Lâm Đồng hiện nay
Nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân Lâm Đồng, chúng ta không thể không tìm hiểu toàn bộ nội dung cơ bản của giáo lý Phật giáo, cũng như những sinh hoạt Phật giáo đã, ảnh hưởng đến người dân Lâm Đồng. Đồng thời từ ảnh hưởng đó cần phải thấy rõ về ý nghĩa tích cực cũng như tiêu cực của nó ra sao đối với người dân Lâm Đồng.
Giống như các tôn giáo khác, Phật giáo cũng bao gồm giáo lý và sinh hoạt tín ngưỡng. Giáo lý là một hệ thống các quan điểm về thế giới và con người, về cách thức tu luyện, sinh hoạt tín ngưỡng là những hành vi, những nghi lễ cần phải thực hiện để đạt tới ước nguyện. Tất cả đều có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của các tín đồ.
Giáo lý Phật giáo là một hệ thống đồ sộ, tập trung trong tam tạng kinh điển (Kinh tạng, Luận tạng, Luật tạng) với nhiều nội dung đa dạng, sâu sắc về thế giới, về xã hội, về con người, về những giới luật cần phải theo, và những giải nghĩa, những luận bàn cần phải biết.
Thế giới quan Phật giáo là một hệ thống gồm các lý thuyết về nhân duyên, nhân quả, về vô thường, vô ngã, về nghiệp báo luân hồi v.v... Mỗi thuyết đó đều chứa đựng một nội dung biện chứng về thế giới, đó là:
Thuyết Nhân duyên cho rằng, nhân duyên hòa hợp tạo nên tất cả, nhân duyên không hòa hợp thì sự vật tan rã. Trong đó nhân là cái sinh ra quả, duyên là điều kiện để nhân trở thành quả, quả lại nhờ duyên để sinh ra nhân khác.
Thuyết Nhân quả lại cho rằng, mọi hoạt động của con người (thân, khẩu, ý) đều để lại một kết quả nhất định, nhân nào quả nấy, gieo nhân lành gặp quả thiện hay gieo gió thì gặt bão.
Tùy thuộc vào việc con người tạo ra nguyên nhân thế nào mà họ được nhận quả tương xứng. Nhà Phật gọi đó là nghiệp báo. Nghiệp báo được xem là kết quả của hoạt động con người (thân, khẩu, ý) mà tất yếu họ phải gánh chịu (có thể trong hiện tại hoặc tương lai). Khi con người còn tạo ra nghiệp dữ, nghiệp ác, họ phải lệ thuộc trong vòng "Sinh tử luân hồi". Vì vậy, muốn thoát khỏi vòng sinh tử phải tích tập đủ nghiệp thiện, lúc đó một cảnh giới an lạc sẽ hiện ra, đó là niết bàn.
Như vậy, thuyết Nhân duyên, Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi của nhà Phật cho thấy sợi dây liên hệ tất yếu giữa nhân và quả, giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai. Mối liên hệ này không chỉ là sự tưởng tượng mà còn là sự thực được quan sát, khái quát nâng lên từ thế giới xung quanh con người.
Thuyết Vô thường của nhà Phật lại cho rằng, không có cái gì là thường hằng, là còn mãi, trái lại mọi sự vật và hiện tượng đều vận động, biến đổi không ngừng, cái nào cũng đang trong tình trạng chuyển sang cái khác với mình. Với con người là sinh - lão - bệnh - tử, với thế giới sinh vật là sinh - trụ - dị - diệt, với vũ trụ là thành - trụ - hoặc - không. Vì vậy, trước mắt con người, tạo vật luôn là dòng biến hoại liên tục. Theo nghĩa đó, sự tồn tại của sự vật là giả, tạm, hư, huyễn, không chân thực.
