Phật giáo với đạo đức

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần nhân dân Lâm Đồng hiện nay doc (Trang 31 - 42)

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội bao gồm một hệ thống những quy tắc, những nguyên tắc, những chuẩn mực đạo đức xã hội. Nó xuất hiện do nhu cầu đòi hỏi của xã hội, nhờ đó mà con người tự nhận thức, tự điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Trong những quan hệ giữa con người với con người, cá nhân với xã hội.

Hay nói một cách khác Đạo đức là toàn bộ những quy tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, và trong quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội.

Theo giáo sư Trần Văn Giàu thì giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam tóm tắt thành mấy chữ: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa.

Nếu đạo đức xã hội truyền thống được nhận thức bằng những quan niệm như trên, thì Phật giáo có nhiều giá trị đạo đức tương đồng và giữa chúng có sự ảnh hưởng, thẩm thấu lẫn nhau. Đó là đạo đức Phật giáo đã đóng góp ít nhiều cho giá trị đạo đức truyền thống xã hội, tạo cho con người Việt Nam một sức mạnh để sống và tồn tại. Trên tinh thần đó có thể nói ảnh hưởng của Phật giáo đối với con người Việt Nam, biểu hiện rõ nét nhất ở tư tưởng đạo đức truyền thống, cũng như hành vi.

Là một bộ phận của cộng đồng người Việt Nam, người dân Lâm Đồng lẽ dĩ nhiên cũng chịu ảnh hưởng của Phật giáo và rõ nét nhất là trên phương diện đạo đức. Điều đó thể hiện.

Con người Lâm Đồng là sản phẩm của nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, với biết bao thuận lợi, khó khăn của cuộc sống, người dân Lâm Đồng luôn lấy tinh thần đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau làm cốt lõi, nền tảng, làm sợi dây gắn bó nhau lại để chống chọi với thiên nhiên, với giặc ngoại xâm, từng bước ổn định và xây dựng cuộc sống.

Vì thế truyền thống yêu nước chính là một nét đẹp trong tính cách con người Việt Nam nói chung, người dân Lâm Đồng nói riêng và điều đó đã hun đúc nên một tinh thần dân tộc bền vững, sâu sắc. Hơn lúc nào hết người dân Lâm Đồng hiểu rõ "Tổ quốc có độc lập, tôn giáo mới được tự do" [28, tr. 342], "Nước có thật độc lập, dân mới thật sự tự do tín ngưỡng" [27, tr. 195], chỉ có tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân, tôn giáo mới tồn tại được trong lòng dân tộc. Hiểu được điều đó ở Lâm Đồng có không ít những nhà tu hành đã tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù, có người đã giúp đỡ, che chở, bảo vệ những chiến sĩ cách mạng. Nhiều ngôi chùa trở thành căn cứ nuôi dấu cán bộ. Họ không còn thờ ơ với thời cuộc, mà ngược lại bằng những hành động cụ thể góp sức cùng với cả nước chống kẻ thù xâm lược. Đó cũng là nghĩa cử cao đẹp của các nhà tu hành, thể hiện bản chất con người Việt Nam.

Khi Tổ quốc bị xâm lăng, người phật tử không thể ngồi yên mà gõ mõ, tụng kinh, mặc cho kẻ thù giày xéo quê hương đất nước, người thân ruột thịt của mình. Họ đã "cởi áo cà sa, khoác chiến bào", tham gia cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù để bảo vệ Tổ quốc. ý thức như vậy và hành động như vậy, tăng ni, phật tử đã thể hiện đúng tinh thần "Vô ngã vị tha" của Đức Phật đó là: "Phật tử luôn quên mình để cứu độ chúng sinh" [59, tr. 50].

Việc cứu cả dân tộc, đất nước, cứu muôn dân trăm họ là công việc cấp bách hơn cả. Vì thế, trong cuộc kháng chiến chống pháp, Sư Thiện Chiếu đã viết đôi câu đối trước cửa chùa Linh Sơn, nơi Ông làm Giáo thụ "đạo Phật là nhập thế chứ không phải yếm thế, từ bi là sát sinh để cứu độ chúng sinh".

