Đọc biên tập và viết giám định bản thảo

Một phần của tài liệu Tìm hiểu hoạt động biên tập - xuất bản sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội (Trang 36 - 40)

II. HOẠT ĐỘNG BIÊN TẬP SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ XÃ HỘI CỦA NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG-XÃ HỘ

b. Đọc biên tập và viết giám định bản thảo

Sau khi tiếp nhận bản thảo một cách nhanh chóng và cẩn thận, biên tập viên tiếp tục chuyển sang công tác đọc biên tập bản thảo. Đọc biên tập mang tính chất đặc trưng của công việc biên tập – xuất bản bởi biên tập viên không chỉ hướng mục đích của mình vào việc đọc bản thảo để nắm bắt thông tin mà còn tập trung vào tìm kiếm, phát hiện những thiếu sót, những ”hạt sạn” làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của ấn phẩm, dự đoán được tác động của ấn phẩm tới người đọc sẽ là tích cực hay tiêu cực.

Trước hết, việc đánh giá bản thảo là xem xét đề tài có đi đúng lập trường, quan điểm của Đảng – Nhà nước, có góp phần phản ánh và giải quyết những vấn đề của đời sống xã hội hay không. Đặc trưng của loại sách chuyên đề phóng sự xã hội này là ở chỗ nó chủ yếu phản ánh những mặt trái của xã hội như: lối sống buông thả, trác táng của một bộ phận “đại gia” và “thiếu gia” mà phần lớn là quan chức nhà nước và con của quan chức nhà nước; nạn mại dâm với các cô gái làng chơi trá hình quán bar, vũ nữ; thói đua đòi ăn chơi của một bộ phận học sinh, sinh viên, thanh niên hoặc các vụ án giật gân...Do Công ty Hà Thế với tâm lý là làm sách câu khách đã tập hợp nhiều bài báo mà tính chất giật gân, kì dị càng cao càng giá trị, sưu tập những hình ảnh minh hoạ quá mát mẻ, gợi cảm và trái với truyền thống dân tộc...Đứng trước hiện tượng đó, biên tập viên đã nêu ý kiến góp ý với Công ty Hà Thế để có phương pháp thay thế phù hợp. Lúc này biên tập viên vừa có thái độ tôn trọng phía đơn vị liên kết nhưng không vì thế mà ủng hộ cách làm của họ. Phía Công ty Hà Thế vì vậy cũng hợp tác và đưa bài, ảnh thay thế hợp lý.

Đánh giá bản thảo còn phải xác định được tính khoa hoc của tác phẩm. Khi đọc biên tập, biên tập viên đã huy động tất cả những tri thức cần thiết cho việc tiếp nhận thông tin của tác phẩm đem lại, đồng thời tự đặt ra những câu hỏi thích hợp để kiểm tra sự đúng đắn của tác phẩm, tinh nhanh phát hiện ra những vấn đề còn mơ hồ, đáng “nghi ngờ”, cần xem xét, tra cứu lại. Ví dụ, trong các bản thảo có một loạt bài báo về vụ án PMU18. Thời điểm biên tập viên đọc biên tập bản thảo này cũng là thời điểm sự kiện PMU18 đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và nó mang tính chất nhạy cảm vì liên quan đến nhiều quan chức cao cấp của Nhà nước. Do đó những thông tin mà bản thảo phản ánh khi được tập hợp vào sách cần phải được kiểm chứng nó có xác thực, tin cậy và hợp pháp hay không. Sức ép của vụ án này rất lớn bởi Bộ Văn hoá Thông tin có công văn quy định về những thông tin được nêu trên báo chí - xuất bản, Bộ Công an cũng có chỉ thị sẽ có tuyên bố chính thức về vụ việc, rồi người nhà của Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng đến nhà xuất bản và Công ty Hà Thế gây áp lực...Trước tình hình đó, biên tập viên phải nắm vững những quy định cụ thể của Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Công an vừa kiên định lập trường trước sức ép

của một số đối tượng bởi bản thảo không vi phạm quy định của pháp luật và Luật Xuất bản.

Hay một số bản thảo đề cập đến những hiện tượng mê tín, dị đoan, kì bí, lạ lùng...thì biên tập viên đã phải chú ý giữa khía cạnh tâm linh và khoa học, từ đó cân nhắc khi chọn bài và đọc duyệt nghiêm túc để tránh sa vào quan điểm mơ hồ, lệch lạc, tiêu cực.

Ngoài ra, biên tập viên còn đánh giá bản thảo về mặt ngôn ngữ một cách khái quát từ nhiều phía: cú pháp - ngữ nghĩa, logic - ngữ nghĩa, ngữ điệu - ngữ nghĩa.

