Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta về Tôn giáo và công tác Tôn giáo, mỗi cấp, ngành, mỗi địa phương mới có thể đưa ra những giải pháp cụ thể cho công tác Tôn giáo nói chung và từng Tôn giáo cụ thể đáp ứng nhiệm vụ chính trị của các cấp, ngành và địa phương đặt ra. Tất nhiên những giải pháp cụ thể ấy phải nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng Tôn giáo vào mục
đích chính trị, chống phá cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nước ta. Đối với tỉnh Lâm Đồng, để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của Phật giáo, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Lâm Đồng ngày càng phong phú, đa dạng và tiến bộ, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Lâm Đồng phải chú ý khai thác những giá trị văn hóa tinh thần của Phật giáo
Phật giáo với đặc điểm là một Tôn giáo "hòa đồng" gắn bó với dân tộc, do vậy không nên nhìn nhận Phật giáo chỉ đơn thuần dưới khía cạnh Tôn giáo mà còn là một bộ phận của văn hóa, ngoài vai trò Tôn giáo thuần túy, Phật giáo còn có vai trò với tư cách là thực thể văn hóa ở cả hai phương diện văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
Sự tồn tại và phát triển của Phật giáo ở Lâm Đồng đã để lại một hệ thống chùa chiền, đền đài, tu viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường rất phong phú đa dạng với kiểu kiến trúc, điêu khắc, hội họa và cảnh quan rất độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Một số chùa hiện nay không chỉ là nơi diễn ra các lễ hội Phật giáo, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa của đông đảo quần chúng nhân dân địa phương và khách tham quan du lịch trong và ngoài nước, như chùa Linh Sơn, chùa Thiên Vương Cổ Sát, Thiền viện Trúc Lâm. Hằng năm những ngôi chùa này đã thu hút hàng triệu lượt người đến tham quan, lễ chùa. Điều đó cho thấy chùa Lâm Đồng không những là nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh cho quần chúng nhân dân mà còn là nơi thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, làm vui, làm đẹp cho du khách đến tham quan.
Hơn nữa, các tư tưởng đạo đức Phật giáo: từ bi, hỷ xả, vị tha, nhân ái, hướng thiện đã thâm nhập trở thành tình cảm, hành vi, lối sống của nhân dân không kể là tín đồ đạo Phật hay không theo đạo Phật, điều đó chắc chắn sẽ trở thành trường tồn trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Lâm Đồng. Những giá trị nhân bản đó hiện nay vẫn còn cần thiết, nhằm giáo dục con người sống tốt, sống thiện. Đặc biệt là trong tình hình hiện nay, trước tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống trong một số bộ phận cán bộ, đảng viên, cũng như quần chúng nhân dân, nhất là trong thanh thiếu niên, thì những giá trị nhân văn đó càng có ý nghĩa lớn lao.
Với ý nghĩa đó, cho nên không thể nhìn nhận Phật giáo đơn thuần chỉ ở khía cạnh tôn giáo, mà cần phải nhìn nhận nó với tính cách là một bộ phận của văn hóa nên đối xử với nó cũng phải hết sức có văn hóa, không nên bài bác những mặt trái của nó một cách thiếu văn hóa.
Thế nhưng trong thời gian vừa qua, việc khai thác các giá trị văn hóa tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng chưa được quan tâm, chú ý. Mặc dù trong phương hướng phát triển kinh tế, xã hội năm 2000 - 2005 có đề cập đến vấn đề phát triển du lịch, dịch vụ, trong đó tập trung đầu tư xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của Tỉnh, trên thực tế chỉ mới tập trung khai thác thế mạnh du lịch trên phương diện cảnh quan thiên nhiên, nhà nghỉ và các hoạt động dịch vụ. Còn đối với các sinh hoạt văn hóa Phật giáo chỉ xem đó là hoạt động mang tính chất tôn giáo thuần túy. Vì vậy, mới chỉ chú ý đến công tác quản lý, mà chưa chú ý tập trung đầu tư, khai thác nó phục vụ cho ngành du lịch, làm lợi cho kinh tế của địa phương, để mặc cho những kẻ cơ hội, lợi dụng cửa chùa buôn thần bán thánh, kinh doanh bất hợp pháp để làm giàu cho bản thân. Điều đó hạn chế rất nhiều đến sự phát triển kinh tế địa phương.
