* Duy trì sự kiểm soát của doanh nghiệp đối với các cửa hàng
Đưa ra các quy định chung đối với các cửa hàng. Điều đó có nghĩa là tất cả các cửa hàng trong mạng lưới bán hàng của doanh nghiệp đều phải tuân theo quy định chung về lao động, giờ giấc làm việc, hạch toán sổ sách …
Quản lý trang thiết bị phục vụ bán hàng. Tại các cửa hàng do doanh nghiệp trang bị hoặc các cửa hàng tự trang bị theo văn bản hướng dẫn của công ty. Các cửa hàng phải bảo quản trang thiết bị, sử dụng đúng mục đích. Khi các cửa hàng cần xây dựng, sửa chữa thì cùng công ty tiến hành giám sát công trình. Chỉ tiến hành nghiệm thu khi công trình đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đề ra. Tránh tình trạng sửa chữa cửa hàng không ai trông nom, không kiểm tra kỹ trước khi ký văn bản nghiệm thu. Từ đó tránh tình trạng phải tiến hành sửa chữa các cửa hàng nhiều lần, tăng chi phí, làm chậm quá trình kinh doanh.
Quản lý hàng hoá nhập, xuất, tồn kho: Tất cả mặt hàng kinh doanh của cửa hàng có thể do doanh nghiệp thương mại khai thác hoàn toàn hoặc một phần do doanh nghiệp thương mại khai thác, một phần cửa hàng. Nhưng dù ai khai thác thì doanh nghiệp thương mại phải quản lý được mặt hàng, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ mà các cửa hàng kinh doanh. Quản lý nhập xuất, tồn kho thông qua chứng từ, sổ sách, hoá đơn của cửa hàng nộp cho doanh nghiệp thương mại. Mỗi cửa hàng là một đơn vị tự hạch toán độc lập, thống kê.
Tổ chức bán hàng và thực hiện hạch toán thống kê. Quản lý sổ sách, chứng từ của các cửa hàng, quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cửa hàng phải nộp báo cáo kinh doanh cho doanh nghiệp thương mại trong khoảng thời gian cụ thể (tháng, quý, hoặc năm)
Xử lý các sai phạm: tuỳ mức độ nặng nhẹ mà đưa ra các hình thức cảnh cáo, xử phạt khác nhau. Việc xử lý nghiêm sai phạm nhằm thiết lập sự nghiêm
chỉnh trong việc thực hiện các quy định chung doanh nghiệp, tạo ra sự thống nhất hành động của các cửa hàng trong toàn bộ mạng lưới.
* Hoạt động quản lý các cửa hàng: Quản lý chất lượng phục vụ các cửa hàng bán lẻ, biểu tượng cửa hàng được trưng bày thế nào? biển quảng cáo, panô, áp phích được treo thế nào? Bầu không khí tại cửa hàng, vị trí cửa hàng có thuận tiện, an toàn giao thông, vệ sinh cửa hàng sạch sẽ, thoáng mát, không có mùi ô nhiễm, rác rưởi. Phải đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy. Cửa hàng phải có đủ ánh sáng (các thiết bị chiếu sáng cần được bố trí hợp lý). Bố trí gian hàng hợp lý, vừa khoa học, vừa thẩm mỹ, giúp khách hàng dễ dàng trong việc lựa chọn hàng hoá mà mình cần. Nhân viên bán hàng có mặc đồng phục (đeo thẻ) đúng quy định… Phong cách phục vụ của nhân viên bán hàng, luôn niềm nở, nhiệt tình với khách hàng, không tỏ thái độ thờ ơ, lảng tránh khách hàng, tận tuỵ, ân cần giải thích, tư vấn cho khách hàng hàng hoá phù hợp nhất với họ.
Quản lý dòng vận động hàng hoá: Quản lý tồn kho, xuất, nhập kho. Quản lý chi phí: nhân công, khấu hao tài sản cố định, phân bổ công cụ, dụng cụ lao động, lãi vay, thuê địa điểm, chi phí quảng cáo. Quản lý dòng thanh toán.
Quản lý thông tin. Cửa hàng là nơi thu thập, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp với khách hàng. Cửa hàng phải báo cáo nội bộ: tình hình kinh doanh, tình hình tài chính cho doanh nghiệp trong từng kỳ. Đề xuất của cửa hàng với công ty: về mặt hàng kinh doanh, về trang bị cơ sở vật chất cho cửa hàng, về mở rộng cửa hàng, về số lượng lao động, bổ sung hay tinh giản. Chỉ đạo của công ty đối với việc kinh doanh của các cửa hàng, thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời. Thông tin về thay đổi đường lối, cơ chế chính sách phải được thông báo kịp thời đến từng cửa hàng trong mạng lưới để kịp thời thích ứng điều kiện thay đổi.