Hoạt động giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân.

Một phần của tài liệu Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân theo pháp luật hiện hành (Trang 29 - 32)

Theo Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và Hiến pháp năm 1980 trong cơ cấu tổ chức bộ máy Nhà nước Việt Nam không có tổ chức Thường trực HĐND. Thường trực HĐND là cơ quan mới được thành lập và tổ chức thực hiện thí điểm trong giai đoạn của Hiến pháp năm 1980. Đến Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1989 thì các quy định về Thường trực HĐND đã được ghi nhận trong một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn nghị định. Theo quy định của Luật này Thường trực HĐND là cơ quan đảm bảo việc tổ chức các hoạt động của HĐND. Trước đây UBND với tư cách là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan Nhà nước ở địa phương thì đồng thời cũng là cơ quan Thường trực của HĐND, Chủ tịch UBND cũng đồng thời là Chủ tịch Ủy ban thường vụ của Hội đồng, UBND thực hiện tất cả các chức năng gọi là

thường vụ, thường trực như việc: tổ chức việc chuẩn bị và triệu tập các kỳ họp HĐND, điều hòa phối hợp hoạt động của các Ban của HĐND, phối hợp với các ban xây dựng các đề án trình HĐND xét và quyết định, giữa hai kỳ họp HĐND được xét và giải quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trừ những vấn đề chỉ do kỳ họp giải quyết.

Nguyên nhân của những thay đổi này là do UBND phải gánh vác một khối lượng không nhỏ các công việc liên quan đến hoạt động hành chính nhà nước mà không có điều kiện tổ chức, điều hòa hoạt động của HĐND, thực hiện chức năng thường vụ, Thường trực được phân giao, hơn nữa để phát huy dân chủ, tăng cường hiệu lực của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nên tại kỳ họp thứ 5 ngày 30 tháng 6 năm 1989, Quốc hội khóa VIII của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1989 với đổi mới là thành lập Thường trực HĐND ở cấp tỉnh và cấp huyện. Qua thời gian tồn tại Thường trực HĐND tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng của mình, góp phần không nhỏ vào hoạt động của HĐND nói chung và vào hoạt động giám sát nói riêng.

Theo Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND các cấp đã được quy định một cách cụ thể với hướng mở rộng. Hiện nay, Thường trực HĐND tỉnh không chỉ có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban mà còn là một chủ thể giám sát của HĐND. Trên cơ sở quy định đó, Thường trực HĐND ở các địa phương đã góp phần tích cực vào hoạt động giám sát, thể hiện trước hết ở việc chuẩn bị nội dung phục vụ kỳ họp, triệu tập, điều hành các kỳ họp khá chu đáo và nghiêm túc. Chính hoạt động này đã góp phần đảm bảo việc giám sát tại kỳ họp đi vào trọng tâm, dành thời gian cần thiết để giải quyết những vấn đề nổi cộm của tình hình kinh tế xã hội cũng như ý kiến thắc mắc, khiếu nại của cử tri đặt ra. từ đó nâng cao chất lượng giám sát, tránh được tràn lan thiếu hiệu lực, hiệu quả.

Để thực hiện vai trò chỉ đạo điều hòa phối hợp hoạt động của các Ban, Thường trực HĐND tại địa phương đã chú trọng và luôn quan tâm theo sát hoạt động giám sát của các Ban như tham dự đầy đủ các cuộc họp để bàn bạc chương trình, chuẩn bị kế hoạch giám sát, đóng góp ý kiến về những lĩnh vực cần quan tâm theo dõi, thống nhất kế hoạch làm việc và chỉ đạo quá trình thực hiện công tác giám sát.

Không chỉ làm công tác điều hành phối hợp mà Thường trực HĐND còn chủ động tổ chức các cuộc giám sát. Ví dụ như trong năm 2005 Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức được 25 đợt, 6 tháng đầu năm 2006 tổ chức được 17 đợt. Qua giám sát Thường trực HĐND tỉnh đã phát hiện nhiều bất cập tồn tại, yếu kém của các đơn vị, các ngành, các cấp như tốc độ tăng trưởng thiếu bền vững, vùng nguyên liệu chư ổn định, nợ tồn đọng các doanh nghiệp và nợ xây dựng cơ bản còn lớn, tốc độ xây dựng một số công trình không đảm bảo…Qua đó Thường trực HĐND đã có những kiến nghị yêu cầu các ngành chức năng nghiên cứu đưa ra các giải pháp khắc phục, hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. [28, tr.2]

Về công tác xem xét giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân:

Trong các nhiệm kỳ trước, hoạt động này còn mang tính hình thức, và làm nhiệm vụ “kính chuyển” đến cơ quan hữu quan có trách nhiệm giải quyết, còn hậu quả như thế nào thì hầu như không biết. Trong những năm gần đây, HĐND các địa phương đã có nhiều bước cải tiến, đưa công tác này vào nề nếp. Công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đều được cán bộ đón tiếp, hướng dẫn, giải thích đầy đủ, đúng pháp luật với thái độ nhiệt tình có trách nhiệm. Đối với những nội dung khiếu nại, tố cáo có cơ sở xem xét, Thường trực HĐND tiếp nhận đơn, hồ sơ để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời đôn đốc họ phải sớm trả lời công dân theo quy định của pháp luật.

Ví dụ điển hình là tại Quận tân Bình TP. Hồ Chí Minh, theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2004 -2009 Thường trực HĐND quận đã tổ chức gần 1.100 cuộc

tiếp xúc để các đại biểu HĐND quận, phường tiếp xúc với trên 45.000 lượt cử tri, qua đó lắng nghe, ghi nhận trên 3.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề bức xúc về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cải cách hành chính, bồi thường giải phóng mặt bằng, an sinh xã hội, an ninh trật tự... (trong đó, có trên 76% ý kiến, kiến nghị của cử tri được lãnh đạo UBND quận, phường giải trình do liên quan đến thẩm quyền giải quyết của quận, phường, số ý kiến còn lại được chuyển kịp thời đến các cơ quan hữu quan để trả lời cho cử tri tường tận). Riêng việc tổ chức tiếp công dân và hoạt động giám sát của HĐND quận cũng làm khá bài bản. Thường trực HĐND quận đã tổ chức tiếp gần 600 lượt công dân, tiếp nhận trên 260 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến tranh chấp đất đai, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng..., tiến hành trên 150 cuộc giám sát, khảo sát liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng cơ bản, ngân sách, cải cách hành chính, ô nhiễm môi trường...[29].

Tóm lại, nhờ vào sự chỉ đạo và phối hợp thường xuyên của Thường trực HĐND trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân nên phần lớn các kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo được các ngành chức năng giải quyết kịp thời, tình trạng tồn đọng và gửi thư vượt cấp giảm đáng kể. Kết quả đó góp phần rất lớn vào việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo niềm tin cho cử tri đối với hoạt động của HĐND.

Một phần của tài liệu Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân theo pháp luật hiện hành (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(61 trang)
w