7. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.3.3. Hệ thống các giải pháp cho Phát triển bền vững vùng biển Việt Nam
Để hướng tới Phát triển bền vững, trước hết phải có sự đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển, hiện trạng và những biến động về Tài nguyên và môi trường biển. Vì vậy, cần tiến hành điều tra, nghiên cứu có hệ thống về biển, xây dựng cơ sở dữ liệu và thường xuyên cập nhật thông tin, kết quả điều tra, nghiên cứu mới. Tiến hành định kỳ các hoạt động quan trắc, giám sát Tài nguyên và môi trường biển. Xây dựng các trạm cảnh báo thiên tai (động đất, sóng thần, núi lửa, nước dâng, ngập lụt, sa bồi, xói lở, xâm nhập mặn, tràn dầu, hoá chất, thuỷ triều đỏ...). Giám sát và đánh giá mức độ suy thoái của Tài nguyên các hệ sinh thái biển. Quyết định (số 47/2006/QĐ-TTg ngày 1.3.2006) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý Tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn 2020” với danh mục 20 nhiệm vụ - đề án là một mốc quan trọng đối với công tác điều tra và nghiên cứu biển, thể hiện quyết tâm theo định hướng “Phát triển bền vững” của Việt Nam.
Chúng ta đã có một hệ thống cơ sở pháp lý làm nền tảng cho quản lý và phát triển vùng biển, đã tham gia các công ước quốc tế. Đã có các tuyên bố về chủ quyền trên biển, các chiến lược và kế hoạch quốc gia, luật Bảo vệ môi trường và nhiều văn bản dưới luật. Tuy nhiên, cần có sự phân cấp, định rõ trách nhiệm về quản lý Tài nguyên -
môi trường và kinh tế biển, ứng cứu sự cố môi trường. Chúng ta cần củng cố và cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý và bảo vệ theo các vấn đề như các nhân tố gây tác động từ trên lưu vực, xuyên biên giới - lãnh thổ; Chất lượng môi trường; Nơi sinh cư và các hệ sinh thái; Đất ngập nước; Phòng chống thiên tai và ứng cứu các sự cố môi trường; An ninh và tìm kiếm cứu nạn trên biển... Tiếp tục xây dựng, bổ sung và hoàn chỉnh các văn bản pháp quy liên quan đến Phát triển bền vững vùng biển và dải ven bờ biển. Xây dựng chiến lược và các chương trình, kế hoạch hành động, các dự án ưu tiên để kiểm soát ô nhiễm, ngăn ngừa suy thoái, phát triển Tài nguyên, cảnh báo thiên tai và ngăn ngừa sự cố môi trường trên biển. Phát huy thế mạnh của nền kinh tế thị trường đối với khai thác tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng biển, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế biển. Ngoài việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, Nhà nước cần giữ vai trò điều hành và quản lý một số lĩnh vực kinh tế chủ chốt, an ninh - quốc phòng và chủ quyền Quốc gia trên biển.
Tăng cường xây dựng tiềm lực cho các cơ quan nghiên cứu, quản lý Tài nguyên - môi trường biển. Từng bước khắc phục tình trạng lạc hậu, thiếu đồng bộ về phương pháp, thiết bị khảo sát và phân tích. Chú trọng đào tạo cán bộ khoa học, chuyên gia và lao động chuyên nghiệp biển từ các trường Đại học, dạy nghề và thông qua các dự án phát triển. Xây dựng một hệ thống các cơ quan chuyên trách điều tra nghiên cứu cơ bản và ứng dụng công nghệ về biển đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh - quốc phòng. Đảm bảo bình đẳng trong hợp tác quốc tế song phương và đa phương trên vùng biển Việt Nam và trên Biển Đông. Phấn đấu xây dựng nền tảng cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ biển (đội tàu nghiên cứu, các trạm quan trắc môi trường và cảnh báo thiên tai, các phòng thí nghiệm trọng điểm và các cơ sở thực nghiệm). Tăng tỷ lệ ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đặc biệt cho phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, đánh giá và phát hiện mới Tài nguyên biển.
Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến trong khai thác tiềm năng và bảo vệ Tài nguyên - môi trường biển: Xây dựng công trình trên biển, dự báo, thăm dò khoáng sản và nguồn lợi nghề cá. Ứng dụng công nghệ vệ tinh màu nước dự báo ngư trường, nuôi trồng thuỷ sản hiệu suất cao không gây ô nhiễm môi trường. Giải quyết vấn đề nước ngọt cho vùng ven biển và các đảo xa bờ, phát triển các nguồn năng lượng sạch có nguồn gốc từ biển (gió, sóng, thuỷ triều, dòng chảy...). Tách chiết các hợp chất thiên nhiên có giá trị cao từ nguồn vật liệu biển và chế biến các sản phẩm biển. Tăng cường các hoạt động dịch vụ và trung chuyển trên biển để hỗ trợ phát triển kinh tế đảo và xa bờ. Phát triển mạnh cảng - hàng hải, du lịch sinh thái và các dịch vụ đi kèm.
Tăng cường an ninh - quốc phòng, chống nạn cướp biển và khai thác Tài nguyên trái phép là một giải pháp đảm bảo “Phát triển bền vững”, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Tăng cường kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn môi trường và an ninh Tài nguyên. Giám sát và xử phạt các vi phạm trên biển. Phát hiện và kịp thời xử lý các vụ vi
phạm như vận chuyển và đổ thải trái phép các chất gây ô nhiễm. Sử dụng các hình thức khai thác huỷ hoại Tài nguyên, vi phạm trong các vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Gắn kết phát triển kinh tế với an ninh - quốc phòng và bảo vệ lợi ích Quốc gia trên biển. Phối hợp tốt các tổ chức kinh tế và các cơ quan quản lý Tài nguyên - môi trường với các tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển, cảnh sát biển, hải quân và bộ đội biên phòng.
Thực hiện đánh giá tác động môi trường và ưu tiên triển khai các dự án quản lý, bảo vệ Tài nguyên - môi trường biển như xử lý các chất thải, phục hồi nơi sinh cư của các loài quý hiếm, đặc hữu và các hệ sinh thái đặc thù, ứng cứu các sự cố môi trường. Đặc biệt là tràn dầu trên biển. Phát triển các mô hình quản lý tổng hợp biển và dải ven bờ, kết hợp với quản lý lưu vực thượng nguồn. Phát triển các khu bảo tồn biển như là một quốc sách “Phát triển bền vững”, vì ngoài việc duy trì các giá trị về tự nhiên, đa dạng sinh học và khoa học, nó còn mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho du lịch sinh thái và phát triển nghề cá. Quan tâm phát triển các dạng bảo tồn thiên nhiên khác như di sản Thế giới, khu dự trữ sinh quyển và khu đất ngập nước có tầm quan trọng Quốc gia.
Giáo dục, tuyên truyền nâng cao trách nhiệm và ý thức cộng đồng trong công tác bảo vệ Tài nguyên – môi trường, hướng tới “Phát triển bền vững” vùng biển. Xây dựng ý thức mới “Bảo vệ Tài nguyên - môi trường biển là trách nhiệm, là hành động yêu nước của mỗi người”. Hỗ trợ và quan tâm xoá đói giảm nghèo cho cộng đồng dân cư trên đảo và ven biển.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong điều kiện toàn cầu hoá để hội nhập và thực thi các công ước quốc tế liên quan đến biển. Thúc đẩy nghiên cứu và đàm phán nhằm sớm hoàn thiện việc xác lập biên giới và chủ quyền hợp pháp trên biển. Phối hợp giám sát nguồn chất thải xuyên biên giới và ứng cứu các sự cố môi trường tại các vùng giáp ranh; Tham khảo kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ, khuyến khích hòa nhập các chương trình quốc tế về Tài nguyên - môi trường biển. Mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế về thông tin tư liệu, đào tạo, hội thảo, tham quan trao đổi, tham gia các chương trình, dự án khu vực hoặc toàn cầu. Tham gia các tổ chức, các hoạt động trong các mạng lưới quốc tế về biển. Tạo điều kiện để giao lưu, nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và cập nhập thông tin khoa học và công nghệ về biển. Ưu tiên các hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ cao để tiếp cận trình độ khu vực về một số mặt có liên quan đến lợi ích bình đẳng khai thác các vùng nước giáp kề, các vùng chồng lấn hoặc tranh chấp./.