Phật giáo đã nắm bắt được và tiếp nhận giá trị đạo đức cơ bản của người Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước mà nó vốn không có. Xét cho cùng một đạo mà tư tưởng cơ bản là đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn thì sao không khỏi thông cảm sâu sắc với một dân

tộc bị đô hộ, bị áp bức, bóc lột. Vì lẽ đó, Phật giáo không phải là một học thuyết chính trị, nhưng tư tưởng cứu khổ, cứu nạn, quan niệm bi - trí - dũng của Phật giáo không đối lập với truyền thống yêu nước của dân tộc, mà đã cùng với dân tộc, với nhân dân lao động đấu tranh chống sự áp bức bóc lột, đấu tranh vì sự công bằng bác ái, và vì hạnh phúc của nhân dân.

Phật giáo Lâm Đồng cũng đã nắm bắt được điều đó và nhanh chóng tiếp thu chủ nghĩa yêu nước mà nó vốn không có thành mục tiêu hoạt động của mình, điều đó đã được thể hiện qua quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Điển hình là những sự kiện nổi bật trong phong trào đấu tranh của Phật giáo Lâm Đồng. Đó là Phong trào đấu tranh biểu tình của tăng ni, phật tử, sinh viên phật tử nhằm chống lại chế độ tay sai Ngô Đình Diệm đòi dân sinh, dân chủ và cuộc đấu tranh đó để lại những tấm gương hy sinh anh dũng đáng cho các thế hệ sau khâm phục. Lịch sử Phật giáo Lâm Đồng mãi tự hào với những gương hy sinh đóng góp sức người, sức của, của các tăng ni, phật tử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Điển hình là gương hy sinh anh dũng của Đại Đức Thích Thiện Mỹ, Đại đức Thích Quảng Thiện đã tự thiêu tại chùa Linh Sơn (Đà Lạt) để phản đối chế độ hà khắc Mỹ - Diệm năm 1963. Hay là gương hy sinh anh dũng của phật tử Đặng Thị Ngọc Tuyền đã gây ảnh hưởng lớn cho phong trào đấu tranh. Trước khi tự thiêu, phật tử Đặng Thị Ngọc Tuyền đã để lại 6 lá thư gửi cho những người cầm đầu nhà trắng Thiệu - Kỳ, những người lãnh đạo Giáo hội Phật giáo ở miền Nam, nhân dân Mỹ và những người yêu chuộng tự do trên thế giới. Đó là những tấm gương hy sinh thân mình để cứu nhân, độ thế của các bậc tăng, ni và những phật tử chân chính ở Lâm Đồng trong quá trình lịch sử đấu tranh dành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Trong cuộc đấu tranh đó nhiều ngôi chùa đã trở thành cơ sở của cách mạng nuôi dấu cán bộ hoạt động như chùa Linh Sơn (Đà Lạt), chùa Linh Giác (Đơn Dương), chùa Phước Huệ (Bảo Lộc). Thật đúng là "mái chùa che chở hồn dân tộc". Những hành động đáng khâm phục trên phải chăng đó cũng chính xuất phát từ tư tưởng hỷ xả của Phật giáo [11, tr. 15-17].

Có thể nói, phong trào đấu tranh của nhân dân và đồng bào phật tử Lâm Đồng đã gây một tiếng vang lớn, tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân trong toàn tỉnh, trong cả nước và trên toàn thế giới. Điều đó đã góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc.

Phát huy truyền thống đó, ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước, lòng yêu nước, yêu thương con người lại được đông đảo tăng ni,phật tử Lâm Đồng thể hiện qua hành động đó là hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào phật tử, làm giàu cho mình, làm giàu cho xã hội; tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là hoạt động từ thiện, sẵn sàng cưu mang và giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự trị an toàn xã hội. Thực hiện đúng tinh thần "đạo pháp - dân tộc - xã hội chủ nghĩa".

Yêu nước, gắn liền với yêu quê hương làng xóm. Tình cảm yêu quê hương, làng xóm đã trở thành một cái gì đó thiêng liêng đối với họ và điều này cũng thật dễ hiểu. Bởi lẽ, đa số người dân Lâm Đồng là những người xa xứ, vì thế, tình cảm đối với quê hương làng xóm là tình cảm thiết tha luôn thôi thúc họ. Dù đi đâu, về đâu người dân Lâm Đồng cũng nhớ về quê hương cội nguồn của mình, nhớ nơi chôn rau cắt rốn, quê hương đối với họ luôn là chùm khế ngọt.

