d. Tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, biết tiếp nhận và vận dụng cái mới, tư duy coi trọng kinh nghiệm và mang tính tổng hợp
2.2. Trong nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất gia đình của nông dân là đơn vị và cơ sở Nền kinh tế tiểu nông đó thường kết hợp với nghề thủ công và buôn bán nhỏ, là
cơ sở. Nền kinh tế tiểu nông đó thường kết hợp với nghề thủ công và buôn bán nhỏ, là hình thái gần như chi phối tuyệt đối trong lịch sử nông nghiệp Việt Nam.
Nền kinh tế tiểu nông đó đã phát huy vai trò to lớn, có thể nói là quyết định sự phát triển của nền nông nghiệp cổ truyền và từ đó tạo nên nhiều truyền thống tốt đẹp của người nông dân Việt Nam như tinh thần lao động cần cù, tính cần kiệm trong cuộc sống, đầu óc thực tế, coi trọng kinh nghiệm, sống hòa đồng và thích ứng với thiên
nhiên... Nhưng đến một bước phát triển nào đó, nhất là khi chuẩn bị đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì tâm lý tiểu nông để lại và bộc lộ không ít mặt hạn chế và tiêu cực trong truyền thống của con người Việt Nam.
Trong điều kiện trình độ sức sản xuất thấp kém, kinh tế tiểu nông lệ thuộc nặng nề vào thiên nhiên, vào những thay đổi thất thường của thời tiết, khí hậu, vào hạn hán, lũ lụt, bão tố... Con người phải biết thích ứng với thiên nhiên nhưng cũng cảm thấy nhỏ bé và bất lực trước thiên nhiên trong cảnh sản xuất cá thể:
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa
Do đó dù đã tổng kết biết bao nhiêu kinh nghiệm về thời vụ, về sản xuất, con người vẫn không thể nào làm chủ được nền sản xuất và kết quả lao động của mình. Có khi mùa màng đang tốt tươi, hứa hẹn một vụ bội thu, nhưng chỉ một nạn lũ lụt, bão táp... là có thể mất sạch. Từ đó người nông dân luôn luôn phải "trông trời, trông đất, trông mây", cầu mong sự phù trợ của "Trời", "Phật", "Thần Thánh" và nảy sinh tâm lý cầu may, được mùa nào hay mùa nấy, lo toan nhưng không dám tin chắc vào thành quả lao động.
Sản xuất nông nghiệp phải thực hiện theo chu kỳ của thời vụ, theo quá trình sinh trưởng của cây lúa. Ví dụ ở đồng bằng Bắc Bộ, trước đây mỗi năm có hai vụ, vụ chiêm cấy vào tháng 12, 1 và thu hoạch vào tháng 4, 5; vụ mùa cấy vào tháng 5, 6, thu hoạch vào tháng 9, 10 theo lịch trăng. Vào những dịp cày cấy, gặt hái, người nông dân phải tập trung tất cả thời gian và lao động của gia đình, làm việc không tiếc công, tiếc sức. Trong điều kiện kỹ thuật thủ công thô sơ, người ta tính ra cần khoảng 250 ngày công cho 1 ha ruộng vụ chiêm và 220 ngày công cho 1 ha ruộng vụ mùa. Một gia đình
nông dân khá giả nếu có 2 lao động chính, cày cấy 1 mẫu ruộng (3.600 m2) thì mỗi năm chỉ sử dụng hết khoảng 170 ngày công cho hai vụ5.
Nhưng giữa hai thời vụ lại có một thời gian gọi là "nông nhàn". Gia đình nông dân thường tận dụng thời gian này để làm thêm các nghề phụ hay buôn bán theo lối "chạy chợ" nhằm tăng thêm thu nhập. Nhưng cũng có vùng gần như độc canh, người nông dân không có việc làm và đánh sống trong cảnh đói nghèo.
Chu kỳ thời vụ tạo ra nhịp điệu của văn hóa xóm làng, văn hóa nông nghiệp. Các hội hè, đình đám truyền thống thường tổ chức vào dịp mùa xuân và mùa thu, nhất là trong dịp nông nhàn hoặc sau thu hoạch. Chu kỳ và nhịp điệu làm ăn tự nhiên đó cũng tạo ra tâm lý dựa vào trời đất, bản thân người nông dân không thể đặt ra kế hoạch và lường tính được nền kinh tế của mình.
