triển ngành ngân hàng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Việt Nam sẽ xây dựng và phát triển mô hình ngân hàng thương mại đa năng; tăng cường năng lực thể chế của ngân hàng thương mại cụ thể là mở rộng quan hệ đại lý, hợp tác kinh doanh, phát triển sản phẩm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ với các tổ chức tài chính nước ngoài. Xúc tiến hiện diện thương mại (chi nhánh, liên doanh, văn phòng đại diện và hình thức pháp nhân khác) của các ngân hàng thương mại Việt Nam tại các thị trường tài chính khu vực và quốc tế.
Việc tham khảo, học hỏi các kinh nghiệm của Inđônêxia và Trung Quốc trong việc điều chỉnh pháp luật đối với ngân hàng liên doanh và những tác động của xu thế phát triển của ngân hàng liên doanh trên thế giới tạo ra cơ sở cho Việt Nam xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho các ngân hàng liên doanh hoạt động an toàn và hiệu quả.
3. Sự cần thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngân hàng liên doanh ở Việt Nam ở Việt Nam
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin: Thế giới khách quan là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội. Nhận thức thế giới khách quan là một quá trình tiếp cận các quy luật đi từ hiện tượng đến bản chất, “cái bị phản ánh” quyết định “cái phản ánh”. Nhà lập pháp không phải là người tự mình làm ra luật, họ chỉ
nêu ra các quy luật khách quan của đời sống xã hội khái quát hoá thành pháp luật. Các quan hệ này tồn tại khách quan và luôn luôn có sự vận động và chuyển dịch theo sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật theo sự chuyển dịch của các quan hệ xã hội là một quá trình liên tục, là một hiện tượng tất yếu.
Mặt khác, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các TCTD và các văn bản,
nghị định hướng dẫn điều chỉnh hoạt động của ngân hàng liên doanh như Nghị định 13; Nghị định 22…đã được ban hành và đi vào áp dụng thực tiễn ở Việt
Nam. Sau hơn 16 nămtriển khai quy định về ngân hàng liên doanh, những cơ sở
pháp lý này đã thực hiện được một số thành tựu cơ bản như:
Thứ nhất, pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng liên doanh đã dần thể chế hoá quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới hoạt động ngân hàng trong thời kỳ hội nhập. Xuất phát từ định hướng của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần trong đó có hoạt động ngân hàng, pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng liên doanh đã thể hiện quan điểm chủ đạo của Nhà nước ta là từng bước đa dạng hoá các loại hình tổ chức tín dụng, từng bước đa dạng hoá các hình thức sở hữu, hội nhập kinh tế - quốc tế.
Thứ hai, pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng liên doanh đã góp phần hình thành và phát triển thị trường tiền tệ, thúc đẩy hình thành thị trường vốn. Thị trường tiền tệ là một loại hình của thị trường tài chính, phản ánh sự tiếp xúc giữa cung và cầu để hình thành nên các giao dịch và giá cả, là nơi mua bán các giấy tờ có giá ngắn hạn. Thị trường vốn là một loại hình của thị trường tài chính, thông qua đó các hoạt động trao đổi, mua bán quyền sử dụng các nguồn tài chính diễn ra một cách thuận lợi. Ngân hàng liên doanh với những hoạt động của mình đã huy động được một khối lượng vốn đáng kể cả trong nước và quốc tế, thúc đẩy đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh - góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Thứ ba, pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng liên doanh đã tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho việc mở rộng, hợp tác và phát triển hoạt động của
ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế hiện nay. Các quy định của pháp luật ngân hàng về quy chế pháp lý của ngân hàng liên doanh, những ưu đãi đầu tư đối với hoạt động ngân hàng, hoạt động liên doanh…đã góp phần tạo niềm tin, thu hút sự đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam .
Bên cạnh những thành tựu nói trên, pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng liên doanh ở Việt Nam vẫn còn những mặt hạn chế cần bổ sung, hoàn thiện.
Thứ nhất, pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng liên doanh vẫn còn thiếu tính hệ thống, quy định ở nhiều luật, văn bản khác nhau nên nhiều chỗ còn chồng chéo, mâu thuẫn không đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng. Việc quy định lãi suất cho vay tại ngân hàng liên doanh là một vấn đề nổi cộm thông qua Bộ luật Dân sự năm 2005. Nếu như Ngân hàng Nhà nước thay đổi chính sách lãi xuất từ việc có khống chế mức lãi suất cho vay tối đa sang tự do hoá lãi suất thì Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định lãi suất cho vay cho các tổ chức tín dụng là không hợp lý.
Thứ hai, một số nội dung hoạt động của ngân hàng liên doanh chưa được quy định cụ thể, rõ ràng, chưa phù hợp với các cam kết hội nhập, thông lệ quốc tế. Trong dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, mặc dù khả năng thanh toán đã được mở rộng so với trước đây nhưng vẫn có nhiều hạn chế khác. Các quy định về séc du lịch, hối phiếu ngân hàng hoặc tiêu chuẩn an toàn trong thanh toán điện tử chưa được rõ. Các công cụ chuyển nhượng cũng có tình hình tương tự. Gần đây, Quốc hội đã nỗ lực để thông qua Luật các công cụ chuyển nhượng ngày 29/11/2005, trong đó đưa ra một số hình thức hối phiếu và séc nhưng chưa có văn bản hướng dẫn.
Từ những nhìn nhận thực tế trên đây về ưu và hạn chế của pháp luật điều chỉnh hoạt động ngân hàng liên doanh đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về ngân hàng liên doanh, đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng. Hơn nữa, hoạt động ngân hàng là hoạt động rủi ro cao trong khi đó
ngân hàng liên doanh là một hình thức mới còn non trẻ thì việc tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, ổn định cho loại hình này là điều hết sức cần thiết.
Ngoài ra, hội nhập quốc tế về ngân hàng đang là xu thế khách quan do quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới và sự phát triển của hoạt động ngân hàng. Qúa trình này mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho hoạt động ngân hàng. Để chủ động trong quá trình hội nhập, ngành ngân hàng Việt Nam cần nhận thức đầy đủ những lợi thế có thể phát huy và những khó khăn thách thức phải vượt qua. Hội nhập quốc tế sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý tài chính, loại bỏ các hình thức bảo hộ, bao cấp vốn, tài chính đối với các ngân hàng thương mại trong nước, hạn chế tình trạng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng và nới lỏng hạn chế đối với các tổ chức tài chính nước ngoài là điều kiện để thu hút đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các ngân hàng thương mại trong nước có điều kiện để tiếp cận sự hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đào tạo thông qua các hình thức liên kết, liên doanh với các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế. Bên cạnh những cơ hội đó, hội nhập quốc tế cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam như việc mở cửa thị trường tài chính làm tăng số lượng các ngân hàng có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ…áp lực cạnh tranh cũng tăng dần theo lộ trình nới lỏng các quy định đối với các tổ chức tài chính nước ngoài, trong khi khả năng chống đỡ rủi ro của ngân hàng trong nước còn kém.
Do vậy muốn hội nhập quốc tế thành công cần phải xây dựng một môi trường pháp lý ngân hàng trong nước hấp dẫn với các cơ chế, chính sách nhất quán có quy định quyền sở hữu rõ ràng, công tác thanh tra giám sát an toàn với mức độ độc lập cao, chế độ báo cáo và kiểm toán minh bạch, tạo lập một sân chơi bình đẳng và hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh để tất cả các ngân hàng (trong nước và nước ngoài) phát triển.