Ta không ngạc nhiên vì sao trên đất Lâm Đồng lại có những tên gọi mang đậm sắc thái địa phương của từng miền, vùng (như Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Quảng Ngãi, Phù Cát, Phù Mỹ, Phúc Thọ). Điều đó cho thấy hoài niệm về quê hương làng xóm trong người dân Lâm Đồng không thể phai được, nó luôn nhắc nhở cho họ sống có trách nhiệm đối với mình, gia đình và quê hương làng xóm mình.

Rời xa quê hương bản quán lên sinh cơ, lập nghiệp ở vùng đất sơn nguyên hoang vu, đồi núi trùng điệp, những người dân Lâm Đồng hơn ai hết mong muốn tiếp nhận thêm nhiều đồng bào của mình từ mọi miền đất nước đến vùng đất lành này, sống quần cư, tạo ấp, lập làng ngày càng đông vui, xóa dần nỗi buồn xa xứ, phát huy sức mạnh cộng đồng để khai phá đất hoang, làm chủ thiên nhiên. Đây là tiền đề quan trọng để tạo nên tình đoàn kết giữa những nhóm cư dân từ nhiều miền khác nhau về đây cùng sinh sống. Nó giải thích vì sao người Lâm Đồng tuy có nhiều nguồn gốc khác nhau, phong tục tập quán và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, mà vẫn không hề có định kiến, phân biệt đối xử, vẫn sống đoàn kết, gắn bó với nhau trong tình quê hương, nghĩa đồng bào. Càng nhớ quê

hương, làng xóm người dân Lâm Đồng lại càng gắn bó nhau trong tình thương yêu, luôn sẵn sàng "đồng cam, cộng khổ", "chia ngọt sẻ bùi" với người xung quanh mình. Tình nhân ái được thể hiện qua cuộc sống hàng ngày khi "tắt lửa tối đèn" với quan niệm "bán anh em xa, mua láng giềng gần" và "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn", họ đã biết bỏ qua những phong tục, tập quán, lối sống khác nhau, để đoàn kết nhau lại, tạo nên một cuộc sống cộng đồng chung.

Với tinh thần "tương thân tương ái", "thương người như thể thương thân" người dân Lâm Đồng luôn sống với nhau có tình có nghĩa, có trách nhiệm, không làm ngơ trước cái khổ của người khác. Trái lại, luôn dốc tâm, dốc sức để làm phúc, làm thiện, giúp đỡ người hoạn nạn và lấy đó làm điều kiện giải thoát cho mình, mong sao trời, đất, thần, Phật chứng dám ban cho mọi sự tốt lành, để rồi "giúp người người lại giúp cho", "cứu người phúc đẳng hà sa".

Hơn lúc nào hết, dù trong khốn khó, càng trong khốn khó, người dân Lâm Đồng càng sống nhân ái, thủy chung. Thiên tai, bão lụt, mất mùa... càng làm sáng ngời tình tương thân, tương ái của họ. Sự đùm bọc lẫn nhau trong những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, đó là một nghĩa cử cao đẹp, trong tình làng, nghĩa xóm ở họ. Tình cảm đó đã được người dân Lâm Đồng phát huy trong những hành động, nghĩa cử cao đẹp như ủng hộ đồng bào bão lụt, chăm sóc người già, người neo đơn, bệnh tật, giúp đỡ người nghèo, người hoạn nạn, xây dựng nhà tình nghĩa...

Sống có tình, có nghĩa, có đạo đức, làm điều tốt, điều thiện không còn là điều xa lạ đối với người dân Lâm Đồng, mà ngược lại được xem là nếp sống văn hóa, là chuẩn mực đạo đức của người dân Lâm Đồng. Nó thực sự là giá trị đạo đức truyền thống hết sức quý báu hình thành nên nhân cách và lối sống của người dân Lâm Đồng làm giàu thêm nền văn hóa truyền thống dân tộc.

Mặc dù còn nhiều người dân Lâm Đồng nói chung, phật tử nói riêng chưa hiểu thấu đáo "Tứ diệu đế, "Ngũ giới", "Thập giới", "Bát chính đạo" của nhà Phật, vì nó có phần cao siêu, thần bí và khó hiểu đối với họ. Có thể họ không biết cặn kẽ "thuyết nghiệp báo luân hồi", nhưng họ có thể tin điều đó dưới góc độ luân lý đạo đức được mọi người thừa nhận và xem đó là chuẩn mực. Họ tin rằng "ở hiền thì sẽ gặp lành" và "ở ác thì sẽ

tan tành như ma". Họ tin vào sự khuyến thiện, trừng ác, họ lo tu tập để tạo nhiều công đức, lo giữ giới, ăn chay, lo làm điều thiện. Họ tự giác, giác tha cũng vì lẽ đó "muốn hạnh phúc và tốt lành hãy hướng tới cái thiện, hãy làm nhiều việc nghĩa. Muốn công danh và sự nghiệp thành đạt phải quan tâm học hành rèn luyện" [58, tr. 34].