Kinh tế tiểu nông chủ yếu dựa vào sức lao động của các thành viên trong gia đình, lại mang nặng tính tự cung tự cấp. Việc thuê mướn thêm nhân công hay phát canh thu tô là phương thức sản xuất của nông dân khá giả và của địa chủ. Sản xuất nhỏ theo đơn vị gia đình là nguồn gốc của phong cách làm việc tùy tiện, không kế hoạch, không giờ giấc của người Việt Nam xưa, kể cả trong nông nghiệp và thủ công nghiệp. Thể hiện rõ nhất của hạn chế này là trong lao động trên đồng ruộng hay làm thủ công gia đình. Buổi sáng, thức dậy lúc nào thì đi làm lúc ấy vì chỉ cần cày xong ruộng rồi về. Trong khi cày bừa, hay đan lát, kéo tơ, dệt vải... lúc nào mệt hay thèm điếu thuốc thì dừng tay. Họ không có quan niệm về kế hoạch sản xuất và kỷ luật lao động, cũng không có ý thức về kinh doanh hạch toán trong kinh tế, dĩ nhiên trong điều kiện kinh tế hàng hóa tiền tệ chưa phát triển cao. Họ sẵn sàng giúp nhau cấy gặt ngày mùa cho kịp thời vụ hoặc họp thành phường đi cấy thuê, cày mướn, xong việc ai về nhà nấy. Phong cách đó được thể hiện cả trong cuộc sống hàng ngày, trong vui chơi, giải trí và được đem theo mình khi người nông dân hay thợ thủ công ra thành thị sinh sống.
Sử sách đã thường nói đến các phường thủ công ở thành thị cũng như các làng thủ công ở địa phương, mỗi phường mỗi làng có mặt hàng riêng của mình. Nhiều làng thủ công nổi tiếng cả nước. Song cho đến thế kỷ XIX, các phường và các làng thủ công đó đều là tập hợp những cộng đồng gia đình nhỏ vừa làm thủ công vừa ít nhiều làm nông nghiệp, xen kẽ với các gia đình nông dân và địa chủ. Không xuất hiện một quy chế phường hội nào kiểu như phương Tây trung kỳ trung đại. Cũng như người nông dân, người thợ thủ công sản xuất theo những mẫu hàng đặc điểm truyền thống, cha truyền con nối.
Kinh nghiệm là nguồn tri thức quan trọng nhất của họ. Từ tôn trọng kinh nghiệm đi đến chỗ tôn kính người già giàu kinh nghiệm. Truyền thống trọng "già làng", "trọng xỉ" này bên cạnh mặt tốt đẹp của nó, cũng chứa đựng mặt hạn chế của chủ nghĩa kinh nghiệm, đẻ ra tâm lý "sống lâu lên lão làng", tư tưởng "lão trị", tinh thần tự mãn, ý thức bảo thủ. Nó hạn chế và có khi kìm hãm sự nảy nở và phát triển của những tài năng trẻ, sự đề xuất những sáng kiến mới mẻ và táo bạo. Mỗi khi xã hội có những chuyển biến mạnh mẽ thì hạn chế này dễ làm nảy sinh mâu thuẫn giữa thế hệ già và trẻ, và không phải ngẫu nhiên mà từ lâu trong nhân dân ta đã xuất hiện quan niệm đối lập phù hợp với quy luật tiến hóa hơn: "tre già măng mọc", "con hơn cha là nhà có phúc".
Đời sống của nông dân cũng như thợ thủ công phần lớn là thấp kém. Cuộc sống của họ đơn giản, tằn tiện và không có nhu cầu nhiều về sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa có chất lượng cao. Người nông dân cho đến giữa thế kỷ XX vẫn bằng lòng với những bát đĩa thô xấu, những quần áo vài thô nâu đen nội địa. Họ thích "ăn chắc mặc bền" và hầu như không quan tâm lắm đến chất lượng hay sự thay đổi chất lượng sản phẩm. Vấn đề chủ yếu đối với họ là có hàng và giá cả hợp với túi tiền ít ỏi. Hậu quả tất nhiên của tình trạng đó là người sản xuất thủ công hầu như không có quan niệm về sự chuẩn hóa và cải tiến sản phẩm, trừ những thời gian có nhu cầu của ngoại thương, có đơn đặt hàng và sự cạnh tranh của hàng nước ngoài.
