4. Một số kiến nghị
4.1. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các luật liên quan đến hoạt động của ngân hàng liên doanh
ngân hàng liên doanh
Hệ thống ngân hàng thương mại ở Việt Nam được xây dựng và thiết kế theo mô hình đa sở hữu (thông qua các ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại hợp tác, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước và của nhân dân). Do vậy cùng một lúc, ngân hàng liên doanh chịu sự điều chỉnh của Luật các TCTD, Luật Ngân hàng Nhà nước và các Luật tương ứng với hình thức sở hữu của loại hình ngân hàng này như Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư. Đặc trưng này đặt ra yêu cầu thống nhất hoá pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng liên doanh vừa là công việc trước mắt vừa là công việc thường xuyên lâu dài.
4.1.1. Sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD
- Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung điều khoản mới, khắc phục mâu thuẫn trong quy định về tư cách pháp nhân của ngân hàng liên doanh trong các Luật. Điều 20 Khoản 4 Luật các TCTD quy định: Tổ chức tín dụng nước ngoài được thành lập theo pháp luật nước ngoài. Theo Điều 105 Khoản 1.a Luật các TCTD thì Tổ chức tín dụng liên doanh với nước ngoài là tổ chức tín dụng nước ngoài. Trong khi đó; Điều 7 khoản 5 nghị định 22/2006/NĐ-CP quy định: “ Ngân hàng liên doanh được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, là pháp nhân Việt Nam”. Quy định tại hai văn bản này sẽ dẫn đến sự chồng chéo, khó khăn trong việc áp dụng quy định về tư cách pháp nhân của ngân hàng liên doanh. Điều đó dẫn tới một hậu quả pháp lý là các quy định pháp luật về ngân hàng liên doanh mâu thuẫn nhau dẫn tới triệt tiêu nhau, làm giảm tính hiệu quả và tính hấp dẫn của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong đó có ngân hàng liên doanh. Do vậy, Điều 20 khoản 4 Luật các Tổ chức tín dụng cần được sửa đổi cho phù hợp với Điều 7 khoản 5 khắc phục tình trạng mâu thuẫn trong các luật hiện nay.
- Thứ hai, tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng liên doanh:
Vốn tự có gồm giá trị thực có của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ, một số tài sản “ Nợ” khác của tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, mặc dù chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng số nguồn vốn hoạt động của ngân hàng nhưng vốn điều lệ có vai trò quan trọng, là căn cứ để tính toán các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng như : mức cho vay tối đa với một khách hàng, mức tối đa hùn vốn cổ phần liên doanh của ngân hàng với các đối tác khác. Nó là điều kiện quy định quy mô huy động vốn và quy mô tài sản có.
Theo quy định tại Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 về ban hành danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng, Chính phủ quy định mức vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh đến năm 2008 phải đạt là 1000 tỷ đồng tương đương với 63 triệu USD, đến năm 2010 tăng lên 3000 tỷ đồng. Mức vốn điều lệ mới nhằm nâng cao hoạt động của ngân hàng liên doanh, tăng
sức cạnh tranh của ngân hàng trong điều kiện kinh tế mới nhất là khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO. Nếu các ngân hàng liên doanh đến ngày 31/12/2007 không đạt được số vốn điều lệ nêu trên có thể sẽ phải giải thể. Đến năm 2008, những hạn chế cam kết của Việt Nam tại lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong Hiệp định Thương Mại Việt - Mỹ và sự phân biệt đối xử sẽ bị loại bỏ căn bản, khi đó sự đầu tư của các công ty tài chính - ngân hàng của Mỹ và nhiều quốc gia khác sẽ mạnh mẽ hơn nữa, nếu không có sự điều chỉnh cần thiết tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng trong đó có ngân hàng liên doanh sẽ dẫn đến tình trạng các ngân hàng thương mại trong nước mất dần lợi thế cạnh tranh về quy mô, khách hàng và hệ thống kênh phân phối. Như vậy, số vốn điều lệ quy định này còn chưa đáp ứng được các yêu cầu chuẩn mực quốc tế, hạn chế đến khả năng huy động vốn và mở rộng tín dụng. Vì vậy, cần ban hành quy chế tăng vốn điều lệ đối với ngân hàng liên doanh. Vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh hiện nay phải tăng lên nhiều nhằm tăng cường khả năng hoạt động, tăng cường các hoạt động vay vốn từ nước ngoài để đầu tư trong nước, tăng cường mức độ an toàn trong hoạt động, mở rộng phạm vi và địa bàn hoạt động.
4.1.2. Sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư năm 2005
Luật đầu tư năm 2005 ra đời là sự hợp nhất của hai văn bản luật: Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Luật đầu tư nước ngoài năm 2000. Việc hợp nhất hai văn bản đã đánh dấu từng bước hoàn thiện pháp luật với mục tiêu cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư, không phân biệt giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cần ban hành thêm một số văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện Luật đầu tư 2005 và bổ sung thêm một số điều khoản về nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ nhất, ban hành quy định cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được phép ban hành trái phiếu, cổ phiếu…Cụ thể, cần có thêm quy định về hình thức chuyển đổi doanh nghiệp (từ ngân hàng liên doanh với tư cách là công ty trách nhiệm hữu hạn sang ngân hàng thương mại cổ phần với tư cách là công ty cổ phần). Cải tiến thủ tục mua bán cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu ngân hàng.
