- Các giá trị văn hóa tinh thần:
1.2.1. Tính tất yếu khách quan của việc kế thừa
Kế thừa là một trong những vấn đề có tính quy luật của phủ định biện chứng, là cầu nối giữa cái cũ và cái mới. Với ý nghĩa đó tìm hiểu vấn đề kế thừa có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Theo từ điển tiếng Việt: Kế thừa là sự thừa hưởng, giữ gìn và tiếp tục phát triển những cái có giá trị tinh thần [57, tr. 509]. ‘‘Phát huy’’ là làm cho cái hay, cái tốt tỏa tác dụng.
Bách khoa thư triết học xem “Kế thừa là mối liên hệ giữa những giai đoạn hay nấc thang phát triển khác nhau, mà bản chất của mối liên hệ đó là bảo tồn những yếu tố này hay yếu tố khác của chỉnh thể” [1, tr. 360]
Đại học bách khoa toàn thư Liên Xô (cũ) cho rằng: “Kế thừa là mối liên hệ giữa các hiện tượng trong quá trình phát triển trong đó có cái mới lột bỏ cái cũ, giữ lại trong mình một số yếu tố của cái cũ”[12, tr. 360]
Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan đều luôn nằm trong quá trình vận động, biến đổi và phát triển không ngừng theo những quy luật nhất định. Một trong những quy luật chung, biểu hiện khuynh hướng của sự phát triển, là quy luật phủ định của phủ định mà kế thừa là một đặc trưng cơ bản. Tính kế thừa thực chất chính là “mối liên hệ tất yếu khách quan giữa mới và cũ trong quá trình phát triển” [56, tr.269]. Trong mối quan hệ đó, cái mới luôn ra đời, thay thế và phủ định cái cũ, nhưng giữa chúng lại có mối liên hệ khăng khít với nhau, đó là sự kế thừa của cái mới đối với cái cũ. Ăngghen khẳng định: “Phủ định trong phép biện chứng, không phải chỉ có ý nghĩa giản đơn là nói: không, hoặc giả là tuyên bố rằng một sự vật không tồn tại, hay phá hủy sự vật ấy theo một cách nào đó” mà “sự phủ định trong đó có sự phát triển” [32, tr. 201]. Quá trình phủ định diễn ra không phải là sự phủ định siêu hình, phủ định sạch trơn mà là sự phủ định biện chứng, đó là “quá trình tự thân phủ định, tự thân phát triển, là mắt khâu trên con đường dẫn tới sự ra đời của cái mới, tiến bộ hơn so với cái cũ bị phủ định” [21, tr. 333]. Phủ định biện chứng mang hai đặc trung cơ bản, đó là: tính khách quan và tính kế thừa.
Tính khách quan của phủ định biện chứng thể hiện ở chỗ: phủ định là kết quả của quá trình giải quyết mâu thuẫn nội tại bên trong sự vật, chứ không phải do sự áp đặt từ bên ngoài. Phủ định biện chứng là sự phủ định mang tính kế thừa. Với nghĩa đó, phủ định đồng thời cũng là khẳng định. Giá trị của kế thừa biện chứng được quy định bởi vai trò của nó trong sự ra đời của cái mới. Không có cái mới nào lại ra đời từ hư vô.
Nhờ việc giữ lại những nhân tố tích cực của cái bị phủ định - tức là nhờ có kế thừa - mà cái mới có tiền đề cho sự xuất hiện của mình.
