Hoạch định chính sách KTTT định hướng XHCN có ý nghĩa rất quan trọng, chính sách đúng và phù hợp sẽ bảo đảm cho các hoạt động kinh tế hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời thông qua việc hoạch định chính sách để thực thi và củng cố quyền lực nhà nước. Trong quá trình hoạch định chính sách, nhà nước không thể không căn cứ vào các quan hệ kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, một chính phủ tốt là biết làm ra các chính sách đúng. Các chính sách đúng thì việc thực hiện chúng sẽ có kết quả. Sự thần kỳ HPAEs cho thấy, cách thức mà chính phủ và khu vực tư nhân có thể hợp tác nhằm đạt được sự tăng trưởng nhanh và cùng nhau phát triển là duy
trì môi trường chính sách ôn hòa. Sự phục hồi của một số nền kinh tế Mỹ la tinh, thoát
khỏi thời kỳ dài của lạm phát và lấy lại đà tăng trưởng, đã xác nhận sức mạnh của các chính sách thị trường và những thể chế ổn định, chắc chắn, đáng tin cậy của nhà nước.
Phân tích những kinh nghiệm này và kinh nghiệm khác cho chúng ta thấy rất rõ một tập hợp những chính sách kinh tế nòng cốt đã tỏ ra vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế: bảo đảm được những cân đối lớn và ổn định kinh tế - xã hội, hạn chế
được những sai lệch giá cả và bảo đảm nền kinh tế vận hành tốt trong môi trường quốc tế... Niềm tin vào chính phủ thông qua các chính sách được tăng lên.
ở nước ta, khi chuyển nền kinh tế sang KTTT định hướng XHCN, trong khi nền kinh tế còn lạc hậu, chủ yếu là nông nghiệp (tỷ trọng 80%), công nghiệp chưa phát triển, các quan hệ và yếu tố thị trường chưa đầy đủ... thì càng đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách phù hợp để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Một chính sách quan trọng, cơ bản đầu tiên khi chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế cũ sang cơ chế thị trường là "phải dứt khoát sắp xếp lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho hợp lý" và chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH.
Việc nhà nước bố trí cơ cấu sản xuất và gắn liền cơ cấu đầu tư là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, vì nó chỉ ra phương hướng sản xuất, phương hướng xây dựng như thế nào là thích hợp nhất, sử dụng đồng vốn như thế nào là kinh tế nhất, có hiệu quả nhất cho sự phát triển nền kinh tế của đất nước. "Nền kinh tế quốc dân có một cơ cấu hợp lý là nền kinh tế mà trong đó các ngành, các vùng, các thành phần, các loại hình sản xuất có quy mô và trình độ khác nhau phải được bố trí cân đối, liên kết với nhau, phù hợp với điều kiện kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định".
Cơ cấu kinh tế ở nước ta hiện nay bao gồm: cơ cấu ngành (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ); cơ cấu vùng (đồng bằng, núi, biển) và cơ cấu thành phần... Đi liền với việc phát triển cơ cấu kinh tế đó là nhà nước phải có chính sách đầu tư phù hợp.
Để tăng cường được vai trò nhà nước hiện nay, Nhà nước phải đầu tư vào các ngành, các vùng kinh tế vừa mang lại hiệu quả kinh tế nhưng vừa bảo đảm được phát triển xã hội. Vì, trong nền KTTT cạnh tranh khốc liệt, các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào những ngành, vùng kinh tế mang lại lợi nhuận lớn nên sẽ làm nền kinh tế dễ mất cân đối và không bảo đảm được các tiêu chí về xã hội. Vì vậy, đối với nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và kinh tế nông thôn, đây là khu vực có nhiều thuận lợi về đất đai, tài nguyên và nguồn lực con người, song cũng còn không ít khó khăn, kinh tế chưa phát triển, năng suất lao động thấp, lao động đông nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, đất đai tuy rộng nhưng phân bố dân cư không đều, nhiều vùng xa xôi hẻo lánh, vốn tự đầu
tư rất hạn hẹp, hiệu quả đầu tư thấp,... đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, đây là khu vực có vai trò quyết định đối với sự nghiệp phát triển của đất nước, có ý nghĩa quyết định đến việc ổn định chính trị - xã hội và sự thành bại của các chính sách của Nhà nước.
Vì vậy, Nhà nước phải có những chính sách phù hợp ưu tiên và hỗ trợ về vốn, công nghệ, máy móc phương tiện nhằm đẩy nhanh thay đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động để hình thành nền nông nghiệp hàng hóa, phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái của từng vùng, nhất là đối với những vùng xa xôi hẻo lánh và đất đai cằn cỗi.
