Qua báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An và qua việc khảo sát thực tế cho thấy, chất lượng đại biểu HĐND tỉnh của các nhiệm kỳ sau thường cao hơn nhiệm kỳ trước rất nhiều. Điều đó phần nào được phản ánh qua hoạt động giám sát của đại biểu như sau:
- Các đại biểu dự kỳ họp đầy đủ và tích cực hơn trong việc tham gia thảo luận các báo cáo. Đồng thời đã có nhiều ý kiến phát biểu và thảo luận một cách dân chủ, thiết thực hơn. "Trung bình các kỳ họp HĐND tỉnh có khoảng 20-25 ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến phát biểu đó ngày càng có chất lượng" [18, tr.3]. Các đại biểu đã vận dụng đường lối, chính sách, pháp luật Nhà nước, hoàn cảnh thực tế ở địa phương để phân tích đánh giá các bản báo cáo một cách khách quan, khoa học, có căn cứ cụ thể. Từ đó đã giúp cho HĐND tỉnh ban hành được những nghị quyết phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước và sát với thực tế địa phương. Làm cho hoạt động của HĐND đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được niềm tin cho cử tri và nhân dân. Đồng thời qua đó cũng giúp cho các cơ quan lập báo cáo nâng cao tinh thần trách nhiệm trước HĐND.
- Về vấn đề chất vấn, nội dung chất vấn của các đại biểu đã cụ thể rõ ràng hơn. Thường là những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế xã hội mà cử tri yêu cầu phải giải quyết. Các đại biểu cũng đã mạnh dạn dám nói thẳng nói thật, không nể
nang, né tránh. Vì vậy, chất lượng chất vấn của các đại biểu đã được tăng lên góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND tại kỳ họp.
- Việc tiếp xúc cử tri được các đại biểu thực hiện nghiêm túc với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Trước và sau mỗi kỳ họp, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại địa phương. Những kiến nghị của cử tri đã được hầu hết các đại biểu phản ánh kịp thời tại kỳ họp. Sau mỗi kỳ họp, các đại biểu đã báo cáo nghiêm túc nội dung, kết quả của kỳ họp và trả lời những yêu cầu, kiến nghị mà cử tri quan tâm, khắc phục được tình trạng ghi nhận suông như trước đây.
Song bên cạnh đó vẫn còn một số đại biểu do chưa hiểu sâu sắc Hiến pháp, pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; chưa nắm được tình hình thực tế ở địa phương hoặc còn ngại va chạm nên việc tiếp xúc cử tri ở chỗ này, chỗ khác vẫn còn mang tính hình thức. Có đại biểu còn lúng túng khi tiếp cận, trao đổi ý kiến với cử tri. Nhất là khi báo cáo kết quả kỳ họp trước cử tri hoặc khi tiếp dân, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân... Cá biệt có đại biểu trong cả nhiệm kỳ không phát biểu một ý kiến nào, ít tham gia các hoạt động giám sát của các Ban và tổ đại biểu. Đó là những vấn đề cần phải khắc phục để mỗi đại biểu phát huy hết năng lực, nhiệm vụ của mình góp phần nâng cao hoạt động của HĐND.
Từ những vấn đề nêu trên có thể khẳng định rằng: hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An trong nhiệm kỳ 1999-2004 vừa qua và từ đầu nhiệm kỳ 2004- 2009 đến nay đã có nhiều tiến bộ hơn trước. Kết quả giám sát của HĐND tỉnh đã thể hiện được vị trí của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của tỉnh nhà: "phát huy quyền làm chủ nhân dân, tiếp tục xây dựng Nghệ An ngày càng vững mạnh, xứng đáng quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Tuy vậy, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2004 "công tác giám sát vẫn luôn luôn được đánh giá là hiệu quả chưa cao, hiệu lực vẫn còn hạn chế, vẫn còn mang tính hình thức, vẫn còn là khâu yếu nhất" [4, tr.1]. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả
hoạt động giám sát của HĐND, bảo đảm cho HĐND xứng đáng với danh hiệu cao quý là "người đại biểu nhân dân".