn ra trong bối cảnh thời đại cách mạng vô sản được mở đầu bằng Cách mạng tháng Mười Nga, thời đại loài người quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và đã trở thành bộ phận không tách rời của sự nghiệp chung đó.
Hồ Chí Minh chỉ rõ mục tiêu bao quát của cách mạng nước ta là đánh đuổi thực dân để giành độc lập cho dân tộc, đánh đổ phong kiến để giành quyền dân chủ và điều kiện phát triển đất nước theo con đường của chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa cộng sản). Như vậy, cao nhất và bao trùm nhất của vấn đề tự quyết dân tộc ở nước ta là nhân dân các dân tộc đoàn kết đấu tranh để giành và giữ vững nền độc lập dân tộc cùng các kết quả dân chủ, tiến hành công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới để tất cả mọi người, mọi dân tộc cũng được ấm no hạnh phúc. Người khẳng định chắc chắn rằng, tương lai của các dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
+ Khẳng định Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm nhiều dân tộc.
Đó là sự thống nhất trong đa dạng chứ không phải sự đồng nhất. Đây là một tư tưởng nhất quán và rất sâu sắc của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và quan hệ giữa các
dân tộc. Vì vậy cần thấy tính thống nhất của các dân tộc và tính đa dạng của các dân tộc ở nước ta.
Tính thống nhất, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, tuy vậy nét nổi bật trong mối quan hệ giữa các dân tộc ở nước ta là yếu tố liên kết tạo nên tính cộng đồng chung - cộng đồng quốc gia - đã đạt tới mức bền vững; tính cộng đồng đó được hình thành trong một quá trình lịch sử lâu dài. Dân cư nhiều dân tộc có ý thức sâu sắc rằng, mình thuộc về một cội nguồn chung và khi giao tiếp dân cư các dân tộc dễ nhận ra ở nhau những nét tương đồng. Người dân tộc nào cũng hiểu rằng mình là người Việt Nam với một niềm tự hào rất chính đáng. Non sông, đất nước đã từ lâu trở thành một dải, là lãnh thổ chung, trên đó sớm hình thành một nhà nước trung ương tập quyền (khoảng thế kỷ thứ X) và được ghi nhận sâu sắc không chỉ trong nhận thức mà cả trong tình cảm dân cư các dân tộc bằng một biểu tượng thiêng liêng là Tổ quốc. Có một lịch sử chung mà nhân dân các dân tộc nào cũng nâng niu, gìn giữ đó là truyền thống đoàn kết.
Trong cơ cấu của cộng đồng các dân tộc ấy có một dân tộc đa số là dân tộc Kinh, chiếm tới 87% dân số, về khách quan đã đóng vai trò là nhân vật trung tâm, là "điểm quy tụ" các dân tộc anh em bởi tính hấp dẫn không chỉ do ưu thế tuyệt đối về số lượng mà còn do có trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cao hơn hẳn nhiều dân tộc anh em. Trên cơ sở lòng tự hào dân tộc của dân cư mỗi dân tộc về dân tộc mình đã hình thành và củng cố trong một quá trình lịch sử lâu dài, đó chính là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Thực tế đã chứng minh rằng chỉ có chủ nghĩa yêu nước đó mới có thể là ngọn cờ đoàn kết các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước hướng vào sự nghiệp phục hưng và phát triển đất nước.
Tính cộng đồng (tính thống nhất) trên đây làm cho các dân tộc ở nước ta từ lâu đã gắn chung trong một vận mệnh và phát triển cùng theo một xu thế. Từng dân tộc nước ta đang có sự phát triển riêng lẻ mà phụ thuộc vào xu thế phát triển chung của cả cộng đồng, cả nước. Tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các dân tộc tạo nên động lực cực kỳ to lớn mà thiếu nó thì các dân tộc (nhất là dân các dân tộc thiểu số) không thể tiến nhanh trên con đường tiến bộ.
Tính đa dạng, trong cộng đồng các dân tộc ở nước ta bên cạnh những nét chung giữa các dân tộc còn nhiều nét khác biệt làm rõ ranh giới của mỗi dân tộc phân biệt với các dân tộc khác. Hồ Chí Minh rất trân trọng những nét độc đáo, bản sắc riêng, đặc trưng cho văn hóa mỗi dân tộc và xem đó như là một trong những tiềm năng to lớn của vùng đồng bào các dân tộc và miền núi cần được khai thác cho công cuộc xây dựng đất nước. Người chỉ rõ, đồng bào các dân tộc là những con người "rất trung thành, chịu khó", "rất thật thà và rất tốt"; những đức tính nổi trội đó của đồng bào "nhập với tình thế hiểm trở của núi sông, trở thành sức mạnh vô địch" cho cách mạng nước ta.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, khi đề ra và chỉ đạo thực hiện đường lối, chính sách, Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến tính thống nhất, cái chung đồng thời không bao giờ xem nhẹ tính đặc thù, cái riêng. Người quan tâm đến việc hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách chung cho cả nước. Hồ Chí Minh nhắc nhở phải tìm cách vận dụng đường lối, chính sách chung ấy sao cho phù hợp với điều kiện các dân tộc, đồng thời ông cũng quan tâm đến việc đề ra và thực hiện những chính sách riêng cho đồng bào các dân tộc thiểu số, cho riêng miền núi. Vì vậy, chính sách dân tộc của Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời là một chính sách riêng được coi trọng như mọi chính sách khác.
