triển khai dự án
Quy hoạch xây dựng, chỉnh trang đô thị là quá trình không chỉ làm thay đổi không gian - vật thể đô thị mà còn gây nên những xáo trộn trong tổ chức xã hội, tạo ra sự thay đổi nhiều mặt trong đời sống của các tầng lớp dân cư. Đó là sự thay đổi về nơi ở, môi trường sinh hoạt, điều kiện làm việc... cũng như những biến đổi về các nhu cầu vật chất và tinh thần. Mặt khác, trong mỗi cộng đồng dân cư lại tồn tại các nhóm xã hội khác nhau. Mỗi nhóm bao giờ cũng có những nhu cầu khác nhau về vật chất, tinh thần. Họ không giống nhau, vì thế họ cũng có khả năng thích ứng khác nhau trước những biến đổi của đời sống khi vào TĐC.
Vì vậy, trước khi triển khai dự án di dời, TĐC phải tiến hành điều tra tổng thể toàn diện để tạo lập một luận chứng khoa học đầy đủ, chính xác với những việc cần làm sau:
Thứ nhất, lập, xét duyệt quy hoạch chi tiết khu TĐC phải có tham vấn ý kiến của
những đối tượng bị ảnh hưởng, tức là phải dựa trên ý nguyện của đại đa số nhân dân. Quy hoạch chỉnh trang đô thị là quá trình sắp xếp, tạo lập lại không gian - vật lý đô thị hợp lý hơn, tốt đẹp hơn cho sự phát triển bền vững của xã hội nhưng đồng thời cũng phải tạo ra sự tiện ích lâu dài cho đời sống của mỗi người dân. Hơn ai hết chỉ có những người dân trong cộng đồng chuyển cư mới nhận biết hết những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình. Nhiều khi các nhà hoạch định chính sách không hiểu hết các ý nguyện của người dân. Chỉ dựa vào tri thức và kinh nghiệm của bản thân mình để hoạch định chính sách. Vì vậy, đã có không ít chính sách không phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chính sách trở nên lỗi thời, lạc hậu không được nhân dân thực hiện. Ví dụ, trong khu TĐC, chung cư phải có không gian để cộng đồng làm nơi sinh hoạt, thực hiện các nghi lễ trong những dịp hiếu, hỉ.vv.. Việc quy hoạch đường nội bộ trong khu dân cư với kích thước 3,5m là chưa phù hợp với nhu cầu giao thông cũng như mức độ an toàn và tính mỹ quan của thành phố. Chỉ nhờ có được ý kiến đóng góp của nhân dân mà những khiếm khuyết trong quy hoạch của các khu TĐC gần đây mới ngày càng được hoàn thiện. Đóng góp của người dân vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nói chung, và quy hoạch chi tiết khu TĐC nói riêng, chính là sự huy động các nguồn lực to lớn của nhân dân vào giải quyết một vấn đề xã hội phức tạp. Điều này làm cho việc giải tỏa, di dời dễ dàng, người dân tự nguyện thực hiện các quyết định của Nhà nước ngay cả khi lợi ích của họ phần nào đó có thiệt thòi.
Thứ hai, kế hoạch bố trí tái định phải tính đầy đủ đến đặc điểm nghề nghiệp của
từng nhóm dân cư.
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức sống của người dân sau TĐC chính là nghề nghiệp. Mỗi loại nghề nghiệp do có những đặc trưng, hoạt động và đối tượng riêng nên cũng đòi hỏi những điều kiện khác nhau. Ví dụ, đối với những người làm nghề buôn bán, dịch vụ một khi phải chuyển cư đến những nơi quá xa nơi ở cũ sẽ gặp khó khăn rất nhiều vì không còn duy trì được các quan hệ xã hội đã tạo lập trước đây.
