Chuyển nhượng CP

Một phần của tài liệu Thực trạng pháp luật Việt Nam về CP trong quá trình thành lập và hoạt động của CTCP (Trang 34 - 36)

Với số vốn bỏ ra để mua CP của công ty, cổ đông không nhất thiết phải gắn bó lâu dài với công ty nếu họ không muốn. Một trong những điểm nổi bật của cổ đông trong CTCP, thể hiện tính ưu việt của loại hình CTCP đó là cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng CP. Với ưu thế này làm cho cơ cấu cổ đông của công ty thay đổi rất linh hoạt. Quyền chuyển nhượng CP bao gồm mua bán, tặng cho, để lại, thừa kế.

Về nguyên tắc, các CP của CTCP được tự do chuyển nhượng trừ hai trường hợp ngoại lệ được quy định tại khoản 3 điều 81 và khoản 5 điều 84 của LDN 2005. Cụ thể như sau:

- Trường hợp 1: Cổ đông sở hữu CP ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng CP đó cho người khác. Tức là tổ chức được chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng CP ưu đãi biểu quyết mà mình nắm giữ cho người khác. Sau thời hạn 3 năm CP ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển thành CP phổ thông. Tuy nhiên, CP ưu đãi biểu quyết của tổ chức được chính phủ ủy quyền thì không có một quy định rõ ràng trong LDN 2005, do đó cần thiết phải có quy định làm sáng tỏ nội dung này.

-Trường hợp 2: Đây là một quy định hạn chế việc chuyển nhượng CP phổ thông của cổ đông sáng lập. Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng CP phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng CP phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập, nếu được sự chấp thuận của ĐHĐCĐ. Cổ đông dự định chuyển nhượng CP

không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các CP đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Quy định này của luật doanh nghiệp là hợp lý. Đối với CP phổ thông của cổ đông sáng lập tính tự do chuyển nhượng CP vẫn được phép trong quan hệ chuyển nhượng giữa các cổ đông với nhau. Bởi đây là những người đã tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản điều lệ đầu tiên của CTCP nên họ thường có sự thống nhất ý chí trong việc cùng nhau phát triển công ty.

Sau 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với CP phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ. Pháp luật có quy định những hạn chế như vậy, là nhằm ràng buộc đồng thời đề cao trách nhiệm của cổ đông sáng lập trong giai đoạn thành lập công ty. Hạn chế này có tác dụng hữu hiệu trong việc ngăn chặn tình trạng các sáng lập viên thành lập công ty với mục đích nào đó như lừa đảo, chiếm đoạt vốn của những người góp vốn mua CP. Sau khi đạt được mục đích, họ bán CP của mình đi để mặc cho công ty không có ai quản lý.

Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng văn bản theo cách thông thường hoặc bằng cách trao tay CP. Giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Bên chuyển nhượng vẫn là người sở hữu CP có liên quan cho đến khi tên của người nhận chuyển nhượng đăng ký vào sổ đăng ký cổ đông.

LDN năm 2005 còn dự liệu cả trường hợp chỉ chuyển nhượng một số CP trong cổ phiếu có ghi tên. Khi đó cổ phiếu cũ bị hủy bỏ và công ty phát hành cổ phiếu mới ghi nhận số CP đã chuyển nhượng và số CP còn lại. Đây là quy định rất mới, thể hiện những tiến bộ của luật doanh nghiệp trong việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh về CTCP.

Như vậy, việc đưa ra các trường hợp hạn chế như trên đối với cổ đông sáng lập và cổ đông sở hữu CP ưu đãi biểu quyết theo luật định là cần thiết, để CTCP phát triển và đảm bảo tính ổn định.

Một phần của tài liệu Thực trạng pháp luật Việt Nam về CP trong quá trình thành lập và hoạt động của CTCP (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(57 trang)
w