Quy chế pháp lý về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng liên doanh

Một phần của tài liệu quy chế pháp lý về ngân hàng liên doanh với nước ngoài tại Việt Nam (Trang 29 - 48)

Ngân hàng liên doanh tại Việt Nam được xây dựng theo mô hình phổ biến nhất hiện nay thường là các ngân hàng thương mại - tổ chức tín dụng kinh doanh tiền tệ. Là một ngân hàng thương mại hoạt động trên nhiều lĩnh vực nên ngân hàng liên doanh có nhiều ưu thế do sử dụng và phát triển đồng bộ các nghiệp vụ ngân hàng. Điều 50 Nghị định 22/2006/NĐ-CP quy định: “ Ngân hàng liên doanh được thực hiện các nghiệp vụ hoạt động của loại hình ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, hoặc của các loại hình ngân hàng khác theo quy định của Luật các TCTD, các quy định của pháp luật về hoạt động của loại hình ngân hàng đó.” Theo đó, ngân hàng liên doanh được thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng như hoạt động huy động vốn, hoạt động cấp tín dụng, hoạt động thanh toán qua ngân hàng và ngân quỹ, hoạt động tài chính khác…

2.2.1. Hoạt động huy động vốn

Điều kiện hàng đầu để khởi nghiệp trước khi được phép khai trương của ngân hàng là phải có đủ số vốn ban đầu theo luật định. Tuy nhiên số vốn này chỉ là một tỷ lệ nhỏ so với số tiền mà ngân hàng cho vay. Trong thực tế, số tiền mà ngân hàng cho vay có nguồn gốc từ hoạt động huy động vốn. Do đó, huy động vốn là hoạt động chủ yếu và thường xuyên của ngân hàng liên doanh. Pháp luật quy định, ngân hàng liên doanh được huy động vốn thông qua các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn; phát hành chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá; vay vốn của tổ chức tín dụng trong và ngoài nước; vay vốn ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp cần thiết.

Huy động vốn bằng nhận tiền gửi

Trong các hình thức huy động vốn của ngân hàng liên doanh thì hình thức huy động vốn bằng nhận tiền gửi là hình thức quan trọng và nó chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nguồn vốn huy động. Lịch sử phát triển hoạt động ngân hàng cho thấy rằng, hình thức ban đầu của nghiệp vụ huy động vốn bằng nhận tiền gửi là việc nhờ bảo quản những đồng tiền vàng. Người chủ bảo quản phải đảm bảo trả lại những đồng tiền mà họ được giao để bảo quản. Tất nhiên trong những điều

kiện như vậy, người bảo quản không thể tiến hành các nghiệp vụ cho vay những đồng tiền nhận bảo quản đó và không thể thu lợi nhuận để có thể trả lợi tức cho người gửi tiền. Dần dần xã hội phát triển đã tạo điều kiện mà người gửi tiền không yêu cầu phải trả lại chính những đồng tiền mà họ gửi, mà chỉ yêu cầu trả lại tổng số tiền mà họ đã gửi. Thời hạn bảo quản cũng kéo dài thêm. Chỉ khi đó mới xuất hiện khả năng sử dụng số tiền vay mượn đó để cấp tín dụng thu lợi tức và trả lãi cho người gửi tiền.

Tiền gửi là số tiền của khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức khác. Pháp luật Việt Nam quy định, ngân hàng liên doanh được thực hiện nghiệp vụ huy động vốn dưới hai hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn.

