“Hiếu" cũng vốn là một trong những nội dung quan trọng của đạo đức gia đình truyền thống Việt Nam, nó được hình thành từ lâu trong những tập quán người Việt như: thờ cúng tổ tiên, kính trọng người già... nhưng khi giáo lý đạo Nho xâm nhập chế hóa thành luân lý xã hội. Có thể nói, các triều đại phong kiến trước đây đã “cơ chế hóa" đạo đức Nho giáo vào Việt Nam. Vào thời Lý - Trần (Thế kỷ XI - XIV), Nho giáo có ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng không sâu sắc. Từ thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XIX, các nhà nước phong kiến Lê - Nguyễn đều lấy Nho giáo làm công cụ tư tưởng chi phối xã hội. Trong việc cai trị đất nước, các triều Lê -Nguyễn đều đặc biệt chú trọng đến vấn đề gia đình, coi gia đình là cơ sở quan trọng bậc nhất để thiết lập kỷ cương, ổn định trật tự xã hội.
Các nhà nước Lê - Nguyễn đều đề cao quan niệm “Hiếu" làm một nguyên tắc trị nước. Hiếu vốn là tinh thần, là nội dung của đạo đức gia đình truyền thống Việt Nam, trong phong tục và tín ngưỡng như “thờ cúng tổ tiên", “trọng lão", nhưng về sau lại được giáo lý Nho giáo khẳng định thêm sâu sắc, chi tiết và thể chế hóa thành luân lý xã hội.
Các nhà nước Lê - Nguyễn đều lấy “Hiếu" làm chuẩn mực cho những giá trị xã hội, làm tiêu chuẩn để rèn luyện và đánh giá nhân cách con người; lấy “Hiếu đễ" ràng buộc con
người với con người, bề dưới với bề trên. Không những thế, “Hiếu" còn được pháp luật
hóa, chính sách hóa.
Trước hết, các chính sách thời Lê - Nguyễn đã đưa tư tưởng “Hiếu" vào giáo dục khoa cử, vào tuyển lựa quan lại và hoạt động của quan trường. Dùng “Hiếu" để cai trị thiên hạ là điểm nổi bật trong đường lối chính trị và văn hóa của hầu hết các triều đại phong kiến theo Nho giáo trong thời gian này, nhất là triều Nguyễn. Trong giáo dục, ngoài Tứ thư, Ngũ kinh làm sách giáo khoa giảng dạy, các triều Lê - Nguyễn đều đề cao Hiếu kinh. Cho đến đầu thế kỷ XIX, nhà giáo nổi tiếng - Tiến sĩ Ngô Thế Vinh (1802 - 1856) còn biên soạn các sách “Trúc đường khôn sách", “Khải đồng thuyết ước"đều dành
một phần nội dung bàn đến chữ “Hiếu". Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) dạy học ở Quảng
Nam, có câu đối đặt ở gian phòng dạy học đề cao “Tử Vũ" - một học trò của Khổng Tử có ngoại hình xấu xí nhưng rất mực hiếu thảo. Các thầy giáo nổi tiếng ở Hà Nội như ông Cử Vũ Thạch Nguyễn Huy Đức (1824 - 1898). Ông cử Kim cổ Ngô Văn Dạng (1835 - 1885) đều đề cao hiếu nghĩa. Năm 1873 Nguyễn Huy Đức được thăng quan, với lý do có mẹ già, ông tâu trình với vua Tự Đức “mẹ tôi lại trông vào tôi nuôi dưỡng, nếu tôi lại được ở yên nơi hành môn (chổ của người ẩn) mà dạy học, học trò tôi sau này thành tài ra giúp nước, đó là tôi báo đáp ơn của triều đình vậy" [69, tr.225]. Tự Đức khen ngợi là người có nhân cách.