Thứ hai, sửa đổi quy định về cơ chế nhập cư và hành nghề lao động của người nước ngoài ở Việt Nam. Cần đơn giản hoá các thủ tục về xin cấp giấy phép lao động, hợp pháp hoá lãnh sự, công chứng và xác minh lý lịch tư pháp của người lao động nước ngoài, thời hạn lao động tối đa của người lao động nước ngoài ở Việt Nam.
4.1.3. Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2005
Một điểm mới quan trọng của Bộ luật Dân sự năm 2005 là điều chỉnh “quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”. Từ quy định như vậy, từ ngày 01/01/2006 quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng cũng sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự năm 2005. Một trong những vấn đề của Bộ luật Dân sự năm 2005 liên quan đến hoạt động ngân hàng là quy định về lãi suất. Bộ luật Dân sự quy định mức tối đa đối với lãi suất vay: “ Lãi suất cho vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150 % của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng” (Khoản 1 Điều 476). Nói cách khác, thoả thuận về lãi suất cho vay cao hơn 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định là trái pháp luật. Quy định này còn chưa phù hợp với nhiều quy định pháp luật khác và hạn chế sự chủ động của hoạt động ngân hàng. Thực tế, mức lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng được xác định trên cơ sở lãi suất tiền gửi, chi phí huy động vốn, thời hạn vay, uy tín của khách hàng…và chịu tác động của hoạt động cạnh tranh trên thị trường tín dụng ngân hàng, vì vậy các tổ chức tín dụng xác định mức lãi suất cho vay khác nhau đối với từng loại khách hàng khác nhau. Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, việc khống chế mức lãi suất trần cho vay là không cần thiết. Hơn nữa, quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về lãi suất không khả thi. Trong các tháng gần đây, từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2006, Ngân hàng Nhà nước đều công bố mức lãi suất cơ bản là 8,25%/năm. Như vậy, mức lãi suất vay trong các hợp đồng tín dụng vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản nêu trên tức khoảng 12,375%/năm sẽ là vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005. Hậu quả, là nếu thực hiện theo đúng quy định này của Bộ
luật Dân sự năm 2005 thì hàng loạt các quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng sẽ bị ách tắc vì một quy định thiếu tính khả thi. Để giải quyết vấn đề này, cần sửa đổi Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 theo hướng không áp dụng quy định này với các hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Sau nữa là vấn đề về bảo đảm tiền vay thông qua việc cầm cố tài sản. Theo quy định tại Điều 324 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì một tài sản có thể được dùng để làm bảo đảm thực hiện cho nhiều nghĩa vụ dưới các hình thức như: cầm cố, thế chấp tài sản…Bộ luật Dân sự cũng quy định rõ nguyên tắc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong các trường hợp một tài sản được dùng để làm bảo đảm thực hiện cho nhiều nghĩa vụ, theo đó tại khoản 2 Điều 325 quy định trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán. Quy định này là bước đổi mới rất lớn của luật pháp, tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng, song cũng đặt ra những rủi ro không nhỏ cho hoạt động của các tổ chức tín dụng và có dấu hiệu cho thấy các quy định này chưa hẳn phù hợp với hoạt động của tổ chức tín dụng. Với quy định này, trong trường hợp tổ chức tín dụng nhận cầm cố tài sản mà không thực hiện đăng ký (trên thực tế tổ chức tín dụng khi nhận cầm cố - giữ các tài sản cầm cố, đặc biệt là các tài sản có tính thanh khoản cao như vàng, kim khí quý, đá quý…đều không thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm), tài sản cầm cố đó lại được dùng để thế chấp bảo đảm nghĩa vụ cho một chủ nợ khác và chủ nợ này đã tiến hành việc đăng ký giao dịch bảo đảm thì chủ nợ nhận thế chấp có đăng ký giao dịch bảo đảm này sẽ được ưu tiên thanh toán trước tổ chức tín dụng, cho dù tổ chức tín dụng đã nhận cầm cố tài sản trước. Hơn nữa, trong khi các tổ chức tín dụng không ngừng hoàn thiện, đơn giản hoá thủ tục tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận vốn tín dụng, đưa nguồn vốn vào hoạt động kinh doanh phát triển kinh tế thì quy định này sẽ dẫn đến thực tế là các tổ chức tín dụng phải thực hiện đăng ký tất cả giao dịch cầm cố tài sản và như vậy thủ tục cho vay có thể sẽ phải kéo dài hơn, rõ ràng đây là hạn chế cần phải được
xem xét. Để khắc phục, hạn chế rủi ro có thể phát sinh đối với các tổ chức tín dụng khi nhận cầm cố tài sản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng nhanh chóng, Điều 325 Bộ luật Dân sự cần có sự sửa đổi, bổ sung theo đó xác định trong trường hợp tài sản cầm cố (là kim khí quý, đá quý, tín phiếu…) thì bên nhận cầm cố đang giữ tài sản phải có quyền ưu tiên cao nhất.