0
Tải bản đầy đủ (.doc) (73 trang)

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các vụ án hụi họ

Một phần của tài liệu HỤI, HỌ, BIÊU, PHƯỜNG THEO PHÁP LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM – LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG (Trang 56 -60 )

Một trong các tranh chấp về nợ hụi thường được chuyển sang toà hình sự đó là, có dấu hiệu của “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 BLHS 1999. Theo điều luật này, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được cấu thành bởi thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản người khác, mức hình phạt cao nhất của tội này là tử hình. Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ, các chủ hụi có toan tính hết sức tinh vi. Chủ hụi thường dùng mọi cách khuếch trương cơ sở kinh doanh, thời gian đầu chủ hụi thường trả tiền sòng phẳng để lấy lòng tin của các hụi viên. Chính vì vậy hụi viên giao hàng tỷ đồng cho chủ hụi mà không có biên nhận. Sau khi chủ hụi tuyên bố "bể hụi" thì nạn nhân mới tìm đến cơ quan điều tra nhờ can thiệp.

Các cơ quan bảo về pháp luật khi xem xét dấu hiệu của “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thường căn cứ vào các dấu hiệu đặc trưng về mặt khách quan như sau:

Thứ nhất, người phạm tội đưa ra những thông tin không đúng sự thật để người khác tin là thật.

Thứ hai, hành vi chiếm đoạt được thể hiện ở hai dạng giao nhầm và nhận nhầm.

Thứ ba, Người quản lý tài sản do bị lừa dối nên đã tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội. Ngoài ra cần lưu ý, hành vi gian dối phải thực hiện trước thời điểm chuyển giao tài sản, nghĩa là ngay từ đầu người phạm tội đã có âm mưu để chiếm đoạt tài sản. [15]

Tháng 10 năm 2008 ở chợ Vỹ Dạ, thành phố Huế xẩy ra vụ vỡ hụi gần 4 tỷ đồng có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi phát hiện chủ hụi đã bỏ trốn, các nạn nhân ở chợ Vỹ Dạ và khu vực Cồn Hến, phường Vỹ Dạ, Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã có đơn trình báo gửi cơ quan công an nhờ can thiệp. Người làm chủ dây hụi là Hồ Thị Xuân Hương (tên thường gọi là

Lớn), 41 tuổi, ở đường Tùng Thiện Vương, phường Vỹ Dạ. Theo nhiều nạn nhân, bà Hương cầm hụi ở chợ Vỹ Dạ và khu vực Cồn Hến đã hơn chục năm nay. Sở dĩ nhiều người tin, góp hụi vì toàn bộ gia đình bà Hương đều định cư ở Mỹ, bà Hương thường khoe gia đình rất có tiềm lực kinh tế. Những năm trước, bà Hương làm ăn đàng hoàng, trả tiền lãi và tiền hụi góp đúng kỳ hạn, nên nhiều người tin tưởng. Năm 2008, số người chơi hụi ở chợ Vỹ Dạ và phường này tăng lên gấp nhiều lần, mỗi ngày bà Hương cầm quyển sổ ra chợ, cơ sở kinh doanh hay vào nhà người dân để thu tiền hụi. Mỗi khi bà con góp tiền, bà Hương chỉ cần đánh dấu nhân (X) vào sau phần ghi họ tên người ấy. Hàng tháng bà Hương vẫn thông báo cho các “con hụi” về việc lĩnh hụi của các thành viên. Tuy nhiên, đến tháng 10 vừa qua, những người tham gia hụi không thấy bà Hương đâu nữa, bèn tìm đến nhà thì thấy cửa khóa cả trong lẫn ngoài rất cẩn thận.

Sự việc được xác định, khoảng tháng 10 năm 2008, bà Hương có người thân từ nước ngoài về thăm nhà. Sau đó, lợi dụng việc đưa tiễn người nhà, bà Hương vào TP Hồ Chí Minh và trốn luôn từ bấy đến nay. Số điện thoại của bà Hương cũng ngừng liên lạc. Thấy nhiều dấu hiệu khả nghi, một số con hụi lớn đã có đơn trình lên Công an phường Vỹ Dạ nhờ can thiệp. Tính đến ngày bà Hương biệt tích, số tiền hụi ước lên đến gần 4 tỉ đồng, trong số đó, người ít nhất 7,2 triệu đồng, nhiều nhất hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, có không ít người dân ở phường này chơi hụi với số tiền lớn từ vài trăm triệu đồng, cá biệt như bà Tý (tổ 4, khu vực 2) 739 triệu đồng. Hơn 90% tiểu thương ở chợ Vỹ Dạ, từ người lao động gánh thuê đến chủ tiệm vàng đều bị mất tiền qua dây hụi này. Hàng loạt gia đình ở khu vực Cồn Hến cũng “dính” nạn hàng trăm triệu đồng.