Tiền gửi không kỳ hạn là loại tiền gửi được khách hàng gửi vào ngân hàng liên doanh để thực hiện các khoản chi trả, thanh toán. Tiền gửi không kỳ hạn có nghĩa là các khoản tiền gửi với thời gian không xác định. Người vừa mới gửi tiền buổi sáng, nếu cần anh ta có thể rút ra ngay buổi chiều cùng ngày. Nếu không có nhu cầu sử dụng, anh ta có thể để nửa tháng, một năm sau mới rút. Vì tính bất định về thời gian gửi cùng với địa điểm có thể rút ra bất cứ lúc nào cần nên loại tiền gửi này còn được gọi ở Mỹ là tiền gửi theo yêu cầu hay ở Pháp gọi là tiền gửi theo tài khoản séc. Thông thường, khách hàng gửi loại tiền này sẽ không được trả lãi hoặc được trả mức lãi suất rất thấp nhằm mục đích giúp cho ngân hàng sử dụng vốn huy động đạt hiệu quả cao, đảm bảo khả năng chi trả, hạn chế được các rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Nếu các ngân hàng trả lãi suất cho các khoản tiền gửi không kỳ hạn cao, sự cạnh tranh để thu hút tiền gửi giữa các ngân hàng sẽ dẫn đến việc lãi suất được trả có thể lên rất cao. Khi đó, ngân hàng buộc phải tìm cách dùng tiền gửi không kỳ hạn cho vay nhằm kiếm được lợi nhuận bù đắp cho tiền lãi cao phải trả để tránh thiệt hại. Các khoản cho thị trường vay luôn luôn phải có thời gian nhất định phụ thuộc vào việc kinh doanh của người đi vay. Tiền gửi không kỳ hạn có tính cơ động là người gửi tiền có quyền rút ra bất cứ lúc nào vì đây là khoản tiền đang chờ thanh toán không phải là tiền mà khách hàng để dành nên khách hàng có thể rút ra

hoặc sử dụng để thanh toán bất kỳ lúc nào theo yêu cầu nên nếu dùng khoản tiền này vào việc cho vay dài hạn là rất mạo hiểm. Tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn sẽ rất dễ xảy ra. Hơn nữa, khách hàng khi gửi tiền gửi không kỳ hạn không có ý định để dành và không chú trọng đến tiền lãi.

Tiền gửi không kỳ hạn được quản lý ở các ngân hàng liên doanh trên tài khoản tiền gửi thanh toán hoặc tài khoản vãng lai. Tài khoản tiền gửi thanh toán là tài khoản dư có, khách hàng chỉ được sử dụng trong phạm vi tiền gửi của mình. Tài khoản vãng lai, tài khoản này có thể dư có hoặc dư nợ, nghĩa là khách hàng ngoài việc sử dụng số tiền gửi của mình còn được dùng khoản tiền do ngân hàng cho vay theo sự thoả thuận trước giữa ngân hàng và khách hàng.

Tiền gửi có kỳ hạn là loại tiền gửi mà khách hàng gửi vào tổ chức tín dụng trên cơ sở có sự thoả thuận với tổ chức tín dụng nhận tiền gửi về thời gian rút tiền. Tiền gửi có kỳ hạn có nghĩa là khoản tiền được gửi sẽ có thời gian gửi tối thiểu theo thoả thuận giữa ngân hàng và khách hàng, và không được rút ra trước hạn kỳ đã định. Tuy nhiên, trên thực tế do áp lực của cạnh tranh, để thu hút khách hàng gửi loại tiền gửi này, ngân hàng có thể cho phép khách hàng được rút tiền trước hạn (nếu số tiền rút ra lớn thì phải có sự thông báo trước cho ngân hàng một thời gian hợp lý) trong trường hợp này người gửi tiền được hưởng mức lãi suất thấp. Tiền gửi có kỳ hạn được hưởng lãi suất cố định, trên nguyên tắc kỳ hạn càng dài, lãi suất càng cao. Tiền gửi có kỳ hạn là nguồn vốn tín dụng mang tính ổn định nên ngân hàng liên doanh thường chú trọng áp dụng các biện pháp kích thích để huy động loại tiền gửi này bằng việc đưa ra nhiều loại kỳ hạn khác nhau để đáp ứng nhu cầu khác nhau của các khách hàng.

Pháp luật hiện hành ở Việt Nam còn quy định các loại tiền gửi và quyền huy động các khoản tiền gửi đối với từng tổ chức tín dụng, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi.

Liên quan đến hoạt động huy động vốn, pháp luật ngân hàng của Việt Nam hiện nay vẫn chưa cho phép các ngân hàng liên doanh được quyền huy động tiền gửi tiết kiệm của dân cư. Đây chính là một trong những hạn chế của pháp luật cần phải dỡ bỏ đối với ngân hàng liên doanh.