Điều đó có tác dụng hoàn thiện đạo đức cá nhân, tạo ra những con người có nhân cách trong sáng. Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chi Minh cho rằng: Khổng Tử có đạo tu thân, Giêsu có lòng bác ái, đạo Phật có lòng từ bi... Đó là những giá trị đạo đức hướng con người đến một lẽ sống thiện hơn.

Phật cũng chỉ rằng: "Lấy oán trả oán, oán oán chồng chất, lấy ân trả oán, oán tự tiêu tan". Với tư tưởng này Phật giáo đã làm cho xã hội ổn định con người sống đầy lòng nhân ái, yêu thương, sống không hận thù, chém giết lẫn nhau và đối với người dân Lâm Đồng trong quan hệ cộng đồng đối xử với nhau nhẹ nhàng, nhường nhịn, "chín bỏ làm mười" làm cho cuộc đời bớt đi sự gây gổ, hiềm khích. Chính điều đó đã làm cho Phật giáo hấp dẫn và gắn bó thấm sâu vào trong mỗi người dân Lâm Đồng như sữa hòa với nước. Giáo sư Trần Văn Giàu đã ca ngợi đạo đức Phật giáo:

Tôi muốn cùng các bạn tuyên dương, nhất là trong hoàn cảnh lịch sử hiện giờ khi khói lửa chiến tranh nổi lên trên 50 xứ trên thế giới, oán thù dân tộc và tôn giáo ngất trời, tôi muốn cùng cán bạn tuyên dương đạo đức của Phật giáo mà Nítsơ ca ngợi một cách cảm động: Chống tư tưởng phục thù, chống tư tưởng oán ghét, chống hằn học. ở đây đạo đức Phật giáo tỏ ra đẹp quá, người quá [22, tr. 247].

Với Phật không ai là tiểu nhân, là quân tử, cũng không có quân, không có dân, không có sự phân chia giai cấp, Phật quả là gần gũi công bằng. Với Phật, còn là cả một niềm từ bi, bác ái, không có hằn học, oán ghét phục thù đó cũng là điều phù hợp với bản chất của dân tộc Việt Nam. Phật kêu gọi tự giác, giác tha, không những để giải quyết nỗi khổ của mình mà còn phải cứu nhân độ thế. ở đây thể hiện chủ nghĩa nhân đạo lớn lao và có phần tích cực, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân nói chung và người dân Lâm Đồng nói riêng, và đó cũng là điểm chính yếu trong nhiều nguyên nhân Phật giáo gắn bó được với quần chúng.

Làm thiện, từ bi, cứu khổ, cứu nạn, bố thí, là những bộ phận hợp thành tư tưởng và hành vi Phật giáo, thương yêu con người, cứu giúp những người cùng khổ, là những giá trị nhân đạo, nhân văn trong tư tưởng đạo đức Phật giáo. Tư tưởng và hành vi này là những nét đẹp trong một xã hội mà ở đó cảnh khổ của con người còn nhiều, cần có sự cứu vớt, là những nét đẹp cao thượng trong một xã hội mà cơ chế thị trường đã tạo nên một số người có lối sống ích kỷ, vụ lợi. coi trọng đồng tiền, coi đồng tiền là thước đo nhân phẩm, hạnh phúc con người. Tất cả điều đó phù hợp với truyền thống nhân đạo, thương người như thể thương thân của đạo lý con ngươi Việt Nam.

Chính vì thế mà nhiều giá trị đạo đức Phật giáo mang tính nhân loại phổ biến, được nhiều người, trong đó có người dân Lâm Đồng thừa nhận. Những giá trị nhân đạo, nhân văn này gặp gỡ truyền thống đạo đức nhân ái "thương người như thể thương thân"

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống văn hóa tinh thần nhân dân Lâm Đồng hiện nay doc (Trang 31 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)