phát huy vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam
Nguyên nhân của thành tựu:
- Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức đúng đắn yêu cầu khách quan của việc xây dựng nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta. Đồng thời xác định phải tăng cường vai trò của nhà nước XHCN theo hướng đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với nền KTTT.
- Trong chỉ đạo đổi mới, tập trung và trước hết là đổi mới kinh tế đồng thời từng bước đổi mới hệ thống chính trị - trọng tâm là đổi mới nhà nước theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.
- Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã cụ thể hóa các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, từng bước đổi mới các thể chế theo chức năng, phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm quyền lực tập trung, thống nhất có phân công, phân cấp từ chính quyền trung ương đến chính quyền địa phương.
- Nhà nước đã chuyển vai trò của mình từ quản lý mệnh lệnh hành chính, can thiệp sâu vào các hoạt động kinh tế sang quản lý bằng các công cụ vĩ mô, phát huy dân chủ của nhân dân lao động, tinh thần chủ động sáng tạo của các chủ thể tham gia vào hoạt động của thị trường với mục đích phát triển lực lượng sản xuất, tăng trưởng bền vững, công bằng xã hội.
- Kịp thời tổng kết kinh nghiệm thế giới nhất là các nước trong Hiệp hội ASEAN, chủ động tham gia quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế.
Nguyên nhân của hạn chế
- Nhận thức về nền KTTT và về nền KTTT định hướng XHCN, vai trò nhà nước trong nền KTTT chưa đáp ứng kịp thời với thực tiễn của nền kinh tế.
- Việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện chuyển đổi nền kinh tế là nhiệm vụ mới mẻ, hiểu biết còn ít, vừa làm vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm, trong lúc đó quán tính của lối nghĩ, cách làm cũ còn nặng nề, chậm khắc phục.
- Việc cụ thể hóa, cập nhật hóa Nghị quyết của Đảng chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
- Việc phát huy vai trò quần chúng, nhân dân tham gia đóng góp, xây dựng thể chế còn hạn chế. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước còn thiếu an tâm tin tưởng vào đường lối của Đảng, các chính sách của Nhà nước, chưa mạnh dạn đầu tư, tiềm năng kinh tế - xã hội của đất nước chưa được phát huy tối đa.
Vấn đề đặt ra
- Xây dựng một nền KTTT định hướng XHCN nhất thiết phải đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của nhà nước. Song nhà nước quản lý nền kinh tế đó như thế nào, làm cách nào để vừa phát triển được kinh tế nhưng vừa bảo đảm định hướng XHCN.
- Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Vậy làm cách nào để nhà nước tương xứng với năng lực của một nhà nước pháp quyền XHCN trong thời kỳ mới.
- Việc tăng cường vai trò nhà nước là đúng song củng cố lại và thúc đẩy năng lực hoạt động của các thể chế ra sao để nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững và công bằng xã hội được thực hiện.
- Tệ quan liêu, tham nhũng vẫn hoành hành và trở thành quốc nạn, làm xói mòn đạo đức, đặt ra vấn đề trong những năm tiếp theo nhà nước phải tiếp tục đổi mới, xây dựng như thế nào để bộ máy nhà nước thật sự trong sạch, thực sự là cơ quan quyền lực đại diện cho nhân dân.
Chương 3
một số định hướng và giải pháp nhằm tăng cường vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường