Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội. Sự phản ánh hiện thực của tôn giáo cũng được thể hiện qua những hình tượng nghệ thuật. Với ý nghĩa
đó, ta thấy giữa nghệ thuật và tôn giáo có những quan hệ nhất định, Phật giáo và nghệ thuật truyền thống Việt Nam không nằm ngoài những quan điểm chung đó, giữa chúng có sự ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình phát triển của lịch sử Văn hóa tinh thần Việt Nam. Bản thân các tác phẩm thuần túy tôn giáo, nếu không tạm xét đến yếu tố tư tưởng tôn giáo, thì rõ ràng là chúng chứa đựng những giá trị văn hóa nghệ thuật cao. Từ đó có thể nói, Phật giáo gắn liền với những giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật.
Xét ở phương diện nhất định, sinh hoạt Phật giáo là sinh hoạt văn hóa biểu hiện trong nghi thức, trong lễ hội, trong nghệ thuật, văn hóa, trong cả ứng xử giao tiếp. Có thể nói, toàn bộ nội dung sinh hoạt Phật giáo gắn liền với các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống của người dân Việt Nam nói chung và người dân Lâm Đồng nói riêng.
Một trong những yếu tố quan trọng cho sự gắn kết giữa Phật giáo và người dân Lâm Đồng phải kể đến vị trí của những ngôi chùa. Đặc điểm nổi bật của ngôi chùa Việt nói chung, ngôi chùa Lâm Đồng nói riêng là có xu hướng gần dân. ở đâu có làng, có xóm thì ở đó có chùa.
Một điều nữa có thể thấy, chùa Lâm Đồng được xây dựng dàn trải theo mặt bằng với nhiều đơn nguyên kiến trúc. Phải chăng đó là ảnh hưởng của ý thức mở rộng đất đai trong nền kinh tế nông nghiệp xưa, gắn liền với điều kiện tự nhiên, và địa hình phong phú ở Lâm Đồng.
Điều đó càng chứng tỏ rằng, mặc dù các hạng mục kiến trúc ở Lâm Đồng không có khác biệt lớn về phong cách so với kiến trúc cùng loại ở các vùng dân cư khác, nhưng vẫn có thể nhận ra những nét "rất riêng của Đà Lạt" ở các công trình kiến trúc này. Trước hết, các kiến trúc này đều chiếm lĩnh những khoảng không gian rộng rãi, cảnh quan khoáng đãng và thường tọa lạc trên những ngọn đồi cao, chứ không chen chúc nhau trong những khoảng không gian chật hẹp như ở các vùng đô thị.
Chùa Lâm Đồng vô cùng phong phú đa dạng, mỗi chùa một dáng vẻ, một kiểu kiến trúc khác nhau, không chùa nào giống chùa nào, nhưng chúng lại có tiếng nói chung và gây ấn tượng thiêng liêng về Phật cứu độ chúng sinh, về luân hồi, chuyển kiếp, về ở hiền gặp lành và chùa ở Lâm Đồng cũng là nơi có điểm chung là làm vui, làm đẹp cho con người mang triết lý nhân sinh, ý nghĩa giáo dục con người rất tốt, ấn tượng thiêng
liêng về Phật đã được các nghệ nhân thể hiện trong kỹ thuật, nghệ thuật, điêu khắc, chạm trổ. Những ngôi chùa đạt đến sự tuyệt hảo ở Lâm Đồng theo cách đó, như chùa Linh Sơn, Linh Phong, Thiên Vương Cổ Sát v.v...
Chùa không những là nơi thể hiện nhu cầu tâm linh của người dân Lâm Đồng, mà đó còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng, của xóm. Bởi lẽ, đa số tín đồ Phật giáo ở Lâm Đồng là nông dân, nên chùa đã phản ánh đậm nét tư duy nông nghiệp, tư duy của cộng đồng làng, xã. Vì thế, những ngôi chùa đã trở nên quen thuộc và trở thành một phần không thể thiếu đối với nhiều người dân Lâm Đồng, chùa của làng, của dân. Do đó, dân gian xưa đã có câu: "Đất Vua, chùa làng, phong cảnh Bụt".
Mặt khác, chùa chiền không những là nơi thể hiện sự ngưỡng mộ và niềm tin tôn giáo, mà còn là nơi thỏa mãn nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ. Chùa ở Lâm Đồng thường được xây dựng ở những nơi có phong cảnh, địa thế đẹp, hài hòa với thiên nhiên.
