1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật và khám phá những góc khuất trong chiều sâu tâm hồn con người:
2.2 Giọng điệu mỉa mai châm biếm nhẹ nhàng mà thấm sâu:
Khi hướng tới đối tượng là những con người nhỏ bé, đáng thương thì nhà văn dành cho họ một giọng điệu ôn hoà, đằm thắm và chan chứa tình yêu thương. Còn khi đối diện với những thói hư tật xấu của con người hay những thế lực đã chà đạp lên quyền sống con người thì tác giả lại dùng giọng mỉa mai, châm biếm tuy nhẹ nhàng mà thấm sâu. Chẳng hạn như khi đi vào phê phán những thú vui trác táng của dân ngoại ô, tác giả đã sử dụng một giọng châm biếm nhẹ nhàng:
Nói là một “thị trường” to lớn cũng không ngoa chút nào! Cứ tính nhẩm từ
trong ngõ Vạn Thái chạy ra hai dãy phố Mười gian, người ta đếm được vừa đúng bốn mươi ba nhà ả đầu nghĩa là bốn mươi ba nhà chuyên việc chứa khách đến thoả mãn nhục dục dưới cái nhãn hiệu mỹ miều là thưởng thức văn thơ và nghệ thuật hát nhà tơ…Thế là bọn hàng rong có trung bình trên dưới bốn trăm người khách hàng. Bốn trăm cái miệng khô khan, đắng chát vì đã gào thét đến cháy cổ, đã nốc nhiều rượu, đã hút nhiều thuốc lá, thuốc phiện và đã hôn hít tục tằn. Bốn trăm cái dạ dày trống rỗng sau cơn phá phách nô đùa, chạy lên xuống cầu thang mấy chục lần hoặc đã rã rời sau một phút rú rít về xác thịt
(Nguyễn Đình Lạp,2003:37-38).
Và khi nói về những con người trụy lạc, tác giả lại dẫn chuyện bằng giọng mỉa mai pha chút bông đùa:
Quan viên nhà này đông quá. Trên cái ghế ngựa kê sát ngay cửa ra vào, một người đàn ông nằm cuộn trong chiếc chăn bông, thò đầu ra ngoài, gối đùi lên một ảđầu. Trông hắn, người ta phải nhớ ngay đến con sâu kèn đang thò đầu ra ngọ nguậy. Cuối phòng bốn năm người trai trẻ khác nằm úp thìa, đầu gối lên bụng nhau xung quanh một cái khay đèn thuốc phiện. Giữa phòng là một bộ “xa lông” liểu mới. Hai người đàn ông nằm
ườn trên ghế, chân ghệch lên bàn, miệng hát líu lô. Liền ngay đấy, một người thanh niên nữa ôm chặt lấy một cô đầu mà nhảy đầm (Nguyễn Đình Lạp,2003:44).
SVTH: Nguyễn Thị Xuân Mai 57 Giọng mỉa mai châm biếm ấy cũng thể hiện rõ khi tác giảđi vào phê phán sự mê tín của con người. Với lối nói pha chút bông đùa, tác giảđã cho người đọc thấy cách cung kính hết sức buồn cười của bác Vuông đối với ba vị anh hùng bác tôn kính:
Cứ cái sự xưng hô “các ngài” cũng đủ tỏ bác kính sợ ba bức ảnh đó như ba bực thánh. Nếu có ai gọi thằng Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi thì tức thời bác trố mắt ngạc nhiên nhìn người đó và vội vàng cải chính lại ngay bằng giọng nhỏ bé, sợ sệt: “Ấy chết! Sao bác…lại gọi thế? Các ngài thiêng lắm. Nhất là Quan ngài đã hiển thánh”
(Nguyễn Đình Lạp,2003:108).
Bên cạnh đó, khi đi vào phê phán những thế lực đã chà đạp lên quyền sống con người, tác giả vẫn sử dụng giọng ôn hoà, từ tốn nhưng cũng không kém phần quyết liệt để bóc trần cái mặt nạ của bọn chúng. Chẳng hạn như khi nói về bọn hương chức ở địa phương, tác giảđã miêu tả bộ dạng bên ngoài của bọn chúng bằng giọng thản nhiên và để bản chất của bọn chúng tự bộc lộ qua vẻ bên ngoài ấy:
Ông Lý là một người đẫy đà, mặt tròn phúng phính, ngăm ngăm nâu, dáng
đi đứng bệ vệ, hách dịch. Ông phó lý thì trái ngược hẳn , vừa gầy vừa cao, nhưng đôi mắt tỏ vẻ lanh lẹ và ranh mãnh. Theo sau hai ông có ba bốn tên tuần cầm tù và tay thước lâng láo, sục sạo như thể một đàn gà bới trên đống rác (Nguyễn Đình Lạp,2003:211).