Không quy chế, không có kiểm tra chất lượng trong sản xuất, không có cạnh tranh, tính chất nhỏ, cá thể của sản xuất là điều kiện nảy sinh những hạn chế trong tâm lý và lề thói suy nghĩ, làm ăn khi chuyển sang cơ chế thị trường với yêu cầu chất lượng và cạnh tranh cao. Hạn chế này càng nặng nề hơn khi nó được bổ sung bằng chủ nghĩa bình quân nông dân.
Tư tưởng bình quân chủ nghĩa là sản phẩm tất nhiên của nền sản xuất nhỏ mang tính chất gia đình của người nông dân làng xã, cũng là sản phẩm của tình trạng tiền công nghiệp, phi khoa học - kỹ thuật. Quen với chế độ công điền, công thổ, quen với cách phân chia bình quân từ ruộng đất đến phần ăn trong ngày hội làng, lại bị khép kín trong các lũy tre làng, người nông dân sống gần như giống nhau, nếu có hơn kém cũng chỉ chút ít mà thôi. Trừ một số địa chủ, hào lý có quyền thế, mọi người dân lao động đều gần như nhau từ đời này qua đời khác, làm sao người này lại giàu hơn, hưởng thụ cao hơn người khác được.
Chủ nghĩa bình quân kiểu nông dân và công xã còn sinh ra tâm lý "cao bằng", ganh tỵ và ghen ghét những ai hơn mình về một phương diện nào đó. Quan niệm đó xuất phát từ nông thôn rồi cũng được du nhập vào thành thị, vì cư dân đô thị phần lớn cũng từ nông dân, thợ thủ công tứ xử nhóm họp lại mà quá trình đô thị hóa kiểu Việt Nam và rộng ra nhiều nước phương Đông thời tiền công nghiệp, chưa đủ sức thay đổi tâm lý của họ. Nhòm ngó trong ăn mặc, ganh ghét nhau trong sinh hoạt, "trâu buộc ghét trâu ăn", vườn có thể rộng nhưng nhà không được cao hơn nhau v.v... Kiếm được tiền, dù nhiều cũng để tích trữ, cất giấu chứ không dám đem ra kinh doanh vì giàu sang - nếu không phải là vua, quan, thì dễ bị người đời ghen ghét. Trong lịch sử, trường hợp những người làm ăn giỏi như Giang huyền, Chu Danh Hổ (những nhà giàu đã bỏ vốn ra kinh doanh khai mỏ thế kỷ XVIII, XIX)... không có mấy và cũng chỉ nổi lên một đời.
Tâm lý bình quân chủ nghĩa và những hệ quả của nó là những cản trở rất lớn cho sự phát triển của tài năng, sự kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nhân cách con người.
thứ hai: Nhìn từ thiết chế xóm làng
1. Xóm làng Việt Nam hình thành từ rất sớm, muộn nhất là cùng với sự ra đời
của nông nghiệp lúa nước. Từ thời Văn Lang, các xóm làng đã giữ địa vị đơn vị kinh tế xã hội cơ sở mang tính phổ biến. Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, địa vị đó của xóm làng càng được củng cố và là cơ sở cho cuộc đấu tranh bảo tồn di sản và bản sắc văn hóa, đồng thời là nơi tập hợp lực lượng dấy lên những cuộc khởi nghĩa chống chính quyền đô hộ, giải phóng đất nước. Bước sang thời kỳ độc lập từ thế kỷ X, xóm làng dần dần trở thành những đơn vị hành chính cơ sở của Nhà nước.