Xây dựng hợp lý cơ cấu sản xuất nông nghiệp giữa các vùng trồng lúa, cây công nghiệp, đánh bắt hải sản, trồng rừng... Thực hiện nhà nước và nhân dân cùng làm. Trước mắt, Nhà nước phải hỗ trợ về vốn, công nghệ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn và miền núi. Đồng thời phải có chính sách thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế, nhất là đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào việc phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn với những ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng... để từng bước CNH, HĐH nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông dân. Có như vậy mới tăng cường được vai trò quyền lực nhà nước ở nông thôn hiện nay.
Đối với công nghiệp, Nhà nước phải hoạch định chính sách tập trung phát triển nhanh các ngành công nghiệp có khả năng và lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu... Tập trung vốn, công nghệ, đầu tư..., tập trung sức phát triển có chọn lọc phù hợp công nghệ, thị trường, phát huy tác dụng nhanh và hiệu quả. Đồng thời phải có chính sách chuyển dịch công nghệ theo CNH gắn liền với HĐH. Phát triển những ngành mũi nhọn, sức cạnh tranh lớn, đồng thời đầu tư vào những ngành tuy hiệu quả kinh tế trước mắt chưa cao, yêu cầu vốn lớn của các nhà đầu tư tư nhân không có khả năng nhưng lại là những ngành chủ lực trong tương lai như công nghệ tin học, công nghệ sinh học chẳng hạn. Đồng thời bảo đảm tự do sản xuất kinh doanh, bình đẳng giữa các DNNN và tư nhân. Thực hiện nhiều chính sách đồng bộ thu hút vốn đầu tư, công nghệ trong và ngoài nước để tăng quy mô, hiệu quả sản xuất
kinh doanh. Đưa tỷ trọng công nghệ trong GDP ngày càng lớn, bảo đảm thu hút lao động, tạo công ăn việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu...
Đối với các ngành dịch vụ, Nhà nước phải tập trung phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, thu hút nhiều lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: mở rộng thương mại, thị trường trong và ngoài nước, hình thành các trung tâm thương mại lớn đủ sức cạnh tranh và giao lưu buôn bán với nước ngoài. Phát triển nâng cao chất lượng các dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch, dịch vụ tài chính - tiền tệ, dịch vụ kỹ thuật công nghệ... theo hướng hiện đại hóa, tăng hiệu quả kinh tế.
Đối với các vùng kinh tế: Nhà nước phải quy hoạch theo vùng và những ưu thế về thiên nhiên, lao động, môi trường sinh thái dựa trên các lợi thế so sánh, hình thành cơ cấu kinh tế mở, gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Tạo điều kiện đầu tư cho các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời phải có chính sách quan tâm đầu tư ở những vùng khó khăn. Thống nhất quy hoạch các vùng trong cả nước tạo sự liên kết trong sản xuất lưu thông, theo hướng nâng cao trình độ dân trí và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của từng vừng, từng khu vực. Gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững và cải thiện môi trường, nâng cao đời sống nhân dân.
Trong thực hiện cơ cấu các ngành, các vùng phải bảo đảm vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố quyền lực của Nhà nước. Phấn đấu trong những năm tới, tỷ trọng đóng góp trong GDP của các ngành là: nông nghiệp từ 17-20%; công nghiệp 40-43%; dịch vụ hơn 40%.
Thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần với đa dạng hóa các hình thức sở hữu. Bảo đảm các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, KTNN giữ vai trò chủ đạo hỗ trợ và dẫn dắt các thành phần kinh tế khác phát triển.
Để bảo đảm cho KTNN giữ được vai trò chủ đạo, thì yêu cầu các DNNN phải tự chủ sản xuất kinh doanh tăng năng suất lao động - làm ăn có lãi. Hiện nay, các DNNN làm ăn còn kém hiệu quả, sức cạnh tranh yếu...
Vì vậy, giải pháp hữu hiệu để các DNNN vươn lên, nhà nước phải thực hiện chính sách cổ phần hóa, cải cách lại hệ thống DNNN để các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cổ phần hóa phải tính đến những vấn đề: như lực lượng lao động dôi ra, nhà nước giữ tỷ lệ vốn bao nhiêu..., lợi ích, đời sống người lao động giải quyết như thế nào..., nhà nước cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoạch định những chính sách phù hợp.
Tóm lại, việc hoạch định chính sách có ý nghĩa rất quan trọng, chính sách đúng và phù hợp sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân, của các nhà đầu tư vào nhà nước.
Để đạt được điều đó, các chính sách của nhà nước phải phản ánh được lợi ích của các ngành, các vùng, các thành phần và các chủ thể kinh tế. Mặt khác, lại phải điều hòa được mâu thuẫn giữa lợi ích khu vực nhà nước và khu vực tư nhân; giữa lợi nhuận và nhu cầu xã hội; giữa trước mắt và lâu dài...