Trong quá trình đọc, biên tập viên đồng thời tiến hành ghi chú bên lề những nhận xét đánh giá, những điều chưa rõ ràng của bản thảo, những điều cần xem xét, nghiên cứu, kiểm tra lại. Sự ghi chú này diễn ra trong suốt quá trình đọc và nó là cơ sở để biên tập viên có nhận xét kết luận về bản thảo.

Như vậy, sau khi đọc xong một lượt bản thảo gắn với ghi chú bên lề, biên tập viên đã hình thành được khâu “mở nút” của quá trình biên tập. Khi ấy, với sự nhạy cảm của mình, biên tập viên đã định hình trong đầu được rằng tác phẩm sẽ mang lại điều gì cho bạn đọc, chất lượng tác phẩm ở mức nào. Khi kết thúc khâu đọc bản thảo thì biên tập viên có thể đánh giá bản thảo một cách chính xác và khách quan, khái quát nhất, từ đó đưa ra cách xử lý bản thảo. Bản giám định thể hiện rõ bản lĩnh, chính kiến và mức độ thẩm thấu tác phẩm của biên tập viên, để từ đó biên tập viên trao đổi với trưởng ban và tổng biên tập về hướng xử lý bản thảo. Bản thảo sách chuyên đề phóng sự xã hội là sự tập hợp nhiều bài báo của nhiều tác giả nhưng lại theo một chủ đề nhất định, do vậy biên tập viên viết bản giám định chỉ tóm tắt, đánh giá bản thảo một cách tổng hợp. Chẳng hạn, với tập bản thảo Dân chơi rỗng ruột, biên tập viên giám định bản thảo theo mẫu sau:

PHIẾU BIÊN TẬP Tên bản thảo: Dân chơi rỗng ruột

Tác giả: nhiều tác giả

Thể loại: sách chuyên đề phóng sự xã hội

Tên biên tập viên: Trần Kiều Trang Giao bản thảo ngày: 18/3/2006

Ý kiến của biên tập viên (Về nội dung và hình thức thể hiện):

- Về nội dung: Bản thảo tập hợp 18 bài viết của nhiều tác giả, bao gồm các mảng đề tài khác nhau như: kiểu sống làm vợ tạm những kẻ nhiều tiền lắm của, dân chơi “hàng mượn”, thói đua đòi ăn chơi của học sinh, sinh viên, thanh niên, bi kịch của một bộ phận thanh niên nghèo khi xây dựng gia đình, truyện vụ án...qua đó những mặt trái tiêu cực của xã hội được phơi bày một cách sâu sắc và rõ nét. Nó như tiếng chuông cảnh tỉnh, là điều cần thiết và sẽ đáp ứng được nhu cầu phong phú của độc giả.

- Về hình thức: Bản thảo còn nhiều lỗi chính tả và lỗi diiễn đạt. Bản thảo cũng sử dụng quá nhiều hình minh hoạ không cần thiết, lạc lõng với nội dung và một số ảnh quá sex.

Kính chuyển Ban và Ban Giám đốc ký

Hay với bản thảo Nhan sắc phố, biên tập viên viết phiếu biên tập như sau:

PHIẾU BIÊN TẬP Tên bản thảo: Nhan sắc phố

Tác giả: nhiều tác giả

Thể loại: sách chuyên đề phóng sự xã hội

Khổ sách: 13 x 19 cm Số trang: 128 Tên biên tập viên: Trần Kiều Trang

Giao bản thảo ngày: 08/07/2006

Ý kiến của biên tập viên (Về nội dung và hình thức thể hiện):

- Về nội dung: Tập bản thảo gồm 21 bài với nhiều thể loại khác nhau, phản ánh những vấn đề tiêu cực trong xã hội đang được dư luận quan tâm như: hậu trường cuộc thi hoa hậu, phá đường dây bán dâm cao cấp...Đặc biệt, đây còn là tập phóng sự ca ngợi cái tốt, cái đẹp, cái cảm động lòng người, đó là một loạt các bài ghi chép về những người bị nhiễm HIV nhưng vẫn dũng cảm đương đầu với cái chết, xoá bỏ mặc cảm, nỗi sợ bị kỳ thị, tích cực tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Có một số bài không phù hợp đã thay thế.

- Về hình thức: Tuy vậy, bản thảo còn nhiều lỗi về văn phong, chính tả. Cần cắt bỏ một số hình ảnh gây phản cảm.

Đây là sách bán, đã được Giám đốc cho ý kiến về chủ đề sách. Kính chuyển Ban và Ban Giám đốc duyệt.

Như vậy, sau khi hoàn thành giám định bản thảo, công việc tiếp theo của biên tập viên là biên tập, sữa chữa, hoàn thiện bản thảo.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu hoạt động biên tập - xuất bản sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội (Trang 36 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(78 trang)
w