Chỉ vài câu, bản chất của bọn chức dịch đã hiện ra qua vẻ bề ngoài thật chân xác: kẻ thì hách dịch, kẻ thì ranh mãnh, kẻ thì lâng láo…Qua cách nói có vẻ thản nhiên ấy, ta vẫn thấy được một thái độ khinh bỉ dành cho những kẻ bóc lột.
Tiếp tục để cho bọn hương chức tự bộc lộ bản chất của mình, tác giả ôn tồn dẫn dắt và bình phẩm cuộc nói chuyện của hai tên chánh phó lý:
Hai ông chánh phó lý thản nhiên đi, bàn chuyện rằm tới này ông Tiên chỉ sẽ
khao tám mươi. Ngày ấy tha hồ mà chè chén, mà xóc đĩa cô đầu. Thật vui như tết. Rồi hai ông cười ha hả, sánh vai nhau đi hớn hở nhưđi ăn khao vậy (Nguyễn Đình Lạp,2003:212).
Có lạc điệu chăng khi giữa cái cảnh tang tóc của gia đình bác Vuông, tác giả lại ghé sang câu chuyện bên lề vô nghĩa của hai tên chánh phó lý? Không hề lạc điệu, không hề vô nghĩa chút nào mà trái lại chính cái câu chuyện dường như chẳng ăn nhập vào đâu ấy lại tố cáo sự nhẫn tâm, không tình người của bọn tham quan. Vì thế, sau giọng điệu ôn tồn từ tốn có phần thản nhiên kia, ta thấy được một sự căm phẫn dồn nén trước thái độ vô tâm, tàn nhẫn giữa con người với con người.
Khi đi vào phê phán những thói hư tật xấu của con người hay phê phán những thế lực áp bức con người, ngòi bút của Nguyễn Đình Lạp chưa được nhọn và sắc như Vũ Trọng Phụng. Nếu nhưở Vũ Trọng Phụng, người ta nhận thấy được một giọng điệu bốp chát, cay cú thì ở Nguyễn Đình Lạp, người ta lại nhận thấy một “giọng điệu ôn hoà hơn nhưng cũng có công phơi trần hiện thực chứa đầy bi kịch” (Bùi Hiển,2003:846-847). Có thể nói, thông qua những tác phẩm của mình, Vũ Trọng Phụng đã ném những tiếng chửi thật ác, vung những cái tát tay thật đau vào bộ mặt xã hội “chó đểu” đương thời. Còn đối với Nguyễn Đình Lạp, ông chí nhẹ nhàng phê phán, từ tốn bóc tách lần chiếc mặt nạ xấu xa của đời để nâng niu và bảo vệ những cảnh đời lấm láp bùn đen. Vì thế, sau khi đọc văn của Vũ Trọng Phụng, người ta có thể phẫn nộ, đập bàn quát tháo hoặc sẽ bộc ra những tiếng cười nhưng đó là cái cười ra nước mắt, cười mà nghe mặn đắng ởđầu môi. Còn Nguyễn Đình Lạp, văn
SVTH: Nguyễn Thị Xuân Mai 58 của ông có độ thấm sâu, khiến cho người ta vừa đau đớn vừa “phải suy ngẫm về cuộc sống quanh mình và rút ra kết luận” (Bùi Hiển,2003:847).
Tóm lại, tiểu thuyết Nguyễn Đình Lạp hấp dẫn người đọc một phần là nhờ vào giọng điệu kể chuyện linh hoạt, có sự kết hợp nhuần nhuyễn nhiều giọng điệu. Khi hướng về đối tượng là những con người bé nhỏ, đáng thương thì ông dành cho họ một giọng đầy cảm thông và chan chứa tình thương. Đôi khi, ông lại bộc lộ tình thương ấy qua những lời trữ tình ngoại đề với giọng chất chứa cảm xúc pha lẫn chất triết lí sâu xa. Còn khi đối diện với những thói hư tật xấu của con người hoặc đối với bọn bất nhân, chuyên ức hiếp dân nghèo thì ông không ngần ngại phê phán bằng giọng mỉa mai, châm biếm đôi lúc pha chút bông đùa tuy nhẹ nhàng mà thấm sâu. Với việc xác lập được cho mình một giọng điệu riêng, Nguyễn Đình Lạp xứng đáng để có một vị trí vững chắc hơn trên văn đàn nghệ thuật nói chung và trong trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 nói riêng.