Vì muôn vật tuân theo luật "vô thường" nên không có "tự ngã", ngược lại chỉ có "vô ngã", tức là không có cái ta, cái thực thể nào hết, bởi vì cái đó là do những cái khác tạo thành và tự nó cũng đã chuyển thành cái khác với nó. Ngay con người về thực chất nhờ nhân duyên mà có, đó là sự kết hợp của ngũ uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức). Một khi 5 yếu tố kia biến hoại thì con người cũng không còn.
Nhân sinh quan Phật giáo là một hệ thống gồm các quan điểm về con người, đời người. Đó là một trong những nội dung rất cơ bản của giáo lý Phật giáo khi lý giải về con
người, là học thuyết về "khổ" và con đường "cứu khổ", thể hiện trong 4 nguyên lý thần diệu cơ bản gọi là "Tứ diệu đế": Khổ đế, Tập đế, Diệu đế, Đạo đế [6, tr. 19].
Khổ đế: Là chân lý nói về sự khổ của đời người. Phật giáo cho rằng đời người là
bể khổ. Con người từ lúc sinh ra cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay không có gì ngoài đau khổ: sinh, lão, bệnh, tử đều là khổ, mong ước mà không đạt (cầu bất đắc) là khổ, phải sống với người mà mình không thích (oán tăng hội) là khổ, phải xa lìa người mà mình yêu thương (ái biệt ly) là khổ... khổ đau là vô tận và tuyệt đối. Cuộc đời ngoài khổ đau không còn tồn tại nào khác, ngay cả cái chết cũng không phải chấm dứt sự khổ, mà là tiếp tục sự khổ mới, Phật ví sự khổ của con người bằng hình ảnh: "Nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước biển" [23, tr. 12].
Nhưng khái niệm về khổ của Phật giáo không phải là một xúc cảm bi quan hay oán đời mà là một thực tế thuộc "đối tượng nhận thức", một thực tại khách quan cần có sự hiểu biết đúng đắn để tìm ra nguồn gốc và tìm ra "Con đường diệt khổ".
Giáo lý Phật giáo cho rằng "khổ ẩn tàng trong mỗi quan hệ giữa con người với thế giới xung quanh, trong mối quan hệ giữa con người với quy luật của tự nhiên, xã hội, "khổ" là vì sự ham muốn của chúng ta đi ngược lại những quy luật của thực tại hiện hữu và ý chí của chúng ta bị cản trở, và Tứ diệu đế thực chất không phải là chân lý về "khổ đau" mà thực chất là nguyên lý con đường diệt khổ, con đường bát chính đạo.
Tập đế: Là nguyên nhân của đau khổ. Phật giáo giải thích nguyên nhân sâu xa
của sự đau khổ, phiền não là do "thập nhị nhân duyên", tức là 12 nhân duyên tạo ra chu trình khép kín trong mỗi con người gồm: Vô minh - hành - thức - danh sắc - lục nhập - xúc - thụ - ái - thủ- hữu - sinh - lão tử [6, tr. 19].
Thập nhị nhân duyên nối tiếp nhau liên tục, nó có quan hệ mật thiết với nhau, cái này làm nhân, làm duyên cho cái kia, cái này là quả của cái trước, đồng thời là nhân cho cái sau. Trong 12 nhân duyên đó Phật giáo cho rằng vô minh và ái dục là hai nguyên nhân chủ yếu gây ra đau khổ cho con người. Do vô minh con người không nhận thức được thực tướng, bản chất của thế giới và của chính con người, cho nên sinh ra vọng tâm, chấp ngã, cho rằng có cái ta trường tồn và trên hết, từ đó sinh ra vị kỷ tham lam, dục vọng và có những hành động tương ứng, những hành động đó tạo ra nghiệp. Do tạo nghiệp,
đặc biệt là nghiệp ác, mà con người phải chịu đau khổ không dứt ra khỏi vòng luân hồi sinh tử. Như vậy do mê hoặc, tối tăm mà sinh ra nghiệp, vì tạo nghiệp nên phải chịu quả khổ. Quá trình hoặc - nghiệp - quả (khổ) diễn đi, diễn lại mãi, không chỉ trong một đời người, mà trong nhiều đời, nhiều kiếp. Nói cách khác là khi nào còn tham dục thì còn hành, còn nghiệp, và do đó còn luân hồi sinh tử.
