nguyên liệu và sản phẩm thức ăn chăn nuôi
Thời gian gần đây hầu hết các doanh nghiệp sản xuất chất lượng đều vi phạm các qui định về chỉ tiêu chất lượng thức ăn chăn nuôi. Theo kết quả lấy mẫu và kiểm tra của một số ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp đã vi phạm qui chế nhãn mác, thành phần dinh dưỡng bị sụt so với chỉ tiêu đăng ký hoặc không ghi đầy đủ các thông tin về công bố chất lượng trên bao bì. Hầu hết các chỉ tiêu chất lượng không đạt yêu cầu chỉ có thể nhận biết khi thông qua kết quả thí nghiệm, điều đó có nghĩa là người tiêu dùng không hề nhận biết được rằng chất lượng sản phẩm mà mình sử dụng có đạt yêu cầu chất lượng hay không, hoặc chất lượng sản phẩm đạt đết mức nào và thiệt hại kinh tế khi sử dụng sản phẩm kém chất lượng là một vấn đề còn mơ hồ không thể xác định được.
Đứng trước tình trạng này, nhiều người đã đặt vấn đề là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước tới đâu, và có giải pháp nào hữu hiệu để hạn chế tình trạng thức ăn chăn nuôi kém chất lượng còn lưu thông, gây thiệt hại trực tiếp cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sức khoẻ công đồng.
Theo nghị định 15/Cp ngày 19/03/1996 về việc quản lý thức ăn chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm kiểm tra và quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi trong phạm vi cả nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực thuộc và UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trực triếp việc kiểm tra và quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn quản lý.
Tuy nhiên công tác quản lý đến nay vẫn còn nhiều bất cập, việc phân cấp và phối hợp giữa các cơ quan chức năng vẫn chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng chồng chéo quyền hạn, trách nhiệm không rõ ràng trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Hiện nay tại các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ có từ 3-5 thanh tra viên nông nghiệp song phải thực hiện kiểm tra thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn… Và con số này là quá mỏng. Do vậy quá trình thanh tra, kiểm tra lấy mẫu
phân tích chỉ thực hiện theo đợt và mang tính chiếu lệ, chưa có biện pháp xử lý triệt để các sai phạm.
Đứng trước tình hình trên, thiết nghĩ Chính phủ và các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải có qui chế cụ thể, phân cấp và giao trách nhiệm một các rõ ràng trong công tác quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi. Từ những bất cập trên Nhà nước có thể đưa ra một số giải pháp chính trong công tác quản lý nhà nước đối với chất lượng thức ăn chăn nuôi như sau:
- Với những địa bàn tỉnh, thành phố rộng lớn thì cần phân cấp xuống tận địa bàn trong việc giám sát thức ăn chăn nuôi. Cần có quy chế rõ ràng phân cấp quản lý. Theo ý kiến đông đảo của cán bộ quản lý thức ăn chăn nuôi, tốt nhất công tác quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi nên phân cấp đến cấp huyên, tức phòng chăn nuôi mỗi huyện phải có trách nhiệm kiểm tra, nếu thu giữ được hàng nghi giả, kém chất lượng thì phải tiến hành lấy mẫu đem đến phòng thí nghiệm thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh để phân tích, giám định. Công việc kiểm tra phải được thực hiện tại phòng thí nghiệm hiện đại. Các mẫu kiểm tra đều phải “mã hoá". Tức là không cho biết tên sản phẩm, đơn vị sản xuất mà đánh số ngẫu nhiên, khi có kết quả về mới ráp nối để biết được tên đơn vị, tên sản phẩm. Việc làm tuyệt mật này sẽ tránh được sự tiêu cực nhằm thay đổi kết quả kiểm tra. Nếu kết quả kiểm tra phát hiện ra sản phẩm kém chất lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải trực tiếp xử lý một cách triệt để, nếu sai phạm lớn, có dấu hiệu của hành vi gian lận hoặc gây hiệu quả nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế xã hội thì phải chuyển hoặc xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý.
- Đi đôi với công tác phân cấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần gấp rút trang bị phòng thí nghiệm, nguồn nhân lực cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực thuộc. Hiện nay cơ sở hạ tầng và cán bộ quản lý tại các sở là quá mỏng nên việc kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi chưa đáp ứng nhu cầu. Hiện tại, tại các địa phương, thống kê chỉ có 20/60 tỉnh, thành trong Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Chăn Nuôi có Phòng Chăn nuôi, đó là chưa nói đến cấp huyện. Con số này quả là cực kỳ khiêm tốn so với sự phát triển mạnh mẽ của các các doanh nghiệp. Phòng thí nghiệm và phân tích mẫu chỉ tập trung chủ yếu ở các Viện nghiên cứu, hoặc các sở trực thuộc thành phố lớn do vậy quá trình phân tích thường gặp bất cập. Có những mẫu
thức ăn thực tế có thể tốt, nhưng do quá trình đợi phân tích lại xuống cấp trầm trọng, hoặc là kết quả phân tích quá chậm dẫn đến tình trạng xử lý không kịp thời, bị mua chuộc và làm lệch kết quả kiểm tra.
Nguyên liệu là một trong những nguyên nhân chính làm cho chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, song một thực tế hiện nay là công tác kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu hầu như đang bỏ ngõ. Chính vì thế nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sự bất cập và lơi lỏng trong công tác kiểm tra chất lượng nguyên liệu nên đã cố tình thu mua và sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng qui định. Thậm chí có những doanh nghiệp sử dụng một số nguyên liệu vượt quá tỷ lệ cho phép, sử dụng các chất kháng sinh hoặc hooc môn tăng trưởng bị cấm. Như vậy kết hợp với công tác quản lý chất lượng sản phẩm, Nhà nước cần phải đưa ra qui chế kiểm tra chất lượng nguyên liệu một cách chặt chẻ từ khâu thu mua, xử lý, lưu trử đến khâu định lượng trước khi đưa vào sản xuất.