Nguyên nhân về mặt pháp luật bắt nguồn từ những bất cập của các quy định hụi, họ, biêu, phường như chúng tôi đã phân tích ở Chương 1 của Luận văn, xin tổng hợp lại một số nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp án hụi họ ở các Tòa như sau.
Thứ nhất, một số quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tế cuộc sống, trước hết là vấn đề thời hiệu. Theo chúng tôi, việc quy định thời hiệu đối với hụi phát sinh trước ngày NĐ144 có hiệu lực là 2 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực là quá ngắn, vừa không đủ thời gian để những người tham gia hụi biết bảo vệ quyền lợi của mình, vừa gây sức ép lên các cơ quan chức năng khi phải giải quyết các vụ việc bị dồn lại từ hơn 10 năm trước.
Thứ hai, Nhà nước chỉ công nhận bản chất tương trợ trong nhân dân mà không công nhận bản chấp kinh doanh là không hợp lý, trong khi hình thức hụi có lãi ngày càng phát triển, người chơi hụi nhiều khi không quen biết nhau mà chỉ thông qua chủ hụi. Việc nhà nước chỉ cấm tổ chức hụi để cho vay nặng lãi mà không cấm vay nặng lãi cũng là một sơ hở tạo nên một số vướng mặc khi giải quyết án hụi họ.
Thứ ba, là việc thiếu các quy định về quản lý nhà nước đối với hụi họ. Chính vì thế, một người có thể lập nhiều dây hụi tạo nên mạng lưới chồng chéo nhau mà chủ hụi không có sự ràng buộc nào với nhà nước. Do đó, khi vỡ hụi thường có phản ứng dây chuyền gây tác động xấu đến kinh tế và xã hội, nhiều người lợi dụng để lạm dụng hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.
Thứ tư, việc quy định về lập sổ hụi cũng thiếu chặt chẽ tạo nên vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp. Thường thì chỉ chủ hụi mới lập và giữ sổ hụi, do đó khi phát sinh tranh chấp, nếu chủ hụi hủy sổ hụi thì không còn căn cứ pháp lý nào để giải quyết. Nhiều người khi nộp hụi cũng không nhớ là mình đã nộp bao nhiêu do nộp hụi nhiều đợt và kéo dài. Vấn đề này cũng cần sớm được sửa đổi bổ sung cho phù hợp.