Vì thế, nhằm khai thác tốt tiềm năng sẵn có, để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế động lực, phục vụ cho nhiệm vụ kinh tế, xã hội của tỉnh. Khi hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh không thể không tính toán đến việc khai thác những giá trị văn hóa, tinh thần của Phật giáo phục vụ cho việc mở mang, phát triển ngành kinh tế du lịch được tỉnh xác định là ngành trọng điểm, thế mạnh góp phần tăng ngân sách cho tỉnh, tạo điều kiện cho nhân dân Lâm Đồng nâng cao nhận thức, mở rộng giao lưu, hội nhập với đất nước và quốc tế.
Hai là, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo ở Lâm Đồng góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc, truyền thống dân tộc
Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, mang đậm đà bản sắc dân tộc phải trên cơ sở phát huy và kế thừa có chọn lọc các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp mà nhân loại đã để lại. Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhận thức rằng người Việt Nam vốn không có tư tưởng bài ngoại, cũng không vọng ngoại hay sùng ngoại, chúng ta không quá dễ dãi chấp nhận tràn lan mọi luồng tư tưởng, văn hóa từ bên ngoài. Tín ngưỡng tôn giáo
nào, từ đâu đến, vị trí của nó trước hết phải được khảo nghiệm của lịch sử dựng nước và giữ nước, sau nữa phải tôn trọng bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc ta.
Chúng ta có một nền văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc nhưng nền văn hóa dân tộc không phải khép kín. Chúng ta sẵn sàng tiếp thu những gì là tốt đẹp, là tích cực trong mọi di sản tinh thần của xã hội (kể cả di sản tôn giáo) để kế thừa, đồng thời loại trừ những mặt tiêu cực và không phù hợp. Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, không thể có một nền văn hóa phi lịch sử, cắt đứt lịch sử, từ trên trời rơi xuống, do đó phải tiếp thu có chọn lọc những thành tựu văn hóa, văn minh của nhân loại. Phật giáo là tôn giáo lớn, chung cho nhiều nước, song di sản văn hóa Phật giáo lại là tài sản riêng của văn hóa dân tộc. Bảo tồn và nuôi dưỡng di sản Phật giáo là bằng chứng của một nền văn hóa cao.
Trên toàn bộ ý nghĩa đó kế thừa những giá trị tích cực của Phật giáo và hạn chế những mặt tiêu cực của Phật giáo là việc làm cần thiết để bảo tồn và phát triển nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
Sự du nhập và phát triển của Phật giáo Lâm Đồng đã để lại những giá trị văn hóa(vật chất và tinh thần) đó là những cơ sở vật chất, chùa chiền với những kiến trúc nghệ thuật, hội họa, kết hợp hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên mang đậm nét dân tộc, những áng văn, thơ làm xao động lòng người, như chùa Linh Sơn, Linh Phong, Thiên Vương Cổ Sát và đặc biệt là Thiền viện Trúc Lâm. Triết lý Phật giáo trở thành một tình cảm tốt đẹp trong hành vi, lối sống của người Lâm Đồng, lễ hội Phật giáo (như lễ Vu Lan, lễ phóng sinh, tục ăn chay...) mang ý nghĩa nhân văn tiến bộ, phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội hôm nay, đó là những yếu tố cần được bảo tồn và phát huy.
