Để đảm bảo thành công của quá trình cổ phần hóa đặc biệt là giúp cho hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa thì việc kêu gọi và thu hút các cổ đông chiến lược đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc tham gia của các cổ đông chiến lược sẽ giúp cho doanh nghiệp:
+ Tăng sự tin tưởng và khả năng hoạt động kinh doanh có hiệu quả lâu dài của tổng công ty sau khi cổ phần hóa.
+ Giảm thiểu rủi ro thị trường do tâm lý của công chúng trên thị trường chứng khoán chưa ổn định trong điều kiện tổng công ty vừa chuyển đổi hình thức và có thời gian để làm quen với cơ chế sở hữu và hoạt động mới.
+ Nâng cao tính minh bạch và độc lập của tổng công ty.
+ Chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tổng công ty, đảm bảo vốn kinh doanh được phân bổ một cách có hiệu quả và đạt được tăng trưởng có lãi.
+ áp dụng công nghệ quản lý tốt nhất vào hoạt động của tổng công ty, cải tiến công tác quản lý và cơ sở hạ tầng của công ty nhất là hệ thống thông tin quản lý.
+ Tiếp cận các sản phẩm và công nghệ chuyên ngành mới, các tập đoàn hoặc liên minh xây dựng và các thị trường quốc tế.
Ngoài ra, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ kéo theo việc thu hút các cổ đông khác tham gia mua cổ phần của tổng công ty tùy theo mức độ ảnh hưởng của cổ đông chiến lược đó lên doanh nghiệp. Điều này sẽ kéo theo sự tăng giá của cổ phần. Nói chung, các nhà đầu tư chiến lược càng có nhiều ảnh hưởng thì giá cổ phần bán trên thị trường càng có mệnh giá cao.
Theo quy định tại Điều 26, Điều 27 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 về chuyển công ty nhà nước sang công ty cổ phần: nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước như: người sản xuất và thường xuyên cung cấp nguyên vật liệu cho doanh nghiệp; người cam kết tiêu thụ lâu dài sản phẩm của doanh nghiệp; người gắn bó lợi ích chiến lược lâu dài trong kinh doanh, có tiềm năng về tài chính và năng lực quản lý. Khi xây dựng phương án cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa lựa chọn nhà đầu tư chiến
lược, trình cơ quan quyết định cổ phần hóa phê duyệt. Nhà đầu tư chiến lược được mua tối đa 20% số cổ phần bán ra theo giá ưu đãi. Mức cổ phần bán cho từng nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo phương án cổ phần hóa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt [23, tr. 9].
Tuy nhiên, quy định nêu trên của Nghị định 187/200NĐ-CP là chưa hợp lý và không phù hợp với xu thế phát triển của doanh nghiệp. Thứ nhất, quy định trên vô hình chung đã loại bỏ các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng không được trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp. Chính họ mới là những nhà đầu tư thực sự, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý, có khả năng tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp... Còn đối với các nhà đầu tư trong nước, họ thực sự không có tiềm lực tài chính, thiếu kinh nghiệm quản lý và tiếp thu những kinh nghiệm quản lý tiên tiến trên thế giới, phạm vi hoạt động hẹp chỉ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Thứ hai, việc quy định khi xây dựng phương án cổ phần hóa, doanh nghiệp phải lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, trình cơ quan quyết định cổ phần hóa phê duyệt là không hợp lý, làm giảm quyền chủ động của doanh nghiệp. Trên thực tế việc xác định chính xác các cổ đông chiến lược chỉ được thực hiện sau khi doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, phương án sản xuất kinh doanh, đã hoàn thành dự thảo điều lệ doanh nghiệp, xác định chính xác tỷ lệ vốn nhà nước trong doanh nghiệp.... Do vậy, trong trường hợp danh sách cổ đông chiến lược cuối cùng có sai khác so với danh sách cổ đông chiến lược ban đầu thì doanh nghiệp sẽ phải xin phê duyệt lại. Điều này sẽ mất nhiều thời gian và thủ tục kéo dài. Trong trường hợp này, nhiều nhà đầu tư thực sự đã không được tham gia mua cổ phần với tư cách cổ đông chiến lược vì có thể họ chưa chắc đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt lại.
Đây cũng là một khó khăn của VINACONEX trong quá trình xác lập các cổ đông chiến lược mua cổ phần của tổng công ty.