Diệt đế: Cho rằng, tất cả mọi nỗi khổ đau, bất hạnh của con người có thể chấm
dứt được bằng cách tiêu diệt hết nguyên nhân đau khổ nói trên khi nào diệt trừ vô minh loại bỏ duyên ái thì hoạt động của ngũ uẩn mới dừng lại, khi ấy mới hết luân hồi sinh tử, lúc đó sẽ sống một cuộc sống an vui, hạnh phúc.
Đạo đế: Chỉ ra con đường để diệt khổ, giải thoát khỏi kiếp sinh tử luân hồi để đến cõi niết bàn. Muốn diệt khổ không còn đường nào khác là phải tu dưỡng để được giải thoát bằng cách lấy trí tuệ diệt trừ vô minh. Phật giáo đặt ra nhiều phép tu tập thực tiễn, trong đó quan trọng hơn cả là tu theo "Bát chính đạo" tức là theo con đường tu hành chân chính đó là: Chính ngữ - Chính nghiệp - Chính tịnh tiến - Chính mệnh - Chính niệm - Chính định - Chính tri kiến - Chính tư duy và "Tam học" gồm: Giới - Định - Tuệ là tiến trình tu hành để đạt đến giác ngộ và cuối cùng là "Lục độ": Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tịnh tiến, Thiền định, Trí tuệ [6, tr. 21].
Như vậy, "Tứ diệu đế" là bốn chân lý thiêng liêng cho thấy đời người là khổ và khổ đó là do các quá trình diễn ra trong bản thân con người sinh, lão, bệnh, tử, do ham sướng (dục vọng), do không sáng suốt (vô minh) đến nỗi rơi vào vòng luân hồi. Người theo đạo Phật muốn khỏi khổ, hết khổ, thì phải diệt dục, từ bỏ ham muốn, từ bỏ mọi sự quyến rũ của cuộc sống để sống yên tĩnh, đi vào cõi hư vô tịch diệt (niết bàn).
Phật giáo còn đưa ra "ngũ giới"," thập thiện" đó là những điều răn cấm, những quy định giúp con người trên đường tu hành tránh lỗi lầm, trở nên trong sạch.
Phật giáo chỉ rõ, tất cả mọi chúng sinh, không phân biệt sang, hèn, giàu, nghèo, đều có thể giải thoát, trở thành Phật, vì Phật và chúng sinh đều có "Phật tính". Bản thân phật cũng thừa nhận mình không phải là thần thánh, mà chỉ là người đã giác ngộ, giải thoát. Phật tuyên bố "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành" [6, tr. 23].
Phật giáo cho rằng sự giác ngộ, giải thoát là công việc của chúng sinh. Cho nên, mỗi chúng sinh phải không ngừng tu dưỡng thân tâm, đoạn trừ vô minh, tham dục, thiền định, giữ giới để cho trí tuệ được bừng sáng và nó sẽ dẫn dắt chúng sinh đến cõi niết bàn cực lạc. Mặc dù khẳng định mọi chúng sinh đều có thể giải thoát khỏi bể khổ, nhưng Phật cũng chỉ rõ giải thoát là công việc do chính mỗi chúng sinh tự thực hiện. Quá trình đạt đến sự giác ngộ, giải thoát nhanh hay chậm của mỗi chúng sinh là do sự rèn luyện, tu tập của mỗi người quyết định, nếu ai rèn luyện tu dưỡng tốt thì nhanh chóng giác ngộ, giải thoát. Phật dạy "Hãy tự mình là ngọn đèn soi sáng cho mình, hãy tự tạo cho mình một chỗ nương tựa và đừng nương tựa vào ai khác ngoài bản thân mình" [6, tr. 24].
