* Vài nét về thành phố Huế:
Thành phố Huế nằm ở vị trí trung tâm của đất nước, trên trục Bắc - Nam của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển, gần tuyến hành lang Đông - Tây của tuyến đường Xuyên Á. Cách Hà Nội 675 km về phía Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.060 km, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ với các trung tâm kinh tế đang phát triển nhanh như khu khuyến khích phát triển kinh tế - thương mại Chân Mây, Thành phố Đà Nẵng, khu kinh tế mở Chu Lai, khu công nghiệp Dung Quất..., có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối dễ dàng với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.
Thành phố Huế nằm ở vị trí có điều kiện thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, phong phú và diện mạo riêng tạo nên một không gian hấp dẫn, được xây dựng trong không gian phong cảnh thiên nhiên kỳ diệu từ núi Ngự Bình, dồi Thiên An - Vọng Cảnh, Thành phố hội đủ các dạng địa hình: đồi núi, đồng bằng, sông hồ, tạo thành một không gian cảnh quan thiên nhiên đô thị - văn hoá lý tưởng để tổ chức các loại hình Festival và các hoạt động du lịch thể thao khác nhau.
Thành phố Huế là địa bàn lý tưởng gắn kết các tài nguyên văn hoá truyền thống đặc sắc với du lịch mà không một Thành phố, địa danh nào ở nước ta có được và là một trong 5 trung tâm du lịch quốc gia. Huế nằm ở vị trí trung tâm của các di sản văn hoá thế giới của Việt Nam (Hội An, Mỹ Sơn, động Phong Nha-Kẻ Bàng) và gần với các Thành phố cố đô của các nước trong khu vực.
Huế là tỉnh lị của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành phố Huế có 27 đơn vị hành chính, gồm 24 phường và 3 xã. Huế là kinh đô của Việt Nam dưới các triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn, Huế nổi tiếng với những đền chùa, thành quách, lăng tẩm, kiến trúc gắn liền với cảnh quan thiên nhiên.
Thành phố Huế tọa lạc hai bên bờ dòng sông Hương. Phía Bắc và Tây giáp huyện Hương Trà, phía Nam giáp huyện Hương Thủy cách đèo Hải Vân và thành phố Đà Nẵng hơn 100km, phía Đông giáp huyện Phú Vang, cách biển Thuận An 12 km, cách sân bay Phú Bài 8 km, cách Cảng nước sâu Chân Mây 50 km. Diện tích tự nhiên 83.3 km2, dân số cuối năm 2007 ước tính là 334.000 người. Sự phát triển công nghiệp ở Huế không bằng những thành phố khác trong cả nước mà Thành phố chủ yếu phát triển về các ngành dịch vụ và du lịch. Từ năm 2000 đến nay, cứ 2 năm Huế lại tổ chức festival một lần, Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn trong đời sống nguời dân Huế. Đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân Huế còn khó khăn, bù lại người dân Huế rất cần mẫn và sáng tạo, được thể hiện qua các sản phẩm thủ công truyền thống, các nghề chạm khắc kiến trúc nổi tiếng, các món ăn đặc sản được nhiều người biết đến.
Ngoài ra Huế còn là nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng, trung cấp với số lượng học sinh, sinh viên đông đảo.
Chính vì những đặc điểm đó nên việc tham gia chơi hụi ở Huế phát triển khá mạnh mẽ. Tiểu thương ở các chợ Đông Ba, chợ An Cựu, chợ Tây Lộc… hầu như đều tham gia một vài dây hụi để tiết kiệm tiền hoặc huy động vốn làm ăn. Một bộ phận học sinh, sinh viên ở đây cũng tham gia chơi hụi. Việc chơi hụi cũng được ưa chuộng ở một số các cửa hàng ăn uống vừa và nhỏ, các quán cafe hay ở một số tổ xe ôm và xích lô tự quản.
Như vậy Huế là một trong những địa phương trong cả nước mà quan hệ giao dịch hụi họ khá phổ biến, do vậy đây cũng chính là nơi xẩy ra nhiều tranh chấp trong lĩnh vực này. Qua tìm hiểu tại Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, chúng tôi nắm được tình hình giải quyết án hụi họ trong những năm gần đây trên địa bàn thành phố như sau.
* Số liệu giải quyết tranh chấp về hụi họ tại Thành phố Huế:
Theo số liệu tại Tòa án và Viện kiểm sát thành phố Huế mà chúng tôi có được thì trong các năm từ 2006 đến nay, tình hình giải quyết các tranh chấp về hụi họ là không nhiều, do một số vụ vỡ hụi hoặc tranh chấp trong việc chơi hụi nhưng các đương sự không khởi kiện ra Tòa án. Số liệu cụ thể án đã giải quyết như sau:
Năm 2006: Tổng số các vụ án dân sự đã giải quyết là 171 vụ, trong đó
tranh chấp về HĐ VTS là 48 vụ, tranh chấp về hụi họ là 0 vụ.
