Pháp luật quy định công dân có quyền lập di chúc, đồng thời pháp luật cũng cho phép người lập di chúc có quyền chỉ định người giữ di chúc. Người giữ di chúc có thể là một cá nhân, một công dân cụ thể, nhưng cũng có thể là công chứng nhà nước.
Nếu di chúc được gửi giữ tại công chứng nhà nước thì việc bảo quản, giữ gìn, công bố di chúc phải theo đúng quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về công chứng. Khi nhận giữ di chúc, công chứng viên phải lập hai bản có nội dung như nhau, một bản giao cho người lập di chúc và một bản lưu tại Phòng Công chứng nhà nước. Trong trường hợp bản di chúc được lưu giữ tại công chứng nhà nước, thì công chứng viên là người công bố di chúc. Việc công bố di chúc phải có biên bản. Sau thời điểm mở thừa kế, công chứng viên phải gửi bản sao di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc. Bản sao di chúc này phải có chứng nhận của công chứng viên.
Nếu người giữ di chúc là cá nhân thì cá nhân đó phải có nghĩa vụ giữ bí mật nội dung di chúc. Người giữ di chúc không được tiết lộ cho những người thừa kế hoặc bất cứ người nào về nội dung của di chúc. Người giữ di chúc phải bảo quản, giữ gìn cẩn thận bản di chúc, tránh việc di chúc bị hư hại, thất lạc, bị mất. Trong trường hợp người lập di chúc còn sống, nếu do những nguyên nhân khác nhau mà di chúc bị thất lạc, hư hại thì cá nhân giữ bản
di chúc phải thông báo ngay cho người lập di chúc biết. Khi người lập di chúc chết, cá nhân giữ bản di chúc phải giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của hai người làm chứng.
Hiện nay pháp luật dân sự nước ta chưa có quy định nào về điều kiện của những người được giữ di chúc. Chúng tôi cho rằng việc quy định các điều kiện đối với người giữ di chúc là cần thiết. Mặt khác, các quyền lợi của người nhận giữ di chúc cũng cần phải được quy định.