Việt Nam là nước có tỷ trọng nông nghiệp khá lớn (ước trên 70%), nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề nông nghiệp đô thị hiện nay chưa định hình, chưa có định hướng theo kế hoạch cụ thể, còn tự phát và thay đổi tạm thời theo cơ chế thị trường. Nhìn chung, trình độ phát triển nông nghiệp đô thị còn lạc hậu, manh mún, chủ yếu canh tác theo tập quán. Do vậy, vai trò của nông nghiệp đô thị ngày càng quan trọng trước diễn biến của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Hơn nữa, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, nông nghiệp đô thị đang bị thu hẹp dần nhưng nhu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm ngày càng tăng với số lượng lớn, vành đai xanh sản xuất nông nghiệp phải được thiết lập để phục vụ đô thị. Thực trạng phát triển nông nghiệp đô thị đang có xu hướng bị thu hẹp do sự cạnh tranh sử dụng đất để xây nhà hay nhiều mục đích khác.
Trước thực trạng quỹ đất nông nghiệp hàng năm đang giảm mạnh, cần phải xây dựng được những mô hình nông nghiệp đô thị mang tính “đột phá” đặc trưng để giúp cho giá trị sản xuất nông nghiệp tăng và sản phẩm nông sản xuất khẩu hiệu quả. Hiện nay người dân đang chuyển dần những diện tích trồng lúa sang trồng rau màu, vừa rút ngắn được thời gian thu họach lại dễ làm hơn. Hay ở lĩnh vực phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh cũng đang là một nét đặc trưng riêng biệt và đóng góp rất mạnh cho việc phát triển nông nghiệp đô thị.
Áp dụng trồng rau theo phương pháp thủy canh, trồng rau mầm, trồng nấm ăn, trồng hoa trong chậu, bồn, trên giàn, trong nhà lưới hay nuôi lươn, ếch, nuôi trùn quế, giun đất, côn trùng làm mồi nuôi chim, nuôi cá kiểng… nhằm bổ sung thực phẩm cho bữa ăn và cải thiện cuộc sống gia đình.
Đó chính là những dạng hình của nền nông nghiệp đô thị, tạo ra nhiều kinh nghiệm hướng nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có hiệu quả và hướng đến một nghề mới - nghề nông giữa thành phố.
Xây dựng nền nông nghiệp đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao là một định hướng phù hợp và tất yếu của nền nông nghiệp đô thị. Ưu điểm của nông nghiệp đô thị là diện tích sản xuất nhỏ, phù hợp với điều kiện ở thành phố; đồng thời các sản phẩm sản xuất ra không chỉ có giá trị cao (như hoa lan, cây cảnh, cá cảnh…) mà còn
góp phần tạo mỹ quan, mảng xanh đô thị, cải thiện môi trường sinh thái và sự thân thiện giữa thiên nhiên với con người.
3. Kết luận
Chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp của lao động nông thôn là một xu hướng rất quan trọng để xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn. Hiện nay, quá trình chuyển đổi này đang diễn ra theo đúng hướng và tác động tích cực đến kinh tế. Xu hướng chuyển đổi này làm hoàn thiện cơ cấu kinh tế xã hội. Đặc biệt là những chuyển đổi trong cơ cấu nghề nghiệp cũng tác động đến đời sống của người dân.
Về cơ bản cơ cấu nghề nghiệp của lao động nông thôn trong quá trình đô thị hóa chuyển đổi theo chiều hướng tích cực là giản nghề nông, tăng ngành nghề công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên tốc độ diễn ra tương đối chậm. Song chúng ta cần khẳng định rằng sự chuyển đổi đó bắt nguồn từ các nguyên nhân khác nhau như chính sách kinh tế xã hội, tính năng động của các hộ gia đình, người lao động hay áp lực dân số, đất đai. Các nhân tốt này tạo ra sự đa dạng trong cơ cấu nghề nghiệp. Công nghiệp hóa hiện đại hóa nước ta đang diễn ra mạnh mẽ đi đôi với nó là quá trình đô thị hóa. Việc thu hẹp diện tích đất canh tác trong nông nghiệp buộc người lao động trong khu vực nông nghiệp phải chuyển sang khu vực công nghiệp và các ngành nghề khác. Do đó phải có ý thức được tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật trong việc giải quyết việc làm cho người lao động.
Chúng ta có thể thấy: cơ cấu nghề nghiệp của người lao động đang chuyển từ ngành nghề nông nghiệp sang ngành nghề phi nông nghiệp, sự chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp tác động mạnh mẽ đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.