Xung quanh vụ vỡ hụi này, trung tá Trương Minh Sáng, Trưởng công an phường Vỹ Dạ khẳng định: “Đây là vụ án lừa đảo. Sau khi bà Hương bỏ trốn khỏi địa phương, công an phường đã nhận 7 đơn trình báo sự việc của các cá nhân bị mất tiền trong dây hụi này. Công an phường đã báo cáo vụ việc lên Công an Thành phố Huế, đồng thời hướng dẫn người dân đến Công an Thành phố Huế để tố cáo. Hiện Công an Thành phố Huế đang tập hợp hồ sơ để làm rõ hành vi lừa tiền của bà Hương, nhằm có hướng xử lý".

Qua vụ việc nêu trên ta thấy, để chiếm đoạt tài sản người khác, chủ hụi đã cố tình hư trương tiềm lực kinh tế của mình nhằm tạo lòng tin ban đầu của hụi viên. Sau khi các hụi viên đã tin vào tiềm lực kinh tế và uy tín của chủ hụi đã tự nguyện giao tiền triệu mà không cần biên lai. Chủ hụi chiếm đoạt được tiền liên bỏ trốn. Mặt khác do có toan tính từ trước nên khi thu tiền hụi chủ hụi chỉ đánh dấu vào sổ mà không có chữ ký, điểm chỉ của người nộp, cũng không có biên lai của chủ hụi. Do vậy khi khởi tố ra Tòa, chứng cứ buộc chủ hụi tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường không đủ sức thuyết phục.

Cũng liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc chơi hụi họ, vừa qua ở Đồng Tháp, một chủ hụi đã bị phạt 8 năm tù vì lập hụi ma để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ việc như sau: Nguyễn Thị Thùy Linh ngụ tại xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp làm chủ hụi từ năm 2003 đến khoảng tháng 5 năm 2007. Do có một số người đã hốt trước nhưng sau đó không đóng lại tiền hụi đã hốt. Để không bị bể hụi Linh đã dùng thủ đoạn gian dối là ghi tên những người không có tham gia chơi để hốt hụi. Trong khoảng thời gian từ tháng 5 năm 2007 đến tháng 6 năm 2008, Linh đã nhiều lần hốt hụi để chiếm đoạt số tiền trên 400 triệu đồng. Án sơ thẩm của TAND huyện Tam Nông đã tuyên phạt Linh 9 năm tù giam. Sau đó, Linh đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Mới đây, TAND tỉnh Đồng Tháp đưa ra xét xử phúc thẩm tuyên phạt Linh 8 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều vụ vỡ hụi do chủ hụi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khi vụ việc vỡ lỡ thì chủ hụi đã bỏ trốn nên thiệt hại do hụi viên gánh chịu do sụ nhẹ dạ, cả tin và chủ quan của mình.

Chẳng hạn ở Cà Mau, công an vừa khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của một chủ hụi tại thị trấn Sông Đốc, nơi trước nay nổi tiếng với nhiều vụ bể hụi. Trong tờ tường trình gửi công an, 34 người ký tên tố cáo họ bị chủ hụi Trần Kim Phụng lừa trên 1,6 tỉ đồng. Trong đó, vợ chồng cụ bà Phạm Thị Nhanh khai bị lừa 71 triệu đồng, đó là số tiền chắt mót cả đời cộng với số nợ hàng chục triệu mà ông bà phải gánh trong thời gian đóng hụi cho Phụng. Nạn nhân này trình bày vợ chồng Phụng đến nói có mở 3 dây hụi tháng và 2 dây hụi

ngày và mời tham gia với những hứa hẹn chênh lệch hấp dẫn. Nghe vậy, ông bà Nhanh đã lấy hết số tiền dành dụm để tham gia với ý định kiếm ít tiền lãi. Trong thời gian này, nhiều hụi viên cần tiền đến bỏ hụi để hốt nhưng rất hiếm ai có thể hốt được. Khi có người bỏ cao mấy thì Phụng cũng nói có một người nào đó bỏ cao hơn, hốt trước. Thế là họ đành tiếp tục đóng tiền vào để nuôi hụi sống. Đến khi vợ chồng Phụng ôm tiền đóng hụi bỏ trốn, những nạn nhân có dịp họp lại với nhau và phát hiện ra đã có gần 30 hụi viên “ảo” được Phụng bịa ra để hốt hụi, nhằm ngăn các hụi viên thật bỏ cao lấy tiền. Cho đến khi số tiền chiếm đoạt đã nhiều, mọi chuyện vỡ lẽ thì vợ chồng Phụng đã cao chạy xa bay. Hiện nay vẫn chưa bắt được chủ hụi để xét xử vụ án.

