Mục tiêu đặt ra là cần hình thành các vùng kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, gắn với nhu cầu của thị trường. Chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH là quá trình chuyển biến căn bản về phân công lao động xã hội theo lãnh thổ. Xoá bỏ tình trạng chia cắt về thị trường giữa các vùng; xoá bỏ tình trạng tự cung tự cấp, đặc biệt là tự cung, tự cấp về lương thực của từng vùng, từng địa phương. Mỗi địa phương cần đặt mình trong một thị trường thống nhất, không chỉ là thị trường cả nước mà còn là thị trường quốc tế, trên cơ sở đó xác định những khả năng, thế mạnh của mình để tập trung phát triển, tham gia vào quá trình phân công và hợp tác lao động có hiệu quả. Trong đề tài này, chúng tôi đưa ra 1 vài giải pháp cụ thể với từng vùng kinh tế: Vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế khó khăn, vùng kinh tế biển như sau
1. Đối với 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, Miền Trung và Phía Nam)
- Cần hình thành một số tập đoàn kinh tế lớn với quy mô lớn và trình độ cao. - Tập trung phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên cơ sở phát huy năng lực hiện có và xây dựng thêm một số cơ sở mới để tạo ra động lực cho quá trình phát triển.
- Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, nhất là mạng lưới các tuyến đường cao tốc và các mạng giao thông liên vùng để tạo thế phát triển liên vùng và hợp tác quốc tế.
- Phát triển tiềm lực về khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, sản xuất vật liệu mới, phát triển dịch vụ chất lượng cao như bưu chính viễn thông, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng.
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
2. Đối với các vùng khó khăn
- Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, trước hết là mạng lưới giao thông, thủy lợi, cung cấp nước sạch, cấp điện, phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
- Huy động các nguồn lực đầu tư tạo điều kiện bứt phá để từng bước thu hẹp khoảng cách với trình độ phát triển chung của cả nước.
- Phát triển mạng lưới an sinh xã hội trợ giúp cho các đối tượng thu nhập thấp và người nghèo. Tăng cường dạy nghề, tạo việc làm, giảm nhẹ sức lao động và tăng thu nhập cho phụ nữ. Đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo ở các vùng khó khăn.
3. Phát triển nhanh kinh tế biển
- Xây dựng hệ thống giao thông, cảng biển, cơ sở kinh tế ven biển, kết hợp với xây dựng thế trận bảo vệ bờ biển, vùng biển.
- Đầu tư các ngành nuôi trồng và khai thác hải sản, vận tải biển, du lịch, khai thác và chế biến dầu khí thành những bộ phận nòng cốt của kinh tế biển.
Bên cạnh đó, chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH còn gắn với quá trình hình thành các trung tâm kinh tế thương mại, gắn liền với quá trình đô thị hoá. Mặt khác, việc quy hoạch xây dựng các khu đô thị, trung tâm kinh tế, thương mại có
ảnh hưởng trực tiếp trở lại tới quá trình chuyển dịch CCKT. Quy trình đó có thể biểu diễn qua mối quan hệ sau đây:
CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn → Lao động dư thừa → Đưa vào đào tạo → Xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất tại địa phương → Cơ cấu kinh tế của các địa phương thay đổi → Đô thị hình thành.