Phát hành chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá

Ở Việt Nam, ngoài hình thức tiền gửi, ngân hàng liên doanh còn huy động vốn dưới các hình thức khác nhau để thu hút các khoản tiền để dành của chủ thể trong nền kinh tế bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu. Điều 46 Luật các TCTD quy định: “ Tổ chức tín dụng được phát hành chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và giấy tờ có giá khác để huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”

Theo Quy chế phát hành giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng để huy động vốn trong nước ban hành kèm theo quyết định số 1287/2002/QĐ-NHNN ngày 22/11/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định: Giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng phát hành là chứng nhận của tổ chức tín dụng phát hành để huy động vốn trong đó xác định nghĩa vụ trả nợ một khoản tiền trong một thời gian nhất định, điều kiện trả lãi và các điều khoản cam kết khác giữa tổ chức tín dụng và người mua. Giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng phát hành gồm giấy tờ có giá ngắn hạn (thời hạn dưới 12 tháng như: kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn, tín phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác) và giấy tờ có giá dài hạn (thời hạn từ 12 tháng trở lên như: trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi dài hạn, và các giấy tờ có giá dài hạn khác). Các giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng phát hành có thể thể hiện dưới hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ, có thể là loại giấy tờ có ghi danh hoặc không ghi danh. Hình thức chứng chỉ ghi danh áp dụng đối với người mua là cá nhân. Hình thức chứng chỉ vô danh áp dụng đối với người mua là cá nhân và tổ chức. Hình thức ghi sổ áp dụng đối với người mua là tổ chức có tài khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng phát hành. Trường hợp phát hành giấy tờ có giá theo hình thức ghi sổ, tổ chức tín dụng phát hành phải cấp chứng nhận quyền sở hữu giấy tờ có giá cho người mua. Các giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng phát hành được chuyển nhượng quyền sở hữu dưới các hình thức mua, bán, tặng cho, trao đổi, thừa kế hoặc người sở hữu giấy tờ có giá có thể dùng làm vật cầm cố.

Ngân hàng liên doanh muốn được huy động vốn bằng phát hành các giấy tờ có giá phải thoả mãn những điều kiện để phát hành giấy tờ có giá, trình tự thủ tục phát hành giấy tờ có giá, mệnh giá của giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng

phát hành…và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hoặc người được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền chấp thuận bằng văn bản. Ngân hàng liên doanh huy động vốn bằng phát hành giấy tờ có giá phải có trách nhiệm công bố công khai về việc phát hành giấy tờ có giá theo quy định, phải thanh toán tiền gốc và lãi đúng hạn và đầy đủ cho người sở hữu giấy tờ có giá trị và phải thực hiện chế độ báo cáo kết quả phát hành cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định.

Huy động vốn bằng vay vốn giữa các tổ chức tín dụng

Theo quy định của Quy chế vay vốn giữa các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 1310/2001/QĐ-NHNN ngày 15 tháng 10 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì đối tượng vay và cho vay là tất cả các tổ chức tín dụng được thành lập, hoạt động ở Việt Nam theo quy định của Luật các TCTD. Như vậy, ngân hàng liên doanh cũng là đối tượng thực hiện nghiệp vụ huy động vốn bằng vay vốn giữa các tổ chức tín dụng.

