Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự" ppt (Trang 49 - 50)

Trong bất cứ giao dịch dân sự nào, việc ghi rõ họ, tên, nơi cư trú của chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự là việc làm không thể thiếu, bởi vì: Có ghi rõ đặc điểm về tên, họ, nơi cư trú thì mới xác định được chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Mỗi cá nhân sống trong cộng đồng xã hội đều có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Mọi người khi sinh ra đều có quyền được khai sinh không phân biệt sinh trong giá thú hoặc ngoài giá thú. Họ của trẻ sơ sinh là họ của người cha hoặc họ của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ. Trong trường hợp không xác định được người cha, thì họ của trẻ sơ sinh là họ của người mẹ.

Như vậy, khi con người sinh ra thì trong giấy khai sinh của người đó đã ghi rõ họ, tên. Họ của một người có thể là họ của người cha hoặc họ của người mẹ. Tên của một người do cha, mẹ đặt cho, bao gồm tên chính và tên đệm.

Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống và có hộ khẩu thường trú. Trong trường hợp cá nhân không có hộ khẩu thường trú và không có nơi thường xuyên sinh sống, thì nơi cư trú của người đó là nơi tạm trú và có đăng ký tạm trú. Khi không xác định được nơi cư trú của cá nhân, thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống, làm việc hoặc nơi có tài sản hoặc nơi có phần lớn tài sản, nếu tài sản của người đó có ở nhiều nơi. Người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi trở lên có thể có nơi cư trú khác

với nơi cư trú của cha, mẹ, nếu được cha, mẹ đồng ý. Người được giám hộ từ đủ mười lăm tuổi trở lên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ, nếu được người giám hộ đồng ý.

Để xác định về mặt chủ thể trong việc lập di chúc, tại điểm b, khoản 1 Điều 656 Bộ luật dân sự năm 1995 (điểm b, khoản 1 Điều 653 Bộ luật dân sự năm 2005) quy định nội dung của di chúc phải ghi rõ họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc. Việc ghi rõ như vậy sẽ là tiền đề để xác định người lập di chúc có đúng là người để lại di sản hay không. Chỉ khi nào người lập di chúc cũng chính là người để lại di sản thì di chúc mới phát sinh hiệu lực.

Thực tế cho thấy, có một số trường hợp trùng họ, tên với nhau. Nếu những người này ở thành phố, thị xã thì có thể dễ dàng phân biệt được bởi việc xác định nơi cư trú bằng số nhà, số ngách, tổ, phường… Tuy nhiên, do ở những vùng nông thôn thì trong một xóm, một đội sản xuất, một cụm dân cư có diện tích tương đối rộng nên trường hợp có những người cùng một tên, cùng một họ thì việc phân biệt người này với người kia bằng họ, tên, nơi cư trú vẫn chưa đủ. Chúng tôi cho rằng, nên chăng cần quy định thêm về việc người lập di chúc cần phải ghi rõ năm sinh, số chứng minh nhân dân, nơi cấp, ngày cấp chứng minh nhân dân… thì việc xác định về chủ thể lập di chúc sẽ rõ ràng hơn, chính xác hơn, tránh những tranh chấp sau này có thể xảy ra về chủ thể lập di chúc.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự" ppt (Trang 49 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)