xã hội mới
Đây là một trong những giải pháp cơ bản và quan trọng hàng đầu. Thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa là nhân tố quyết định trong việc hình thành của ý thức xã hội mới. Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, sự phát triển kinh tế- xã hội của Hải Dương vẫn còn những hạn chế nhất định, từ đó tạo cơ sở khách quan cho sự tồn tại và tác động của những tâm lý xã hội cổ truyền.
Có thể nói, tâm lý xã hội cũ là sản phẩm của nền sản xuất nhỏ, lạc hậu. Theo quan điểm duy vật lịch sử về mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, rằng tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội thì muốn xóa bỏ những tâm lý xã hội ấy chúng ta phải xóa bỏ những cơ sở kinh tế- xã hội làm nảy sinh ra nó, tức là xóa bỏ những tàn dư của nền sản xuất nhỏ. Điều này lý giải vì sao khi đề cập tới các giải pháp xây dựng ý thức xã hội chủ nghĩa, vấn đề phát triển lực lượng sản xuất, xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa cũng là nội dung chiếm một vị trí ưu tiên hàng đầu. Phát triển lực lượng sản xuất hiện đại ở nước ta trong thời đại ngày nay không thể tách rời quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, đặc biệt là “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân” [11, tr.88].
Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các vùng kinh tế ở các địa phương theo hướng sản xuất công nghiệp, theo hướng chuyên môn hóa, tập trung nhân lực chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ nền sản xuất nhỏ, phân tán, chậm phát triển sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) sẽ có tác dụng to lớn đến việc phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, làm thay đổi mạnh mẽ ý thức, nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Có thể nói, vấn đề nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân luôn là một vấn đề quan tâm hàng đầu của các cấp ủy đảng, chính quyền trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thực tế đã chứng minh rằng, ở những nơi nào mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng học tập, giao lưu, tạo điều kiện thúc đẩy lưu thông phân phối, tiêu thụ sản phẩm …, nơi đó sẽ nhanh chóng có những chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của người dân và cả cán bộ, đảng viên. Cùng với những thành tựu kinh tế- xã hội các đơn vị như Thành phố Hải Dương, Kinh môn, Nam sách … đều đạt thành tích tiêu biểu trong công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình. Ngược lại, ở những nơi chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm chạp, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng của những thói quen, tập quán cũ, tâm lý sản xuất nhỏ là rất nặng nề. Những nguyên nhân này đã và đang cản trở việc thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội nói chung và việc thực hiện các mục tiêu của chính sách dân số nói riêng.
Như vậy, biện pháp tích cực làm chuyển đổi nhanh chóng tâm lý xã hội cũ, hình thành những nét tâm lý xã hội mới đó là biện pháp mang tính kinh tế, nói cụ thể hơn đó là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặc biệt là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thực hiện tốt chủ trương này sẽ trực tiếp làm thay đổi suy nghĩ, hành động của đại đa số nhân dân, từng bước khắc phục tiến tới loại bỏ những quan niệm cũ, lối tư duy kinh nghiệm, tư t- ưởng phong kiến gia trưởng sang quan niệm mới, cách làm việc khoa học, tiếp cận xử lý công việc một cách linh hoạt, bài bản, hiệu quả hơn. Đồng thời giúp cho người dân có điều kiện được tiếp xúc với cơ chế mới, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Từ thực trạng gia tăng dân số ở nước ta những năm gần đây và kết quả khảo sát tác động của tâm lý xã hội đối với việc thực hiện chính sách dân số ở tỉnh Hải Dương chúng ta có thể rút ra những nhận định sau đây:
- Muốn làm thay đổi tâm lý xã hội cũ mang nặng dấu ấn của nền sản xuất nhỏ, những tập quán, thói quen cũ phải xuất phát từ những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, trước hết là chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trực tiếp là phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển nhanh và bền vững các thành phần kinh tế, tạo bước đội phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường định hướng XHCN.
- Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải chú ý bám sát thực tế điều kiện hoàn cảnh thực tế của từng địa phương để vận dụng những chủ trương, chính sách một cách hiệu quả. Bởi vì, nước ta cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu, địa bàn nông thôn hết sức rộng lớn với những mối quan hệ hết sức phức tạp như họ hàng, làng xã, hương ước, tập tục, tín ngưỡng tôn giáo... hết sức "nhạy cảm"... chi phối đời sống tinh thần của người dân đòi hỏi phải kiên trì, sáng tạo mới có thể thực sự tạo chuyển mạnh mẽ trong tâm lý xã hội của con người.
- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước ta. Để đưa công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào hiện thực cuộc sống của nhân dân đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một đội ngũ cán bộ cơ sở tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân mới có thể thực hiện thắng lợi chủ trương đúng đắn đó.
Khắc phục những tác động tiêu cực của tâm lý xã hội đối với việc thực hiện chính sách dân số là một quá trình lâu dài, trước mắt để khắc phục tác động đó và giải quyết vấn đề sinh con thứ 3 trở lên tăng mạnh như hiện nay, chúng ta cần tập trung vào những biện pháp mang tính kinh tế. Khuyến khích lợi ích kinh tế trực tiếp đối với những người nghiêm chỉnh thực hiện chính sách dân số, những người trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những gia đình ít con, nuôi con khỏe mạnh tạo ra sự chú ý và thu hút mạnh mẽ toàn xã hội đối với quy mô gia đình nhỏ.
Trong công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, việc đấu tranh xóa bỏ những quan điểm, tư tưởng cũ, những tâm lý xã hội lỗi thời và xây dựng ý thức xã hội mới cũng cần phải chú ý việc kế thừa có chọn lọc những tư tưởng, truyền thống vă hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu một cách có chọn lọc những tư tưởng tiến bộ của nhân loại.
Tóm lại, việc xây dựng ý thức xã hội mới, khắc phục những tác động tiêu cực của ý thức xã hội cũ ở Việt Nam hiện nay phải gắn liền với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể tạo ra những cơ sở vững chắc cũng như sự chuyển biến căn bản và lâu dài toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực tinh thần xã hội nói riêng.