Nhưng, Phật giáo cũng là Tôn giáo thủ tiêu đấu tranh, dễ tiếp thu những yếu tố huyền bí, mê tín. Sự phát triển của Phật giáo bao hàm cả yếu tố tiêu cực thì không thể là mục tiêu của xã hội mới, xã hội chủ nghĩa. Vì Phật giáo tự nó không thể cải tạo xã hội theo hướng cách mạng tiến bộ được. Thực tế hiện nay ở một số nơi trong tỉnh, tình trạng lợi dụng cửa chùa để kinh doanh, hành nghề mê tín, dị đoan vẫn đang xảy ra. Hiện tượng rút thăm, xin quẻ, lấy số tử vi, bán nhang đèn, giấy tiền vàng mã trước cổng chùa, cảnh
huyên náo, tấp nập, níu kéo mời chào, gây phiền hà cho khách, làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, an ninh trật tự xã hội.
Do đó, hướng đưa các cơ sở thờ tự của Phật giáo thành nơi sinh hoạt văn hóa lành mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của phật tử, cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân Lâm Đồng và của khách tham quan du lịch là việc nên làm. Tuy nhiên cần có sự quản lý của Nhà nước trong việc tu sửa hay dựng mới kiến trúc chùa chiền, đền miếu, nhất thiết phải theo kiến trúc tôn giáo được Nhà nước và tổ chức tôn giáo đó thống nhất, không được tùy tiện theo ý của những người bỏ tiền công đức mà phải mang tính văn hóa, cho dù kiến trúc đó không đồ sộ, khiêm tốn nếu giữ đúng được kiến trúc cổ truyền cũng góp phần làm tôn cả một tổng thể kiến trúc một địa phương. Mọi hoạt động nấp dưới danh nghĩa văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo chống lại hoặc làm băng hoại những giá trị văn hóa dân tộc nói chung và những giá trị văn hóa tôn giáo tín ngưỡng nói riêng đều phải ngăn chặn, bài trừ và xử lý nghiêm theo pháp luật. Mặt khác cần có kế hoạch để chọn lọc, duy trì những lễ hội, tập tục Phật giáo mang ý nghĩa nhân văn tiến bộ, nhằm xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng. Thông qua đó mà nâng cao nhận thức cho quần chúng về thẩm mỹ đạo đức của nền văn hóa mới để quần chúng có thể lựa chọn, tiếp thu những thuần phong, mỹ tục phù hợp với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân hiện nay. Có như vậy mới quản lý, hạn chế các hoạt động mê tín, các hoạt động lợi dụng Phật giáo thực hiện "diễn biến hòa bình" trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa chống lại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Phải thấy rằng đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa mà đặc biệt là trên lĩnh vực văn hóa tôn giáo đó là vấn đề hết sức tế nhị. ở đây mối quan hệ giữa xây và chống cần được nhìn nhận không chỉ là biểu hiện trước mắt mà phải nhìn toàn diện lâu dài. Tất cả vấn đề trên đòi hỏi sự nghiên cứu công phu, sự gạn đục, khơi trong một cách khoa học để chọn lọc, tiếp thu, phát huy những yếu tố tương đồng, tích cực của Phật giáo phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Ba là, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với tín đồ Phật giáo Lâm Đồng
Có thể thấy cuộc đấu tranh với những điều kiện tồn tại xã hội làm nảy sinh tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng bao hàm nhiều vấn đề trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng tập trung nhất có tính thiết yếu là giải pháp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho quần chúng tín đồ.