Khi thực hiện việc cho vay, đi vay các bên phải bảo đảm nguyên tắc bên vay phải hoàn trả nợ gốc, lãi tiền vay và các loại phí khác đúng hạn cho bên cho vay. Việc cho vay, đi vay giữa các bên phải bảo đảm an toàn, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Các bên có thể thoả thuận về thời hạn cho vay ngắn, trung hoặc dài hạn tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn vay của ngân hàng liên doanh đi vay, tính chất và khả năng nguồn vốn của ngân hàng liên doanh cho vay. Về phương thức cho vay, các bên thoả thuận áp dụng phương thức cho vay từng lần, theo hạn mức tín dụng hoặc các phương thức khác phù hợp với các quy định của pháp luật. Các ngân hàng liên doanh được thực hiện cho vay, đi vay lẫn nhau bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ trên cơ sở phạm vi hoạt động ngoại hối của ngân hàng liên doanh được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Về biện pháp bảo đảm, các bên thoả thuận việc áp dụng hoặc không áp dụng hình thức bảo đảm đối với khoản vay trong từng trường hợp cụ thể như: hình thức bảo đảm bằng tài sản, bảo lãnh của một tổ chức tín dụng khác…Ngân hàng liên doanh phải tổng hợp, báo cáo Ngân hàng Nhà nước tình hình thực hiện cho vay và đi vay với các tổ chức tín dụng khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Vay vốn của Ngân hàng Nhà nước (trong trường hợp cần thiết)

Một trong những hoạt động cơ bản của ngân hàng liên doanh là nhận tiền gửi và cho vay. Ngân hàng liên doanh cho vay tới mức mà Ngân hàng Nhà nước cho phép để tối đa hoá lợi nhuận. Nhưng không phải lúc nào hoạt động của ngân hàng cũng đều thuận lợi. Dù thận trọng ngân hàng vẫn có thể có lúc thiếu khả năng chi trả. Trong những trường hợp như thế này, Ngân hàng Nhà nước là cứu tinh của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước là “bà đỡ” của các ngân hàng thương mại. Pháp luật quy định, ngân hàng liên doanh được vay vốn ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn. Theo đó ngân hàng được vay ngắn hạn bằng việc tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước thông qua các hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác, cho vay có bảo đảm bằng cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác. Đây là hoạt động nghiệp vụ tiện dụng của các ngân hàng thương mại, mang lại lợi ích cho hệ thống ngân hàng hai cấp. Đứng về phía ngân hàng liên doanh, việc vay vốn của Ngân hàng Nhà nước với ngân hàng liên doanh là một dịch vụ hết sức tiện lợi và nhanh chóng giải quyết được khó khăn trước mắt. Với tư cách là ngân hàng của các ngân hàng và với tư cách là “ người cho vay cuối cùng” trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước luôn luôn là chủ nợ của hệ thống ngân hàng. Vì là chủ nợ, Ngân hàng Nhà nước mới dễ điều khiển và giám sát hệ thống ngân hàng liên doanh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ được phép cho các ngân hàng liên doanh vay ngắn hạn vì và chỉ như vậy Ngân hàng Nhà nước mới có thể phản ứng nhanh trước những rối loạn có thể xảy ra trong hệ thống tiền tệ bằng việc thay đổi chi phí cấp vốn.

2.2.2. Hoạt động cấp tín dụng

Nhà kinh tế Pháp, ông Louis Baundin, đã định nghĩa “ tín dụng như là

một sự trao đổi tài hoá hiện tại lấy một tài hoá tương lai.” [ 1, tr 131]. Theo Luật

các TCTD, hoạt động tín dụng là việc tổ chức tín dụng sử dụng nguồn vốn tự có, nguồn vốn huy động để cấp tín dụng. Cấp tín dụng là việc tổ chức tín dụng thoả thuận để khách hàng sử dụng một khoản tiền với nguyên tắc có hoàn trả bằng các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bảo lãnh ngân hàng và các

nghiệp vụ khác (Khoản 8,10 Điều 20). Qua đó có thể thấy, trong khái niệm tín dụng có sự đan xen giữa yếu tố thời gian hiện tại và thời gian tương lai, vì vậy có thể xảy ra sự rủi ro, bất trắc và cần có sự tín nhiệm của hai bên đương sự đối với nhau. Hai bên đương sự dựa vào sự tín nhiệm, sử dụng sự tín nhiệm của nhau. “Tín dụng” tức là “ tín dùng” - sử dụng với sự tín nhiệm. Từ đặc thù này

Một phần của tài liệu quy chế pháp lý về ngân hàng liên doanh với nước ngoài tại Việt Nam (Trang 29 - 48)