gian qua
Trong quá trình thực hiện chính sách dân số, đặc biệt là sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa VII về chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội từ tỉnh tới cơ sở, nhất là sự ủng hộ và tích cực tham gia của nhân dân, việc thực hiện chính sách dân số ở Hải Dương ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu. Chúng ta thể đánh giá kết quả của công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình ở Hải Dương thời gian qua trên các mặt cơ bản sau đây:
Một là, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân về dân số- phát triển và chăm sóc sức khỏe sinh sản được nâng lên rõ rệt, công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình đã được coi là bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đại bộ phận nhân dân quan niệm về sinh đẻ đã có những chuyển biến tích cực. Công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình từng bước được xã hội hóa. Mô hình “ Lồng ghép
yếu tố dân số với phát triển bền vững thông qua hoạt động tín dụng tiết kiệm và phát triển kinh tế gia đình” đạt hiệu quả tốt và được đề nghị nhân rộng.
Hai là, quy mô dân số ngày càng ổn định. Số người trung bình trong một hộ đã giảm từ 4,01 người/ hộ vào năm 1999 xuống còn 3,8 người/ hộ vào năm 2004. Dân số vào thời điểm 1/ 4/ 2004 so với thời điểm 1/ 4/ 1999 tăng 44.024 người (2,7%). Như vậy, tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm thời kỳ 1999- 2004 là 0,53% chậm hơn 0,38% so với thời kỳ 1989- 1999 (0,91%). Kết quả này đã góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, làm tiền đề vững chắc để Hải Dương bước vào thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam 2001- 2010.
Theo báo cáo quý 3 năm 2005 của Uỷ ban dân số- gia đình & trẻ em tỉnh Hải Dương, tính đến tháng 9 năm 2005, dân số của tỉnh là 1.707.131 người với 432.938 hộ; Nữ 15- 49 tuổi là 461.217 người, trong đó số nữ có chồng là 319.851 người; Số sinh là 14.871 cháu, trong đó có 1.260 cháu là con thứ 3 trở lên.
Ba là, về mức sinh ở Hải Dương liên tục có chiều hướng giảm từ 2,05 con năm 1999 xuống 2 con vào năm 2002 và duy trì mức sinh tương đối ổn định cho đến nay. Tỷ suất sinh thô từ 15,72% năm 2001 xuống còn 14,45% năm 2004. Tỷ lệ sinh con thứ 3 mặc dù gần đây có tăng mạnh nhưng vẫn ở mức thấp so với toàn quốc, dao động trong khoảng từ 8,7 đến 9,7% [52, tr.3].
Bốn là, về việc các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai đã tăng đáng kể. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai đạt từ 73,3% năm 2000 lên 75,5% vào các năm 2004, 2005. Đảm bảo đa dạng hóa các biện pháp tránh thai hiện đại an toàn, hiệu quả, đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu của đối tượng sử dụng [52, tr.3].
Thành tựu đạt được trong việc thực hiện chính sách dân số ở Hải Dương những năm qua là cơ bản. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, cũng như nhiều địa phương khác, việc thực hiện chính sách dân số ở Hải Dương đã vấp phải những khó khăn mới nảy sinh, ví dụ như tình trạng sinh con thứ 3 trở lên. Theo thống kê thì hầu hết các huyện trong tỉnh đều xuất hiện tình trạng sinh con thứ 3, thậm chí có những nơi tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên khá cao: điển hình là Thanh Miện: 14,99%; Bình Giang: 14,36% … [52, tr.3- 4].
Như chúng ta đã biết việc sinh con thứ 3 trở lên chỉ là một trong nhiều nguyên nhân đã và đang gây cản trở đối với việc thực hiện chính sách dân số ở nước ta nói chung và Hải Dương nói riêng. Điều đó cho thấy thực tiễn đã và đang đặt ra những vấn đề cấp bách đòi hỏi chúng ta cần phải nhận thức và giải quyết kịp thời.