Nói chung ở phương Đông, như nhận xét của C.Mác về xã hội ấn Độ cổ truyền, Nhà nước chuyên chế đã được dựng trên một hệ thống làng xã như vậy. Tất nhiên không thể hiểu nhà nước phong kiến Việt Nam như nhà nước ấn Độ trung đại, nhưng dầu sao thì làng hay làng xã với cái mẫu xa xưa của nó vẫn luôn luôn là đơn vị hành chính và kinh tế - xã hội cơ sở của nhà nước Trung ương tập quyền. Làng và chủ yếu là làng nông nghiệp cổ truyền tồn tại bền vững như những mô hình mẫu cho tất cả những cộng đồng hình thành trong các thế kỷ độc lập, tự chủ, dù là điền trang của quý tộc thời Trần hay là ấp, lý doanh điền thời Nguyễn. Cho đến đầu thế kỷ XIX, chính vua Gia Long cũng thừa nhận: "Nước là hợp các làng mà thành. Từ làng đến nước, dạy dân mến tục, vương chính lấy làng làm trước"[6.3]. Củng cố làng tức là củng cố nước, làng - nước trở thành một thứ thuật ngữ biểu đạt quốc gia. Cuộc sống làng xã chi phối cuộc sống của mọi người dần Việt Nam. Có thể nói: tỉnh, phủ, huyện là của Nhà nước, của giai cấp thống trị, còn làng là của dân, mà "sống ở làng, sang ở nước".
Do sự phát triển chậm chạp và hạn chế của công thương nghiệp nên làng chi phối cả đô thị. Hãy bỏ qua những đô thị nhất thời như Phố Hiến, Hội An, Thanh Hà v.v..., Thăng Long là đô thị xuất hiện từ thế kỷ XI với tư cách trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa lâu dài của cả nước; thế nhưng bản thân nó cũng được chia thành huyện - phường. Phường ở đây chẳng qua là một cách gọi khác của làng, một loại làng có ít nhiều cơ sở thủ công, thương nghiệp. Cho đến thế kỷ XIX, sinh hoạt làng xã vẫn chen vào sinh hoạt của phố, phường Thăng Long. Có lẽ do tính chặt chẽ của làng mà người thợ thủ công ở các phường Thăng Long chưa tạo nên được một quy chế phường hội như kiểu ở phương Tây trong thời trung đại. Sang thế kỷ XIX, khi các đô thị suy tàn, làng lại bao trùm lên tất cả và tạo thành một quá trình tái nông thôn hóa một số đô thị.
Sự chi phối của làng xóm càng làm cho tính tự túc tự cấp thêm vững chắc. Đến như các sinh hoạt văn hóa tinh thần cũng mang nặng tính làng xã. Một lễ hội , dù thuộc loại "quốc tế", trước hết cũng là của một làng hay một liên làng nhất định, sau đó mới là của khu vực, của cả nước.
Mồng 7 hội Khám, mồng 8 hội Dâu
Mồng 9 đâu đâu cũng về hội Gióng
Làng chi phối cả thủ công nghiệp và thương nghiệp. Người thợ thủ công không chạy ra các tụ điểm ven ngã tư đường để dựng nên các thị trấn như phương Tây trung đại mà ở lại làng quê hương, vừa làm thủ công vừa làm nông nghiệp. Họ vẫn là dân làng, hoặc làng thủ công như làng Bát Tràng, làng Thổ Hà, làng Hương Canh, làng Nho Lâm v.v... hoặc làng buôn như làng Phù Lưu, làng Đa ngưu, làng Báo đáp, làng Đan Loan v.v...
Do yêu cầu liên kết để đắp đê, làm thủy lợi, để giao lưu văn hóa, nhất là để chống ngoại xâm, giữ làng giữ nước, làng Việt Nam không hoàn toàn cô lập và mang
tính khép kín nặng nề. Trái lại giữa các làng hình thành những quan hệ liên làng, quan hệ kết nghĩa, từng cụm làng hình thành những chu kỳ họp chợ bảo đảm trong vùng ngày nào cũng có phiên chợ... Thiết chế xóm làng đó cũng đã tạo nên tính bền vững của xã hội, củng cố nhiều quan hệ cộng đồng tốt đẹp và là nền tảng của nền văn hóa dân gian Việt Nam. Nhưng sự bảo tồn lâu dài và sự chi phối của thiết chế xóm làng với kết cấu kinh tế - xã hội cộng đồng của nó, đến một bước phát triển nào đó cũng gây ra những di hại cho sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.