Ngoài ra, trong phạm vi chật hẹp của căn hộ hay căn nhà trong khu TĐC người dân khó có thể thực hiện thuận lợi các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đối với những hộ làm nghề buôn bán dịch vụ, nên chăng, cần có quy hoạch để những hộ này có không gian cần thiết để tạo lập các dịch vụ; xây dựng các ki ốt, mở các chợ, tạo lập khu vực buôn bán cho người dân TĐC. Ngoài ra, cần giúp số khác chuyển đổi nghề nghiệp, làm những nghề mới mà địa phương có lợi thế, cần cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Còn những người làm nghề đánh bắt hải sản lại cần những nơi ở gần sông, biển để thuận tiện trong việc vận chuyển, cất giữ hải sản, sửa chữa và bảo vệ ngư cụ.... Nghiên cứu thực tế, chúng tôi nhận thấy đã có rất nhiều hộ làm ngư nghiệp gặp vô vàn khó khăn khi bị bố trí TĐC quá xa bến sông, cảng cá.
Có thể nhận thấy, cái thiếu trong các dự án đã triển khai là chỉ tính đến các yếu tố kinh tế, kỹ thuật của dự án, nặng về khai thác quỹ đất, còn việc điều tra, dự báo xây dựng luận chứng về mặt xã hội cho dự án thì chưa được chú ý thoả đáng. Cũng vì vậy mà trong quá trình thực hiện một số dự án cải tạo - chỉnh trang đô thị có những vấn đề xã hội nảy sinh, thành phố đã khá lúng túng trong việc giải quyết hậu quả. Có thể coi đây là bài học kinh nghiệm cho việc chuẩn bị triển khai thực hiện các dự án TĐC tiếp theo.
Thứ ba, cần kế hoạch cụ thể chi tiết để đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm cho cộng
đồng dân TĐC. Đây là nhiệm vụ xã hội cấp bách.
Điều bức xúc nhất sau khi TĐC là người lao động thiếu việc làm, không có việc làm, thất nghiệp. Vì vậy, thu nhập giảm sút, tỷ lệ hộ nghèo gia tăng... Như vậy, muốn sớm ổn định sản xuất, từng bước nâng cao mức sống cho nhóm dân cư sau TĐC phải chú trọng việc lập kế hoạch bố trí lao động phù hợp với khả năng giải quyết việc làm ở từng vùng dân cư cũng như trên bình diện chung của cả thành phố. Để có cơ sở giải quyết một cách có hiệu quả bài toán phức tạp trên cần chú trọng các giải pháp sau:
- Tiến hành điều tra, đánh giá xã hội ban đầu để nắm được chính xác đặc điểm cộng đồng dân chuyển cư, nguồn lao động của cộng đồng người sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án; thống kê, phân tích thực trạng cơ cấu và chất lượng nguồn lao động của nhóm dân cư đó theo tuổi, theo trình độ học vấn, theo nghề nghiệp, theo gia đình, theo mức sống...
- Với nghề nghiệp cần nghiên cứu cơ cấu nghề nghiệp trước khi chuyển cư, tỷ lệ lao động hoạt động trong từng ngành nghề. Từ đó sẽ dự báo số ngành nghề có khả năng tiếp tục duy trì và phát triển, đồng thời dự liệu được số người mất việc làm ở những ngành nghề không có điều kiện tồn tại sau TĐC. Đây là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập cho người dân sau TĐC.
Thứ tư, cần điều chỉnh tiến độ quy hoạch chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu TĐC phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Mặc dù trong những năm qua, mức tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng khá cao, cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp, dịch vụ và thương mại không ngừng được mở rộng và phát triển song mỗi năm cũng chỉ đủ khả năng giải quyết việc làm cho khoảng hơn 20.000 lao động. Trong khi đó, số lao động được bổ sung hàng năm do quá trình phát triển tự nhiên của dân số cùng với hàng chục nghìn lao động mất việc làm do phải di dời giải toả theo các dự án quy hoạch - chỉnh trang đô thị lại lớn hơn rất nhiều. Do vậy, thành phố không thể tạo ra và đáp ứng đầy đủ nhu cầu việc làm, chống thất nghiệp cho cộng đồng dân cư. Trong khi đó việc di dời, TĐC, chỉnh trang đô thị lại làm khá tràn lan ở mọi quận huyện. Do vậy, ở một số địa phương, quy hoạch di dời, giải tỏa, TĐC kéo dài. Một bộphận nhân dân không ổn định được cuộc sống. Đây là kinh nghiệm phải đặc biệt chú ý. Vì vậy, cần có kế hoạch tổng thể, để chỉ đạo việc di dời, TĐC có trọng điểm. Làm đâu xong đấy - đồng thời xác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mở mang khu công nghiệp, phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất. Trên cơ sở này mà giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân.