Sách Đại Nam liệt truyện do quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cũng nêu nhiều
tấm gương hiếu nghĩa. Chẳng hạn, trường hợp Phan Hữu Trị đang trẻ tuổi, nổi tiếng liêm cần, làm Giáo Thụ phủ Khoái Châu (Hưng Yên) xin từ quan về quê hương Nghệ An để
phụng dưỡng mẹ, ông được người đời khen là “Thờ mẹ rất cẩn thận, người trong quận
đều khen là hiếu hạnh".
Bậc văn thần nổi tiếng của nhà Nguyễn là Lý Văn Phức (1785 - 1849), là học quan từng chủ khảo một số trường thi hương, đã sáng tác nhiều văn thơ như: Ngọc Kiều Lê, truyện Tây sương mang nhiều yếu tố yêu thương lãng mạn. Ông thật sự là nhà Nho chính thống với hai tập “Phụ chân tiễn lãm" để dạy phụ nữ đề cao tam tòng tứ đức và “Nhị thập
tứ hiếu" đề cao rất mực tư tưởng ”Hiếu đễ". Nhà Nguyễn cho in "Nhị thập tứ hiếu" ban hành khắp nước, còn cho chuyển ý, chuyển thể, khắc thành tranh bán khắp nơi. Cho đến giữa thế kỷ XIX, nhiều truyện trong tập sách còn đưa vào sách giáo khoa tiểu học từ Bắc chí Nam.
Từ thời Minh Mệnh (1820 - 1840) về sau, trong khoa cử một số người chỉ đỗ tú tài mà đức hạnh nổi tiếng nuôi dưỡng cha mẹ và dạy dỗ con cái ngoan ngoãn, thì được khen
hiếu liêm và được bổ nhiệm làm quan và được biểu dương đạo đức.
Trong pháp luật, chính quyền Lê - Nguyễn cũng đề cao chữ “Hiếu", bảo vệ các quan hệ gia đình, tông tộc. Nhà giáo, nhà bác học Phan Huy Chú (1782 - 1840) nhấn mạnh: “Hiếu là luân thường của thiên hạ, là lẽ trời tồn tại của loài người, cho nên (sử dụng) là để làm cho phong hóa được tốt, phong tục được hậu" [8, tr.141]. Luật Triều Lê, điều 90 đã dành 3 trang luận bàn về gia đình, trình bày nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, ông bà:
“Đạo làm con phải hiếu kính với cha mẹ, khi tuổi già phải sớm khuya phụng dưỡng, không được để thiếu thốn; cũng không được bắt buộc các con làm việc quá khó nhọc mới cấp cho ăn uống. Các việc tế tự và tang táng thì phải căn cứ vào lễ ký; như thế mới hết đạo làm con".
“Đạo hiếu anh em trong gia đình phải cùng nhau hòa thuận, anh thì yêu em; em thì kính anh, chớ nên tranh nhau tài sản; chớ nên nghe lời vợ mà quên nghĩa cốt nhục".
“Làm cha mẹ phải biết sửa mình để ngay thẳng trong gia đình, lấy nghĩa lý dạy con trai, lấy nữ công, nữ tắc dạy con gái".
“Nếu cha mẹ không biết dạy dỗ con cái, (và) con trai, con gái không chịu nghe lời dạy bảo thì cho phép các viên xã, thôn trưởng được tố giác với gia môn. Nếu lỗi nhỏ thì trừng phạt bằng roi vọt, nếu lỗi lớn thì chiếu phép trị tội".
“Đạo làm vợ chồng phải cùng kính yêu nhau, dốc lòng ân nghĩa... Vợ phải kính thờ cha mẹ chồng và không được trái lời dạy bảo của chồng, không được dông dỡ ghen tuông mà không nên chán cảnh nghèo đói đến nỗi bỏ nhau để hại điều phong hóa".