Năm 2007: Án dân sự là 280 vụ, án HĐ VTS là 28 vụ, án hụi họ là 133 vụ, Năm 2008: Án dân sự 146 vụ, án HĐ VTS 13 vụ, án hụi họ 5 vụ.
Tính đến quý I năm 2009: Án dân sự 23 vụ, HĐ VTS 4 vụ, hụi họ 1 vụ Qua các số liệu trên ta thấy tình hình giải quyết án hụi họ nói riêng và giải quyết án dân sự nói chung qua các năm là không đồng đều, số lượng vụ các vụ án cũng có sự tăng giảm thất thường, tùy theo tình hình kinh tế và xã hội theo từng thời điểm cụ thể. Xin lưu ý rằng, số liệu án dân sự nêu trên không bao gồm án hôn nhân gia đình. Mặc dù BLDS 2005 quy định hụi, họ, biêu, phường trong phần HĐ VTS, tuy nhiên thực tế ở các Tòa án và Viện kiểm sát, khi thụ lý và giải quyết án HĐ VTS và án hụi họ thường thống kê độc lập với nhau để thuận tiện trong việc theo dõi, do vậy khi trích dẫn số liệu, tác giả cũng trích dẫn theo thống kê của Tòa án và Viện kiểm sát, nghĩa là án hụi họ không nằm trong án HĐ VTS.
Để có cái nhìn đầy đủ hơn về tình hình giải quyết án hụi họ trên địa bàn thành phố Huế chúng tôi xin trích dẫn Bảng số liệu tình hình thụ lý và giải quyết tranh chấp hụi họ cụ thể như sau:
Giải quyết Hình thức giải quyết Công nhận thỏa thuận Xét xử Đình chỉ 2006 4 0 0 0 0 4 2007 135 133 6 125 1 2 2008 6 5 2 3 0 1 Quý I 2009 2 1 1 0 0 1
(Tình hình thụ lý và giải quyết án hụi họ tại Tòa án TP. Huế từ 2006 - đến Quý I/2009)
Năm 2006, BLDS 2005 đã quy định hụi, họ, biêu, phường nhưng do chưa có văn bản hướng dẫn nên mặc dù vẫn thụ lý đơn về hụi họ nhưng các Tòa vẫn chưa giải quyết mà tạm đình chỉ để chờ đường lối giải quyết từ Trung ương. Một số các vụ việc khác được thống nhất linh động giải quyết theo hình thức là tranh chấp HĐ VTS. Chính vì vậy, sang năm 2007, sau khi có NĐ144 ngày 27/11/2006 và Công văn số 04 ngày 6/4/2007, Tòa án thành phố Huế giải quyết được 133 vụ tranh chấp về hụi họ. Con số này chiếm 47,5% trong tổng số án dân sự và gấp gần 5 lần so với án giải quyết về HĐ VTS. Phần lớn các tranh chấp về hụi họ được giải quyết trong năm 2007 phát sinh từ trước khi pháp luật của nước ta chưa điều chỉnh về hụi, họ, biêu, phường. Sang năm 2008 án hụi họ được giải quyết 5 vụ chỉ chiếm 3,4% trong tổng số án dân sự được giải quyết, trong khi án HĐ VTS gấp 2,6 lần án hụi họ. Tính đến tháng 4 năm 2009 án tranh chấp về hụi họ mới chỉ giải quyết 1 vụ chiếm 4,3% án dân sự, trong khi án HĐ VTS là 4 vụ.
Sở dĩ số vụ của năm 2007 nhiều hơn số với các năm sau đó, ngoài việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trước đó (nhưng pháp luật không điều chỉnh nên Tòa tạm đình chỉ hoặc đương sự không khởi kiện) thì còn nguyên nhân tác động của tình hình kinh tế, xã hội cụ thể khiến nhiều người tham gia chơi hụi bị vỡ hụi. Mặt khác, khi BLDS 2005 và NĐ144 của Chính phủ được ban hành, ít nhiều đã tác động đến ý thức của người chơi hụi nên hạn chế được các vụ vỡ hụi
đáng tiếc xẩy ra. Điều đó cho thấy rằng khi chủ trương, pháp luật của Nhà nước phù hợp vói quy luật khác quan của cuộc sống sẽ có tác động mạnh mẽ tới tình hình phát triển kinh tế, xã hội cũng như bảo vệ tốt các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Qua việc nghiên cứu các vụ án về tranh chấp hụi họ trên địa bàn thành phố Huế và tìm hiểu các vụ án khác trên phạm vi cả nước, chúng tôi rút ra một số vướng mắc về thực tiễn giải quyết án hụi họ như sau.