Người chơi hụi gọi hình thức dựng lên chân hụi giả của chủ hụi là “hụi ma”. Phần lớn những vụ bể hụi đều có dấu hiệu hình sự, các chủ hụi đều thừa nhận mình đã “phù phép” cho những hụi viên thật chơi chung đường dây hụi với những hụi viên “ảo” để những hụi viên chưa hề tồn tại này hốt hụi khi đến kỳ hạn khui. Bằng cách này, tiền đóng của hụi viên thật bị chủ hụi chiếm trọn. Phần lớn những nạn nhân của các vụ bể hụi đều thiếu chứng từ ghi nợ. Họ chỉ nhớ đã đóng bao nhiêu lần, bao nhiêu chân rồi quy ra bấy nhiêu tiền. Tiền trăm triệu, tiền tỉ hầu hết chỉ được chủ hụi ghi vắn tắt vào sổ tay, không đầu, không đuôi, thiếu điều kiện ràng buộc... Thế cho nên không ít lần sau khi nổ ra bể hụi, chính quyền địa phương mời hai bên đến đối chiếu số tiền bị chiếm đoạt thì cuộc gặp gỡ cũng chỉ trở thành cuộc cãi vã giữa chủ hụi và hụi viên chứ không thống nhất được số tiền bị chiếm đoạt.

Nhiều trường hợp, vỡ hụi chỉ là cái cớ, thực tế, nhằm thu hút được nhiều tiền, một vài chủ hụi lớn đã dùng thủ đoạn đưa ra mức lãi suất vay rất cao, thậm chí lên tới vài chục phần trăm/tháng để đánh vào lòng tham của một số người dân. Thủ đoạn này đã tạo ra sức cám dỗ, giúp các chủ hụi thu gom tiền của người dân như: tiền tiết kiệm, tiền từ đền bù, giải phóng mặt bằng dự án mở rộng đường... Khi cơn sốt lãi suất lên đến đỉnh điểm, không ít người dân liều lĩnh thế chấp tài sản, vay cả vốn ngân hàng nộp cho chủ hụi, rồi chỉ cầm lại trong tay tờ giấy nhận nợ viết nguệch ngoạc. Khi tạo dựng một cớ nhỏ, các chủ

hụi tuyên bố vỡ hụi để chiếm đoạt số tiền này, khiến những người dân nhẹ dạ, tham lãi suất cao, gom góp tiền gửi vào các chủ hụi, phút chốc trở nên trắng tay.

Qua nhiều vụ việc tương tự chúng tôi rút ra một số thủ đoạn của nhũng chủ hụi lừa đảo chiếm đoạt tài sản các hụi viên như sau:

- Chủ hụi tạo cho mình một bình phong để người khác tin tưởng vào tiềm lực kinh tế của mình và tham gia hụi. Trong thời gian đầu các chủ hụi thường để các thành viên góp và lĩnh hụi đúng kỳ hạn để tạo uy tín.

- Trong quá trình chơi hụi, thành viên nộp hụi mà không có giấy chứng nhận hay biên lai của chủ hụi, thay vào đó chủ hụi chỉ đánh dấu vào sổ hụi với những lời hứa đảm bảo ngon ngọt.

- Các chủ hụi thường lập ra các thành viên ảo để hốt hụi, khi có thành viên khác muốn hốt hụi thì chủ hụi thông báo đã có thành viên khác bỏ lãi cao hơn và hốt trước. Khi sự việc tranh chấp xẩy ra, thường không có chứng cứ để buộc tội các chủ hụi này, việc giải quyết hậu quả dân sự cũng rất khó khăn vì chủ hụi đã tẩu tán tài sản trước đó hoặc bỏ trốn. Đây là điều cần hết sức lưu ý đối với những người tham gia hụi để tránh hậu quả đáng tiếc xẩy ra.

Một phần của tài liệu HỤI, HỌ, BIÊU, PHƯỜNG THEO PHÁP LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM – LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG (Trang 56 -60 )

×