Cũng như đa số các chùa ở nước ta, chùa Lâm Đồng không cao to, đồ sộ, không lộng lẫy như một số chùa ở các nước xung quanh, mà vẻ đẹp của ngôi chùa Lâm Đồng trước hết được thiết kế theo phong cách cổ truyền, nó kết hợp hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan môi trường xung quanh. Đó là những rừng thông xanh bạt ngàn, những đồi núi nhấp nhô, thấp thoáng trong sương mờ, là những vườn cây cảnh với nhiều loại hoa quý đẹp nổi tiếng. Ai có một lần ghé thăm Thiền Viện Trúc Lâm, chùa Linh Sơn, chùa Vạn Hạnh ở Đà Lạt - Lâm Đồng hẳn không quên những vườn cây cảnh với nhiều loại hoa đẹp nổi tiếng như hoa Phong Lan, hoa Hồng, Păng sê... Bên cạnh vườn cây cảnh là những bể cạn, những hòn non bộ, tạo cảnh núi, sông thu hẹp, phong cảnh sơn thủy hữu tình, khí hậu trong lành mát mẻ, vì thế, đã để lại nhiều ấn tượng tốt cho du khách khi đến tham quan. Cảnh đẹp chùa chiền đã đem lại cho không ít người dân Lâm Đồng những giây phút an bình, hướng tới chân, thiện, mỹ của cuộc sống.
Ngoài ra, chùa ở Lâm Đồng không chỉ là cơ sở thờ tự, mà nó còn là nơi cụ thể hóa một tư tưởng, tình cảm, từ lâu đã chi phối cách ăn, ở và xử thế của người dân Lâm Đồng. Mọi phong tục tập quán, truyền thống, thói quen của người dân Lâm Đồng đều nảy sinh từ cấu trúc nhà - chùa - làng - nước và chùa là sự biểu hiện của đạo từ bi, hỷ xả. Nó không chỉ gợi cho người ta sự thư thái, hướng thiện mà còn giúp người ta làm phai
mờ những tâm niệm để hướng về những điều thanh cao. Do vậy, đi chùa, lễ Phật vào những ngày lễ, ngày tết hay những ngày sóc, vọng, trở thành một nếp sống bình thường không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của người dân Lâm Đồng. Lên chùa lễ Phật là việc làm thuộc cõi tâm linh. Trước hết, nó giúp người ta gác lại mọi lo toan, nhọc nhằn của đời thường, hoặc những sầu não về tinh thần hay vật chất trong cuộc sống. Và tiếng chuông chùa ngân nga trong những buổi hoàng hôn đã trở thành quen thuộc và đi vào nhịp sống thường nhật của mỗi người dân Lâm Đồng, là sinh hoạt văn hóa mang bản sắc dân tộc.
Có thể nói, những giá trị nhân bản của Phật giáo đã thấm sâu trong người dân Lâm Đồng và được phát huy trong đời sống xã hội hiện nay. Vì thế, đi chùa lễ Phật hướng thiện và vãn cảnh chùa là một hoạt động văn hóa tinh thần không thể thiếu trong nhiều tầng lớp dân cư ở Lâm Đồng. Ngày nay, chùa ở Lâm Đồng còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, hội hè, văn nghệ quần chúng của đông đảo nhân dân. Có nơi chùa còn là trường học, như Ký nhi viện Kiều Đàm ở Đà Lạt.
Cái đẹp mà ta còn tìm thấy trong mỗi ngôi chùa ở Lâm Đồng chính là kiến trúc của nó. Mỗi ngôi chùa ở Lâm Đồng có một vẻ đẹp riêng, một kiểu kiến trúc nghệ thuật riêng. Nhưng nhìn chung chùa Lâm đồng thường được xây dựng theo phong cách á Đông, kiến trúc theo lối chữ tam và chữ khẩu. Cấu trúc chung của chùa có những đường nét đặc biệt, phối hợp hài hòa nghệ thuật kiến trúc cũ và mới, rộng rãi, trang nghiêm, cổ kính nhưng đơn giản.
Bên trong chùa cách bài trí từng pho tượng thờ không thống nhất, tùy theo mỗi chùa mà có cách bài trí khác nhau, nhưng lại thống nhất ở một điểm là các chùa đều thờ Phật Thích ca, Phật Di Lặc, Địa Tạng Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát. Điều đó cho thấy thờ Phật không chỉ vì Phật mà còn vì cuộc sống hiện thực của mỗi người. Ngoài ra ở đó còn có nhiều đồ thờ tự, bia ký, chuông khánh, hương án, hoành phi, câu đối chạm trổ tinh vi với những lời hay ý đẹp về cảnh sắc núi sông, về cảnh Phật, về triết lý sự đời.
