Vỏ trái đất là lớp vỏ bao cứng của Trái Đất, người ta coi biên phía dưới của nó là một mặt được gọi là Môhôrôvichich, hay Môhô. Mặt Môhô được nhận biết nhờ một tính chất là tốc độ các sóng địa chấn dọc tăng một cách đột ngột tới 8 km/s khi chúng đi đến độ sâu của mặt này. Phía dưới mặt Môhô là một lớp vỏ bao cứng tiếp theo - lớp manti thượng, lớp này liên hệ khá chặt chẽ với vỏ trái đất.
Phần trên cùng của manti cùng với vỏ trái đất là một lớp vỏ cứng tương đối đậm đặc và ròn - thạch quyển (litosphere). Nền dưới của thạch quyển là những lớp manti dẻo hơn, có mật độ hơi giảm hơn, gọi là quyển mềm
(asthenosphere). Nhiệt độ trong quyển mềm gần bằng điểm nóng chảy của vật chất manti, nhưng do áp suất lớn vật chất của manti không nóng chảy mà ở trong trạng thái vô định hình và có thể vẫn là cứng, nhưng chảy trượt được giống như khối băng hà trên núi. Chính quyển mềm là một lớp dẻo mà các khối tảng riêng lẻ của thạch quyển có thể trôi nổi trên nó tuân theo định luật Ácsimet. Quyển mềm không phân bố gắn bó liên tục, mà tạo thành những “ổ” lớn hoặc nhỏ trong manti thượng. Một điều đặc biệt quan trọng ở đây là quyển mềm phần lớn không có mặt bên dưới đáy đại dương và các nền lục địa.
Như đã xác định được nhờ kết quả thám sâu địa chấn, bề dày của vỏ trái đất trên các lục địa bằng khoảng 30-40 km, bên dưới các vùng núi nó tăng lên đến 80 km. Bên dưới phần nước sâu của đại dương bề dày của vỏ trái đất giảm xuống tới 5-15 km. Về trung bình, chân đế của vỏ trái đất (mặt Môhô) nằm ở phía dưới các lục địa tại độ sâu 33,7 km, còn ở phía dưới các đại dương - tại độ sâu 7 km, tức vỏ đại dương khoảng 5 lần mỏng hơn vỏ lục địa. Ngoài những khác biệt về bề dày, còn có những khác biệt rõ rệt trong cấu tạo vỏ trái đất thuộc kiểu lục địa hay kiểu đại dương. Vỏ lục địa cấu tạo từ ba lớp: Lớp trên - lớp đá trầm tích, được tạo thành từ những sản phẩm phá hủy các đá tinh thể và về trung bình phổ biến tới độ sâu 1 km; Lớp giữa - lớp đá granit, cấu tạo từ các đá tinh thể và các đá vô định hình và có độ dày 15- 17km; Lớp dưới - lớp đá bazan với độ dày 17-20 km, cấu tạo từ các đá tinh thể kiềm. Vỏđại dương cấu tạo từ hai lớp chính - lớp đá trầm tích và lớp đá bazan. Lớp đá trầm tích ở bên trong phạm vi các hệ thống núi lửa trẻ thì không dày hơn vài trăm mét, còn ở nơi các bình nguyên nước sâu và ở sườn lục địa nó đạt tới 0,5-3,0 km. Nguồn gốc của các trầm tích nước sâu là các lục địa và những vụ phun núi lửa dưới nước tung tro bụi và dung nham vào nước đại dương. Bề dày của lớp bazan biến thiên trong giới hạn từ 3 đến 12 km và trung bình bằng 5 km. Giữa hai lớp chính này đôi khi người ta phân chia thêm một lớp với độ dày 1-2 km và cấu tạo chủ yếu từ đá túp và dung nham núi lửa. Như vậy, có thể nói rằng độ dày chung của vỏ bằng khoảng 20 km ở gần các lục địa, bên dưới các dãy núi đại dương và các đảo lớn, và
giảm đi còn 5-7 km ở các vùng trung tâm của đại dương.
Ranh giới giữa kiểu lục địa và kiểu đại dương của vỏ trái đất nhìn chung đi qua đường đẳng độ sâu 2000 m. Chính tại độ sâu này diễn ra sự mỏng dần và mất hẳn lớp đá granit. Vì vậy đối với những vùng đáy đại dương nằm trong giới hạn độ sâu từ mép nước đến 2000 m sẽ đặc trưng bởi kiểu vỏ lục địa. Vỏ lục địa làm thành thềm lục địa, sườn lục địa và nói chung là cả chân lục địa. Tổng diện tích phần dưới nước của vỏ lục địa bằng gần 20 % diện tích đáy Đại dương Thế giới, tức vỏ lục địa bao phủ 44 % bề mặt trái đất, còn vỏ đại dương - 56 %.
Những khảo sát địa vật lý hiện đại đã cho biết rằng vỏ đại dương rất không đồng nhất về cấu tạo. Điều này đặc biệt đúng với các dãy núi giữa đại dương, bên dưới các dãy núi giữa đại dương là các đá có mật độ cao hơn, và các đới chuyển tiếp có động thái phát triển vỏ rất cao. Kiểu vỏ cơ hữu của các dãy núi giữa đại dương có tên là kiểu sinh rạn, còn kiểu cơ hữu của các đới chuyển tiếp là kiểu uốn nếp. Như vậy có bốn kiểu vỏ chính: kiểu lục địa,
kiểu đại dương, kiểu sinh rạn và kiểu uốn nếp.