Với một hệ thống các quan điểm về con người, đời người thể hiện trong bốn nguyên lý cơ bản, gọi là "Tứ diệu đế". Toàn bộ nhân sinh quan Phật giáo có thể nói gọn lại là một học thuyết về " khổ và con đường cứu khổ". Học thuyết này được xem là chân lý cao cả và thiêng liêng nhất không chỉ dành riêng cho những người xuất gia, tu hành, mà ở từng mức độ khác nhau nó đều có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa tinh thần của mỗi con người Việt Nam nói chung, người dân Lâm Đồng nói riêng.
Toàn bộ tinh thần giáo lý của đạo Phật có thể cô đọng trong 4 câu kệ: " Không làm các điều ác
Vâng làm các hạnh lành Giữ tâm ý trong sạch
là lời chư Phật dạy" [57, tr. 49].
Gần một thế kỷ tồn tại và phát triển, có thể nói Phật giáo Lâm Đồng đã ngày càng phát triển và có ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nhưng rõ nét nhất là trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Lâm Đồng. Vậy văn hóa tinh thần là gì.
Văn hóa là một khái niệm có nội dung rất phong phú và phức tạp, đã có nhiều cách tiếp cận nội hàm khái niệm văn hóa, và vì thế, có nhiều định nghĩa khác nhau, tùy theo góc độ của từng lĩnh vực nghiên cứu. Tuy nhiên dù được hiểu theo nghĩa nào, được nhìn nhận từ góc độ nào, thì văn hóa cũng đều gắn với con người và trình độ phát triển của con người, trong quá trình tiến hóa của lịch sử, tất cả điều đó có thể tựu
chung lại ở những nội dung cốt lõi đó là: tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống con người và phương thức, cách thức mà con người tồn tại.
Khi nói về ý nghĩa của văn hóa, từ năm 1942, Hồ Chí Minh viết:
Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, giáo dục, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương tiện sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa [25, tr. 431].
Vậy văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.
Hay trong bài phát biểu khai mạc, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói: "Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình dựng nước và giữ nước" [55, tr. 6].
Từ những nội dung cốt lõi và khái niệm đặc trưng nêu trên, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, theo chúng tôi văn hóa có thể hiểu là toàn bộ giá trị vật chất và giá trị tinh thần, do loài người sáng tạo ra được thể hiện trong các phương thức tổ chức đời sống và hoạt động của con người nhằm thỏa mãn những nhu cầu của cuộc sống.
Từ góc độ tiếp cận khái niệm trên, có thể hiểu văn hóa tinh thần là tổng thể các giá trị tinh thần, do hoạt động trí óc của con người sáng tạo ra, nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.
Với tính cách là một hệ thống, đời sống văn hóa tinh thần được cấu thành bởi các yếu tố chính trị, nghệ thuật, đạo đức, triết học, khoa học, tôn giáo v.v...
Văn hóa tinh thần còn bao gồm cả ngôn ngữ, lối sống, phong tục, tập quán, những thể chế và thiết chế văn hóa để đảm bảo cho quá trình sản xuất, bảo quản, phổ biến, trao đổi và tiêu dùng các giá trị tinh thần. Các yếu tố văn hóa tinh thần rộng hơn các hình thái ý thức xã hội. Song, với tư cách là hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã
hội nó góp phần tạo nên bộ mặt tinh thần của xã hội và tác động tích cực trở lại đối với tồn tại xã hội. Vì vậy, các hình thái ý thức xã hội giữ vai trò trung tâm của văn hóa tinh thần.
Tuy nhiên do phạm vi nghiên cứu của luận văn, nên việc nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Lâm Đồng chỉ tập trung ở một số lĩnh vực: Đạo đức, lối sống, niềm tin, văn hóa, nghệ thuật.