Những hình hài, sóng, mây, người, rồng đều thể hiện những ước mong tốt đẹp về cuộc sống hiện thực đầy đủ mọi mặt, được lấy mẫu từ cuộc sống hàng ngày nhưng không sao chép, có từ thực tế mà cô đọng đến thành điển hình, những hình tượng nghệ thuật là
sự tổng hợp của nhiều yếu tố hoàn toàn được sáng tạo theo triết lý Phật giáo của người Việt Nam. Hình tượng hoa sen là biểu tượng nổi bật, biểu thị sự thanh cao, trong sạch "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Trong Phật giáo, hoa sen là hình tượng, tượng trưng cho đức Phật và sự giác ngộ Phật pháp. Hình tượng cây trúc mang ý nghĩa quân tử. Cây thông là tượng trưng cho ý nghĩa sức sống, chịu đựng, bền chí. Đó là những hình tượng khá phổ biến ở các ngôi chùa Lâm Đồng.
Như vậy, toàn bộ kiến trúc của các ngôi chùa ở Lâm Đồng từ ngoài vào trong, mỗi chi tiết đều mang ý nghĩa tôn giáo sâu xa, thiêng liêng, nhưng mặt khác, nó có giá trị văn hóa nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần và tâm linh của cộng đồng cư dân Lâm Đồng, góp phần phong phú nền văn hóa truyền thống dân tộc. Mỗi chùa đều để lại tiếng nói văn hóa, gây ấn tượng tốt đẹp đối với du khách. Chúng ta có thể thấy điều đó qua một số chùa như:
Chùa Linh Sơn là một trong những ngôi chùa cổ kính ở Lâm Đồng, chùa được
xây dựng theo phong cách á Đông. Cấu trúc chung của chùa có những đường nét đặc biệt, phối hợp hài hòa đường nét nghệ thuật mới và cũ. Hai mái xuôi hơi cong ở phía cuối, trên có hai con rồng uốn khúc đối xứng vươn lên giữa trời cao. Phía trước có 4 trụ lớn, một giá dưới diềm mái làm mảng trang trí. Hoa văn hình chữ Vạn cách điệu. Trên cột trong chính điện, trước tiền đường có treo nhiều câu đối, đặc biệt có câu đối khảm xà cừ đượm ngát hương thiện:
"Sơn sắc đạm tùy nhân nhập viện
Tùng thanh tĩnh thích khách đàm thiền". Dịch: Màu núi nhạt theo người vào viện
Tiếng tùng im nghe khách đàm thiền.
Ngoài ra còn có bức tượng Phật Thích Ca được đúc bằng đồng từ năm 1952, cao 1,7m, nặng 1250kg, và một bức Đại Hồng Chung nặng 450kg [52, tr. 210-211].
Chùa Linh Phong với cổng tam quan được xây bằng đá xanh Đà Lạt, lối kiến trúc
tuyệt mỹ và thế đứng hùng tráng. Vào trong chùa quý khách không thể nhìn và thầm thán phục những tay thợ khéo léo của ngày xưa qua nhiều nét mỹ thuật độc đáo của hai câu
liền, ngoại hình được chạm trổ, sắc sảo, sáng đẹp, lại mang một nội dung phong phú, mang tính chất vụt thoát, cao siêu, kỳ diệu của tư tưởng hoa nghiêm, đồng thời mang cả tính cách danh hiệu của chùa.
Linh chiếu hà phân nam nữ tánh Phong cao vô ngại sắc không tâm
Dịch là: "Khi tâm linh đã chiếu rạng thì đâu có phân biệt tánh nam, tánh nữ. Đứng trên đỉnh núi cao nhìn xuống thì không còn ngần ngại, tâm có, tâm không" [52, tr. 211-212]. Nét đặc thù của tư tưởng Đại thừa đã biểu lộ trọn vẹn qua 2 câu đối này.
Như vậy, từ hình thức đến nội dung, từ cảnh đến tình... có thể nói chùa Linh Phong được kiến trúc thật hài hòa, có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao.
Chùa Thiên Vương Cổ Sát còn gọi là chùa Tàu, thuộc dòng Hoa Nghiêm Tông
(Trung Quốc). Chùa Tàu, từ lâu đã khá nổi tiếng với 3 pho tượng Tây phương Tam Thánh bằng gỗ trầm hương, do các nghệ nhân ở Hồng Kông điêu khắc công phu, đường nét chạm trổ tinh vi từ thế kỷ 16. Mỗi pho tượng cao 4m, nặng 1.500kg, do hòa thượng Thọ Dã thỉnh từ Hồng Kông về năm 1958 [52, tr. 212-213].
Thiền Viện Trúc Lâm ra đời đánh dấu một bước ngoặt phát triển của Phật giáo
Việt Nam nói chung, và sự khôi phục lại tinh thần thiền tông Việt Nam nói riêng tại vùng Cao nguyên Đà Lạt - Lâm Đồng. Kiến trúc Thiền viện trúc lâm do kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ thiết kế.
