Di chúc bằng văn bản có người làm chứng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự" ppt (Trang 61 - 62)

Pháp luật dân sự quy định trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc vì nhiều nguyên nhân khác nhau như bị mù, bị cụt tay…, thì có thể nhờ người khác viết hộ di chúc, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng đối với di chúc đó. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Như vậy, đối với di chúc bằng văn bản có người làm chứng thì các nhà làm luật đã cho phép người lập di chúc lựa chọn: Hoặc là ký vào bản di chúc, hoặc là điểm chỉ vào di chúc, mà không bó buộc phải ký vào bản di chúc như di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Sự xuất hiện của người làm chứng trở thành yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu lực của di chúc trong trường hợp người lập di chúc không thể tự viết được bản di chúc và di chúc đó không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng thực. Những người làm chứng cho việc lập di chúc phải tiến hành đồng thời hai hành vi: Xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Pháp luật không buộc người làm chứng cho việc lập di chúc phải xác nhận đúng nội dung mà người lập di chúc "nhờ người khác viết".

Trong thực tế đã có nhiều trường hợp người làm chứng của di chúc chỉ ký vào di chúc, mà không thể hiện hành vi xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là tính cẩu thả của người làm chứng, nhưng nguyên nhân chủ yếu do trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân ta chưa cao. Vậy hiệu lực của những di chúc này như thế nào?

Để trả lời câu hỏi này là một vấn đề khó và theo chúng tôi thì tùy từng trường hợp cụ thể mới có thể có câu trả lời, bởi vì, trong trường hợp này, Tòa án phải căn cứ vào những chứng cứ khác như lời khai của các đương sự, lời khai của người làm chứng xem có đúng là họ trực tiếp chứng kiến người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc hay không, kết quả giám định dấu vân tay, chữ ký của người lập di chúc… mới có thể có kết luận công nhận hay không công nhận hiệu lực pháp luật của di chúc.

Trong thực tế giải quyết của Tòa án, đã có không ít những trường hợp mà người làm chứng không hề biết là người lập di chúc có ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc hay không, mà họ thấy người lập di chúc mang di chúc nhờ xác nhận với tư cách người làm chứng là họ xác nhận. Theo quy định của pháp luật thì những người làm chứng phải trực tiếp chứng kiến việc người lập di chúc ký vào bản di chúc, nhưng theo chúng tôi đối với trường hợp này nếu có căn cứ xác đáng chứng minh đúng là chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc thì cũng cần công nhận hiệu lực pháp luật của di chúc.

Pháp luật dân sự cũng quy định về người làm chứng cho di chúc. Theo đó, mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc, người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc và người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự. Việc quy định như vậy nhằm mục đích đảm bảo sự vô tư, khách quan của người làm chứng, đồng thời cũng hạn chế tình trạng có việc cưỡng ép, giả dối … trong việc lập di chúc.

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về người viết hộ di chúc phải có những điều kiện gì, những người nào được viết hộ, những người nào không được viết hộ di chúc, những người bị cấm làm chứng có quyền viết hộ di chúc hay không. Thực tế đã có trường hợp người làm chứng cho việc lập di chúc là người viết hộ di chúc. Trường hợp này đã có những quan điểm khác nhau giữa các cấp xét xử và chúng tôi xin nêu ví dụ và phân tích, đánh giá ở phần sau của đề tài.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự" ppt (Trang 61 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)