Luật triều Lê còn quy định việc bảo vệ ruộng mộ. Điều 18, chương điền sản luật Hộ ghi: "Cấy trộm vào ruộng mộ người khác thì phải biến 1 tư, lấn phạm vào mộ thì phải
biến 3 tư. Kẻ phạm lỗi không có quan chức thì phải tội đồ làm khao đinh và phải nộp tiền tạ lỗi 30 quan…" [8, tr.145]. Các nhà nước thời Lê - Nguyễn đều có luật lệ quy định việc coi giữ mồ mả và đặt ruộng hương hỏa thờ cúng tổ tiên. Cha mẹ chết, nếu có nhiều ruộng đất, phải dành ít ra là 1/20 làm ruộng hương hỏa. Tỷ lệ 1/20 là quy định của chính quyền đã có từ thế kỷ XV: "Ruộng đất hương hỏa (dù) con cháu nghèo nàn (cũng) không được
tự ư đem bán. Làm trái lại mà có người tố cáo thì xử theo tội bất hiếu. Người trong họ
mua ruộng đất ấy thì mất số tiền mua. Người ngoài thì cho chuộc lại, người mua không được cố giữ lấy".
Trong hình án, luật Lê - Nguyễn đều có mục “Thập ác" (10 tội ác nhất thiết phải sử nặng), tội thứ 7 ghi:
Tội bất hiếu là kẻ đi tố cáo, nguyền rủa mắng trách ông bà, cha mẹ mình, ông bà cha mẹ chồng, cũng như ông bà cha mẹ còn sống khi đã phân chia ở riêng; hoặc là nuôi nấng không đầy đủ; hoặc là đang để tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng; hoặc là cứ hát xướng làm trò vui; bỏ áo trở mặc áo thường; nghe tin cha mẹ ông bà mất mà giấu không phát tang hoặc nói dối là ông bà cha mẹ đã chết [8, tr. 142].
Như vậy, tang ma cũng là công việc rất hệ trọng được gọi là việc hiếu. Vì thế, “Hiếu" không dừng lại ở đạo đức mà còn xa hơn là phạm trù tín ngưỡng, thờ cúng tổ tiên.
Các vua Minh Mệnh (1820 - 1840), Thiệu Trị (1841 - 1847), Tự Đức (1848 - 1883), đều có những biện pháp giảm nhẹ tội hình để biểu dương gương hiếu thảo. Điển hình một số tấm gương mà bộ sách Hội điển ghi lại:
- Nguyễn Cư Sĩ là con viên quan can phạm Nguyễn Cư Tuấn có đơn xin thay cha nhận hình phạt đi đày. Nguyễn Cư Sĩ mới 14 tuổi được Minh Mệnh khen là có hiếu, tha cho cả 2 cha con.
- Năm 1824, Hoàng Văn Khuê xin thay cho cha là Hoàng Văn Kim (cai đội Trường Đà) bị tội đồ giam cùm 3 năm. Minh Mệnh chiếu cố lòng hiếu, tha cho Khuê và chỉ phạt Kim 1/2 thời gian tội.
Sống dưới chế độ phong kiến, những người trí thức Việt Nam chịu ảnh hưởng của Nho giáo là tất yếu. Nhưng đối với các nhà Nho chân chính, sự gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân và sự thấm nhuần truyền thống yêu nước của dân tộc, khái niệm "Hiếu" của Nho giáo đỡ cứng nhắc hơn, trở nên gần gũi với nhân dân Việt Nam hơn. "Hiếu" trong quan niệm của các nhà Nho còn mang ý nghĩa là "Đại hiếu", nó khác xa với các "Tiểu
hiếu" của Nho giáo truyền thống Trung Quốc, đó là phương pháp ứng xử mang tính cách
Việt Nam chứ không phải của Nho giáo Trung Quốc. Nhà Nho trong lịch sử Việt Nam
thực hiện chữ “Đại hiếu“ một cách thành công nhất, trước tiên phải kể đến Nguyễn Trãi,
là con của một sĩ phu nổi tiếng, bản thân mình cũng là một sĩ phu uyên bác, chắc chắn Nguyễn Trãi hiểu đạo thờ cha theo Nho giáo trọng đại đến thế nào, chắc chắn ông không lạ gì những giáo lý của Hán Nho, Tống Nho về “Hiếu". Vậy mà khi cha là Nguyễn Phi Khanh bị giặc Minh bắt đưa về Chi Lăng, Nguyễn Trãi đã theo khóc đến tận ải Nam Quan. Nguyễn Phi Khanh nói: Con phải trở về mà lo báo thù cho cha, rửa thẹn cho nước, chứ đi theo khóc lóc mà làm gì. Mặc dù, Nguyễn Trãi biết là sẽ không bao giờ được gặp lại cha nữa, nhưng ông đã tỉnh táo nghe lời khuyên sáng suốt của cha quay về rửa nhục cho nước, trả thù cho cha - thực hiện đại hiếu. Chính vì thế, ông không chỉ là một người con chí hiếu với cha mà còn trở thành người con chí hiếu của dân tộc.