Chùa không có cấu trúc nguy nga lộng lẫy, tinh xảo của cung đình (Với rồng phụng, hay chạm trổ tinh xảo) song nơi đây chứa bao điều huyền nhiệm của thế giới tâm linh. Mọi công trình đều nhằm vào tiện ích công cộng, bảo tồn vẻ đẹp của thiên nhiên và đem lại sự thư thái, nhẹ nhàng cho tâm hồn. Nét đẹp mà Trúc Lâm muốn đạt tới là một Thiền môn thanh tịnh giữa núi rừng trong một khung cảnh thiên nhiên đầy thiền vị, bao quanh chùa là rừng thông xanh tươi soi bóng dưới mặt hồ. Bất cứ nơi nào trong rừng thông du khách muốn ngồi lại hóng mát, đều có bóng thông làm dù, lá thông làm chiếu sạch sẽ, êm mát. Có thể nói Thiền Viện Trúc Lâm đã tạo cảnh quan xinh đẹp mang đậm nét dân tộc.
Hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện trưởng đầu tiên của Thiền Viện, năm nay đã ngoài 70 tuổi, vốn là người "bác cổ thông kim" đã từng đi nhiều nơi để sưu tầm tài liệu, đến từng Phật tích, đọc từng văn bia, kiểm chứng và dịch giải những pho tư liệu quý của Thiền học Phật giáo. Hiện nay, ngoài một số Thiền viện nhỏ như Linh Chiếu, Thường Chiếu, Viên Chiếu (ở Long Thành), Chân Không, Huệ Chiếu, Tịnh Chiếu (ở Bà Rịa Vũng Tàu), Tuệ Quang (ở thành phố Hồ Chí Minh) thì Thiền Viện Trúc Lâm được xem là nơi tu thiền lớn nhất Việt Nam với ý nguyện khôi phục Thiền tông thời Trần, Đây cũng là nơi các nhà nghiên cứu Thiền Tông trong và ngoài nước đã không ít lần đến nghiên cứu, học tập.
Quan điểm triết học của Thiền Viện Trúc Lâm là "phản quan tự kỷ bổn nhân sự, bất tùng tha đắc" có nghĩa là "trở về soi rọi chính mình là phận sự gốc, không thể theo bên ngoài để mà được". Điều đáng lưu ý ở đây không tụng kinh bằng tiếng Phạn hay tiếng Hán mà tụng kinh bằng tiếng Việt để cho mọi người cùng hiểu. Đồng thời, Thiền Viện Trúc Lâm không có chủ trương theo nghi lễ cúng tế, hoặc đi tụng kinh đám ma, xin xăm, bói quẻ, như một số chùa khác mà chỉ tập trung răn dạy tu sĩ và phật tử phải thiền định để tự sửa chữa mình, tránh đi những việc ác nhằm củng cố đạo pháp, làm sao cho "tốt đời đẹp đạo". Với lượng du khách đến viếng ngày càng đông, Thiền Viện đã gián tiếp góp phần vào việc xây dựng kinh tế đối với địa phương [52, tr. 214-217].
Chùa Linh Phước là một công trình hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên và nghệ
thuật kiến trúc độc đáo. Trong nội điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành với nghệ thuật điêu luyện. Bên trên hai hàng cột là những bức phù điêu khảm bằng miểng chén về lịch sử Đức Phật Thích Ca từ Giáng sinh đến nhập niết bàn. Toàn bộ công trình là một nghệ thuật chạm trổ và cẩn mảnh rất tinh vi [52, 217-218].
Có thể nói những ngôi chùa ở Lâm Đồng không cao to đồ sộ và cũng không được nổi tiếng như: Chùa Hương, chùa Một Cột hay chùa Phật Tích, và cũng chưa có bề dày lịch sử lâu đời như các chùa khác trong cả nước, như: Chùa Dâu, chùa Thiên Mụ, nhưng chùa ở Lâm Đồng có một vẻ đẹp riêng trước hết đó là vẻ đẹp kết hợp hài hòa với thiên nhiên. Cảnh sắc thiên nhiên như hòa lẫn với chùa, tạo vẻ đẹp vừa thiêng liêng vừa hùng vĩ, với lối kiến trúc theo kiểu á Đông kết hợp với lối cổ truyền dân tộc, xây dựng ở vị trí
ngoạn mục, gắn với thiên nhiên tạo thành cả một phong cảnh kiến trúc hoàn chỉnh có núi, có hồ, có cây cối, có nhà cửa... Cảnh đẹp sơn thủy hữu tình đã tôn lên vẻ đẹp của kiến trúc ngôi chùa. Đáp ứng yêu cầu của Phật giáo về tư tưởng giải thoát, từ bi, nhân ái và khuyến thiện
Thế nhưng, ngày nay dưới danh nghĩa phục hồi văn hóa truyền thống, khai thác cảnh đẹp của chùa chiền, tạo các điểm du lịch hấp dẫn để kinh doanh, thu lợi. Nhiều nơi đã quyên góp tiền của bà con tín đồ để tu sửa lại hệ thống chùa tháp, tạc khuôn tượng,