CÔNG TÁC CỘNG TÁC VIÊN

Một phần của tài liệu Tìm hiểu hoạt động biên tập - xuất bản sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội (Trang 34 - 36)

II. HOẠT ĐỘNG BIÊN TẬP SÁCH CHUYÊN ĐỀ PHÓNG SỰ XÃ HỘI CỦA NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG-XÃ HỘ

2. CÔNG TÁC CỘNG TÁC VIÊN

Cộng tác viên trong lĩnh vực xuất bản là khái niệm chỉ những người có quan hệ cộng tác với nhà xuất bản để làm ra sách, tuyên truyền và phát huy tác dụng của sách. Ở đây, Công ty Hà Thế là đơn vị tổ chức bài vở và chịu trách nhiệm đảm bảo quyền tác giả. Vì vậy, công tác cộng tác viên hoàn toàn do Công ty Hà Thế đảm nhận.

Đối với sách chuyên đề phóng sự xã hội, đội ngũ cộng tác viên chủ yếu là tác giả. Họ là đội ngũ phóng viên của các tờ báo. Chẳng hạn như Đào Thanh Tuy, một cây bút chuyên viết phóng sự xã hội của báo Gia đình và xã hội. Năm 2005, anh đã cho in bốn tập sách phóng sự xã hội: Giang hồ đất Cảng I, Giang hồ đất Cảng II, Cuộc chơi và giá phải trả, Giao thừa trong chốn đại lao (in chung) thu hút nhiều bạn đọc, phản ánh sinh động những vấn đề bức xúc của cuộc sống với đủ mọi loại nhân vật như: dân đao búa bặm trợn, những ả gái điếm bệ rạc, những con nghiện dặt dẹo, những mảnh đời thường mà vô cùng cảm động...Hay Trương Vĩnh Anh Duy, tốt nghiệp khoa Ngữ văn – Báo chí trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Tp. Hồ Chí Minh với nhiều bài viết và ảnh đã được đăng trên các báo trung ương và địa phương. Anh cũng từng đoạt giải thưởng của Bộ Văn hoá Thông tin về phóng sự xã hội ở cuộc thi “Tuyên truyền phòng, chống mại dâm trên báo in năm 2005”.

Trong khâu tổ chức bản thảo Công ty Hà Thế thực hiện công việc tập hợp bài rất nhanh chóng. Trung bình mỗi cuốn sách từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra được hoàn thành trong thời gian từ một đến hai tuần. Chẳng hạn chỉ trong quý II, Công ty Hà Thế liên kết với nhà xuất bản cho ra 10 ấn phẩm, trong quý III là 7 ấn phẩm. Điều đó cho thấy, thời gian làm sách ngắn, số lượng bài tập hợp lại đa dạng, từ nhiều nguồn, của nhiều tác giả nên công tác liên hệ cộng tác viên rất khó khăn. Phương thức chính mà Công ty thực hiện trong việc liên hệ quyền tác giả là gọi điện thoại. Tuy nhiên cách này cũng không thuận lợi bởi không phải phóng viên nào Công ty cũng biết địa chỉ và có thể liên hệ. Do vậy Công ty còn sử dụng biện pháp đưa tin trên ấn phẩm. Thông tin là: “Thư từ, bài vở, mọi ý kiến xin liên hệ: Công ty truyền thông Hà Thế 87 Láng Hạ-Hà Nội (ĐT – FAX 04.5147435)” hoặc “Trong quá trình thực hiện tập sách, chúng tôi chưa liên hệ

được hết với tác giả. Để đảm bảo quyền tác giả, các tác giả có bài viết được đăng tải có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi tại số điện thoại 04.5147435. Kính mong nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của các tác giả và bạn đọc” được in tại mặt sau của trang tít sách hoặc trang cuối sách. Đây là một cách làm không thoả đáng bởi nếu tác giả nào tự liên hệ mới nhận được nhuận bút, còn không thì thôi.

Do công tác cộng tác viên chưa được thực hiện đúng quy trình chặt chẽ nên bản quyền trở thành vấn đề bị Công ty Hà Thế vi phạm, gây bức xúc đối với đội ngũ cộng tác viên tác giả - những phóng viên có bài đăng tải trong sách chuyên đề phóng sự xã hội. Trường hợp của phóng viên Đặng Huyền - một tác giả có nhiều bài viết về vấn đề xã hội nóng bỏng được độc giả lưu tâm là một ví dụ điển hình của tình trạng này. Tập phóng sự có nhan đề Sòng bạc cuộc đời đã đăng nguyên văn từng câu từng chữ bài Hậu quả từ những thanh thiếu niên “dạt vòm”

với nội dung phản ánh đầy đủ cuộc sống phạm tội của những thanh thiếu niên “dạt vòm” thông qua từng trường hợp cụ thể. Phóng viên này khi phát hiện bài báo của mình có mặt trong tập phóng sự đã gửi thắc mắc về tác quyền, Công ty Hà Thế trả lời: Khai thác trên mạng, mà mạng là của chung, không ai cấm khai thác những gì trên đó. Cuối cùng, Công ty Hà Thế trả nhuận bút 160.000 đồng và như vậy, tác giả nào liên hệ với Công ty Hà Thế thì Công ty trả tiền. Không chỉ riêng nhà báo Đặng Huyền, mà nhiều tác giả khác như: Công Minh, Tùng Duy, Phùng Nguyên, Tú Anh...ở báo Tiền Phong, Công an nhân dân...cũng bị Công ty lấy bài như vậy. Các nhà báo này đều phẫn nộ bởi để có được một bài báo là công sức nhọc nhằn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của họ trong việc tìm kiếm thông tin, xây dựng ý tưởng, cụ thể hoá ý tưởng ấy. Vậy mà khi đăng bài, phía dưới mỗi bài lại khi thì đề tên tác giả, khi thì không, hoặc chỉ ghi một cách đơn giản “Theo CAND”, “Theo TP”, “VN.Net”...Như vậy một thực trạng phổ biến đó là quyền tác giả chưa được coi trọng. Công ty Hà Thế với nhận thức: Báo mạng là của chung, khai thác trên mạng không ai cấm và không phải tính đến tác quyền nên họ đã khai thác triệt để thông tin, bài viết trên mạng. Điều này đã gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ cộng tác viên.

Một khía cạnh khác cũng gây bức xúc đối với đội ngũ cộng tác viên tác giả, đó là việc Công ty Hà Thế gọt sửa bài theo ý muốn, in hình minh hoạ và giật tít rẻ tiền nhằm đáp ứng nhu cầu giật gân, gây “sốc” của một bộ phận độc giả, không cần biết ý kiến của tác giả như thế nào. Nhà báo Công Hùng, người chuyên viết mảng phóng sự của báo Tiền phong đưa ra tập phóng sự có tên rất câu khách Lọ lem trôi dạt, Đường dây bán trinh Gái non, bất bình nói: “Nhìn cuốn sách được gọi là tập phóng sự này làm sao chúng tôi dám nhận với ai đó là trong ấy cũng có bài của phóng viên báo Tiền phong”. Đây là một vấn đề đòi hỏi những người làm sách phải có thái độ tôn trọng tác giả và tác quyền.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu hoạt động biên tập - xuất bản sách chuyên đề phóng sự xã hội của Nhà xuất bản Lao động - Xã hội (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(78 trang)
w