Về lý luận phải thấy rằng Tôn giáo chưa thể mất đi chừng nào con người còn nghèo khổ, xã hội còn bất công, bị đè nén và áp bức thì Tôn giáo vẫn là nhu cầu tình cảm của quần chúng, dù là "tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức" hay "hạnh phúc hư ảo" của nhân dân thì vẫn là cần thiết khi hạnh phúc thực sự chưa có được. Trong Tôn giáo con người tìm thấy sự an ủi, xoa dịu bớt nỗi buồn trần thế. Nếu xã hội không còn nghèo đói và bất công, cùng bao sự may rủi, cay đắng gây khổ đau cho con người thì "niết bàn", "thiên đàng" cũng chẳng hấp dẫn bao nhiêu. Xóa đói nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, dân trí cho tín đồ Phật giáo chính là xóa dần đi nguồn gốc nảy sinh "Hạnh phúc hư ảo" và hướng về hạnh phúc thật sự ở thế giới hiện hữu. Thực vậy muốn xóa bỏ hạnh phúc hư ảo thì phải xây dựng một xã hội hiện thực tốt đẹp mang lại hạnh phúc thật sự cho đồng bào có đạo, "Thiên đường hư ảo" chỉ có thể đánh đổi bằng "Thiên đường hiện thực" và "Thiên đường hiện thực" không thể xây bằng lòng tin tôn giáo hoặc những vòng hào quang thần thánh, hay những bông hoa giả... mà bằng chính cơ sở vật chất cụ thể, thật sự trong hiện thực do chính bàn tay con người làm ra ở thế giới trần tục này chứ không đâu khác hơn. Vì vậy công việc đầu tiên là cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa xã hội cho quần chúng nhân dân nói chung, tín đồ Phật giáo nói riêng.
ở Lâm Đồng, những năm gần đây, thành tựu của công cuộc đổi mới là đem lại cho nhân dân nói chung và tín đồ nói riêng sự cải thiện một bước đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí, đã tạo cho đồng bào phật tử tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta mà gắn bó với dân tộc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, Phần đông tín đồ Phật giáo Lâm Đồng là nông dân sống bằng nghề làm vườn, lao động thủ công, buôn bán nhỏ nên có mức sống thấp so với đời sống chung của xã hội, tình trạng đói nghèo trong nhân dân còn chiếm tỷ lệ cao 8,8% (13% ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc 27%), bình quân đầu người năm 2000 là 216,2 USD tính theo giá thực tế, trong khi đó cả nước là 400 USD. Nhìn chung GDP bình quân đầu người của Lâm Đồng quá thấp so với cả nước, điều này ảnh hưởng không ít đến niềm tin của tín đồ Phật giáo
[40, tr. 17]. Thêm vào nữa là thiên tai, bão lụt thường xuyên xảy ra, tệ nạn xã hội luôn đe dọa, đó chính là cơ sở xã hội cho Tôn giáo tồn tại và phát triển. Thực tế cho thấy ở đâu, nơi nào tình hình kinh tế sa sút, xã hội mất ổn định, công bằng xã hội và quyền tự do của con người bị vi phạm thì ở đó niềm tin tôn giáo lại tăng lên. Trong khi đó Nhà nước chưa có một chương trình, dự án chuyên biệt nào nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao dân trí, hạn chế tai họa trong đồng bào Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Có lẽ chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với tín đồ tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng "mới chỉ dừng lại ở nghị quyết và khẩu hiệu" chứ chưa trở thành những hành động cụ thể. Nếu so với lĩnh vực dân tộc miền núi thì nhiều chương trình, dự án đã và đang được thực thi đem lại hiệu quả rất tích cực thì lĩnh vực Tôn giáo cần phải theo đó để có những chương trình, dự án phù hợp với đặc điểm, tính chất của công tác Tôn giáo đang đặt ra trong nhiệm vụ cách mạng hiện tại. Đó là công cụ hữu hiệu nhất để động viên đồng bào có đạo nói chung, tín đồ Phật giáo nói riêng tin tưởng, theo Đảng thực hiện đường hướng "đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội" mà Giáo hội Phật giáo đã đề ra.
Để không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho quần chúng nhân dân Lâm Đồng nói chung, đồng bào có đạo nói riêng, trước hết phải có kế hoạch đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn toàn diện, trước hết chú ý xây dựng cơ sở hạ tầng điện,