Điều kiện tự nhiên và tình hình kinh tế xã hội Nghệ An

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay pot (Trang 38 - 41)

- Điều kiện tự nhiên: tỉnh Nghệ An nằm ở phía Bắc miền Trung Việt Nam,

phía Bắc giáp Thanh Hoá, phía Nam giáp Hà Tĩnh, phía Tây giáp nước bạn Lào với đường biên giới dài 419km, phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 82km. ở vị trí địa lý này Nghệ An vừa có cửa khẩu thông thương với nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, vừa có sân bay, bến cảng, là điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu trao đổi kinh tế, văn hoá với bên ngoài.

- Địa hình: đa dạng và phong phú, đồng thời cũng rất phức tạp bị chia cắt bởi

các hệ thống núi đồi, sông suối, thấp dần từ Tây sang Đông, hình thành nên ba vùng: vùng đồng bằng ven biển, vùng núi thấp và vùng núi cao.

- Đất đai, tài nguyên: diện tích đất tự nhiên của Nghệ An là 16.449km2, trong đó 3/4 là miền núi, vùng cao. Diện tích đất có giá trị nông nghiệp là 18,7 vạn ha, trong đó có 3 vạn ha đất đỏ bazan có khả năng trồng các loại cây công nghiệp, 115 vạn ha có khả năng lâm nghiệp, trong đó có 60 vạn ha rừng với trữ lượng gỗ 40

triệu m3 và nhiều loài động vật quý hiếm, khoáng sản phong phú, nhất là đá vôi với

trữ lượng lớn.

- Khí hậu: Nghệ An nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa với 2 mùa rõ rệt. Mùa

nắng - nóng kèm theo gió Lào nhiệt độ nhiều ngày lên cao tới 38-400C, gây khô hạn

kéo dài, thường có mưa lớn kèm theo lụt bão. Mùa lạnh thường kèm theo hanh, khô và rét đậm.

Với đặc điểm về địa lý - tự nhiên như trên, Nghệ An có điều kiện để phát triển một nền kinh tế toàn diện. Song, nó cũng gây những khó khăn nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Do vậy,

đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên và mọi người dân Nghệ An nói chung và tổ chức HĐND nói riêng phải luôn đề cao cảnh giác, tinh thần trách nhiệm, vừa tháo vát mưu trí, vừa phải có sức khoẻ, đồng thời phải có kiến thức, trình độ nhất định về các mặt để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tỉnh nhà trong giai đoạn mới.

* Tình hình kinh tế - xã hội.

Đặc điểm địa lý tự nhiên phân bổ thành 3 vùng với điều kiện khác nhau nên dẫn đến tình hình kinh tế - xã hội của từng vùng cũng khác nhau.

- Về hành chính: tỉnh Nghệ An có 19 đơn vị hành chính cấp huyện; trong đó

có 6 huyện vùng cao, 4 huyện vùng núi thấp, 7 huyện đồng bằng, 1 thành phố loại II và 1 thị xã ven biển. Có 469 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó: có 115 xã thuộc vùng cao; 127 xã vùng núi thấp và 227 xã thuộc vùng đồng bằng ven biển.

Số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn, quy mô từng đơn vị hành chính không đồng đều. Các xã vùng miền núi, vùng cao thường có diện tích rất lớn nhưng dân số ít. Các xã đồng bằng thì ngược lại có diện tích nhỏ nhưng dân số lại đông. Một số xã, phường có quy mô lớn như: số xã có số dân 10.000 người trở lên là 49 xã (chiếm 10,48%), đặc biệt các xã Diễn Yên (Diễn Châu) 14.278 người, xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn) 14.183 người, Hưng Bình (thành phố Vinh) 20.905 người. Số xã có diện tích tự nhiên từ 10.000 ha trở lên là 43 xã (chiếm 9,17%), đặc biệt là các xã Châu Khê (Con Cuông) 43.888,13 ha; Thông Thụ (Quế Phong) 42.130,97 ha. Điều này dẫn tới khối lượng, độ phức tạp trong quản lý điều hành của từng đơn vị - xã không giống nhau. Do vậy yêu cầu số lượng cán bộ và tổ chức bộ máy của từng loại xã cũng cần có những quy định khác nhau [12, tr.12].