Phát triển chính là sự vận động theo khuynh hướng đi lên từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, từ lạc hậu đến tiến bộ. Kết quả của quá trình vận động đó là sự ra đời của sự vật mới hoàn thiện hơn sự vật cũ. Trong quá trình này, những yếu tố tích cực của cái cũ được giữ lại, cải biến để tham gia vào sự vật. Phát triển không phải là bước đi thuần túy mà là một khuynh hướng trải qua nhiều giai đoạn bao hàm trong nó những bước đi quanh co, phức tạp. Tuy nhiên, sự phát triển đó không phải diễn ra theo đường thẳng mà theo đường xoáy ốc. Đề cập đến vấn đề này, V.I. Lênin viết: “Sự phát triển hình như diễn lại những giai đoạn đã qua nhưng dưới một hình thức khác, ở một trình độ cao hơn (“phủ định của phủ định”); sự phát triển có thể nói là theo đường trôn ốc chứ không phải theo đường thẳng” [27, tr. 65]
Như vậy, kế thừa là một trong những đặc trưng quan trọng, phổ biến của quy luật phủ định của phủ định. Nó là sự biểu hiện mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới trong quá trình phát triển của sự vật: cái mới tuy phủ định cái cũ nhưng là một sự phủ định có kế thừa. Cụ thể hơn, kế thừa chính là mối liên hệ giữa các giai đoạn hay giữa các cấp độ khác nhau trong sự phát triển của sự vật. Sự kế thừa biểu hiện ở chỗ, một hay nhiều yếu tố của sự vật được bảo tồn khi sự vật chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Kế thừa là nhân tố bên trong của sự phát triển. Không thể nói đến sự phát triển mà tước bỏ đi tính kế thừa, cũng không thể nói đến kế thừa mà tách rời khỏi sự phát triển. Kế thừa là sự bảo tồn những đặc điểm, đặc tính của một sự vật và hiện tư- ợng cũ trong quá trình phát triển. Còn phát triển không chỉ là sự bảo tồn mà còn là sự mở rộng, bổ sung, hoàn thiện và nâng cao về chất những đặc điểm, đặc tính vốn có trong sự vật và hiện tượng. Như vậy, “để phát triển được bao giờ cũng cần có sự kế thừa, tức là bảo tồn, giữ lại những đặc điểm, đặc tính của đối tượng để trên cơ sở đó mở rộng, nâng cao trình độ, còn phát triển chính là sự kế thừa tốt nhất, tích cực nhất” [20, tr.35]. Mặt khác, kế thừa phải luôn gắn liền với lọc bỏ và đổi mới. Ngay cả đối
với nhân tố tích cực của cái bị phủ định được giữ lại, nó vẫn được duy trì dưới dạng lọc bỏ, chứ không phải bê nguyên xi, không phê phán, không cải tạo và không phải lắp ghép một cách máy móc cái cũ vào cái mới. Nếu kế thừa mà không gắn với đổi mới và lọc bỏ thì sự kế thừa đó không thể làm xuất hiện cái mới tiến bộ hơn, hoàn thiện hơn cái cũ mà cùng lắm chỉ lặp lại cái cũ một cách phiến diện hơn.
Trong tự nhiên, tính kế thừa được biểu hiện, chẳng hạn như những nhân tố vô cơ được giữ lại khi chuyển sang giới tự nhiên hữu cơ. Trong sự phát triển của xã hội, tính kế thừa cũng được biểu hiện rõ nét, mà lịch sử phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là một minh chứng. Trong tư duy, sự phát triển của các hình thái ý thức xã hội như khoa học, triết học, nghệ thuật, đạo đức, pháp quyền...cũng thể hiện rõ tính kế thừa trong nhận thức của con người qua các thời đại lịch sử khác nhau.
Chủ nghĩa Mác đã kế thừa và cải tạo cả chủ nghĩa duy vật siêu hình lẫn phép biện chứng duy tâm để xây dựng nên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Tất nhiên, học thuyết của Mác cũng không phải là tuyệt đối, bất di bất dịch, không phải là một cái gì đã xong xuôi mà nó cần không ngừng được bổ sung và phát triển trong điều kiện mới theo quan điểm kế thừa.
Như vậy, qua sự phân tích ở trên, chúng ta thấy rõ rằng: kế thừa, đổi mới là một quá trình mang tính quy luật, biểu hiện đặc trưng của sự phát triển bất kể đó là sự phát triển trong tự nhiên, xã hội hay tư duy. Tuy nhiên, trong mỗi lĩnh vực cụ thể, tính kế thừa có những đặc thù riêng. Quy luật kế thừa không phải chỉ biểu hiện về mặt thời gian, không gian, mối liên hệ giữa truyền thống và hiện đại, quá khứ và tương lai mà cả trong không gian. Việc kế thừa không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia, một dân tộc. Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay thì kế thừa còn bao hàm cả sự tiếp thu có chọn lọc, có phê phán những tinh hoa trong nền văn hóa nhân loại nhưng đồng thời phải cải biến cho phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc mình như Đảng ta khẳng định: “Tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, song phải luôn coi trọng những
giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, quyết không được tự đánh mất mình trở thành bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác” [13, tr.30]. Quá trình kế thừa những giá trị tạo nên bản sắc văn hóa của một dân tộc cũng có những đặc thù riêng của nó.