TÓM TẮT CHƯƠNG 3
Trong nội dung của chương 3: Tài nguyên biển Việt Nam và vấn đề Phát triển bền vững. Đây là chương quan trọng nhất của bài viết này, đã nêu bật lên được những nội dung quan trọng sau:
- Tiềm năng của Tài nguyên biển Việt Nam: Với một vùng biển rộng lớn thuộc bờ Tây của Biển Đông. Vùng biển nước ta có nguồn Tài nguyên thiên nhiên rất dồi dào bao gồm: Tài nguyên sinh vật vô cùng đa dạng với nhiều loại sinh vật quý hiếm có giá trị kinh tế cả về động vật và thực vật; Tài nguyên khoáng sản tương đối dồi dào như dầu mỏ, và khí thiên nhiên với trữ lượng lớn. Bên cạnh đó còn có nhiều khoáng sản kim loại và phi kim khác, vật liệu xây dựng…; Tài nguyên năng lượng từ sóng biển, thủy triều, gió, mặt trời… cũng đang ở dạng tiềm năng; Các nguồn Tài nguyên khác phục vụ giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ thương mại… cũng góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế chung của đất nước.
- Thực trạng phát triển kinh tế biển của Việt Nam: Trong những năm qua kinh tế biển đã được quan tâm phát triển và cũng đã để lại nhiều thành tựu kinh tế đáng mừng, đóng góp GDP ngày càng tăng cho đất nước. Trên tất cả các ngành kinh tế biển và các lĩnh vực liên quan tới biển đều phát triển như: Đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, khai thác dầu khí và khoáng sản biển, thăm dò và khai thác năng lượng từ biển, giao thông vận tải, công nghiệp tàu biển, du lịch biển, nghề làm muối,…
- Định hướng Phát triển bền vững Tài nguyên biển Việt Nam: Đã nêu bật tầm nhìn về Tài nguyên biển Việt Nam dưới góc độ quản lý môi trường bao gồm vấn đề ô nhiễm môi trường biển, bảo vệ sinh thái biển và việc kết hợp mục tiêu kinh tế với mục tiêu Môi trường sinh thái bền vững; Từ hiện trạng Tài nguyên biển để đưa ra định hướng chung nhất cho phát triển các ngành kinh tế biển trong thời gian tới. Cuối cùng, đưa ra những giải pháp thiết thực nhất để “Phát triển bền vững Tài nguyên biển Việt Nam” của chúng ta./.
PHẦN KẾT LUẬN
Thiên nhiên Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng, với nhiều nét độc đáo, từ miền núi đến cao nguyên rồi đồng bằng trên phần đất liền. Và vùng Biển Đông còn rộng lớn hơn nữa. Sự phân hóa thiên nhiên nước ta với nhiều nguồn Tài nguyên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việt Nam là một quốc gia biển, với đường bờ biển dài trên 130 vĩ tuyến án ngữ gần như toàn bộ bờ phía Tây của Biển Đông. Các vùng biển của Việt Nam đã được Chính phủ tuyên bố bao gồm vùng nội thủy (phía trong đường cơ sở), lãnh hải (rộng 12 hải lí tính từ đường cơ sở), vùng tiếp giáp lãnh hải (rộng 24 hải lí tính từ đường cơ sở), vùng đặc quyền kinh tế (rộng 200 hải lí tính từ đường cơ sở) và thềm lục địa (mở rộng đến bờ ngoài của rìa lục địa, nơi nào hơn thì mở rộng đến 200 hải lí).
Với vùng biển rộng lớn và điều kiện thuận lợi nên biển của Việt Nam có nguồn Tài nguyên thiên nhiên phong phú cả trong khối nước, trên đáy biển, và trong lòng đất dưới đáy biển bao gồm: Tài nguyên sinh vật (động, thực vật), Tài nguyên khoáng sản (dầu mỏ, khí thiên nhiên, than, các loại sa khoáng, vật liệu xây dựng…), Tài nguyên năng lượng (thủy triều, sóng, gió, mặt trời, v.v..) và các Tài nguyên đặc biệt khác (không gian mặt biển, địa hình bờ và đảo, các cảnh quan…) để phát triển các ngành kinh tế liên quan tới biển.