- Dân số, lao động.

Dân số ở Nghệ An có gần 3 triệu người, nhìn chung dân số trẻ, 40% có độ tuổi dưới 14; với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống. Phân bổ không đồng đều giữa các vùng: có 85% dân số (chủ yếu là người Kinh) sống tập trung ở đồng bằng và đô thị, 15% dân số chủ yếu là các dân tộc còn lại (Thái, H'mông, Khơmú, Thổ, Ơ du, Đan Lai) sống rải rác ở khu vực miền núi, vùng cao.

Nguồn lao động khá dồi dào (trên 1,6 triệu người) hàng năm được bổ sung thêm 3 vạn lao động trẻ, trong đó 15% được đào tạo nghề. Số người được đào tạo chủ yếu thuộc vùng đồng bằng đô thị, còn ở miền núi, vùng cao không đáng kể (theo điều tra số lao động có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên chiếm 1,3%) [12, tr.18].

Qua đó cho thấy: Nghệ An có tiềm năng lớn về lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn rất thấp. Sự phân bổ dân cư và trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, miền, đồng thời trình độ cán bộ cơ sở cũng có sự chênh lệch khá lớn; đặc biệt đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng cao trình độ còn rất thấp.

- Về phát triển kinh tế.

Với đặc điểm tự nhiên, đất đai, dân số và truyền thống văn hoá, cách mạng của mình, Nghệ An có rất nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện và vững chắc. Trong thời gian gần đây, kinh tế - xã hội Nghệ An đã có bước phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể.

Mặc dù vậy, Nghệ An đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đó là:

- Trên 2/3 diện tích bao gồm 242 xã, 1,4 triệu dân với 7 dân tộc ít người cùng sinh sống thuộc khu vực miền núi, vùng cao; địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều núi đèo và sông suối; cơ sở vật chất kỹ thuật (điện, giao thông, trạm xá, trường học...) còn rất nghèo nàn, đồng bào du canh, du cư còn nhiều, đầu tư thấp, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

- Tài nguyên thiên nhiên phong phú về chủng loại, nhưng trữ lượng nhỏ bé, lại nằm ở vùng sâu khó khai thác công nghiệp.

- Thường xuyên bị thiên tai đe doạ, tàn phá: nắng hạn, mưa lụt liên miên.

Do vậy, cho đến nay, so với tình hình chung cả nước thì Nghệ An vẫn là một tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế vẫn còn thiên về nông nghiệp là chủ yếu (chiếm tỷ trọng 44,27% năm 2000), thu nhập bình quân đầu người mới chỉ tăng 65-70% mức bình quân chung cả nước, nội lực trong dân còn rất mỏng, thu ngân sách mới chỉ đáp ứng

50% yêu cầu chi. Hiện nay, Nghệ An còn 176/496 xã, phường, thị trấn thuộc diện nghèo (chiếm 37,5%), với tỷ lệ hộ nghèo trên 25%; trong đó có 115 xã (chiếm 24,7%) đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo trên 42% được hưởng chế độ ưu đãi theo chương trình 135 của Chính phủ [12, tr.23].

- Nhận xét chung.

Do đặc điểm điều kiện địa lý tự nhiên hình thành nên ba vùng có đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau. Điều kiện địa lý, tài nguyên thiên nhiên, bản sắc văn hoá, phong tục tập quán có nhiều điểm khác nhau và chính điều này đã dẫn tới tốc độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của từng vùng cũng khác nhau.

Thông qua việc xem xét và phân tích kỹ những điều kiện, môi trường sống và làm việc của người dân Nghệ An, để thấy được những thuận lợi khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh (đặc biệt là hoạt động giám sát). Từ những đề xuất, kiến nghị giải pháp phù hợp nhằm phát huy vai trò của HĐND trong hoạt động giám sát các vấn đề ở địa phương cơ sở để xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương - đảm bảo được bản chất dân chủ của Nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay pot (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)