+ Các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ năm 1946, trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâycu, Hồ Chí Minh đã viết:
Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta... Giang sơn chính phủ là giang sơn chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.
Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt [40, tr. 217].
Tư tưởng đoàn kết, bình đẳng, tương trợ đó... trở thành nền tảng tư tưởng để Đảng ta đề ra và thực hiện chính sách dân tộc từ trước tới nay và từ nay về sau. Đây là sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em vốn đã gắn bó máu thịt trong cùng một quốc gia, đó còn là sự đoàn kết thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, đùm bọc nhau. Đoàn kết để đấu tranh chống kẻ thù, giữ vững nền độc lập chung của Tổ quốc, để xây dựng xã hội mới, làm cho mọi người thuộc các dân tộc được ấm no, hạnh phúc.
Các dân tộc bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi, các dân tộc giúp đỡ lẫn nhau, trong đó dân tộc đa số, ở trình độ phát triển cao hơn có trách nhiệm vinh dự giúp đỡ các dân tộc thiểu số ở trình độ lạc hậu cùng tiến lên. Hồ Chí Minh nhắc nhở, để thực hiện đoàn kết, bình đẳng, tương trợ phải luôn đấu tranh khắc phục những biểu hiện sai trái, tiêu cực. Người yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, mọi đảng viên và cán bộ "phải khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, tự ti dân tộc". Người còn chỉ rõ từng căn bệnh: "Người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo. Cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc bé nhỏ, tự ti, cái gì cũng cho mình không làm được, rồi cũng không cố gắng. Đó là những điểm phải tránh" [43, tr. 136].
+ Làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, làm cho đồng bào các dân tộc ít người được hưởng ngày càng đầy đủ hơn những quyền lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa.
Đối với miền núi nhìn chung, tình trạng phát triển không đều, sự chênh lệch về trình độ giữa các dân tộc ở nước ta trên các lĩnh vực còn rõ rệt. Tình trạng đó do những nguyên nhân: điều kiện địa lý, khí hậu từng vùng mà dân cư các dân tộc cư trú có sự khác nhau, do nguyên nhân lịch sử, nhất là do hậu quả của chính sách cai trị thực dân trước đây và một phần do có những sai sót của Đảng và Nhà nước ta trong việc hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc.
Hồ Chí Minh rất am hiểu và thông cảm với đời sống khó khăn của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào sống ở vùng cao. Người viết:
Dưới chế độ thực dân và phong kiến, đồng bào rẻo cao sống rất cực khổ. Ngày nay, đồng bào rẻo cao được tự do bình đẳng, không bị áp bức, bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất, văn hóa chưa được nâng cao. Đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ đến đồng bào rẻo cao. Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa đồng bào rẻo cao về mọi mặt [42, tr. 323].
Hồ Chí Minh nêu cao chủ trương làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi. Người còn chỉ ra rằng, Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở miền núi. Đồng bào miền xuôi phải giúp đỡ đồng bào miền ngược. Đồng bào các dân tộc ít người cũng phải không ngừng vươn lên cụ thể là:
Đồng bào các dân tộc phải cùng nhau vươn lên làm chủ nước nhà. Cán bộ từ Trung ương đến địa phương phải một lòng, một dạ phục vụ đồng bào các dân tộc chứ không được lên mặt "quan cách mạng". Đảng và Nhà nước trú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cân nhắc đội ngũ cán bộ miền núi và muốn vậy phải xây dựng các loại trường phù hợp với vùng dân tộc và miền núi.
Động viên, lãnh đạo đồng bào miền núi tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Xây dựng hệ thống giao thông, liên lạc thuận lợi hơn, phát triển nông nghiệp toàn diện, tùy theo điều kiện của từng địa phương mà phát triển cây lương thực hay cây ăn quả, cây công nghiệp. Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các ngành nông, lâm nghiệp đẩy mạnh phong trào cải tiến công cụ, chống xói mòn đất trồng. Kết hợp chặt chẽ công nghiệp địa phương, thủ công nghiệp và nông nghiệp, sản xuất và chế biến thương nghiệp.
Phát triển bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ trong đồng bào dân tộc; tôn trọng phong tục tập quán, tiếng nói của đồng bào và "cán bộ đi làm việc ở chỗ nào, phải học tiếng ở đấy" [43, tr. 137]; phát triển giáo dục miền núi, khôi phục và xây dựng hệ thống chữ viết cho các dân tộc miền núi như chữ Thái, Tày, H'Mông,... Chú ý xây dựng thêm trường, lớp học đào tạo thầy cô giáo, nhất là thầy cô giáo là người các dân tộc ít người. Đẩy mạnh công tác y tế, chăm lo sức khỏe, làm tốt công tác vệ sinh phòng, chữa bệnh cho đồng bào. Trong công tác văn hóa - xã hội miền núi cần chú trọng văn hóa của các
dân tộc từ đó làm cho nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.