Từ nhiều thập kỉ trước, câu hỏi chỉ số chứng khoán của một quốc gia có phải là một phong vũ
biểu hàng đầu của một nền kinh tế hay không đã thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả
và các nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu trên thế giới. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm tìm kiếm mối liên hệ giữa các biến vĩ mô và chỉ số chứng khoán ở nhiều quốc gia khác nhau. Như Chen và các cộng sự (1986) sử dụng lý thuyết kinh doanh chênh lệch giá (APT) được phát triển bởi Ross (1976) đã tìm thấy mối liên hệ trực tiếp giữa chỉ số chứng khoán thị
trường Mĩ với các biến kinh tế vĩ mô quan trọng của nền kinh tế như sản lượng công nghiệp,
lãi suất và lạm phát.
Trong những năm gần đây với sự phát triển của kĩ thuật phân tích đồng liên kết đã cung cấp
một công cụ mới thuận tiện hơn cho các nhà nghiên cứu trong việc kiểm định mối quan hệ giữa
các biến vĩ mô trong nền kinh tế với chỉ số chứng khoán của một quốc gia. Ví dụ như Kwon và
Shin (1999) đã sử dụng kĩ thuật đồng liên kết của Engel-Granger cùng với kiểm định nhân quả
của Granger đã tìm thấy mối liên hệ đồng liên kết giữa chỉ số chứng khoán với một tập hợp các
biến vĩ mô của nền kinh tế như chỉ số sản xuất, tỉ giá, lượng cung tiền và cán cân thương mại.
Maysia và Kok (2000) cũng sử dụng kiểm định đồng liên kết Johansen trong mô hình hiệu
chỉnh sai số (VECM) và đã tìm ra mối quan hệ đồng liên kết giữa thị trường chứng khoán Singapore và năm biến vĩ mô khác trong nền kinh tế.
Vì thế, đề tài sử dụng kiểm định nhân quả Granger và mô hình kiểm định đồng liên kết đối với
các biến bao gồm: chỉ số VN-Index (VNI), biến tỉ lệ lạm phát (CPI), biến lãi suất huy động
(DR), biến tỉ giá USD/VND (EX), biến sản lượng công nghiệp (ID), biến tổng lượng cung tiền
(M2), và biến tổng mức bán lẻ hàng hoá (RT) để trả lời cho câu hỏi “ VN-Index có phải là phong vũ biểu thật sự của nền kinh tế Việt Nam hay không?”
Số liệu nghiên cứu được lấy theo dữ liệu tháng bắt đầu từ tháng 1/2004 cho đến tháng 5/2007.
Chỉ số VN-Index được lấy từ Dragon Capital, tỉ lệ lạm phát CPI, lãi suất huy động, tỉ giá
USD/VND, tổng lượng cung tiền M2 được lấy từ số liệu thống kê của IMF còn sản lượng công
nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hoá được lấy từ website của Tổng cục Thống kê.