ễÛ Nguyễn Trãi, “Hiếu” cũng thường đi với “Trung”. Con người ông luôn hướng đến bổn phận thiêng liêng đối với gia đình và Tổ quốc. Dù lúc làm quan hay khi ở ẩn, ông luôn tâm niệm về hai chữ Hiếu Trung:
“Bui có một niềm chăng nỡ trễ
Đạo làm con liển đạo làm tôi” [79, tr.396]
Khi đã có quyền cao chức trọng, ông cũng không tự phụ kiêu căng mà vẫn giữ gìn đạo đức của mình. Ông khuyên nhủ cháu con: “Thờ cha lấy thảo làm phép” [79, tr. 457]. Ông khuyên con cháu không nên sợ nghèo, không nên tham lợi, tham giàu, xu phụ kẻ lắm tiền nhiều của mà hãy chăm chỉ làm ăn, biết dùng của cải cho hợp lẽ, không so đo về nỗi được mất hơn thua. Phải sống ngay thẳng, trung cần, không uốn mình theo thế thái, phải năng làm việc thiện… bởi đạo đức mới là cái quý hơn vàng bạc, của cải. Với bản
thân, ông chú trọng việc làm gương cho con cháu, chú trọng việc tu nhân tích đức: “Tích đức cho con hơn cho của” [79, tr. 433] hay:
“Chớ lấy hại làm người ích kỷ
Hãy năng tích đức để cho con…” [79, tr.446].
Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm, tình cha con trong đạo Nho qua cách quan niệm, cách diễn đạt của ông cũng trở nên đầm ấm, thiết tha hơn. Nó không thể hiện một ý thức tôn ty trật tự nghiệt ngã, một nghĩa vụ của người dưới phải phục tùng người trên mà nó thể hiện sự quan tâm thương yêu lẫn nhau, nương tựa vào nhau giữa các thành viên trong gia đình. Con đối với cha mẹ lúc già yếu là sự chăm nom săn sóc:
“Hay khi ôn sảnh bề cung dưỡng
Siêng thuở thần hôn việc hỏi han” [66, tr.149].
Ông nhắc đến đạo làm con bằng những câu ca dao, tục ngữ đã từng quen thuộc với người dân lao động:
“Nuôi con mới biết lòng cha mẹ” Hay “Bẩm đạo làm con, ở rất nan
ở cho trọn đạo mới là ngoan” [66, tr.523].
Bản thân ông là một người cha mẫu mực, nghiêm mà thân. Lúc ở nhà hay lúc ở xa đều quan tâm đến con cái, khuyên răn con với tình cảm phụ tử thiết tha, nó khác với thái độ “quân tử không hay gần con” của các vị thánh hiền.
Dưới thời Nguyễn, Phan Bội Châu nuôi chí lớn của cha, gắng sức học tập, thi đỗ giải nguyên để người cha đang hấp hối trên gường bệnh được yên lòng nhắm mắt ra đi. Ông đã mở rộng đạo hiếu với cha ra đạo hiếu với dân tộc, giống nòi, hoạt động cách mạng và trở thành nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng đầu thế kỷ XX.
