Hoạt động giám sát của các ban Hội đồng nhân dân

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay pot (Trang 50 - 53)

Các ban của HĐND là những cơ quan tham mưu giúp việc của HĐND. Căn cứ vào Nghị quyết của HĐND tỉnh và chương trình kế hoạch hoạt động cụ thể của HĐND, các ban đã xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát đối với các lĩnh vực phụ trách của mình. Về hình thức giám sát các ban có thể tiến hành giám sát thường xuyên theo định kỳ hoặc giám sát đột xuất các vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri và nhân dân quan tâm. Sau các đợt giám sát các Ban phải có báo cáo tổng hợp, nêu ý kiến đánh giá và các kiến nghị tham mưu cho Thường trực HĐND, UBND và các Sở ban ngành liên quan xem xét, xử lý trong quá trình điều hành thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh. Theo báo cáo tổng kết hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 1999-2004 và báo cáo hoạt động các ban HĐND năm 2005 nhiệm kỳ 2004-2009, đến nay hoạt động giám sát của các ban đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Cụ thể như sau:

Để hoạt động giám sát đạt kết quả tốt, các ban của HĐND tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch giám sát cụ thể; xác định rõ đối tượng, phạm vi và vấn đề trọng tâm cần tập trung giám sát; thống nhất thời gian, chương trình giám sát; huy động lực lượng và yêu cầu các đơn vị được giám sát phải chuẩn bị báo cáo bằng văn bản theo yêu cầu nội dung cần kiểm tra, theo dõi. Bởi vậy đã tạo được bước chuyển tích cực trong hoạt động kiểm tra giám sát của HĐND; khắc phục được tình trạng phiến

diện, tràn lan, tốn nhiều thời gian công tác mà không thu được kết quả giám sát trên thực tế.

Trong khi xây dựng kế hoạch, các ban của HĐND tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND huyện tổ chức được nhiều đợt kiểm tra giám sát. "Trong nhiệm kỳ 1999-2004, ngoài giám sát tại kỳ họp, Ban Kinh tế ngân sách đã tổ chức 78 lượt, Ban Văn hoá xã hội đã tổ chức 74 lượt, Ban Pháp chế tổ chức được 75 lượt, Ban Dân tộc tổ chức 74 lượt" [16, tr.4]. Các đợt giám sát đều tập trung vào những vấn đề quan trọng như giáo dục đào tạo, quỹ quốc phòng ma tuý, bồi thường giải phóng mặt bằng, đất đai, thu thuế, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chương trình 135, các chế độ chính sách đồng bào dân tộc miền núi quyền lợi và nghĩa vụ nhân dân địa phương.

Đặc biệt, khi Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 ban hành, các thủ tục trình tự giám sát của HĐND được quy định cụ thể và chặt chẽ nên hoạt động giám sát của HĐND đã có chất lượng và hiệu quả hơn. Các cuộc giám sát đã tập trung bám sát thực tế, đi vào chiều sâu, không dàn trải.

Chẳng hạn trong năm 2005, Ban Kinh tế ngân sách chỉ tổ chức 3 đoàn giám sát nhưng đó là những chuyên đề quan trọng: giám sát công tác quản lý sử dụng đất đai tại Sở Tài nguyên và Môi trường; giám sát công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đầu tư và xây dựng tại các Sở; giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, thu ngân sách của tỉnh. Qua giám sát, Ban đã chỉ ra những tồn tại trong công tác quản lý sử dụng đất đai như: vi phạm về quy hoạch sử dụng đất, giao đất cho các dự án còn gây lãng phí, bỏ hoang nhiều năm trong khi người dân không có đất sản xuất; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, chưa đạt chỉ tiêu đề ra; chất lượng thiết kế của một số công trình không đảm bảo, bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, không liên tục... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản, hoặc việc cấp phép khai thác tài nguyên thiếu chặt chẽ không đảm bảo vệ sinh làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường [20, tr.2-5].

Qua kiểm tra, giám sát, các ban của HĐND tỉnh Nghệ An không chỉ phát hiện ra các sai sót của các cơ quan ban ngành, mà còn đưa ra các kiến nghị đề xuất, những giải pháp giúp các đối tượng bị giám sát kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những lệch lạc của mình trong việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Ví dụ trong năm 2005, qua giám sát công tác xây dựng VBQPPL, Ban Pháp chế đã phát hiện: 10 văn bản của UBND tỉnh có sai sót về hình thức, nội dung và thẩm quyền; một số nghị quyết của HĐND và quyết định chỉ thị về hành vi vi phạm pháp luật, mức xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện trái với VBQPPL cấp trên. Trước tình hình đó, Ban đã kiến nghị UBND giao cho các ngành chức năng sửa đổi bãi bỏ cho phù hợp với pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương.

Sau khi giám sát, các kiến nghị, đề xuất của các Ban đã được các cơ quan, đơn vị chịu giám sát tiếp thu, chỉnh sửa khắc phục kịp thời. Như vấn đề đường điện 0,4kv xã Đồng Văn huyện Tân Kỳ, Thuỷ Lợi Bản Phục xã Diễn Lãm huyện Quỳ Châu, về số lượng và đối tượng hưởng thụ muối Iốt, dầu thắp sáng đối với miền núi, vùng cao... do Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An tổ chức giám sát trong năm 2005. Hoặc như sự việc xảy ra đối với giống lúa QUI qua sự phản ánh của báo chí, Ban Kinh tế ngân sách đã tổ chức giám sát, các đơn vị liên quan đã kịp thời khắc phục. Việc các đơn vị chịu giám sát kịp thời khắc phục vi phạm của mình đã nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An trong thời gian qua.

Ngoài ra, thông qua hoạt động giám sát, các thành viên trong các Ban có điều kiện tiếp cận với cơ sở, nắm bắt được tình hình thực hiện nghị quyết của HĐND cũng như các vấn đề thực tiễn diễn ra trong cuộc sống. Từ đó có những thông tin, căn cứ chính xác để tiếp tục thực hiện hoạt động giám sát tại kỳ họp có hiệu lực, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên hoạt động giám sát của các Ban HĐND tỉnh Nghệ An thời gian qua vẫn còn một số hạn chế sau:

- Việc xây dựng chương trình kế hoạch giám sát chưa đồng bộ, đôi khi còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban nên không tránh khỏi sự chồng chéo. Điều này không chỉ diễn ra giữa các Ban mà trong nội bộ từng Ban cũng

vậy. Việc bố trí thời gian giám sát chưa phù hợp với tình hình thực tế công tác của từng thành viên, nên chất lượng các cuộc giám sát thường chưa cao.

- Chưa có nhiều đợt giám sát đột xuất các vấn đề bức xúc được cử tri và nhân dân quan tâm mà chủ yếu tập trung vào những vấn đề định kỳ thường xuyên.

- Một số cuộc kiểm tra, giám sát của các Ban chưa mang lại hiệu quả thiết thực, có nơi phương pháp làm việc chưa tốt còn gây phiền hà cho các cơ quan bị giám sát. Khi kết thúc kiểm tra, giám sát không đưa ra được kết luận cụ thể hoặc kiến nghị biện pháp xử lý con chung chung, không rõ ràng dứt khoát, làm cho các cơ quan Nhà nước, các ngành có liên quan thiếu tin tưởng vào hoạt động kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay pot (Trang 50 - 53)