Thứ năm, cần có chính sách chế độ cụ thể, phù hợp với từng loại hộ gia đình dân
TĐC.
Nhóm gia đình dân TĐC có thành phần xã hội khá đa dạng, phức tạp, vì vậy cần có chính sách, chế độ cụ thể, thích hợp cho từng loại hộ gia đình để giúp họ sớm ổn định việc làm, phát triển sản xuất, cân bằng thu nhập, chi tiêu và nâng cao đời sống.
Trước hết, cần chú ý những hộ gia đình có đông thành viên, thuộc diện nghèo, học
vấn thấp, nhiều người lao động phổ thông chưa được đào tạo nghề. Đây là những gia đình chuyển cư sau TĐC đang hết sức lúng túng trong định hướng phát triển, tạo lập vốn, chọn
nghề, cân đối cơ cấu chi tiêu, định hướng phát triển cho con cái. Do vậy, ngoài việc cấp thêm diện tích phụ cần hỗ trợ vốn, mở lớp dạy nghề, tìm kiếm việc làm và tư vấn việc giải quyết thích hợp vấn đề thu nhập và chi tiêu. Đồng thời mở một số lớp tập huấn tăng cường tri thức thị trường cho họ và con cái họ.
Hai là, nhiều gia đình làm nghề nông ngư nghiệp trong TĐC trở nên khó khăn. Do
vậy, chương trình TĐC phải đặc biệt chú ý đối tượng này. Từ việc bố trí nơi tái định cư gần sông, gần biển; đến việc tìm việc làm cho họ và vợ con họ. Điều đặc biệt cần làm là mở các dịch vụ chợ thủy, hải sản để thu hút hết số lao động dư dôi trong quá trình chuyển cư.
Ba là, với những gia đình chủ hộ là nam giới, cần chú ý giải quyết việc làm, ổn định đời sống trước mắt, tạo điều kiện phát triển về lâu dài. Song với những gia đình chủ hộ là nữ, tuy cơ bản trước mắt thu nhập tạm ổn định, song lâu dài, khả năng nâng cao mức sống là khó khăn. Điều này đòi hỏi nhà nước cần có chính sách ưu tiên hơn với những hộ có chủ hộ là nữ, tạo điều kiện cho những gia đình này phát triển về lâu dài.
Bốn là, trong quá trình di dời, TĐC, những hộ gia đình có chủ hộ ở những nhóm
tuổi khác nhau, cơ may cũng khá khác nhau. Do vậy, thực hiện chính sách di dời, TĐC cần chú ý đến vấn đề này. Cụ thể cần đặc biệt chú ý giúp đỡ những hộ gia đình có chủ hộ trong khoảng tuổi 40-55 để họ tìm được việc làm, tạo thu nhập. Đây là nhóm chủ hộ với khả năng chuyển đổi nghề nghiệp thấp, tính năng động không còn cao. Do đó tạo điều kiện cho số này, giúp họ có việc làm thích hợp, nâng cao thu nhập là điều cần chú ý trong thực hiện chính sách với dân TĐC.
Thực tế nói trên càng chứng tỏ việc lập luận chứng kinh tế - xã hội một cách khoa học thấu đáo có tính nguyên tắc bắt buộc trước khi triển khai một dự án TĐC.