Cũng như mọi trí thức xuất thân từ nhà Nho, Nguyễn Đình Chiểu từ nhỏ đã được nuôi dưỡng bằng những câu chữ của đạo Nho. Ông tin rằng, nhờ có Khổng Tử mà cuộc đời mới có trật tự, đạo đức. Vì thế ông ra sức học tập Nho với tinh thần:
“Học cho biết lẽ quân thân
Biết phần phụ tử, biết phần hiếu trung” [72, tr.218]. Hay
“Hai chữ cương thường dằng cả nước
Một câu trung hiếu dựng nên nhà” [78, tr.138].
Quan niệm về “Hiếu” của ông vẫn bị ràng buộc bởi những khuôn phép lễ giáo nặng
nề và nghiêm khắc của đạo Nho. Điều đó được thể hiện khá rõ trong các truyện thơ của ông, như trong “Lục Vân Tiên” cũng như qua cuộc đời thực của ông. Việc đau xót, thương cảm khi cha mẹ qua đời là tình cảm đạo đức tự nhiên, đáng quý của mỗi con người, nhưng với sự câu nệ quá đáng vào lễ giáo khắc nghiệt của đạo Nho:
“Sắm đồ tang phục nội ngày cho xong Dây rơm mũ bạc áo thùng
Cứ theo trong sách Văn Công mà làm…” [72, tr.86].
Để rồi tự giày vò thân thể mình, lo lắng việc báo hiếu theo đúng quy chế của đạo Nho đã dẫn đến hậu quả tai hại cho cuộc đời Lục Vân Tiên trong truyện như chính bản thân ông trong hiện thực. Tuy vậy cũng phải thấy rằng “Đạo hiếu“ trong quan niệm của ông khác nhiều so với “Đạo hiếu“ trong “Nhị thập tứ hiếu". Với ông, chữ “Hiếu" là một nét đẹp trong đạo đức của con người:
“Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ” [72, tr.467].
Quan hệ cha - con là quan hệ tình cảm hai chiều: cha mẹ nâng niu, cảm thông với con; con cái yêu thương, kính trọng cha mẹ ví như quan hệ giữa cha con Lục ông và Kiều Công trong “Lục Vân Tiên” đã phản ánh điều ấy. Mặc dù vẫn thường viện dẫn những
điển tích về “Hiếu” của Bắc sử nhưng khái niệm “Hiếu” của ông chủ yếu là lòng biết ơn,
sự tôn kính, quan tâm chăm sóc cha mẹ với tình cảm chân thực, sâu nặng của con người mà ít nhấn mạnh đến sự phục tùng mù quáng như trong các giáo điều đạo Nho. Điều đó là do ông đã tiếp thu được những giá trị đạo đức truyền thống cao đẹp của dân tộc, từ cuộc sống gần gũi với nhân dân, những người lao động.
Tóm lại, các nhà Nho Việt Nam cũng rất chú trọng đến “Hiếu”, nó có ý nghĩa quan
trọng, chiếm vị trí cao nhất trong các nguyên tắc ứng xử gia đình. “Hiếu” ở Trung Quốc
nhiều khi được tuyết đối hóa như lý trí, tiên thiên, đặc biệt từ Hán Nho, Tống Nho trở đi nó còn bị nhuốm màu thần bí, duy tâm; nó tuyệt đối hóa phụ quyền và nam quyền, nó còn
ca ngợi những hiện tượng “ngu hiếu” nữa. Các nhà Nho Việt Nam tuy vẫn chịu ảnh hưởng quan niệm về “Hiếu” của Nho giáo Trung Quốc, song đã hiểu và vận dụng nó một cách sáng tạo, hơn nữa còn cải tạo lại cho phù hợp với truyền thống và thực tiễn của Việt Nam. Các nhà Nho Việt Nam cũng đề cao “Hiếu” nhưng không chỉ theo nghĩa hẹp là hiếu với cha mẹ mà còn mang ý nghĩa rộng lớn hơn, nhân văn hơn - phụng sự cha mẹ