Từ thời cổ đại đến nay, con người Việt Nam đã biết khai thác và sử dụng các nguồn Tài nguyên của biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với trình độ từ thấp đến cao và bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia. Hiện nay và trong những năm tới, phát triển kinh tế biển sẽ là một trong những chiến lược quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Kinh tế biển đã và sẽ được thực hiện một cách toàn diện hơn với đầy đủ các lĩnh vực như nghề cá (đánh bắt, nuôi trồng và chế biến), giao thông - thương mại và hệ thống cảng biển và đội tàu, khai thác khoáng sản, công nghiệp, du lịch và các dịch vụ khác.
Tuy nhiên, những năm qua việc phát triển kinh tế biển thật sự chưa tương xứng với tiềm năng to lớn mà Tài nguyên biển của chúng ta đưa lại: Ở lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản chúng ta hầu như chỉ đánh bắt với phương tiện và phương thức thô sơ, chưa có sự đầu tư khoa học kỹ thuật hiện đại. Việc nuôi trồng hải sản thì chưa quy hoạch cụ thể, đồng bộ, quy mô còn nhỏ lẻ; Lĩnh vực khai thác dầu khí thì cũng chưa được hoàn chỉnh từ khâu thăm dò đến khâu khai thác và khâu chế biến, những rủi ro còn nhiều, nên giá trị kinh tế chưa đạt được tối ưu; Giao thông vận tải biển thì chưa có đội tàu biển mạnh, hệ thống dịch vụ tàu biển còn han chế dẫn đến sức cạnh tranh với các Quốc gia khác trên Thế giới; Du lịch biển cũng chưa được chú trọng đầu tư khai thác mạnh mẽ; Việc tận dụng các nguồn năng lượng mới từ biển như: Sóng, thủy triều thì chưa thực hiện được. Bên cạnh những vấn đề trên thì việc khai thác và sử dụng bừa bãi, không hợp lý, thiếu sự quản lý của Nhà nước đã làm cho các nguồn Tài nguyên của biển Việt Nam bị xâm hại nghiêm trọng, môi trường biển đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nhìn chung, sự phát triển kinh tế biển chỉ đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Việc khai thác tổng hợp Tài nguyên biển chưa được quan tâm đúng mức, còn có sự chồng chéo giữa khai thác Tài nguyên này với Tài nguyên khác. Đời sống của các cư dân ven biển và ở các đảo còn gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Một vấn đề hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đó chính là bảo vệ chủ quyền vùng biển nước ta. Trong đó, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa là vấn đề nhức nhối đã và đang cần được giải quyết để việc phát triển kinh tế biển được ổn định.
Từ những vấn đề trên, để giảm bớt những xung đột giữa kinh tế - xã hội và môi trường, giữa việc sử dụng Tài nguyên và cạn kiệt Tài nguyên, giữa các ngành, giữa các địa phương, v.v.. Trước tiên cần phải đánh giá và dự báo những biến động về các điều kiện tự nhiên và Tài nguyên thiên nhiên, kinh tế - văn hóa - xã hội của toàn bộ các vùng biển và thềm lục địa cũng như dải đất liền ven biển. Tiếp theo, từ những cơ sở khoa học này tiến hành: “Xây dựng quy hoạch chiến lược Phát triển kinh tế biển bền vững” chung cho cả nước. Trên cơ sở mục tiêu chiến lược chung của cả nước, các địa phương, các ngành sẽ “Xây dựng quy hoạch hành động” riêng cho địa phương mình, ngành mình. Để từ đó phát triển tổng hợp và bền vững cho vùng biển nước ta.
Để nâng cao vị thế và Phát triển bền vững kinh tế biển, để lĩnh vực kinh tế này trở thành thế mạnh của đất nước. Nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập nâng cao đời sống nhân dân… thì Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp và các Bộ có liên quan cần phải:
- Đầu tư vốn và khoa học kỹ thuật cho ngư dân vùng biển.
- Đầu tư cơ sở năng lượng và cơ sở hạ tầng nhất là hệ thống các cảng biển. - Thu hút sự đầu tư vốn và công nghệ từ nước ngoài.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tăng cường đảm bảo an ninh chính trị và quốc phòng.